Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: Suy tư về sự chết

 

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI: SUY TƯ VỀ SỰ CHẾT

ĐGH. Phaolô VI

WGPPD (26.11.2023) - “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi” (2Tm 4.6). “Tôi chắc chắn rằng tôi sẽ sớm phải rời khỏi căn lều này của mình” (x. 2Pr 1,14). “Giờ đã điểm. Ngày đã gần.” (Ez. 7,7)

Những suy tư hiển nhiên trên đây cho tôi thấy cuộc sống này chỉ là tạm thời. Đó là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Càng ngày tôi càng tiến gần tới điểm kết thúc, buộc phải chọn lựa. Sẽ là thiếu khôn ngoan khi đối diện với số phận không thể tránh khỏi này một cách mù quáng: trước sự tàn phá tai hại nó cuốn theo, trước sự biến đổi bí ẩn sắp hoàn thành trong bản thể, trước những gì sắp diễn ra.

Tôi thấy suy tư cần thiết này lại trở nên cực kỳ riêng tư: tôi là ai? Tôi còn lại những gì? Tôi sẽ đi về đâu? Do đó, nó mang tính cực kỳ đạo đức: tôi phải làm gì? Trách nhiệm của tôi là gì? Tôi cũng thấy rằng đặt hết hi vọng vào cuộc sống hiện tại thật là vô ích; với cuộc đời này, những bổn phận và những kỳ vọng mang tính thực dụng và chốc lát; những hy vọng phải đặt ở đời sau.

Tôi thấy suy tư hết sức quan trọng này không thể diễn ra trong độc thoại chủ quan, trong bi kịch thông thường của con người vì khi càng sáng tỏ thì bóng tối bao trùm số phận càng lớn; ngược lại, nó phải diễn ra trong cuộc đối thoại với Thực tại Thần linh, nơi tôi xuất phát và là nơi tôi chắc chắn sẽ trở về; theo ngọn đèn mà Chúa Kitô đặt vào tay chúng ta cho chặng đường vĩ đại. Con tin, ôi lạy Chúa.

Thời giờ đã đến

Tôi có linh cảm điều này được một thời gian rồi. Hơn cả sự mệt mỏi về thể xác mà tôi sẵn sàng bỏ lại bất cứ lúc nào. Đó là bi kịch về trách nhiệm của tôi dường như gợi ý tôi rời khỏi thế giới này như một giải pháp được an bài, để Đấng Quan Phòng thực hiện và dẫn dắt Giáo hội đến những chân trời tốt đẹp hơn. Vâng, Đấng Quan Phòng có nhiều cách để can thiệp vào trò chơi phi thường của những hoàn cảnh, vốn thôi thúc sự bất toàn của tôi; nhưng tiếng mời gọi tôi bước sang cuộc sống khác là hiển nhiên, để những người khác tiếp quản một cách hợp lý hơn và không bị ràng buộc bởi những khó khăn hiện tại. Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng.

“Hãy bước đi khi trời còn sáng” (Ga 12,35).

Này đây: Khi đến hồi kết, tôi muốn được ở trong ánh sáng. Thông thường, khi cuộc sống tạm bợ này kết thúc, nếu không bị che mờ bởi bệnh tật, thì vẫn có ánh sáng mập mờ: đó là những ký ức, dù đẹp như thế, hấp dẫn như thế, đầy hoài niệm như thế mà bây giờ quá rõ chỉ để tố cáo quá khứ không thể phục hồi của chúng và chế nhạo sự hồi tưởng vô vọng về chúng. Có ánh sáng vạch trần nỗi thất vọng về một cuộc sống dựa trên những của cải phù vân và những hi vọng hão huyền. Có ánh sáng vạch trần những điều mờ ám và giờ đây hối hận cũng vô ích. Có ánh sáng khôn ngoan khi cuối cùng người ta chợt thấy tất cả chỉ là phù vân và giá trị của các nhân đức lẽ ra phải có trên đời: “Phù vân đều là phù vân”.

