Dấn thân phụ vụ trong tinh thần liên đới

 

"Tất cả anh chị em là thân thể Chúa Kitô, và mỗi anh chị em là một bộ phận trong thân thể ấy"  Hiến Chế Mục Vụ ngay trong "Lời Mở Đầu", đã khẳng định: “Không có gì liên quan đến nhân loại mà không có tiếng vang trong cõi lòng các tín hữu Chúa Kitô... Cộng đoàn tín hữu cảm thấy thực sự và sâu xa liên đới với con người lịch sử nhân loại” (GS 1). Đức Gioan Phaolô II gọi liên đới là một “nhân đức Kitô giáo”. Những điều khẳng định trên đây đã gói ghém trọn vẹn bản chất tín lý Kitô giáo và sứ mạng của Giáo Hội cũng như của người Kitô hữu, là sứ mạng thông truyền Ơn Cứu Độ cho gia đình nhân loại; đồng thời cũng xác định vị trí của Giáo Hội và người Kitô hữu là ở giữa trần thế. Trong một mức độ nào đó, chúng ta có thể coi “liên đới” như một hình thức hiện đại hoá của bác ái Kitô giáo hay trần tục hoá tình yêu thương phổ quát.

Ý NGHĨA VỀ LIÊN ĐỚI

Theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh:

Chữ "liên" có nghĩa là tiếp hợp với nhau, liền với nhau.

Chữ "đới" có nghĩa là cái đai áo, mang vào, đeo vào, đội vào.

Hai chữ "liên đới" đứng liền có nghĩa "buộc liền lại với nhau".

Nói cách khác, liên đới là "gắn bó với nhau". Một số câu ca dao tục ngữ như "một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ", "đồng bệnh tương lân" v.v... nói lên ý niệm này. Không người dân Việt nào mà lại không nằm lòng những câu ca dao nói về tính cộng đồng, liên đới và đoàn kết giữa người dân cùng một nước:


Bầu ơi thương lấy bí cùng.

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”


“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Người Việt Nam coi gia đình là một đơn vị xã hội, trong đó các phần tử được "gắn liền" với nhau, không những bằng quan hệ máu mủ, "quan hệ hữu cơ; mà còn được "ràng buộc" với nhau bằng những sợi dây tinh thần, tình cảm, xuất phát từ những truyền thống văn hóa lịch sử. Trong một số hoàn cảnh nào đó, có thể hai ý niệm liên đới và đoàn kết giống nhau. Nhưng về ý nghĩa, nếu "đoàn kết" là lối nói ít nhiều gì mang tính cách chính trị thì nó lại không nói lên hết nghĩa của "liên đới", vốn là một mối quan hệ đậm tính con người, xuất phát từ tâm và hồn con người.

Nếu không ý thức được địa vị tối cao của mình trong vũ trụ, con người dễ đánh mất chính mình.  Nhưng để có thể thực hiện được mục tiêu lớn lao đó, con người không thể không sống liên đới với nhau. Thái độ bất cần đến người khác sẽ làm cho xã hội không thể tồn tại và phát triển được. Chính vì liên đới với nhau, con người mới phát triển như ngày nay. Muốn duy trì xã hội trong trật tự và hòa bình, con người phải ý thức thực hành liên đới trách nhiệm mới “đạt tới thiện ích công bình xã hội.”.

Nhiều người tưởng chỉ có mình mới có thể làm ích cho cộng đoàn.  Nhất là khi ở vai trò lãnh đạo, họ tự biến mình thành nhân vật bất khả thay thế. Họ dễ trở thành những anh hùng cô đơn.  Trái lại, nhiều thuộc cấp chẳng quan tâm tới ích chung vì tưởng trách nhiệm thuộc cấp trên. Họ quay cuồng với những bận tâm riêng.  Đó là nguyên nhân làm tổn thương sức sống xã hội và Giáo Hội.

