ĐẠI DỊCH VÀ CƠN ĐÓI HIỆN SINH
Khát vọng sâu xa của con người không thể chỉ được khỏa lấp bởi những đáp ứng vật chất nhưng chỉ bằng lương thực liêng liêng, lương thực không hề hư nát.
Trong thời điểm hiện nay, ở một số quốc gia trên thế giới người ta rơi vào cuộc khủng hoảng thừa, thừa vật chất, tiền của và vaccine, tuy nhiên ngược lại ở một số quốc gia họ lại rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu, họ thiếu lương thực, thiếu vaccine, thiếu tương quan và thiếu tình thương. Nhất là ở những nghèo họ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, họ khao khát có được tấm bánh để khỏa lấp cơn đói. Thế nhưng trên thực tế, không chỉ những người nghèo mới đói nhưng cả những người giàu cũng đói. Họ đói tình thương, sự quan tâm và nhất là họ khao khát sự sống đời đời. Đâu là nơi giúp con người khỏa lấp cơn khát hiện sinh này. Chúa Giêsu là tấm bánh ban sự sống đời đời cho con người.
1/ Cơn đói và sự thèm khát
Cơn đói là một nhu cầu tự nhiên của cơ thể cần cung cấp lương thực và những nhu cầu thiếu yếu. Hẳn rằng bạn và tôi đều có kinh nghiệm này. Tuy nhiên người ta không chỉ đói về vật chất nhưng người ta còn đói khát về tương quan, niềm tin, niềm hy vọng, và tình yêu. Họ khao khát được yêu thương chăm sóc, được thừa nhận và dự phóng đời mình vào vô tận. Và nhất là khao khát sự sống đời đời. Khát vọng sâu xa của con người không thể chỉ được khỏa lấp bởi những đáp ứng vật chất nhưng chỉ bằng lương thực liêng liêng, lương thực không hề hư nát.
Nếu đọc lại những trang đầu của Sách Sáng Thế bạn thấy rằng, Adam và Eva cũng cảm nhận được điều này. Họ đói tự do, đói sự công chính và họ khao khát sự sống đời đời. Nhưng có một điều khao khát đó bị đặt sai chỗ, khao khát của họ đặt nơi con rắn cho lên họ tiếp tục đói khổ. Họ bị trắng tay. Ở đây cơn đói cũng là con đường để rồi cơn cám dỗ len lỏi vào. Eva trông trái thì đẹp, ăn thì ngon và nghĩ rằng việc ăn trái cấm sẽ làm cho mình khôn ra, bà đã ăn, bà đưa cho cả chồng và ông cũng ăn.[1]
Không chỉ hai ông bà nguyên tổ nhưng dân Israel cũng thế. Họ được Thiên Chúa giải thoát dẫn đi trong sa mạc để đến vùng đất hứa nhưng họ lại thèm khát nồi thịt trong cảnh nô lệ bên Ai Cập.[2] Họ thà chấp nhận làm nô lệ để được ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê còn hơn chấp nhận qua sa mạc để được tự do. Cám dỗ của những cơn đói tâm linh vẫn là thách đố cho bạn trên hành trình đi tìm tự do. Một mặt bạn khao khát tự do đích thực, nhưng mặt khác bạn thích ở lại trong những khung cảnh chật hẹp của tự do cá nhân và sử dụng chúng theo những gì bạn muốn.
Trong sa mạc, sau khi ăn chay bốn mươi đêm ngày, Chúa Giêsu cảm thấy đói nhưng Ngài đã chiến thắng cơn đói và sự cám dỗ bằng lương thực Lời Chúa và việc vâng phục ý Cha. Cám dỗ len lỏi từ cơn đói và thúc đẩy con người tìm cách thỏa mãn cơn đói từ đó dẫn đến con người phạm tội. Có nhiều thứ tội xuất phát từ cơn đói và việc con người đặt sai chỗ khát vọng của mình. Thay vì đặt khao khát của mình vào Đấng là nguồn cội của sự sống và sự tốt lành, họ lại đặt khao khát của mình trên con rắn và để rồi cuộc đời vẫn mãi long đong.
Giống như Eva, bạn và tôi, động lực ban đầu của việc lựa chọn là tốt lành, hay nhìn có vẻ tốt lành như ngon, đẹp, đáng quý và trở nên khôn ngoan. Ngay cả những người làm điều dữ cũng nghĩ rằng tôi làm điều này vì sự tốt lành hoặc điều này có thể giúp tôi giải tỏa cơn khát hiên sinh và siêu hình. Việc đặt tự do sai chỗ dẫn đến những hậu quả thảm khốc. Đánh mất chính mình, với tạo thành và tương quan với Chúa.Vậy bạn cần làm gì? Thưa phải sống sự công chính.
2/ Bánh và sự công chính
Sự công theo thánh Phaolô là sự công chính bởi đức tin (vào Đức Kitô.) Sự công chính có liên quan chặt chẽ tới Bánh và Đức Tin. Bạn tin nên bạn đón nhận Bánh. Việc đón nhận Bánh mời gọi bạn sống công chính. Nói cách khác bạn được mời gọi ăn bánh công chính. Bánh công chính ở đây chính là tin vào Lời và tin vào Chúa Giêsu, được trở nên một và biến đổi trong Ngài. Hệ quả tất yếu là cần phải thay đổi lối sống và trở thành con người mới. Thánh Phaolô mời gọi cộng đoàn Êphêxô cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới. “Hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt”[3] Như thế việc đón nhận Đức Kitô trong lòng tin mời gọi người Kitô hữu trở nên con người mới.
