Dấn thân phụ vụ trong tinh thần trách nhiệm

 

Được Chúa Cha trao trách nhiệm cứu chuộc nhân loại, Đức Giêsu đã lo chu toàn trách nhiệm đó với tất cả tình yêu vâng phục đối với Cha và tình yêu hy sinh đối với nhân loại. Cử chỉ người chăn chiên lặn lội đi tìm con chiên lạc, dù đó chỉ là một con chiên lạc trong số một trăm con, cho thấy tinh thần trách nhiệm thật lớn lao của Đấng Cứu Thế đầy lòng nhân hậu. Phục vụ trong tinh thần trách nhiệm, mà trách nhiệm đầu tiên là trách nhiệm đối với chính bản thân mình. Phải trở vào trong mình để thấy mình, để hiểu mình, ta mới phát huy “tận kỳ tính” trong sự phục vụ và trong tương quan với vũ trụ vạn vật. Phải khởi đầu mọi sự từ chính bản thân mình, đúng như Mạnh Tử đã xác quyết: “Vạn vật giai bị ư ngã. Phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên” (Vạn vật đầy đủ nơi ta. Trở vào mà thực hiện để tựu thành thì không gì vui hơn).

Trách nhiệm với bản thân

Trách nhiệm với bản thân đòi ta phải luôn cảnh giác mình trong mọi suy nghĩ, lựa chọn, quyết định và hành động, không để mình mông lung, mơ hồ trong mọi sinh hoạt, cũng như không bị tác động của hoàn cảnh hay người khác. Hơn nữa, phải biết đặt bậc thang giá trị trong mọi việc mình làm: cái gì quan trọng, cái gì thứ yếu; cái gì là phương tiện, cái gì là mục đích; cái gì là nhu cầu chính đáng, cái gì chỉ là phụ thuộc; cái gì là tạm thời, cái gì là bền vững; cái gì là gốc gác, cái gì là ngọn ngành...

Trách nhiệm bản thân cũng đòi ta phải biết nhận lỗi và sửa lỗi. Vấn đề quan trọng không phải là không có thiếu sót hay lầm lỗi, mà là nhận ra chúng với tinh thần phục thiện để hoàn thiện con người mình. Không thể vì tự ái hay sĩ diện bên ngoài mà tránh né, che chắn cho bản thân mình. Càng tệ hơn nữa khi thoái thác hay đổ thừa cho hoàn cảnh, người khác... Không dám sống chân thật với chính mình và tha nhân, ta sẽ rơi vào lối sống của nhóm người Biệt phái, và không có khả năng để lãnh trách nhận trách nhiệm trong đời sống phục vụ mọi người. Trách nhiệm bản thân chính là thước đo giá trị, lòng dũng cảm và sức mạnh của chính mình. Ngoài ra cũng phải biết đào luyện cho mình tính tự lập, không lệ thuộc vào người khác, không đòi người khác lo cho mình, không trở nên gánh nặng cho ai, theo gương sáng của Thánh Phaolô: “Trong mọi dịp, tôi đã tránh không trở nên gánh nặng cho anh em”. (2Cor 11, 9).

Câu chuyện minh họa và giáo huấn từ Lời Chúa (Lc 19,12-26): dụ ngôn nén bạc. Có một phụ nữ nằm mơ, thấy mình đang bước vào một cửa hàng mới khai trương. Chị rất ngạc nhiên nhìn thấy Chúa ngồi đàng sau quầy. Chị hỏi:

“Chúa bán gì ở đây vậy?” Chúa trả lời: “Mọi thứ mà lòng người ao ước”. Thú vị quá, người phụ nữ hỏi mua những thứ tốt nhất mà con người có thể ước mơ:

“Con muốn mua sự bình an trong tâm hồn, hạnh phúc, khôn ngoan, và sự tự do khỏi mọi nỗi sợ hãi. Không chỉ cho con mà cho hết mọi người”. Chúa mỉm cười nói:“Chắc con chưa hiểu rồi. Ta không bán hoa quả. Ta chỉ bán hạt giống thôi”.