QUAN NIỆM VỀ LIÊN ĐỚI

Liên đới (solidarité, solidarity, solidariedad) xây dựng trên căn bản triết lý quan niệm con người như một hữu thể xã hội, một thành phần của nhân loại và nhất là một nhân vị. Vận mệnh của mỗi người được nối kết và gắn chặt với vận mệnh của bao nhiêu người khác. Vì vậy, tương quan và liên đới là chiều kích sâu thẳm của con người sống với nhau trong xã hội. Ở đây, tình liên đới bao hàm ý tưởng hiệp nhất, chia sẻ cảnh ngộ, cảm thương những phận đời hẩm hiu và tự cảm thấy một thứ trách nhiệm nào đó trước những nỗi bất hạnh xảy đến cho đồng loại. Vì vậy, cố gắng tiếp tay giải quyết vấn đề, bằng những công tác xã hội, tương thân tương ái hay đấu tranh nhằm thực hiện công bằng xã hội và cải tố cơ cấu bất công.

Chúng ta gặp thấy nguồn gốc của ý niệm liên đới nơi nhiều tôn giáo và văn hóa... . Tuy nhiên, quan niệm liên đới được sử dụng trong triết lý xã hội hiện đại chỉ khai sinh vào giai đoạn cách mạng Pháp 1789 và phổ biến rộng rãi ở thời hậu cách mạng để đề cao sự nhạy cảm đối với công bằng xã hội và ý thức tình huynh đệ, nghĩa đồng bào giữa người dân trong cùng một nước hay giữa các thành viên của cùng một tổ chức, nghiệp đoàn, giai cấp...
Hạn từ “liên đới” trước tiên được sử dụng trong lãnh vực pháp lý để diễn tả sự ràng buộc pháp lý chặt chẽ giữa chủ nợ và con nợ.

Trách nhiệm này có thể được thay thế bởi một người khác, nếu chính đương sự không có khả năng để chu toàn lời cam kết của mình. Khi quan niệm này được áp dụng sang lãnh vực nhân học và xã hội học thì càng làm rõ nét hơn ý nghĩa nhân bản của “sợi dây liên đới”: không còn là một thứ vị tha chủ nghĩa hay thái độ quảng đại trong tương quan đối với người khác, mà trước hết là một trách nhiệm mang dáng dấp bổn phận đối với tha nhân. Chính bản tính con người và ý thức đồng bào, cùng một giống nòi hay cùng đồng hành trên con thuyền nhân loại, đòi hỏi chúng ta phải có tâm tình, hành vi, trách nhiệm liên đới với nhau.

Trong lãnh vực đạo đức xã hội, hạn từ liên đới đã vượt qua hàng rào pháp lý để đi vào môi trường rộng lớn của thực tại nhân loại. Nó trở thành một “hạn từ biểu tượng”, một thứ “chìa khoá”, một “diễn ngữ đầy ấn tượng” để diễn tả mối dây liên kết chặt chẽ và linh thiêng của thực tại nhân loại: Xét như là con người, chúng ta kết thành một khối, một thực tại bền vững và một gia đình nhân loại. Chúng ta có trách nhiệm với nhau và đòi hỏi ứng xử với nhau theo quy luật liên đới: ý thức, cảm nhận và chấp nhận điều kiện nhân loại như một thân phận chung, trong đó mọi người liên đới và đồng hành với nhau.

Quan niệm liên đới dẫn chúng ta đến vấn đề trung tâm của đạo đức học hiện đại: đặc biệt đề cao mối tương quan giữa chủ thể và tha tính. Triết gia E. Levinas và P. Ricoeur là hai người tranh đấu không mệt mỏi cho chiều kích liên đới này. E. Levinas đề nghị làm triết học theo hướng khác: Thay vì khép kín trong “tự thân” để rồi rơi vào cá nhân chủ nghĩa, cần mở rộng cánh cửa cho tha nhân. Thay vì hữu thể học về “hữu thể thuần túy” theo lối nhìn của Heidegger, nên thay thế bằng mối tương quan sinh động mới, trong đó không giản lược tất cả vào tương quan giữa chủ thể với đối tượng, mà nhằm hướng tới một lối tiếp cận khác và một tương quan mới với tha nhân.
Dưới nhãn quan của Levinas, “tha tính” chính là một cách thế khác để hiện hữu, cho phép con người thực hiện chính mình một cách phong phú và tốt hơn. Nói cách khác, để đạt tới việc thực hiện “tự thân” đích thực thì cần đến việc thực hiện“tự tha”.