Lòng biết ơn

Về phần tôi, cuối cùng tôi muốn có một quan niệm tóm tắt và sáng suốt về thế giới và cuộc đời: Thiết nghĩ quan niệm này nên được thể hiện bằng lòng biết ơn: Tất cả đều là quà tặng, tất cả đều là ân sủng; và toàn cảnh đi qua mới đẹp làm sao; nó quá đẹp. Đẹp đến mức chúng ta đã để mình bị thu hút và mê hoặc, trong khi lẽ ra nó phải xuất hiện như một dấu chỉ và lời mời gọi. Nhưng, trong mọi trường hợp, lời cáo biệt phải được thể hiện bằng một hành động ghi nhận lớn lao và giản dị. Đúng hơn, đó là lòng biết ơn: cuộc sống tạm bợ này, bất chấp những khó khăn, những bí ẩn đen tối, những đau khổ, hay cả định mệnh chóng qua này, thì nó vẫn là một sự kiện đẹp vô cùng, một điều kỳ diệu luôn độc đáo và cảm động; một biến cố đáng được ca hát trong niềm hân hoan và vinh quang: Ôi sự sống, sự sống con người! Không kém phần đáng ca ngợi và ngạc nhiên hạnh phúc là bức tranh bao quanh cuộc đời con người: thế giới bao la, huyền bí, tráng lệ, vũ trụ này với muôn ngàn sức mạnh, muôn ngàn quy luật, muôn ngàn vẻ đẹp, muôn ngàn chiều sâu... Đó là một bức tranh toàn cảnh đầy mê hoặc. Nó có vẻ giống như một khung cảnh sa hoa vô cùng vô tận.  

Ở cái nhìn gần như hồi tưởng này, tôi cảm thấy hối tiếc vì đã không chiêm ngưỡng bức tranh này cho đủ, vì đã không quan sát những điều kỳ diệu của thiên nhiên, sự phong phú đáng kinh ngạc của thế giới vĩ mô và vi mô xứng đáng được hưởng.

Tại sao tôi chưa nghiên cứu, khám phá, chiêm ngưỡng đủ căn phòng nơi cuộc sống diễn ra? Thật là sự xao lãng không thể tha thứ được, thật là sự hời hợt đáng trách! Tuy nhiên, ít nhất trong giây phút lâm chung, phải thừa nhận rằng thế giới được Ngài tạo ra thật là kỳ diệu. Xin tạm biệt và tán dương thế giới này vào giây phút cuối cùng. Vâng, với sự ngưỡng mộ vô cùng; và, như đã nói, với lòng biết ơn: tất cả đều là quà tặng; đằng sau cuộc sống, đằng sau thiên nhiên, vũ trụ này, ẩn chứa đức Khôn ngoan; và tiếp theo, tôi xin nói trong lời từ biệt sáng láng này (Ngài đã mặc khải cho chúng con, ôi Chúa Kitô) đó là Tình yêu! Bối cảnh thế giới này là kế hoạch của Thiên Chúa Sáng tạo, mà ngày nay còn nhiều người chưa biết. Đấng ấy được gọi là Cha chúng ta ở trên trời! Xin tạ ơn, ôi lạy Chúa, tạ ơn và tôn vinh Ngài, ôi Cha của chúng con!

Trong cái nhìn cuối cùng, tôi nhận ra khung cảnh hấp dẫn và bí ẩn này là một tiếng vang, phản chiếu Ánh sáng uyên nguyên và duy nhất; đó là mặc khải tự nhiên về sự phong phú và vẻ đẹp phi thường, một sự khởi đầu, một khúc dạo đầu, một dự đoán, một lời mời gọi chiêm ngưỡng Mặt trời vô hình chưa ai từng thấy (x. Ga 1,18): Con Một, Đấng ở cung lòng Chúa Cha, Ngài đã mặc khải cho chúng ta. Chớ gì được như vậy.

Nhưng trong cảnh hoàng hôn thấp thoáng này, một ý nghĩ khác, điềm báo về bình minh vĩnh cửu, xâm chiếm tâm hồn tôi. Đó là nỗi lo lắng tận dụng giờ thứ mười một, nghĩa là làm gấp một điều gì đó quan trọng trước khi quá muộn. Làm thế nào để sửa chữa những hành động xấu, làm thế nào để bù đắp thời gian đã mất, làm thế nào để nắm bắt được khả năng lựa chọn cuối cùng này là “điều duy nhất cần thiết”?

Lòng thống hối

Sau lời tôn vinh hướng về Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và là Cha của chúng ta, là tiếng tôi kêu xin lòng thương xót và ơn tha thứ của Ngài. Chớ gì, ít nhất tôi biết thực hiện điều này: con cầu xin lòng nhân lành của Chúa và thú nhận tội lỗi của con với khả năng cứu rỗi vô hạn của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con; Xin Chúa Kitô thương xót chúng con; xin Chúa thương xót chúng con.

