Những lúc gặp khó khăn, tôi thường chạy đến nhiều hơn với vị linh mục. Cha ấy là vị linh hướng đời sống thiêng liêng của tôi. Ngài thường nói với tôi rằng: “Trong khó khăn, người ta thường dễ tin vào Thiên Chúa hơn.” Trải qua thế chiến thứ 2 và hậu chiến, cha thực sự kinh nghiệm được điều ấy quả là đúng cho nhiều người. Cha chỉ vào thời đại hôm nay, mọi thứ tiện nghi, cuộc sống sung túc, nhiều người quên mất tôn giáo, quên luôn Thiên Chúa và chẳng tin vào thế giới tâm linh.
Khi đại dịch bệnh Covid-19 xảy ra, tôi thấy lời cha nói trên đây đang dần tỏ lộ. Trước dịch bệnh, dường như cả thế giới mơ về một thiên đường tại thế. Từ kinh tế, du lịch, đời sống khá giả, cho tới biết bao kế hoạch và đủ kiểu ăn chơi. Mọi thú vui gọi mời người ta lên đường khám phá. Khi nhà thờ vắng bóng, nghĩa là chốn ăn chơi mua sắm, nơi nhà hàng thương xá luôn đông người. Đùng một cái, virus Corona buộc người ta phải ở nhà. Tệ hơn, nó đang tấn công đến sự sống còn của tôi, của cộng đồng và nhân loại. Biết bao người đã bừng tỉnh về một thế giới không vững bền.
Trong hoàn cảnh khó khăn này, đã có biết bao người trở về với Thiên Chúa. Đâu đâu người ta cũng cầu xin Thượng Đế, van nài Thiên Chúa cứu giúp. Vài quốc gia sẵn sàng truyền hình trực tiếp các buổi phụng tự để người dân nguyện cầu. Đất nước Cuba là ví dụ cho thấy người ta đang cần Chúa. Thế giới Kitô giáo đã và đang khởi động biết bao phong trào van nài Thiên Chúa. Mạng Internet, Online, tràn ngập những tin nhắn nguyện cầu. Những điều ấy chẳng phải là dấu hiệu có nhiều người đang trở về với Thiên Chúa sao?
“Tôn giáo hoặc Thiên Chúa có thực sự cần thiết?” luôn là câu hỏi nhức nhối cho mọi thời. Xã hội loài người lúc nào cũng có người tin, người phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa. Tôi không muốn đi vào những tranh luận bằng chứng từ hai đối cực đó. Một điều người ta có thể thấy khi đại dịch xảy ra: nhiều người đang hướng về Thiên Chúa và về nhau.
Khi trò chuyện với một cha về chủ đề này, ngài nói: “Thử thách gian nan thường giúp người ta phải nhận ra đâu là điều cần thiết nhất!” Trong dịch bệnh, dĩ nhiên người ta cần an toàn tính mạng, cần phương thuốc chữa trị, và chủng vắc-xin phòng ngừa. Trước con số nạn nhân và nhiễm bệnh đang tăng cực mạnh ở nhiều nơi trên thế giới, người ta thấy cuộc sống mong manh. Thực ra, đó là thực tại của kiếp người. Đây chỉ là thời điểm để người ta nhận rõ những giới hạn của kiếp người hơn. Trong bối cảnh đó, về mặt tâm lý và tâm tình thiêng liêng, người ta thường tìm đến Thiên Chúa để trợ giúp. Trước sự bất lực, con người cần đến Đấng Toàn Năng.
Kinh nghiệm ấy chúng ta gặp rất nhiều trong những trang Kinh Thánh. Khi dân tự cao, tự phụ và xa lìa Thiên Chúa, nhiều tai họa và chết chóc sẽ xảy ra. Trong hoàn cảnh đó, họ được mời gọi trở về với Thiên Chúa, để van xin Ngài tha thứ, giúp đỡ và ủi an. Đó là lịch sử thăng trầm của dân Chúa thời Cựu Ước, cũng như Giáo Hội thời Tân Ước. Phải chăng điệp khúc ấy đang lặp lại trong năm 2020 này? Nếu thế, chúng ta cần nhớ lại bài học của quá khứ người ta đã làm:
1. Hối lỗi ăn năn:
Suốt Mùa Chay vừa qua, mỗi người được mời gọi trở về với Thiên Chúa. Nơi đó người ta hối hận vì đã phạm tội, đã xúc phạm đến sự thánh thiện và tình yêu của Thiên Chúa. Điều này nghe có vẻ lạ lùng đối với nhiều người. Đừng quên Thiên Chúa sáng tạo mọi sự trong tốt đẹp, thuận hòa. Chính tội lỗi và tự do của con người làm cho nhiều tạo vật nên tồi tệ. Mẹ Thiên Nhiên đang khóc than vì biết bao tác động tiêu cực của loài người[1]. Trong ý hướng đó, Giáo Hội mời gọi người ta hãy giao hòa cả với Thiên nhiên.