Hạt giống trong câu chuyện này cũng giống như nén bạc trong dụ ngôn mà Chúa trao cho mỗi người. Hạt giống ấy được gieo vãi, trồng tỉa, chăm bón, kết quả là do sự quyết tâm và tình yêu của mỗi người. Nén bạc cũng vậy, nó được tận dụng đầu tư, phát triển, lời lãi ra sao cũng tùy thuộc tự do và ý chí của mỗi người. Đó là trách nhiệm về chính cuộc đời mình.

Trách nhiệm ở đây là nỗ lực góp phần với Chúa để làm nên cuộc sống của mình như Chúa ước mong và cũng là như mình mong ước . Như Cha Michel Quoist đã nói: “Bạn sẽ trọn vẹn là người và hạnh phúc tròn đầy, trong mức độ những ước mong của bạn đạt tới lòng mong ước của Thiên Chúa".

Điều quan trọng ở đây là trung thành, chuyên chăm, cần cù, sáng tạo, tận lực, như hai người đầu tiên trong dụ ngôn. Hạt giống sự sống đã được trao ban cho mỗi người tùy ý định của Thiên Chúa, nhưng đón nhận và phát sinh như thế nào thì tùy ý muốn của đương sự. Chỉ với ý thức trách nhiệm cao về cuộc đời mình và coi trách nhiệm đó như một hồng ân cao quí, ta mới có thể say mê phát huy toàn thể tâm lực của mình.

Cũng trong ý nghĩa đó mà Hiền triết Socrate đã kêu gọi: “Hỡi người, hãy nhận biết mình”, và sau đó Đức Thích-Ca-Mâu-ni cũng đã gióng lên: “Hỡi người hãy tự cứu mình”. Quả nhiên, con người cao cả vì đã được dựng nên giống  hình ảnh của Thiên Chúa, có tự do và toàn quyền quyết định về vận mệnh của mình. Và rồi tất cả cũng đã được trao ban cùng với hạt giống hay nén bạc là thời giờ, năm tháng, là sức khoẻ, khả năng, là những hoàn cảnh và mọi cơ hội, là môi trường, cộng đoàn và dĩ nhiên cũng là những bệnh tật, đau khổ, thập giá hằng ngày…“Tất cả đều là hồng ân” như Thánh Têrêsa đã nói.

Tuy nhiên, cái trở ngại lớn lao nhất không phát triển được hồng ân chính là vì thiếu lòng tin. Chính vì thiếu sự tin tưởng vào Chúa mà người thứ ba không dám đầu tư phát triển với tất cả năng lực của mình, đành buông xuôi, thụ động, ù lì, tiêu cực… vì sợ mất công vô ích lại thêm lỗ lã, thiệt thòi. Thái độ chôn giấu, cất giữ  của anh ta trên phương diện tôn giáo biểu hiện một niềm tin bất động (một đức tin chết), còn trên phạm vi nhân tính nó biểu hiện một sự thoái hoá. Bởi vì không còn đón nhận và trao ban.

Cuộc đầu tư nào cũng bao hàm những bất tất rủi ro, một đức tin sống động cũng vậy, hàm chứa nhiều hy sinh mất mát. Nhưng chúng ta tin rằng chính lúc chúng ta mất là lúc chúng ta được, chính lúc chúng ta quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là khi được vui sống. Đó phải là bài trường ca trong cuộc sống của chúng ta. Thiếu trách nhiệm với chính mình không chỉ vì thiếu đức tin, thiếu lòng yêu mến, mà còn vì ươn lười, muốn sống nhàn hạ, thảnh thơi, hưởng thụ, chỉ biết đòi hỏi mà không biết làm nên, chỉ biết nhận lãnh mà không biết cho đi.

Trách nhiệm được giao phó

Người trưởng thành là người biết lãnh trách nhiệm cách ý thức và tự do, đồng thời biết chu toàn trách nhiệm cách tốt nhất. Điều gì thuộc về trách nhiệm của mình đòi hỏi ta phải quyết liệt hy sinh, cho dù sự hy sinh đó xem ra có vẻ lớn lao đang khi kết quả của nó thì nhỏ bé và không chắc chắn.  Trong mọi việc, chúng ta phải xét tính cách giá trị của nó trước cái nhìn của Chúa chứ không xét theo thành quả trước sự đánh giá của người đời. Cử chỉ người chăn chiên lặn lội đi tìm một con chiên lạc trong tổng số 100 con chứng minh cho chúng ta thấy điều đó: Chúng ta luôn ưa thích những thành quả lớn lao và dễ dàng, đang khi tinh thần trách nhiệm thì nhiều khi rất khó khăn và thành quả rất âm thầm. Nhưng đó lại là điều biểu hiện tấm lòng nhân hậu mà Chúa ưa thích nhất.

