BARI. ĐTC và các vị Thượng Phụ và thủ lãnh nhiều Giáo Hội Đông Phương đã cử hành Ngày suy tư và cầu nguyện cho hòa bình tại Trung Đông tại Bari sáng 7-7-2018.
Hưởng ứng sáng kiến của ĐTC và đến tham dự, có các thủ lãnh của 19 Giáo Hội Kitô Trung Đông, gồm Chính Thống, Chính Thống Đông Phương, Chính Thống Siriac, và 6 Thượng Phụ Công Giáo.
ĐTC Phanxicô đã chọn thành phố Bari làm nơi cử hành Ngày suy tư và cầu nguyện cho hòa bình ở Trung Đông vì thành Bari có hài cốt của Thánh Nicola, GM thành Smyrne hồi thế kỷ thứ 4 bên Thổ Nhĩ kỳ đã được 64 thủ thủy thành Bari đưa về đây năm 1087. Thánh nhân rất được các tín hữu Kitô Đông phương tôn kính. Ngoài ra thành Bari, hiện có 325 ngàn dân cư, vẫn được coi là ngã tư của các dân nước và là phòng thí nghiệm đối thoại, tại đây có Trung tâm Đại Kết Salvatore Manna, Học viện thần học của các cha dòng Đa Minh và nhiều sáng kiến khác. Bari cũng được coi là cửa sổ hướng về đông phương, là điểm gặp gỡ giữa các tín hữu Công Giáo và Chính Thống, và là nơi thu hút nhiều tín hữu hành hương đến từ các nước Đông Âu. Cũng tại đây nhiều văn kiện quan trọng về sự hiệp nhất Kitô đã được phê chuẩn.
Mỗi năm có hơn 1 triệu tín hữu và du khách đến Bari. Tầng hầm Vương cung thánh đường thánh Nicola có thể chứa được 250 người. Mỗi thứ năm, khi các tín hữu Chính Thống Nga cử hành phụng vụ, thì tầng hầm này đầy người. Các tín hữu Chính Thống Nga đông nhất, rồi tới người Rumani, Hy lạp và Giorgia. Nhưng cũng có cả các tín hữu Chính Thống đến từ Etiopia và Eritrea bên Phi Châu.
Viếng hài cốt thánh Nicola
Lúc quá 8 giờ sáng, ĐTC đã chào thăm các Thượng Phụ trớc Vương cung thánh đường thánh Nicola, trước hàng ngàn tín hữu tụ tập trước thánh đường. Vào bên trong, ngài đã chào thăm cộng đoàn các cha dòng Đa Minh được ủy thác cai quản Thánh đường, trước khi xuống hầm đền thờ. Tại đây cái đèn hình con thuyền có một ngọn lửa được đốt lên, hình con thuyền tượng trưng cho Giáo Hội. Trên truyền có thánh Nicola và trên vai thánh nhân có 2 chén thánh tượng trưng Giáo Hội Đông Phương và Giáo Hội Tây Phương, với những chữ viết bằng tiếng Hy Lạp và la tinh, ghi lại ước nguyện của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly: ”Ước gì chúng được nên một”. Hai chén này được đựng các dầu khác nhau, chứng tỏ các nghi lễ khác nhau họp thành Giáo Hội, tượng trưng sự phong phú của Giáo Hội.
Buổi cầu nguyện cho hòa bình
Sau nghi thức viếng mộ, ĐTC và các Thượng Phụ ra ngoài thánh đường để lên xe bus đi tới khu vực vòng cung cạnh bờ biển, gọi là Rotonda, cạnh đường Giannella. Hàng chục ngàn tín hữu đã có mặt sẵn tại đây, họ đứng dọc theo con đường ven biển, và vài trăm người khác đứng trước lễ đài có mái che, lưng quay ra biển.
ĐTC và 19 thượng phụ ngồi thành hàng dài trên lễ đài, phía sau lưng là Thánh giá lớn và ảnh Thánh Nicôla.
Lời dẫn nhập của ĐTC
Trong lời dẫn nhập buổi cầu nguyện vào lúc 9 giờ rưỡi, ĐTC nói:
”Chúng ta đến hành hương tại Bari, cửa sổ mở toang hướng về Đông Phương, mang trong tâm hồn các Giáo Hội, các dân tộc chúng ta và nhiều người đang sống trong những tình cảnh rất đau thương. Chúng ta nói với họ: ”Chúng tôi gần gũi anh chị em”.
”Anh chị em thân mến, tôi chân thành cám ơn anh chị em đã đến đây với lòng quảng đại và mau mắn. Và tôi rất biết ơn tất cả anh chị em đang đón tiếp chúng tôi tại thành phố này, thánh phố gặp gỡ và đón tiếp.
Trong hành trình chung, Mẹ Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta, ở đây Mẹ được tôn kính dưới tước hiệu là Odegitra, nghĩa là Vị Chỉ Đường. Tại đây có hài cốt thánh Nicola, vị GM Đông Phương, rất được tôn kính, vượt lên trên các biển khơi và ranh giới giữa các Giáo Hội. Xin Thánh Nhân, vị làm phép lạ, chuyển cầu để chữa lành các vết thương mà bao nhiêu người đang mang trong lòng. Tại đây chúng ta chiêm ngắm chân trời và biển cả, và chúng ta cảm thấy được thúc đẩy để sống ngày này với tâm trí hướng về Trung Đông, ngã tư của các nền văn hóa và là chiếc nôi của các tôn giáo độc thần lớn.