Có ba dấu chỉ cho thấy bạn trở nên con người mới đó là: mới trong lòng trí, được tác thành theo ý Chúa và trở nên thánh thiện xứng với sự thật. “Anh em hãy trở nên mới trong lòng trí anh em, hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng với sự thật.”[4] Đây là ba dấu chỉ mà thánh Phaolô mời gọi những tín hữu Êphêxô hãy thực hành. Điều này cũng là điều mà bạn có thể học nơi Thánh Phaolô, trở nên con người mới, đón nhận bánh công chính để có được sự sống đời đời.
3/ Bánh ban sự sống
Mặc dù khác nhau về chủng tộc, màu da, trình độ văn hóa, mỗi người có thể cảm nhận những cơn đói khác nhau. Tuy nhiên có một mẫu số chung mà mỗi người có thể chia sẻ đó là việc khao khát sự sống đời đời. Vậy bạn sẽ tìm được thứ bánh này ở đâu?
Chúa Giêsu trả lời rất rõ: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ.”[5] Chúa Giêsu khẳng định rất mạnh mẽ và dứt khoát “Chính Ta.” Ngài không dựa vào thẩm quyền của ai khác để trao ban sự sống nhưng là vào chính Ngài bởi vì Ngài là Chúa, là nguồn của sự sống. Ngài có thể thỏa mãn tất cả những cơn đói khát thiêng liêng của con người. Đôi khi sau khi bạn ăn no, bạn vẫn cảm thấy đói có lẽ bởi vì bạn chưa ăn thứ bánh mà Chúa Giêsu mời gọi. Thế giới cung cấp cho bạn nhiều lựa chọn và nhiều thứ bánh. Đáp ứng cho bạn những như cầu và giải khát nhất thời nhưng không giúp cho bạn giải được cơn khát về sự sống vĩnh cửu.
Ở những thời điểm khác nhau có lẽ bạn và tôi có những khao khát và ước muốn khác nhau. Khi còn trẻ bạn có nhu cầu được bảo vệ và chăm sóc, lúc trưởng thành bạn mơ ước một công việc ổn định và một gia đình hạnh phúc, lúc về già bạn khao khát được thảnh thơi bên đàn con đông đúc. Những khao khát này là rất chính đáng và rất hợp lý, điều mà nhiều người đều mơ ước. Tuy nhiên có một thực tế rằng những điều này không còn mãi với bạn. Đại dịch phơi bầy sự mong manh và sự hào nhoáng của những giá trị mà bạn tin tưởng. Những điều bạn tưởng chừng vững bền lại không còn mãi với bạn. Nó đánh vào sự yếu đuối và tính dễ tổn thưởng của mỗi người, sự kiêu hãnh, giàu có và sự phong phú hào nhoáng. Người giàu cũng bệnh, người nghèo cũng bệnh, tổng thống cũng bệnh, dân thường cũng bệnh. Đại dịch chỉ ra cơn đói hiện sinh thực sự của bạn và tôi, bạn cần tình yêu, cần sự sự liên đới, bạn khao khát ý nghĩa cuộc sống, bạn khao khát gặp gỡ Đấng là nguồn cội và có thể giải tỏa mọi cơn khát tâm linh. Đứng trước đại dịch bạn cảm thấy lo lắng, sao xuyến, sợ hãi, lo âu, có khi bạn tự hỏi Thiên Chúa ở đâu, Ngài có còn yêu thương bạn nữa không. Bạn thực sự khát một câu trả lời về sự hiện diện của Chúa và về sự quan phòng của Ngài. Hơn nữa bạn cũng nên biết rằng Thiên Chúa không phải là nguyên nhân của sự dữ nhưng chính ma quỷ mới là nguyên nhân của sự dữ.
Hiển nhiên, bạn có quyền tra vấn về đức tin của mình tuy nhiên bạn đừng mất niềm hy vọng, bởi vì niềm hy vọng dẫn bạn tiến về phía trước và vượt qua tăm tối. Vả lại ngay cả khi bạn có thể trả lời tất cả những câu hỏi mà bạn thắc mắc thì những đau khổ vẫn bủa vây bạn. Sự thỏa mãn những đòi hỏi của lý trí không khỏa lấp những đòi hỏi của khoảng trống hiện sinh và siêu hình, khao khát vô tận. Và chỉ có sự vô tận mới khỏa lấy được cơn khát vô tận của bạn mà thôi. Chúa Giêsu chỉ cho bạn nơi mà bạn có thể được bồi dưỡng và nghỉ ngơi. “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ.”[6]
Không chỉ bạn và tôi là những người khao khát sự sống đời đời và hạnh phúc vĩnh cửu nhưng Thiên Chúa Ngài cũng đang khao khát bạn và tôi hãy đến và để được hưởng sự sống nơi Ngài. Bản chất của tình yêu là khao khát sự thân mật và chia sẻ sự sống. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài cũng đang khao khát bạn và tôi đến với Ngài để được kín múc sự sống không hề vơi cạn. Xin cho mỗi người chúng con cũng biết đặt niềm tin tưởng và sự phó thác nơi Chúa vì chỉ có Chúa mới làm no thỏa những cơn khát của mỗi người chúng con.
Gioan Phạm Duy Anh SJ(dongten.net)
[1] St 3: 1
[2] Xh 16; 3
[3] Ep 5,1-2
[4] Ep 5; 22-24
[5] Ga 6; 35
[6] Ibidem
Nguồn: http://gplongxuyen.org