2. Cầu nguyện:
Trở về dễ cho người ta bầu không khí nguyện cầu. Con người chưa bao giờ toàn năng, làm được mọi thứ. Nhiều nhà khoa học vẫn đang ngày đêm miệt mài tìm ra cách khống chế con virus. Mọi người vẫn đang cộng tác để phòng chống dịch. Chúng ta tin trong những ý hướng tốt lành đó luôn có bàn tay của Thiên Chúa. Cộng thêm muôn vàn lời nguyện xin, Thiên Chúa sớm cho những nỗ lực của con người thành hiện thực. Vả lại, cầu nguyện tự bản chất cũng giúp người ta gần Chúa hơn, yêu mến Mẹ thiên nhiên hơn và tôn trọng luật lệ tự nhiên mà Thiên Chúa đã đạt ra.
Đã có biết bao lời nguyện thật đẹp trong Kinh Thánh mà ta có thể cầu xin với Chúa lúc này:
Ơn phù hộ tôi đến từ Ðức Chúa, là Ðấng dựng nên cả đất trời. Tv121,2
Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Tv 42,2
Lạy Chúa, xin nghe lời con cầu khẩn. Tv 102,2
Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con. Cv 7,59
Thưa Ngài, xin cứu con với! Mt 14,30
Lạy Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, trước Thánh Nhan, đêm ngày con kêu cứu. Tv 88,2
Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. (x. Kinh Lạy Cha)
v.v
3. Đón nhận ơn lành:
Người ta không biết chính xác lúc nào Thiên Chúa sẽ giải thoát dân người. Chẳng hạn thời gian lưu vong bên Ai Cập, sau biết bao lời van xin, Thiên Chúa đã ấn định một đêm giải thoát dân khỏi vùng đất nô lệ đó. Hằng năm, người Do Thái hằng tạ ơn Thiên Chúa về biến cố này. Đó là ngày đại lễ Vượt Qua.
Trong hai cuộc thế chiến, hẳn là người ta cũng chẳng biết khi nào điều tội tệ ấy kết thúc. Người người cầu xin. Giáo Hội van nài Thiên Chúa ra tay. Cho tới một ngày, người ta tuyên bố ngừng chiến. Hòa bình được lặp lại. Cả thế giới vui mừng, người người tạ ơn Thiên Chúa.
Cũng vậy, trong đại dịch đang xảy ra, không ai biết khi nào nó chấm dứt! Chúng ta dường như đang ở giai đoạn ăn năn và van xin. Giáo Hội mời mỗi người chạy đến với Chúa. Ngài phải là chỗ dựa cho mỗi giáo dân lúc này. Hãy kiên nhẫn với Chúa, vì Thiên Chúa đã rất nhẫn nại với con người. Hy vọng tới một ngày rất gần, Thiên Chúa sẽ chấm dứt nỗi đau kinh hoàng này. Bạn thử mường tượng, thời khắc đó nhân loại vui mừng và tri ân biết chừng nào!
Dĩ nhiên có người đưa tay ý kiến: “Đại dịch chấm dứt là do nỗ lực của con người, thành quả của các nhà khoa học. Chính họ tìm ra phương thuốc chữa trị!” Đó là điều cần thiết, là sự thật ai cũng thấy. Tuy nhiên với con mắt đức tin, chúng ta tin Thiên Chúa đã trao thành quả ấy trong nỗ lực nguyện cầu, trở về với Ngài. Đó là ân sủng, là điều kiện đủ. Khi đó, hẳn là người tin biết Chúa nhận lời, vì lúc này đây mỗi người khẩn cầu Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy thức dậy, xin Ngài cứu giúp!”
Đây thực sự là lúc chúng ta cần hợp tác, cần bình an, mong hạnh phúc, cần thuốc chữa trị. Đằng sau những điều ấy, chúng ta đang thấy người ta cần Thiên Chúa giúp. Lòng khao khát hướng thượng, muốn gần Thượng Đế, Thiên Chúa luôn có trong mỗi người. Nói cách khác, con người có tính tôn giáo và xã hội. Tâm tình tôn giáo này thường mạnh mẽ khi người ta rơi vào cảnh gian nan khốn cùng. Điều ấy đang diễn ra nơi đại dịch lần này. Tôi nghĩ thế!!!
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Đọc thêm: Đại dịch Corona và thông điệp ‘lằn ranh đỏ’ từ Mẹ Thiên Nhiên
Nguồn: https://dongten.net