Ở đây, câu chuyện cuộc đời tội nghiệp hiện lên trong tâm trí. Một mặt, cuộc đời được dệt nên bởi mạng lưới vô số những lợi ích, bắt nguồn từ lòng tốt không thể diễn tả được (tôi hy vọng một ngày nào đó được chiêm ngưỡng và “mãi ca hát”); và mặt khác, nó cũng bị vượt qua bởi một mạng lưới những hành động đau khổ mà người ta không muốn nhớ đến. Đó là những thiếu sót, bất toàn, sai lầm, ngu ngốc, lố bịch. “Lạy Chúa, Chúa biết sự ngu dại của con” (Tv 68,6). Sự tội nghiệp, còi cọc, hẹp hòi, nhỏ mọn, rất cần sự kiên nhẫn, đền bù và lòng thương xót vô hạn. Đối với tôi, lời Thánh Augustinô tổng hợp luôn mang vẻ tột cùng: sự khốn cùng và lòng thương xót. Sự khốn nạn của tôi với lòng thương xót của Chúa. Xin cho con ít nhất giờ đây biết tôn vinh Chúa là ai. Ngài là Thiên Chúa nhân lành vô cùng. Xin Chúa đón nhận con, xin tôn vinh Lòng Thương Xót vô cùng ngọt ngào của Chúa.

Thiện chí

Và cuối cùng là một hành động thiện chí: không còn nhìn lại phía sau, nhưng sẵn sàng, đơn giản, khiêm tốn, mạnh mẽ thực hiện bổn phận xuất phát từ những hoàn cảnh mà con đang sống, theo ý muốn của Chúa.

Hãy làm ngay. Làm tất cả. Làm tốt. Hãy làm một cách vui vẻ: những gì Ngài muốn ở tôi bây giờ, ngay cả khi vượt quá sức bản thân và thậm chí đòi mạng tôi. Cuối cùng, vào giờ cuối cùng này.

Tôi cúi đầu và nâng tâm hồn lên. Lạy Thiên Chúa, con hạ mình và tôn vinh Ngài, “bản tính của Ngài là tốt lành” (Thánh Lêô). Trong đêm canh thức cuối cùng này, xin cho con tôn thờ Chúa, Thiên Chúa hằng sống và chân thật, Đấng ngày mai sẽ là thẩm phán của con. Xin cho con dâng lên Chúa lời khen ngợi mà Chúa mong muốn nhất bằng danh xưng Chúa ưa thích nhất: Chúa là Cha.

Rồi tôi nghĩ khi đối diện với cái chết, thầy dạy khôn ngoan về cuộc sống, thì sự kiện vĩ đại nhất đối với tôi, cũng như đối với những người may mắn, là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, là chính Sự sống. Mọi thứ ở đây sẽ phải được xem xét lại dưới ánh sáng mặc khải mà “ngọn đèn của sự chết” mang lại cho một cuộc gặp gỡ như vậy. Thực vậy, chẳng gì sinh ích cho chúng ta nếu nó không giúp cho ta được ơn cứu độ. Đây là sự khám phá trong lời công bố Tin Mừng Phục Sinh; đây là tiêu chuẩn để đánh giá mọi sự liên quan đến cuộc đời cũng như số phận thực sự và duy nhất của con người. Nó không được xác định nếu không ở trong trật tự quy về Chúa Kitô: Ôi lòng thương xót tuyệt vời mà tình yêu Chúa dành cho chúng con! Những điều kỳ diệu, mầu nhiệm của đời sống chúng con trong Chúa Kitô. Đây niềm tin, đây hy vọng, đây tình yêu hát mừng sự ra đời và cử hành tang lễ cho con người. Lạy Chúa, con tin, con hi vọng, con yêu mến nhân danh Chúa.