Levinas thú nhận: “Tương quan với Tha nhân bắt buộc tôi phải đặt lại vấn đề về chính mình. Nó lột trần chính bản thân tôi và không ngừng lột trần tôi, giúp tôi luôn khám phá trong mình những nguồn năng lực mới”.
“Tha tính” của Levinas là một “cái tôi khác”. Nó vượt ra ngoài chiều kích thuần tuý hữu thể, đoạn tuyệt với tính tự túc và tự lập của một lý trí xây dựng trên cái tôi tuyệt đối, cô đơn và khép kín để đặt mình trong chiều kích tương quan của viễn tượng đạo đức liên đới.

Bén rễ nơi triết lý xã hội, liên đới luôn giả thiết công lý, nhưng đi xa hơn công lý hay công bằng xã hội. Một mặt, như Victoria Camps đã ghi nhận, “lòng chung thuỷ đối với bạn bè, lòng cảm thương đối với một người bị ngược đãi, việc hỗ trợ người bị bách hại, hành động dấn thân vào những chuyện coi như thất bại hoặc không được đại chúng ái mộ, không thể tạo thành một bổn phận đích thực của công bằng, nhưng chắc chắn là bổn phận của liên đới”.
Đức Tin Công Giáo dạy chúng ta mầu nhiệm "chi thể Đức Kitô". Trong thư thứ nhất gửi cộng đoàn Côrintô, thánh Phaolô đã viết "Tất cả anh chị em là thân thể Chúa Kitô, và mỗi anh chị em là một bộ phận trong thân thể ấy" (1 Cor. 12,27).

Trong cùng một cơ thể, các bộ phận phải hoạt động liên đới, nhịp nhàng với nhau. Không thể có ví dụ nào hay hơn thế được. Nhưng đối với người Công Giáo, "Hết thảy chúng ta đã chịu phép Rửa bởi một Chúa Thánh Thần để thành một thân thể" (1Cr 12, 13), không phải là một ví dụ, mà là một mầu nhiệm của Kitô giáo là điều xác tín của người tín hữu. Sự liên đới theo Đức Tin không chỉ thu hẹp ở giữa những người mang dấu ấn của phép Rửa trên cuộc đời này, mà còn giữa những con cái Thiên Chúa đã về nước Trời hay còn đang thanh tẩy trong lửa luyện tội. Người Công Giáo hằng tin vào sự "thông công" giữa Giáo Hội trần thế và Giáo Hội trên Trời. Nhưng Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài không chỉ đòi hỏi sự liên đới trong nội bộ Giáo Hội, mà phải được mở rộng ra tới tất cả mọi người, mọi dân tộc trên thế gian.

Ðức Kitô đã phán: “Ta còn nhiều chiên khác chưa thuộc về đàn này. Ta phải dẫn đưa chúng về và chúng sẽ nghe tiếng Ta và chỉ còn là một đàn chiên và một mục tử" (Ga 11,16). Trên cơ sở đó, Công Đồng Vat. II đã đề cập đến sự "liên đới" một cách đặc biệt trong Hiến Chế Gaudium et Spes. Không phải là một lời hô hào đoàn kết hời hợt, nhưng Giáo Hội đã đề xuất một nhiệm vụ, một sứ mạng cho mọi người tín hữu Kitô giáo.


GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

Theo nguyên tắc nhập thể của Đức Kitô, Công đồng Vat. II long trọng cam kết mối liên đới của Giáo hội với con người và thế giới hôm nay: “Nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn khổ và âu lo của con người hôm nay, nhất là của những người nghèo và của những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, buồn khổ và âu lo của các môn đệ Đức Kitô” (GS 6).
Công đồng Vat. II đặt nguyên tắc liên đới trên căn bản thần học về tạo dựng: “Thiên Chúa đã muốn rằng tất cả mọi người làm thành một gia đình và đối xử với nhau bằng tình huynh đệ. Thật thế, mọi người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, Đấng đã ‘tạo thành họ từ một người duy nhất và cho họ ở trên khắp mặt đất’ (Cv 17, 26) và họ cũng được gọi tới cùng một cứu cánh duy nhất là chính Thiên Chúa” (GS 24).