”Tại đó Chúa đã đến viếng thăm chúng ta, Người là ”mặt trời mọc lên từ trên cao” (Lc 1,78). Từ đó ánh sáng đức tin đã lan tỏa trên toàn thế giới. Từ đó đã nảy sinh những dòng nước mát linh đạo và đời đan tu. Tại đó các nghi lễ cổ kính, có một không hai, được bảo tồn cùng với những phong phú khôn lường của nghệ thuật thánh và thần học, ở đó có gia sản của các giáo phụ trong đức tin. Truyền thống này là một kho báu cần phải được chúng ta hết sức bảo tồn, vì tại Trung Đông có căn cội của chính tâm hồn chúng ta.
Thảm trạng Trung Đông
”Nhưng trên vùng Trung Đông huy hoàng ấy có một màn đen dầy đặc bao phủ, nhất là trong những năm gần đây: chiến tranh, bạo lực và tàn phá, chiếm đóng và những hình thức cực đoan, cưỡng bách di cư và bỏ rơi, tất cả diễn ra trong sự thinh lặng của bao nhiêu người và với sự đồng lõa của bao nhiêu người khác. Trung đông đã trở thành phần đất của những người rời bỏ quê hương của mình. Và có nguy cơ sự hiện diện của các anh chị em chúng ta trong đức tin bị xóa bỏ, làm biến dạng chính miền này, vì một Trung Đông không có tín hữu Kitô, thì sẽ không còn là Trung Đông nữa.
”Ngày hôm nay bắt đầu bằng kinh nguyện, xin ánh sáng của Chúa phá tan bóng đen trên thế giới. Trước mộ thánh Nicola, chúng tôi đã thắp lên cây đèn một ngọn, biểu tượng của Giáo Hội duy nhất. Ngày hôm nay, cùng nhau chúng tôi muốn thắp lên một ngọn lửa hy vọng. Ước gì những cây nến sáng chúng ta sẽ đặt trở thành dấu chỉ một ánh sáng còn chiếu tỏa trong đêm tối. Thực vậy, các tín hữu Kitô là ánh sáng thế gian (Xc Mt 5,14) không những khi mọi nơi chung quanh đều sáng ngời, nhưng cả khi trong những lúc đen tối của lịch sử, họ không cam chịu bóng đen bao trùm, nhưng nuôi dưỡng tim đèn hy vọng bằng dầu kinh nguyện và tình thương. Vì khi chúng ta giơ tay lên cao để cầu nguyện và khi chúng ta giơ tay ra cho anh em mà không tìm kiếm tư lợi, thì ngọn lửa của Thánh Linh, Thánh Thần hiệp nhất, Thánh Thần an bình, sẽ cháy sáng và chiếu tỏa.
”Hiệp nhau chúng ta cùng cầu nguyện kể khẩn cầu Chúa Tể Trời Cao ơn hòa bình, ơn mà người kẻ hùng mạnh trên trái đất này chưa tìm được. Từ dòng sông Nilo đến thung lũng sông Giordan, và xa hơn, tiến qua sông Oronte cho đến sông Tigre và Eufrate, vang dội tiếng kêu của Thánh Vịnh: ”Hòa bình xuống trên bạn!” (1,22,8). Chúng ta hãy lập lại cho những anh chị em đang chịu đau khổ và những bạn hữu của mọi dân tộc, và tín ngưỡng: ”Xin hòa bình ở trên các bạn!”. Cùng với tác giả thánh vịnh, chúng ta đặc biệt khẩn cầu cho Jerusalem, Thành Thánh được Thiên Chúa yêu thương và đang bị thương vì con người, Chúa vẫn còn khóc thương và nói: ”Hòa bình xuống trên ngươi!
”Hãy có hòa bình!”: đó là tiếng kêu của bao nhiêu Abel ngày nay đang vọng lên trước tòa Chúa. Chúng ta không thể để cho người ta nói về họ, tại Trung Đông cũng như các nơi khác trên thế giới, rằng ”Tôi đâu có phải là người canh giữ em tôi!?” (St 4,9). Sự dửng dưng giết hại và chúng ta muốn là tiếng nói chống lại sự giết người bằng sự dửng dưng. Chúng ta muốn lên tiếng thay cho những người không có tiếng nói, cho những người chỉ có thể nuốt lệ, vì Trung Đông ngày nay đang khóc, đang đau khổ và thinh lặng, trong khi những người khác chà đạp nó và tìm kiếm quyền hành và của cải. Chúng ta cầu nguyện cho những người bé nhỏ, đơn sơ, và bị thương: ”xin cho anh chị em được hòa bình! Thiên Chúa của mọi an ủi (2 Cr 1m3), chữa lành những con tim tan vỡ và băng bó các vết thương (Xc Tv 147,3) lắng nghe lời cầu nguyện của chúng con”!
Cầu nguyện
Sau lời dẫn nhận của ĐTC, các vị thủ lãnh các Giáo Hội lần lượt xướng lên những lời khẩn nguyện, bằng các thứ tiếng địa phương, xin Chúa thương ban hòa bình cho Trung Đông, xen kẽ đó là hai bài đọc Sách Thánh và Tin mừng, và các thánh ca.
Cuối buổi cầu nguyện, một đoàn các trẻ em đã mang những ngọn nến sáng lên lễ đài để trao cho ĐTC và các Thượng Phụ để các vị đặt trên giá.
Sau buổi cầu nguyện, các vị trở lại Vương cung thánh đường để tham dự cuộc gặp gỡ đối thoại trong 2 tiếng đồ.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news