Cũng vậy, chúng ta luôn ưa chuộng và chạy theo số đông mà bất chấp những cá nhân nhỏ bé, nhất là những cá nhân sa lạc và làm trì trệ đời sống cộng đoàn. Điều này đi ngược lại với tinh thần trách nhiệm của Đức Kitô: Chúa đến cho mọi người nhưng Ngài cũng tha thiết sống cho từng con người, nhất là những người hèn mọn và tội lỗi. Trong tinh thần trách nhiệm chúng ta cần xét theo ý Chúa chứ không phải ý người ta. Vì thế phục vụ trước tiên là phục vụ chính Chúa, Đấng đảm nhiệm mọi ý nghĩa và giá trị của công việc chúng ta làm để đưa nó vào chương trình cứu độ của Ngài./span>

Với tinh thần trách nhiệm, ta cũng phải ý thức rằng, mình phục vụ và người khác cũng đang phục vụ. Sự phục vụ trong vai trò của chúng ta không được làm hư hại hay hạ thấp sự phục vụ của người khác. Giá trị của phục vụ không nằm trong công việc lớn nhỏ, trong vai trò hay chức vụ, nhưng nằm trong tâm tình, ý hướng và cách thái của người phục vụ. Sự phục vụ chân chính trong tinh thần trách nhiệm bao giờ cũng đòi hỏi một sự tế nhị, nhường bước để tạo được hoà khí sinh động, bình đẳng và bổ túc cho nhau trong mọi công việc. Phục vụ mà gây ra bất an và hư hại cho người khác thì quả là sự phục vụ bất chính.

Giáo huấn từ Lời Chúa (1Pr 5,1-4): thi hành trách nhiệm

Trong đoạn Kinh Thánh trên, thánh Phêrô khuyên nhủ các kỳ mục hãy tận tâm phục vụ, vì là những người được giao phó trách nhiệm dẫn dắt đoàn chiên. Ngài cũng nêu một loạt những điều tương phản giữa các nguy cơ và đặc quyền của chức vụ kỳ mục. Kỳ mục nhận lãnh chức vụ không phải vì ép buộc nhưng do tự nguyện. Tự nguyện thì không được than van trách móc, hay đòi hỏi thế này thế khác như mình muốn, nhưng “như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy”. Không thể tranh đấu để chiếm đoạt chức vụ ấy, cũng không có nghĩa là cảm thấy tự hào khi được chức vụ ấy. Chẳng có ai có quyền chiếm đoạt chức vụ ấy, nhưng được ban cho; cũng chẳng ai xứng đáng với chức vụ ấy, nên càng không thể tự hào về công lao hay đức độ của mình.

Nối tiếp các kỳ mục, linh mục là chức vụ thánh thiêng để sống và chết cho đoàn chiên chứ không phải chỗ để ngồi chơi xơi nước, không phải“để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mt 20, 28). Tuy nhiên, các linh mục luôn bị cám dỗ để sống ung dung hưởng thụ, nhất là ở những xứ đạo giàu có, linh mục được giáo dân cung phụng như ông vua, và có người tưởng mình là vua thật. Hoặc dễ bị cám dỗ trở thành kẻ độc tài, lấy lý do là vì trách nhiệm. Tự bản chất, người ta thấy uy tín và thế lực bao giờ cũng hấp dẫn hơn cả tiền bạc. Nhiều người ham quyền, dù quyền ấy chỉ có trong phạm vi hạn hẹp. Theo Milton thì ma quỉ nghĩ rằng, thà được cai trị dưới địa ngục còn hơn phải phục vụ trên thiên đàng. Tính quỉ quái đó đều có ít nhiều nơi mỗi người, và phát triển mạnh mẽ khi có cơ hội.