Nhân danh tình huynh đệ đại đồng này, Công đồng kêu gọi mọi người quảng đại chiến thắng cá nhân chủ nghĩa và vụ lợi chủ nghĩa để mưu cầu công thiện công ích, đặc biệt cần nghĩ đến nhu cầu của những người nghèo. Công đồng xác quyết: “Mỗi người phải nhìn nhận và tôn trọng liên đới xã hội như một trong những nghĩa vụ chính yếu của con người thời nay. Bởi vì thế giới càng hợp nhất thì hiển nhiên những bổn phận của con người càng vượt lên trên những nhóm riêng rẽ và dần dần sẽ lan rộng tới toàn thế giới” (GS 8).

Đức Phaolô VI coi việc phát triển mọi chiều kích của con người và phát triển mọi người chính là hành trình thực hiện nền nhân bản liên đới. Đây là một thứ nhân bản rộng mở, giúp con người vượt khỏi chính mình, để chấp cánh bay cao hơn nữa: “Liên đới không phải là một thứ cảm thương mơ hồ hay xúc động hời hợt trước những khổ đau của bao nhiêu người xa gần. Ngược lại, đó là quyết tâm chắc chắn và bền vững dấn thân cho công ích, nghĩa là cho lợi ích của mọi người và của từng người, bởi vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm về mọi người. Dưới nhãn quan của Đức Gioan Phaolô II, liên đới không những cần thiết cho công cuộc phát triển con người toàn diện, mà hơn nữa phải là một “thái độ luân lý” “một nhân đức Kitô giáo”. Sau khi đề cập đến điểm tương đồng giữa bác ái và liên đới, ngài viết về liên đới như sau:

“Dưới ánh sáng đức tin, liên đới tiến tới việc vượt qua chính mình, để mặc thêm những chiều kích đặc thù của Kitô giáo về thái độ hoàn toàn vô vị lợi, thứ tha và hoà giải. Như vậy, tha nhân không chỉ là một hữu thể nhân loại, có những quyền lợi và sự bình đẳng nền tảng với mọi người, nhưng trở thành hình ảnh sống động của Thiên Chúa.... Do đó, tha nhân phải được yêu mến, ngay cả khi họ là thù địch, bằng chính tình yêu mà Chúa đã yêu thương họ, và phải sẵn sàng hy sinh cho họ, ngay cả với hành động cực độ: “Thí mạng sống vì anh em mình... Liên đới phải góp phần vào việc thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, ở phạm vi cá nhân cũng như trên bình diện quốc gia và quốc tế. Các“cơ chế đồi truỵ” và các “cơ cấu tội lỗi” chỉ có thể bị đánh bại bằng việc thực hành liên đới nhân bản và Kitô giáo. Nếu một tư tưởng gia nào đó đã gọi người là lang sói của người hay gán cho tha nhân nhãn hiệu “địa ngục”, thì, đối với người Công giáo, tha nhân vừa là người anh em, vừa là thành phần của bản thân tôi.

GIÁO HUẤN LỜI CHÚA

4.1 Người Samaritanô trên đường Giêricô: Lc 10, 29-37

Người Samaritanô là chính Đức Giêsu, Đấng đã xả thân cho đồng loại mà không nghĩ gì đến bản thân mình. Ngài rất bén nhạy trước đòi hỏi liên đới như người Samaritanô tốt lành trước cảnh người khác bị trấn lột, chứ không dửng dưng như hai thầy Lêvi và Tư tế. Tinh thần liên đới của Chúa Giêsu là những bước đi không mệt mỏi của lòng nhân hậu. Trách nhiệm của chúng ta không chỉ nằm trong những gì được giao phó, nhưng còn nằm trong tình liên đới với mọi người không trừ ai.

