G. Trần Đức Anh OP – Vatican
ĐTC Phanxicô bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Il Sole24, Mặt trời 24, chuyên về kinh tế tài chánh ở Italia, số ra ngày 7-9-2018.
Phê bình thứ kinh tế thờ tiền bạc
ĐTC tái phê bình xu hướng tôn thờ tiền bạc như ”thần tượng” và nói rằng nền kinh tế ngày nay ”giết người” vì ”con người không được đặt ở vị trí trung tâm nữa” và việc kiếm tiền trở thành mục tiêu chính yếu và duy nhất của các hoạt động kinh tế tài chánh. Qua hướng đi như thế, người ta tạo nên ”những cơ cấu nghèo đói, nô lệ và những người bị gạt bỏ”. Có những người sai lầm khi nghĩ rằng phải kiếm tiền bằng tiền bạc. Nhưng tiền bạc đích thực là điều chúng ta kiếm được bằng lao động. Chính lao động mang lại phẩm giá cho con người, chứ không phải là tiền bạc.
ĐTC nhận xét rằng ”nạn thất nghiệp tại nhiều nước Âu Châu hiện nay chính là hậu quả của một chế độ kinh tế không có khả năng kiến tạo công ăn việc làm, vì nó đặt ở nơi trung tâm một thần tượng, được gọi là tiền bạc”.
Cổ võ sự phát triển trong tinh thần liên đới
Trong cuộc phỏng vấn, ĐTC cổ võ một sự phát triển toàn diện và nói rằng ”Cần phát triển tình liên đới và thực thi một trật tự kinh tế mới, không tạo ra những người bị gạt ra ngoài lề nữa, nhờ làm cho hoạt động kinh tế được phong phú nhờ quan tâm đến những ngừơi nghèo và giảm bớt những chênh lệch. Để được vậy chúng ta cần có can đảm và tinh thần sáng tạo”.
ĐTC cũng cảnh giác rằng nguyên việc theo đuổi lợi nhuận không còn bảo đảm cho đời sống xí nghiệp nữa và các nhân viên kinh tế không thể không nghe những tiếng kêu của người nghèo. Vì thế, theo ĐTC, trong xí nghiệp, ngoài việc huấn luyện chuyên nghiệp, còn cần có một sự đào tạo về các giá trị như: tình liên đới, công bằng, phẩm giá, sự lâu bền, để làm cho tư tưởng và khả năng hoạt động được thêm phong phú. Ngoài ra trong viễn tượng một sự phát triển có chiều kích môi sinh, cần có sự đồng qui nhiều hoạt động như chính trị, văn hóa, xã hội, sản xuất”.
Lắng nghe tiếng kêu của người nghèo
Về tiếng kêu của những người nghèo, trong cuộc phỏng vấn, ĐTC nêu nhận xét: người nghèo làm cho bao nhiêu người, nhất là những người sống sung túc cảm thấy khó chịu. Ngoài ra, sẽ không có tương lai an bình cho nhân loại, nếu không chấp sự khác biệt, tình liên đới và không xác tín về nhân loại như một gia đình duy nhất. Ngài không quên nhắc đến thảm trạng của bao nhiêu người và kêu gọi nhìn đến những người đang trốn chạy lầm than và đói khổ, và ngài mời gọi giới doanh nhân, chủ xí nghiệp cũng như các tổ chức Âu Châu đừng thiếu tinh thần đặc sắc, óc sáng kiến.
Sau cùng, về việc đón tiếp những ngừơi di dân và tị nạn, ĐTC nói: ”Những lời đáp lại những người kêu cứu, tuy quảng đại, nhưng có lẽ chúng không đủ và ngày nay chúng ta phải khóc thương hàng ngàn người đã bỏ mình trên đường di cư. Đã có quá nhiều im lặng trong vấn đề này. Tuy nhiên, ĐTC nhấn mạnh rằng những người di dân cần phải tôn trọng văn hóa và các luật lệ của những nước đón nhận họ, như thế cả hai bên đều tiến bước trong hành trình hội nhập và khắc phục những lo âu và sợ hãi đối với nhau”.
Chúng ta là đôi mắt, đôi tay của Thiên Chúa
ĐTC kết luận rằng: Chúa Giêsu đã hứa phục hồi và giải thoát tất cả những ngừơi bị áp bức trên thế giới. Chúa cần đôi mắt chúng ta để thấy sự túng thiếu của các anh chị em. Chúa cần đôi tay chúng ta để cứu giúp, Chúa cần tiếng nói của chúng ta để để tố giác những bất công phạm trong âm thần, nhiều khi với sự đồng lõa với những tội ác đã phạm; Chúa cần con tim chúng ta để niểu lộ lhòng thương xót của ngài đối với những người rốt cùng, những người bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài lề xã hội”
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news