Ai nhận chức vụ với tham vọng quyền hành và thống trị, với ý muốn nổi bật bản thân, kẻ đó thật sự đối địch với đường lối và con người của Đức Giêsu (x. Mc 10, 42-44). Bất cứ ai nhận lấy chức vụ nào trong Giáo hội, thì cũng phải tâm tình và thái độ giống như Chúa Giêsu. Phải tỏ cho mọi người thấy được sự phục vụ vô giới hạn và vô vị lợi của chúng ta trong mọi phương diện. Chúa đã giao phó cho chúng ta mỗi người một nhiệm vụ phải làm, và chúng ta phải làm như Ngài đã làm. Đó là lý tưởng tối cao của việc phục vụ trong Hội Thánh Chúa.

Thể hiện trách nhiệm trong tình yêu mến.

Vì yêu mến Chúa và Giáo hội mà chúng ta muốn nhận lãnh và chu toàn mọi mọi trách nhiệm. Vì thế, sự thể hiện trách nhiệm nào cũng phải mang nặng một tình yêu. Ai cũng có trách nhiệm của mình trong đời sống, nhưng không phải ai cũng có được sự nhiệt tình, phấn khởi và hứng thú trong đó. Nếu không có động lực tình yêu mỗi ngày sâu rộng hơn thì việc dấn thân phục vụ sẽ vô hồn, trống rỗng, trở nên nhàm chán, nặng nề không thể chịu đựng nổi. Lúc đó ta sẽ dễ trở nên nóng nảy, bực tức, độc đoán và trấn áp người khác, nhất là lạm dụng quyền hành để hành xử cách bất công. Nếu cứ như vậy, trách nhiệm càng lớn thì càng gây nên thương tổn cho mọi người.

Có một nguy cơ khác là khi thiếu động lực tình yêu rồi, thì những động lực khác sẽ chen chân vào. Khi đó người ta thi hành trách nhiệm cũng có thể rất nhiệt tình, nhưng vì bỗng lộc, danh giá, vì muốn thể hiện và nêu cao bản thân mình... Hoặc vì sợ sệt: sợ chê bai, sợ coi thường, sợ mất chức vụ, mất quyền lợi.... Ngoài ra, trách nhiệm nào cũng có những khó khăn, phức tạp và những vấn đề mới được đặt ra, đòi ta phải biết xoay sở, biến báo, thích nghi, sáng tạo... Đó là lẽ bình thường. Chính vì thế mà ta mới có thể lớn lên trong kinh nghiệm và trưởng thành hơn trong trách nhiệm. Chỉ muốn thi hành trách nhiệm theo thói quen, theo truyền thống, theo hình thức bên ngoài để an thân và ổn thỏa là ta làm suy thoái bản thân và cộng đoàn.

Giáo huấn từ Lời Chúa (Ga 21,15-19): yêu mến là điều kiện tối ưu để được giao trách nhiệm

Tình mến của Phêrô rất gần gũi với chúng ta là những con người yếu đuối. Ông rất yêu Chúa nhưng tình yêu ấy cũng “năm chìm bảy nổi”. Lúc đầu Phêrô cũng chỉ là anh ngư phủ đơn sơ chất phác, nhưng đầy nhiệt tình. Vì nhiệt tình nên sẵn sàng từ bỏ mọi sự để theo Chúa (x. Mt 4,18-20); sẵn sàng phục vụ Chúa (x. Lc 4,3); sẵn sàng ra khơi (x. Lc 4,4-7); mạnh dạn tuyên xưng đức tin (x. Mt 16,16); mạnh mẽ tuyên bố không bỏ Thầy (x. Mt 26,33-35); mau mắn rút gươm bảo vệ Thầy (x. Mt 26,51). Quả là một tình yêu không tính toán, nhưng rồi ngay sau từng biến cố đó là yếu đuối, kém tin, sai lạc, vấp phạm, nhát đảm, và sau cùng là chối Thầy. Lạ thay! Chúa Giêsu vẫn một lòng yêu thương dù ông phủ nhận Ngài. Khi nhận ra ánh mắt tràn đầy tình thương của Thầy đang nhìn mình, ông đã ra ngoài “khóc lóc thảm thiết”. Dù hèn kém, dù thất bại ê chề, dù chẳng còn ra gì, ông vẫn nhiệt tình yêu mến Chúa Giêsu.