Câu chuyện ngưới Samari cho ta thấy rằng, có những sự việc xảy ra ngoài trách nhiệm của chúng ta, nhưng đòi buộc chúng ta phải xả thân phục vụ vì nó nằm trong tinh thần liên đới. Không ai có quyền sống riêng cho mình nhất là khi đứng trước tình cảnh khó khăn và đau khổ của người khác; hơn nữa không thể thấy chết mà không cứu; cho dù không đến nào đi nữa, thì cũng phải làm điều gì đó để tình trạng của người khác được tốt hơn.  Đó là đạo đức làm người, huống chi đối với chúng ta là những người được kêu gọi để liên kết và xả thân cho mọi người, để băng bó và chữa lành mọi vết thương trong đời sống nhân loại, để coi mọi người như anh em mình trong Đức Kitô.

Người Samari khi đứng trước một người cần cứu giúp, anh ta không hề tính toán xem mình có trách nhiệm hay không, anh ta cũng không hề nghĩ đến sự khác biệt chủng tộc, tôn giáo, chức vụ, nghề nghiệp, xấu tốt, người thân hay kẻ thù. Anh ta chỉ biết xả thân phục vụ một con người đang khốn đốn trong tinh thần liên đới. Tinh thần liên đới đòi buộc anh ta phải phục vụ, dù biết rằng phải hao tốn nhiều công sức và tiền bạc, làm trì hoãn và gây nên khó khăn cho trách nhiệm của anh ta đang thi hành, hơn nữa, có thể bị liên lụy và nguy hiểm cho tính mạng của mình.

Như vậy tinh thần liên đới theo Đức Giêsu, không phải chỉ là sự ràng buộc trên tình người mang tính cách cứu giúp bên ngoài mà thôi, nhưng sâu xa hơn, còn phải dám đồng cam cộng khổ, liên đới với chính số mạng của họ nữa. Tuy nhiên, tinh thần liên đới không phải chỉ biết cho đi mà còn phải biết khiêm tốn lãnh nhận. Nhiều khi lãnh nhận còn khó hơn là cho đi, vì nó dễ đụng chạm đến cái TÔI, đụng chạm tới quyền bính, vai trò, chức vụ và uy thế của mình. Với những ai đã quen kiểu cách phục vụ như một kẻ “bề trên”, thì khó lòng có sự đối thoại, lắng nghe, chia sẻ và hợp tác với những kẻ “bề dưới”. Khi có vấn đề đặt ra, thì luôn xác định mình là người có quyền, nhưng có quyền là để được phục vụ chứ không phải quyền thống trị theo kiểu người đời.

Khi bề trên chỉ căn cứ trên quyền hành, thì bề dưới chỉ còn biết “xin vâng” để được yên thân. Phục vụ như kẻ “bề trên” thì quá dễ, ai làm cũng được. Đúng ra, phục vụ là tư thế của kẻ bề tôi, coi mình có bổn phận phải phục dịch những người khác với tình thần bình đẳng, yêu thương, huynh đệ, “coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12, 10). Nhưng nhiều khi vì chức vụ, danh giá, ai cũng dễ bị cám dỗ phục vụ với tính cách độc đoán, bất chấp tâm tư, nguyện vọng và cảm xúc của người khác.

Phục vụ trong tình liên đới đòi ta nhận ra sự thật này:“mọi người cùng một thân xác”. Albert Enstein đã khám phá ra toàn bộ vũ trụ là một thực thể năng lượng (năng lượng với công thức E = mc2) không tách rời. Cũng vậy, liên đới mang một ý nghĩa sâu xa trong Chúa Giêsu, toàn thể loài người nơi một con người, và một con người nơi toàn thể loài người. “Tứ hải giai huynh đệ” là thế, vì mọi con người đều là người con của Thiên Chúa, và cùng được chia sẻ sự sống từ nơi Ngài.

