Đức ki-tô phục sinh: Người Bạn đồng hành của Ki-tô hữu

ĐỨC KI-TÔ PHỤC SINH:

NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH CỦA KI-TÔ HỮU

 

Trước khi về trời, Đức Giê-su phục sinh đã hiện ra với các môn đệ tại Ga-li-lê và nhắn nhủ các ông rằng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20).

 

 

“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” là lời khẳng định chắc thực của Chúa Giê-su về sự tiếp tục hiện diện của Ngài trên trần thế sau khi Ngài đã sống lại và lên trời. Sự hiện diện ấy của Chúa Giê-su phục sinh đã được các môn đệ yêu dấu chứng thực thông qua các hành động như hiện ra với các ông và các phụ nữ đạo đức, đồng bàn và trò chuyện với họ… Hai trình thuật điển hình: một là cuộc hiện ra với các môn đệ và cho Tô-ma chạm tới vết thương của Ngài (x. Ga 20, 19-31), hai là câu chuyện Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau (x. Lc 24, 13-35).  

    

Thực ra, trước những cuộc hiện ra kỳ lạ và bất thường của Đấng Phục sinh các môn đệ vừa run sợ, vừa kinh ngạc, nhưng cũng vừa vui mừng. Các ông chưa có kinh nghiệm nhiều về sự kiện phục sinh và về con người được phục sinh. Bởi vì Đức Giê-su Na-gia-rét, sau biến cố phục sinh từ cõi chết sống lại, không còn là “xác thịt” nữa, trái lại Ngài đã biến đổi và trở thành Thần Khí. Ngài không còn bị ràng buộc bởi thời gian và bị giới hạn bởi không gian nữa. Ngài có thể hiện diện một cách diệu kỳ, khắp nơi khắp chốn và với mọi người.

 

Về điều này, trước khi bước vào cuộc thương khó và tử nạn, Chúa đã từng loan báo cho môn đệ việc Ngài sẽ mau trở lại: “Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy được” (Ga 16, 23).

 

          Vậy đã rõ, sau cuộc Phục sinh, Chúa Ki-tô vẫn tiếp tục hiện diện, hành động và đồng hành với Hội thánh Tân Ước do Ngài thiết lập, củng cố và nuôi dưỡng. Ngài cũng đồng hành với từng thành viên trong Hội thánh là Nhiệm Thể Chúa Ki-tô, trong đó có mỗi người tín hữu chúng ta. Thánh Phao-lô đã chia sẻ cảm nghiệm sự hiệp thông gắn bó với Chúa Ki-tô như sau: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 20).

 

Chúng ta biết rằng, nhờ đức tin và phép rửa, chúng ta được gia nhập Cộng đoàn cứu rỗi của Chúa Ki-tô. Chúng ta là phần tử của Hội thánh nên chúng ta thuộc về Chúa và thuộc về nhau. Mặc dù chúng ta đang sống trong thân xác yếu hèn này, nhưng chúng ta vẫn có Chúa đồng hành trên con đường lữ thứ trần gian. Chúng ta hoàn toàn không cô đơn và lẻ loi.  

 

          Đức Ki-tô là vị Mục Tử luôn đồng hành với chúng ta, Ngài rất nhân hậu, như lời trong Thánh vịnh 22 đã bày tỏ: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì./ Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ./ Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi./ Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người” (Tv 22 1-3).

 

Ki-tô hữu trước hết là người được Chúa kêu gọi để trở thành bạn-đồng-hành của Ngài. Chúa luôn quan tâm đến việc kết bạn với mọi người, nhất là với những ai thao thức về Ngài và về những công việc của Ngài. “Anh em là bạn hữu của Thầy...Thầy không còn  gọi anh em là tôi tớ nữa...Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu... ” (x.Gio 15, 14-15); “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em...” (Gio 14,18).

 

Thực vậy, việc gặp gỡ Chúa Ki-tô Phục sinh trong đời thường là điều có thực, như trường hợp hai môn đệ làng Emmau: “Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ” (Lc 14-15). Đang khi hai môn đệ Em-mau thao thức về Chúa của họ thì Chúa xuất hiện và đồng hành với họ.

 

“Cảm nghiệm về Đấng Phục Sinh của hai môn đệ trên đường đi về làng Emmaus cũng có thể diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mỗi tín hữu Kitô. Đấng Phục Sinh luôn là người đồng hành với chúng ta. Trên mọi nẻo đường của cuộc sống chúng ta, Ngài luôn đi bên cạnh kể chuyện, hỏi han, tra vấn và tham dự vào mọi sinh hoạt của chúng ta. Cuộc sống của mỗi ngày chính là nơi Ngài đến để gặp gỡ con người. Cuộc sống mỗi ngày mới là nơi hẹn hò của Đấng Phục Sinh với con người, là bởi vì cuộc sống ấy không bao giờ có thể làm cho con người thỏa mãn...

 

“Ngày nay, trong từng biến cố của cuộc sống chúng ta, Chúa Kitô Phục Sinh cũng đang đến và đồng hành với chúng ta trong từng sinh hoạt và gặp gỡ của chúng ta. Ngài có mặt trong từng niềm vui và nỗi khổ của chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận Ngài như người bạn đồng hành, chuyện vãn và chia sẻ với chúng ta, đôi mắt đức tin của chúng ta sẽ mở ra, và lúc đó, trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống”. [1]

 

Nhưng nhiều Ki-tô hữu chúng ta đã và đang trải qua những chuỗi ngày sống trong vô vọng, mất phương hướng. Chúng ta cũng đọc kinh, xem lễ, chịu các bí tích...nhưng lòng chúng ta khô cứng, lạnh lẽo và vô cảm. Phải chăng Chúa bỏ rơi chúng ta? Hay chúng ta đánh mất Chúa? Câu trả lời sẽ do chúng ta tự biết.

 

Dù thế nào đi nữa, Chúa vẫn yêu ta và đồng hành với ta. Cách thế để chúng ta nhận ra Ngài, đón nhận Ngài, thân thiết với Ngài, đó là chúng ta phải khiêm tốn lắng nghe Chúa nói qua Thánh Kinh, qua các giáo huấn của Hội thánh, qua các biến cố của cuộc sống. Chúng ta cũng phải cầu nguyện liên lỉ và chân thành, phải siêng năng nhiệt tình lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa Giải, phải sống đức tin và lòng mến của mình một cách triệt để.    

 

Thực vậy, “Ngày nay, Đức Kitô Phục sinh vẫn ở bên cạnh chúng ta mà chúng ta không nhận ra Ngài như trường hợp hai môn đệ đi làng Emmau. Nhưng chúng ta chỉ nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin. Ngài hiện diện khắp nơi trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố, nhất là nơi những người anh chị em chúng ta. Trong cuộc sống Kitô hữu, khi nào cũng có Chúa đồng hành. Một khi đã có Chúa hiện diện ngay bên, chúng ta còn sợ gì? Thánh Phêrô lặp lại lời Đức Giêsu đã khuyên để trấn an các tín hữu: “Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến” (1Pr 3,14; Kh 1,17; 2,10). Hãy sống xứng đáng với danh hiệu là con cái Chúa Phục sinh”./. [2]

 

Aug. Trần Cao Khải

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

THAM KHẢO & TRÍCH DẪN:

            [1]Bài “Chúa đồng hành với ta trên mọi nẻo đường”, nguồn: Internet

            [2]LM Đinh Lập Liễm, bài “Đồng hành với Chúa Phục sinh”,

Nguồn: simonhoadalat.com