Khi phục sinh, Chúa Giêsu lại nhìn ông và hỏi: “Simon... anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”. Yêu mến thì tốt rồi, nhưng Chúa lại thích cái “hơn”. Tình yêu là vậy, chỉ khi yêu “hơn”, người ta mới dám sống “hơn” và dám phục vụ hơn cho người mình yêu. Trước khi giao trách nhiệm, Ngài muốn ông xác định lòng mến của mình. Nhiệm vụ càng cao thì phải yêu mến càng nhiều. Ba lần tuyên xưng tình yêu của Phêrô được Chúa đáp lại bằng ba mệnh lệnh: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”.

Mối tương quan tình yêu của người môn đệ đối với Thầy nay trở thành sứ vụ: ân ban và trách nhiệm. Dưới cái nhìn của thánh sử Gioan, thì Chúa xây dựng Hội Thánh trên đức mến của thủ lãnh, của cộng đoàn. Chính đức mến mới thể hiện một đức tin sống động bằng việc phục vụ. Chỉ với lòng mến thẳm sâu, Phêrô mới làm nên sự nghiệp đời mình trong sự nghiệp của Đức Giêsu. Đời sống ta cũng vậy, không có gì hết ngoài tình yêu. Đức mến cao trọng hơn tất cả là vì thế! Chúa Giêsu không đòi hỏi gì khác ngoài tình yêu là điều kiện tối ưu để Ngài giao trách nhiệm. Quả thật, “thế giới sẽ thuộc về tay ai biết yêu mến!” (Gioan Vianey).

Dựa theo giáo huấn của thánh Phaolô (x. 1Cr 3,1-3), thánh Tôma, và các nhà thần học đã gọi đức mến là “hồn” (forma) của các nhân đức. Điều đó cho ta hiểu rằng, một công việc được đánh giá cao không dựa vào thành tích lớn lao, nhưng dựa vào lòng mến. Một người làm những việc nhỏ nhặt nhưng làm vì lòng mến, có công phúc hơn những người xây dựng những đền đài tôn giáo uy nghi, mà thiếu lòng mến. Giá trị của một con người hay của một sự việc không dựa trên độ rộng của một tính cách hay một công trình, nhưng dựa trên độ sâu của lòng mến. Khi được đức mến chiếm hữu, ta sẽ tràn đầy quyền năng của tình yêu: có thể làm bất cứ việc gì, đương đầu với bất cứ điều gì, chịu đựng bất cứ cái gì, để đem lại thiện ích và tốt lành cho anh chị em mình. Mọi sự rồi sẽ qua đi, nhưng lời nói yêu thương, việc phục vụ vì lòng yêu mến sẽ tồn tại muôn đời.

Chính tâm tình yêu mến định hướng cho mọi công việc, việc nào không cần làm, không nên làm; việc nào phải làm, làm lúc nào và làm như thế nào. Hơn nữa, tâm tình yêu mến chính là sự sống luân chuyển cho tha nhân trong mọi lúc, vì có những lúc ta không thể làm gì hơn cho tha nhân trong tình trạng của họ, hoặc ngay trong tình trạng của ta, nhưng cách thức hiện diện hay sự quan tâm của lòng yêu mến nơi ta đem lại cho họ niềm an vui và ấm áp trong tâm hồn.  

Đã là tình yêu thì không mong chiếm hữu mà tìm thấy niềm vui trong sự trao ban. Tình yêu này vẫn tỏa lan khi người khác không đáp trả, không biết ơn, không dễ thương, không xứng đáng. Tình yêu đích thực chỉ muốn làm điều tốt lành cho mọi người và vì mọi người, coi hạnh phúc của họ quan trọng hơn hạnh phúc của mình. Thánh Phaolô khuyên: “Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời” (Cl 3, 23). Câu nói này có nghĩa là phục vụ một cách tận tâm mà không bị chi phối bởi một động lực hay đối tượng nào khác, nhưng chỉ vì yêu mến Thiên Chúa. Làm như thể cho Chúa: không cần sự đáp trả, sự đền ơn, khen ngợi; làm không vì tư lợi vật chất, nhưng vì lợi ích nước trời; làm vì muốn nên một với Ngài trong tình yêu.

