ĐHY Czerny: Tác động khủng khiếp nhất của đại dịch là thiếu hy vọng

Ngày Thế giới Tình Huynh đệ Nhân loại

ĐHY Czerny: Tác động khủng khiếp nhất của đại dịch là thiếu hy vọng

 Ngọc Yến

Vatican News (03.02.2022) - Liên quan đến Ngày Thế giới Tình Huynh đệ Nhân loại, Vatican News có cuộc phỏng vấn với Đức Hồng y Michael Czerny, Bộ Trưởng tạm thời của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện.

Thưa Đức Hồng y, trong Tài liệu, hai bên ký kết đưa ra lời kêu gọi chung mạnh mẽ chống bất công, thiếu phân phối công bằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như chấm dứt xung đột, hủy hoại môi trường và suy thoái văn hóa và đạo đức. Bộ của Đức Hồng y đang hoạt động như thế nào để thực hiện những chỉ dẫn này, vốn là trọng tâm sứ vụ của Bộ?

Tên của Bộ chúng tôi “Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện” theo một nghĩa nào đó, là một bản dịch của cụm từ “tình huynh đệ nhân loại”. Có nghĩa là Bộ của chúng tôi đề cập đến tất cả các yếu tố xã hội công cộng, kinh tế và chính trị có thể là trở ngại hoặc hỗ trợ cho sự phát triển, sự toàn diện của con người; và sự phát triển toàn diện con người là những gì chúng ta muốn, mỗi người cho chính mình và cho người khác. Có nghĩa là tạo điều kiện cho một cuộc sống xứng nhân phẩm, một cuộc sống tràn đầy hy vọng, với một chân trời hy vọng. Vì vậy, Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại giải thích cho chúng tôi cách chúng tôi thực hiện trong Bộ, điều gì cần phải làm: chúng tôi không thể làm tất cả mọi thứ, nhưng mỗi người đều có thể làm một điều gì đó. Và đúng vậy, có nhiều lĩnh vực của đời sống con người cần phải phát triển: cả trong tình huynh đệ nhân loại và cả trong sự phát triển con người toàn diện. Vì vậy, điều này trở thành một lễ hội, một cử hành đối với Bộ của chúng tôi, trở thành một dịp để cử hành và cầu nguyện cho những gì chúng tôi đang làm.

Tài liệu kêu gọi để mọi người có quyền công dân đầy đủ và chấm dứt việc sử dụng thuật ngữ “thiểu số” một cách phân biệt đối xử. Tài liệu cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc hỗ trợ người tị nạn, các chủ đề mà Bộ đã dấn thân. Tại sao ngày nay thách đố này lại trở nên căn bản, đối với các anh chị em tị nạn của chúng ta?

Thách đố này quan trọng bởi vì ngay từ đầu sự di chuyển của con người đã là một yếu tố trong cuộc sống, và nhờ các hệ thống truyền thông, chúng tôi nhận thức rõ hơn về những di chuyển này, nhưng cũng nhận thức rõ hơn về thực tế rằng, mỗi người đều có thể làm điều gì đó để đón tiếp anh chị em tị nạn. Thật đáng tiếc khi hiện tượng, thực tại con người này đã bị phá hoại bởi tư tưởng khoa trương, tiêu cực, trong khi thực chất đó là cơ hội, thời cơ để trưởng thành đối với con người và dân tộc. Và vì vậy, chúng ta sống tình huynh đệ nhân loại này trong mối quan hệ với những người di cư và tị nạn, với những nạn nhân của nạn buôn người như một cơ hội để mở rộng trái tim, bàn tay và cuộc sống của chúng ta để chào đón những người cần đến điều này. Chúa Giêsu đã nói rất rõ ràng rằng: nếu chúng ta làm điều đó với họ thì cũng như thể chúng ta làm điều đó với Người.

Thưa Đức Hồng y, ngài là thành viên của Ủy ban Quốc tế độc lập, vào cuối tháng này sẽ trao Giải thưởng Zayed về Tình Huynh đệ Nhân loại 2022 tại Abu Dhabi. Đức Hồng y có thể cho chúng con biết về các đề cử được giới thiệu và tầm quan trọng của lần trao giải này giữa đại dịch? Bộ của Đức Hồng y đã xác định được, trong số các ứng cử viên, những ngọn hải đăng hy vọng cho nhân loại mà Bộ đang tìm kiếm chưa?

Tất nhiên, chúng tôi đã tìm ra họ và tôi hy vọng rằng việc trao Giải thưởng sẽ mở rộng tầm nhìn cho nhiều người xung quanh chúng ta, cũng như ở những nơi khác trên thế giới. Đây cũng là một lý do để hy vọng. Thiếu hy vọng có lẽ là tác động khủng khiếp nhất của đại dịch. Chúng tôi hy vọng việc cử hành và Giải thưởng là cơ hội để mở rộng trái tim và tâm trí của chúng ta, và thấy rằng: tương lai đang chờ đợi chúng ta với nhiều hứa hẹn.

Nguồn: vaticannews.va/vi/