4.2 Liên đới trách nhiệm: Ep 4, 11-16

Cuộc sống xã hội là tập hợp những mối quan hệ đa dạng, không ai là một ốc đảo. Người này luôn có mối liên đới với người kia – dù không quen biết hoặc xa cách nhau hàng ngàn cây số. Liên đới với nhau về những điều tốt đã đành, thậm chí người ta còn liên đới với nhau cả những điều xấu. Chúng ta có thể phạm tội không chỉ là hành động trực tiếp của mình, mà còn gián tiếp liên can các tội lỗi do người khác phạm trực tiếp. Chúng ta phạm tội qua hành động của người khác bằng cách: tư vấn, mệnh lệnh, ưng thuận, khiêu khích, nịnh bợ, che giấu, đồng lõa, im lặng, biện hộ.

Tinh thần liên đới còn sâu xa hơn nữa dưới cái nhìn Kitô giáo, khi nói về ngôi vị. Bản chất của ngôi vị là cái tôi độc đáo, nhưng còn là cái tôi tương quan: tương quan hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân. Hơn nữa, nhờ Đức Giêsu Kitô, mà con người được làm con Thiên Chúa và trở thành anh em với. Do đó, con người không những được định nghĩa là Ens rationale (hữu thể có lý trí), mà còn được định nghĩa là Ens relazionale (hữu thể của những tương quan). Quan niệm chính xác về ngôi vị là quan niệm ngôi-vị-tương-quan: nghĩa là phải hướng đến tha nhân, đón nhận tha nhân, hy sinh cho tha nhân, yêu mến tha nhân... thì mới làm triển nở nhân vị của mình.

Không có ai hoạt động riêng rẽ, mặc dù mỗi người một phận vụ, một khả năng, một hoàn cảnh, v.v. , nhưng đều liên đới với nhau trong gia đình nhân loại. Cách riêng trong Giáo hội, mọi phân vụ và ân ban đều là để phục vụ xây dựng nhiệm thể Đức Kitô. Không ai có thể tự hào hay vênh vang về điều mình làm, về chức vụ mình có. Không có hình ảnh nào phong phú và sâu xa để nói về tinh thần liên đới bằng hình ảnh cấu trúc của một thân thể. Mỗi cơ quan hay hay bộ phận dù có có chức năng nhỏ đến đâu đi nữa thì đều liên hệ và gây ảnh hưởng toàn thân khi có một chấn động.

Chỉ cần thiếu sự ăn khớp và hài hòa đôi chút trong các chi thể là gây chấn động toàn thân thể. Bộ máy thân thể cho ta hiểu bộ máy nhiệm thể của đời sống trong Đức Kitô, “Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình”. Chúa Giêsu cũng đã nhắc tới tính liên đới khi Ngài ví Ngài là Cây Nho, còn chúng ta là cành nho với nhau: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn" (Ga 15,1-2).

Đó là điều chắc chắn. Khoa học cũng đã chứng minh rằng, trong não bộ có những "rãnh chất xám" (chất giúp thông minh), ai lười động não thì các "nhánh chất xám" sẽ khô dần và giảm thông minh, nhưng ai chịu động não thì các "nhánh chất xám" sẽ sinh sôi và càng thông minh. Rất tự nhiên mà thật kỳ diệu! Sự kỳ diệu đó do tính liên đới mà ra.

Lạy Chúa Giêsu! Chúa cho con hiểu thế nào là Liên Đới: Liên Đới trước hết là biết cảm thương như Chúa đã chạnh lòng thương cảm. Con thường dễ sống vô tâm nên đã gây nên nhiều khổ lụy: người kia đói khát, vì con quá no nê; người này rách rưới, vì con chạy theo  “mốt”; người nọ thiếu thốn, vì con quá dư thừa; trẻ hư hỏng vì con không chỉ bảo và làm gương; thế giới như chiến trường vì con thiếu yêu thương.

Liên Đới đòi con nhận lấy trách nhiệm, không phủi tay thoái thác cho người khác. Liên Đới là đóng góp phần mình, dù chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng đó lại là tất cả khả năng con, Chúa chỉ chờ đợi có thế thôi, để Ngài làm nên phép lạ. Liên Đới chính là chia sẻ những gì con đã nhận lãnh cách nhưng không. Xin cho trái tim con luôn rộng mở, để sống tình Liên Đới Chúa gọi mời. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

Nguồn tin: gpcantho.com