Cộng tác trong tinh thần trách nhiệm

Người có tinh thần cộng tác là người đã bước ra khỏi bản thân và mở rộng tầm nhìn để hướng đến tha nhân vì lợi ích chung. Chính nhờ biết cộng tác với người khác mà ta biết mình, biết người, khám phá và học hỏi nơi nhau những kiến thức, phương thế và kinh nghiệm để nâng cao đời sống mình. Người có tinh thần cộng tác tránh được lối sống chủ nghĩa cá nhân, là lối sống thu hẹp mọi chiều kích tương quan, đánh mất mọi cơ hội phong phú hóa thân, và làm ngưng trệ những phát triển chung. Chỉ trong sự cộng tác với nhau mới thực hiện được những công trình lớn lao và hoàn bị hơn.  Người có tinh thần cộng tác là người không có đối thủ, mà chỉ có bạn hữu. Đương nhiên không thể tránh được những va chạm về tính khí, phương cách, quan điểm… nhưng là những va chạm cần thiết trong tinh thần xây dựng để đi tới một tính cách khách quan hơn, khoa học hơn, đạo đức hơn, và hữu hiệu hơn.

Người có tinh thần cộng tác cũng chính là người có tinh thần Giáo hội, không cố thủ cho lợi ích cục bộ hay quyền lợi riêng tư của mình, mà sẵn sàng mở ra để dấn thân vào công việc lợi ích chung của toàn thể. Trong tinh thần đó, cộng tác với nhau cũng là cộng tác với chính Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài. Chỉ có Chúa mới thấy và đánh giá đúng mức mọi nỗ lực của chúng ta cho vinh quang Ngài, và cũng là cho chính chúng ta trong một sự sống phong phú và sung mãn hơn.

Giáo huấn từ Lời Chúa. (2Cr 6,1-10)

Chúng ta nên nghiền ngẫm, đọc đi đọc lại đoạn này để thấy cuộc đời gương mẫu của thánh Phaolô trong việc thi hành trách nhiệm, và biết bao khó khăn và tủi nhục trong cuộc đời phục vụ của ngài. Phục vụ chân chính là như thế, không dễ dàng như chúng ta tưởng. Nhìn Chúa Giêsu, ta cũng hiểu được điều đó khi thấy Ngài đã trả giá cuộc đời phục vụ bằng sự hiến thân tới giọt máu cuối cùng. Có biết bao nhiêu tu sĩ, linh mục và giáo dân đã và đang âm thầm phục vụ như thế.

Được cộng tác với Thiên Chúa để đem lại ơn cứu độ cho anh chị em mình là một diễm phúc cho cuộc đời chúng ta, nên dù có hy sinh tới đâu đi nữa thì cũng chẳng đáng kể. Điều đáng ngại là ta hay nhìn người khác để so sánh, so bì, so đo về những thành quả bên ngoài, để rồi toan tính hơn thua nhau trong những điều phàm tục, làm lạc mất tinh thần trong sáng và thánh thiện bên trong. Phục vụ là cho đi, nhưng rồi ta vẫn muốn thu vào; phục vụ là qui tha nhưng ta lại thường qui ngã; phục vụ là nhằm lợi ích của tha nhân, nhưng ta luôn nhằm lợi lộc cho mình; phục vụ là quên mình, nhưng ta lại mong làm nổi bật mình; phục vụ là hiến thân nhưng ta luôn toan tính để tiến thân,v.v...

Đó là những điều làm lệch lạc tính cách phục vụ, nên lại càng khó khăn hơn trong việc cộng tác với nhau. Biết cộng tác với Chúa cách chân thật, ta mới biết cộng tác với mọi thành phần trong Giáo Hội, và cũng từ đó biết cách để người khác có thể cộng tác với mình. Các chi thể phải được liên kết với nhau cách hài hòa và đồng bộ thì mới làm nên một thân thể sống động trong Đức Kitô. Để cộng tác phục vụ trong tinh thần trách nhiệm đòi ta có một nhận thức sâu xa hơn về tính cách bình đẳng và tham gia theo giáo huấn của Giáo Hội

Tính cách bình đẳng của việc cộng tác

Giáo Hội là gia đình của Thiên Chúa, và toàn thể các tín hữu là thân thể của Đức Kitô (x. Rm 12,5). Trong thân thể của Đức Kitô, chúng ta là Một, mọi thành phần và mỗi người đều có giá trị như nhau, không bộ phận nào trong cơ thể tự coi mình là quan trọng và sáng giá hơn những bộ phận khác (x. 1Cor 15,-27). Trong tính toàn thể là một, nên những cái nhìn mang tính cục bộ, phân biệt cao thấp, lớn nhỏ, đều phiến diện, nghèo nàn, không phải là cái nhìn minh triết. Cái nhìn đó gây phân rẽ, chia cắt, làm biến dạng bản chất của sự hiệp thông trong Giáo Hội, đi ngược với cái nhìn và ước muốn của Chúa Giêsu (x. Lc 9,49-50).