Và rồi tôi tự hỏi: tại sao Ngài lại gọi con, tại sao Ngài lại chọn con? Một kẻ quá bất toàn, quá miễn cưỡng, quá nghèo nàn về tâm hồn và trí tuệ như thế? Tôi biết: Thiên Chúa đã chọn những gì là yếu đuối với thế gian để không ai có thể tự hào trước mặt Thiên Chúa (1Cr 1, 27-28). Việc Ngài chọn tôi cho thấy hai điều: sự nhỏ bé của tôi; sự tự do, lòng nhân từ và quyền năng của Ngài. Điều đó không dừng lại bất chấp tôi bất trung, khốn khổ hay khả năng phản bội Chúa: “Lạy Chúa, lạy Chúa của con, con dám nói... trong niềm hân hoan của Chúa, con sẽ nói một cách quả quyết: nếu Chúa không phải là Thiên Chúa, Chúa sẽ bất công, vì chúng con đã phạm tội nặng nề... và Chúa đã xoa dịu Chúa. Chúng con chọc giận Chúa, nhưng thay vào đó Chúa lại dẫn chúng con tới lòng thương xót!” (PL. 40, 1150)

Và này đây con đến phục vụ Ngài, đây con đến với Tình yêu của Ngài. Này con đây trong trạng thái thăng hoa, không còn cho phép mình rơi vào tâm lý bản năng của một người tội nghiệp, nếu không phải để nhắc nhở về thực tế bản thân và đáp lại với niềm tin tưởng vô bờ bến, mà con phải thưa lên: “Amen; xin vâng; Ngài biết con yêu mến Ngài, chớ gì được như vậy, chớ gì được như vậy. Ngài biết là con yêu mến Ngài”.

Một trạng thái căng thẳng xâm chiếm và xác định trong một hành động vĩnh viễn với lòng chung thủy tuyệt đối mong muốn phục vụ vì yêu:  yêu cho đến cùng. “Không có gì có thể tách con ra khỏi Ngài.” Đừng để con tách khỏi Ngài. Vào lúc hoàng hôn cuộc đời, thay vì mơ ước được nghỉ ngơi và thanh thản, thì ngày càng phải nỗ lực trong sự tỉnh thức, tận hiến và đợi chờ. Thật khó; nhưng đây chính là cách mà cái chết đánh dấu mục đích cuộc lữ hành trần thế. Nó tạo thành cầu nối cho cuộc gặp gỡ vĩ đại với Chúa Kitô trong cuộc sống vĩnh cửu. Tôi dồn mọi sức lực cuối cùng và không rút lui khỏi hồng ân đã được hoàn tất, khi nghĩ đến Chúa: mọi sự đã hoàn tất…

Tôi nhớ lại lời Chúa báo trước cho Phêrô về cái chết của vị tông đồ: “Quả thật, quả thật, thầy bảo cho con biết... khi con về già, con sẽ dang tay ra cho người ta trói và dẫn con đến nơi con không muốn”. Ngài nói điều này để ám chỉ thánh nhân sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa, và sau khi nói điều này, Ngài nói thêm: “Hãy theo Thầy” (Ga 21, 18-19).

Tôi theo Ngài; và tôi thấy rằng mình không thể bí mật rời khỏi thế giới này; hàng ngàn sợi dây ràng buộc tôi với gia đình nhân loại, hàng ngàn sợi dây với cộng đồng, đó là Giáo hội. Những sợi dây này sẽ tự đứt; nhưng tôi không thể quên một số bổn phận tối cao chờ đợi mình.

“Cái chết lành”.

Tôi nhớ lại việc Chúa Giêsu rời bỏ khung cảnh thế giới này như thế nào. Điều đáng lưu ý là Ngài đã liên tục tiên báo và cảnh báo về cuộc khổ nạn của mình, cách Ngài đếm thời gian trong khi chờ đợi “giờ của mình”, cách nhận thức về những vận mệnh cánh chung tràn ngập tâm hồn và lời dạy của Ngài cũng như cách Ngài nói về cái chết cận kề của mình cho các môn đệ trong bài diễn từ tiệc ly; và cuối cùng Ngài muốn cái chết ấy được tưởng nhớ vĩnh viễn thông qua việc thiết lập Bí tích Thánh Thể: Hãy loan truyền Chúa chịu chết cho đến khi Ngài đến.

