ROMA. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh, tái khẳng định lập trường của Tòa Thánh về thành Jerusalem.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Công Giáo Tương Lai (Avvenire) ra ngày 3-8-2017 ở Italia, về những cuộc đụng độ mới đây giữa người Israel và Palestine tại Jerusalem, và cuộc xung đột từ lâu giữa hai bên, ĐHY Parolin nói rằng:
”Tòa Thánh vẫn coi Jerusalem là duy nhất và thánh thiêng đối với người Do thái, Kitô và Hồi giáo, và từ lâu đã đề ra những tiêu chuẩn và điều kiện để giải quyết vấn đề này, nghĩa là Jerusalem được nhìn nhận như nơi chung của tất cả các tín hữu, ”là thành phố mở ngỏ” theo nghĩa nhìn nhận tự do tôn giáo và quyền lợi của tất cả mọi người và cần phải được tôn trọng”.
Theo ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ”Nếu sự căng thẳng gia tăng thì cần phải tránh leo thang xung đột. Vấn đề xét cho cùng vẫn là một, nghĩa là ở đây cần có ý chí chính trị. Trong lãnh vực quốc tế, chúng ta có thể nói về bao nhiêu giải pháp khả dĩ và có thể thi hành được, có những giải pháp ấy, có thể trả lời bằng những đề nghị cụ thể để giải quyết các vấn đề, nhưng rất tiếc là dường như mỗi bên thiếu ý chí, không muốn nhượng bộ một phần trong lập trường của mình để đi tới một thỏa hiệp”.
ĐHY Parolin tái khẳng định lập trường của Tòa Thánh, đó là cần có một qui chế dành cho thành Jerusalem được quốc tế công nhận và các tín hữu được tự do lui tới các nơi thánh.. Không có giải pháp khác cho vấn đề này và những căng thẳng tại Jerusalem. Những xung đột bạo lực gần đây cho thấy vấn đề phải được giải quyết trên bình diện quốc tế”.
Về tình hình tại Venezuela vẫn rối ren mặc dù hồi năm ngoái Tòa Thánh đã làm trung gian, ĐHY Parolin nói đó không phải là một sự thất bại. “Trong trường hợp Venezuela, có thể có những ý kiến khác nhau, nhưng điều quan trọng là cố gắng mang lại những câu trả lời có thể thực hiện được, dựa trên tình hình, nhất là để ý đến những điều thực thực sự của dân chúng và công ích phải được chiếm hàng đầu”.
ĐHY cũng nói rằng: ”Ngành ngoại giao Tòa Thánh là ngoại giao hòa bình, không nhắm quyền bính hoặc chính trị, kinh tế, ý thức hệ.. ĐGH vẫn nhắc nhở rằng khi chún gta đứng trước một tình trạng khủng khoảng, thì luôn phải cứu xét xem Tòa Thánh hoạt động như thế nào: đó là một ngành ngoại giao hoạt động, chứ khôn gphải là ngoại giao phản ứng. Vì thế chúng tôi tìm cách đóng góp phần của mình. Nhiều khi điều này không thành công, nhưng điều quan trọng là cố gắng” (Avvenire 3-8-2017)
G. Trần Đức Anh OP _