Chúa Giêsu thường gọi mọi người bằng “anh em”, và căn dặn đừng tôn xưng ai là thầy, là cha, là người lãnh đạo. Những danh hiệu đó chỉ có bản chất đích thực khi qui hướng về chính Ngài và Thiên Chúa (x. Mt 23,8-12). Bình đẳng không phải là cào bằng mọi phương diện, nhưng chủ yếu là quyền được thông phần bản tính thiêng liêng như nhau. Mọi tính cách đều phải quy chiếu vào bản tính ấy. Con người dù làm việc gì, giữ chức vụ gì, danh hiệu gì, sở hữu cái gì, là gì đi nữa cũng chẳng quan trọng, vì tất cả những cái đó đều mang tính giả tạm. Sự bình đẳng trong Chúa mới là vĩnh viễn.

Tính cách tham gia của việc cộng tác

Từ sự bình đẳng và kính trọng nhau trong gia đình Thiên Chúa, trong cùng một nhiệm thể Đức Kitô, ta mới có thể nói tới “iáo Hội tham gia” hay “Giáo hội trong đó mọi người có phần và góp phần”. Chính Đức Bênêđictô XVI xác quyết việc cần phải coi giáo dân là những người đồng trách nhiệm trong Giáo hội. Ngài nói: “Cần phải thay đổi não trạng, trước hết là cái nhìn về người giáo dân, từ chỗ coi họ là cộng tác viên (collaborator) của hàng giáo sĩ đến chỗ chấp nhận họ là những người đồng trách nhiệm (co-responsible) thật sự trong việc thể hiện và trong hoạt động của Giáo hội” .

Hội Đồng Giám mục Việt Nam cũng đã yêu cầu: “Cần thiết phải xây dựng Giáo Hội như một gia đình của những con cái Thiên Chúa hơn là như một phẩm trật được phú ban với những cơ cấu và luật lệ nghiêm minh” . Các ngài đã kêu gọi các giáo sĩ: “Với ý thức chân chính về mối hiệp thông giữa các thành phần dân Chúa, chúng ta nên mạnh dạn và nhanh chóng rời bỏ những cách hành xử “bao cấp” hay “quan liêu”, theo kiểu giáo sĩ cung ứng tất cả mọi sự, giáo dân phải lệ thuộc giáo sĩ, để xây dựng một Giáo Hội tham gia, ‘không còn là Do Thái hay Hy Lạp’ (1 Cr 3,28), nhưng chỉ là một trong đức tin, đức cậy, và đức mến, nhiệt tình trong một sứ mệnh duy nhất” .

Chính nhờ thế mà cảm thức thuộc về một gia đình của Thiên Chúa trong Đức Kitô được triển nở, đến nỗi mọi người có thể nói bằng tất cả trách nhiệm và niềm hãnh diện rằng “Tôi là Giáo Hội”. Phải để cho người giáo dân cảm thấy mình là Giáo Hội, chứ không chỉ một số thành phần lãnh đạo là Giáo Hội.

Để xây dựng một Giáo Hội Tham Gia, cần có sự lãnh đạo mang tính tham gia vượt lên khỏi những phân biệt đối xử, đặt nền trên tinh thần đồng trách nhiệm và tập đoàn tính. Do đó, Giáo xứ không phải là một đơn vị sinh hoạt mang nặng tính cục bộ địa phương và chỉ do một mình linh mục chủ trị, nhưng là một gia đình yêu thương, trong đó giáo dân vẫn luôn là những phần tử sinh động, cũng nhận được các đặc sủng, và cũng có trách nhiệm đối với cộng đoàn. Cộng đoàn giáo xứ chan hoà tình gia đình của các môn đệ Chúa Kitô sẽ là chứng từ đầy thuyết phục cho lời rao giảng về Thiên Chúa là Tình yêu.

 Lm. Thái Nguyên

Nguồn tin: gpcantho.com