Một khía cạnh chính yếu hơn tất cả những khía cạnh khác: Ngài đã hiến mình vì tôi; cái chết của Ngài là lễ hiến tế; Ngài đã chết vì tha nhân, Ngài đã chết vì chúng ta. Cái chết cô đơn ấy tràn ngập sự hiện diện của chúng ta, tràn ngập tình yêu: Ngài yêu mến Giáo hội (Nhớ “Mầu nhiệm của Giêsu” của Pascal). Cái chết ấy mạc khải tình yêu của Ngài dành cho những kẻ thuộc về mình: Ngài yêu họ đến cùng. Và, Ngài đã trao ban một tấm gương hết sức ấn tượng về tình yêu khiêm nhường và vô bờ bến vào cuối cuộc đời trần thế (x. Việc rửa chân), và Ngài đã đưa ra kết luận và giới răn cuối cùng về tình yêu của Ngài. Cái chết của Ngài là minh chứng cho tình yêu. Cần phải ghi nhớ điều này.

Vì vậy, tôi cầu xin Chúa ban cho tôi ân sủng để biến cái chết sắp tới của mình thành một món quà tình yêu cho Giáo hội. Tôi có thể nói rằng tôi luôn yêu mến Giáo hội; chính tình yêu của Ngài đã đưa tôi ra khỏi lòng ích kỷ hẹp hòi và ngông cuồng của mình và đưa tôi đến phục vụ Ngài; tôi dường như đã sống vì điều đó, không vì lý do nào khác. Nhưng tôi muốn Giáo hội biết điều này; và rằng tôi đã có đủ sức mạnh để nói với Ngài, như một niềm tin chân thành, điều mà chỉ vào giây phút cuối cùng của cuộc đời người ta mới có đủ can đảm để làm điều đó. Cuối cùng tôi muốn hiểu Giáo hội trong tất cả lịch sử, trong kế hoạch thiêng liêng, trong vận mệnh cuối cùng, trong thành phần phức tạp, tổng thể và thống nhất, trong tính nhất quán nhân bản và không hoàn hảo, trong những bất hạnh và đau khổ, trong những yếu đuối và khốn khổ với nhiều người con, trong những khía cạnh kém dễ chịu hơn, và trong nỗ lực lâu năm của Giáo hội về lòng chung thủy, tình yêu, sự hoàn thiện và lòng bác ái.

Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Tôi muốn ôm lấy, chào đón, yêu mến trong mọi sinh linh tạo thành Giáo hội, nơi mọi Giám mục và Linh mục trợ giúp và hướng dẫn, trong mọi linh hồn sống động và minh họa; xin chúc phúc cho Giáo hội. Cũng bởi vì tôi không rời xa, tôi không rời bỏ Giáo hội, nhưng càng ngày tôi càng kết hợp và hòa nhập với Giáo hội: cái chết là sự tiến bộ trong mầu nhiệm các thánh cùng thông công.

Ở đây cần nhớ lời cầu nguyện cuối cùng của Chúa Giêsu (Ga 17). Cha và những người Cha ban cho con; tất cả đều là một; trong cuộc đối diện với cái ác trên trần gian và khả năng họ được ơn cứu độ; với nhận thức sâu sắc rằng sứ mệnh của tôi là kêu gọi họ, tiết lộ sự thật cho họ, làm cho họ thành con Thiên Chúa và anh em với nhau: yêu thương họ bằng Tình yêu ở trong Thiên Chúa và từ Thiên Chúa, qua Chúa Kitô, đã đến trong nhân loại và từ thừa tác vụ của Giáo hội được giao phó cho tôi được thông truyền cho Giáo hội.

Hỡi tất cả anh chị em, xin hãy hiểu tôi; Tôi yêu mến tất cả trong ân sủng của Thánh Thần mà trong sứ vụ mục tử, tôi phải chia sẻ với anh chị em. Đây là cách tôi nhìn anh chị em, đây là cách tôi chào anh chị em, đây là cách tôi chúc phúc cho anh chị em. Tất cả mọi người. Và anh chị em, những người gần gũi hơn, thân tình hơn, chúc anh chị em bình an. Và tôi sẽ nói gì với Giáo hội, nơi tôi nợ tất cả và là của tôi? Xin Chúa chúc phúc lành; hãy nhận thức bản chất và sứ mệnh của mình; ý thức về những nhu cầu đích thực và sâu sắc của nhân loại; và bước đi trong nghèo khó, nghĩa là tự do, mạnh mẽ và yêu mến Chúa Kitô.

Amen. Chúa đến. Amen.

Chuyển ngữ: Đình Chẩn
Trích từ: vatican.va (09.08.1979)
Nguồn: phatdiem.org (26.11.2023)

L'Osservatore Romano, ấn bản hàng tuần bằng tiếng Ý n. 32-33, ngày 9 tháng 8 năm 1979.