Đại dịch Covid-19: Phản tỉnh từ nhãn quan Thần học luân lý y sinh học Công giáo
ĐẠI DỊCH KINH HOÀNG THẾ GIỚI COVID-19: PHẢN TỈNH TỪ NHÃN QUAN THẦN HỌC LUÂN LÝ Y SINH HỌC CÔNG GIÁO
BS Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà
Ngày 7/4/2020
Bối cảnh
Có lẽ không cần mô tả nhiều về thảm họa đại dịch Covid-19. Vì có thể nói đây là điều “ai cũng biết”, là điều quan tâm hàng đầu của toàn thế giới trong những ngày tháng này. Đi đâu cũng nghe nói về Covid-19. Thậm chí có người cập nhật tin tức hàng giờ về “cái Cô”–rona quái ác. Cho đến thời điểm này, đại dịch truyền nhiễm gây ra bởi chủng virus Corona mới đã lan tràn đến 209 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dịch khởi phát từ tháng 12/2019, tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, khi một nhóm người bị viêm phổi không rõ nguyên nhân, đã tiếp xúc chủ yếu với những người buôn bán làm việc tại chợ bán buôn hải sản Hoa Nam, nơi bán động vật sống và được cho là địa điểm bùng phát dịch bệnh đầu tiên. Ngày 11/2/2020, Ủy ban Quốc tế về Phân loại Virus (ICTV) đã đặt tên chính thức cho chủng virus corona mới này là SARS-CoV-2, tên dịch Covid-19.[1] Ngày 11/ 3/2020 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu.[2]
Tính đến ngày 7/4/2020, khi bài này đang được viết, số ca nhiễm SARS-CoV-2 đã trên 1,3 triệu người, và hơn 74.000 người chết.[3] Viết bài này trong hơn hai tuần, tôi thật sự “choáng” về con số người bị nhiễm tăng lên hàng chục ngàn và số người chết tăng lên hàng ngàn mỗi ngày trên toàn thế giới, và như thế mỗi ngày khi tiếp tục viết bài này, tôi đều phải cập nhật số liệu. Không biết khi bài này được đăng báo, thì con số nhiễm bệnh và số chết thực sự tăng lên bao nhiêu, và không biết lúc đó đại dịch này đã được kiểm soát chưa!
Phản ứng đáp trả dịch nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới đã bao gồm: hạn chế đi lại, đóng cửa trường học, phong tỏa kiểm dịch, hủy bỏ sự kiện, đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu, kiểm soát dịch tễ nghiêm ngặt, ngay cả đình chỉ các sinh hoạt tôn giáo. Cá nhân rửa tay xà phòng thường xuyên, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thực hiện cách ly toàn xã hội… Các ảnh hưởng của đại dịch trên toàn thế giới bên cạnh số người nhiễm bệnh và chết, còn bao gồm thiệt hại kinh tế nặng nề hàng nghìn tỉ đô la, sự bất ổn về kinh tế và xã hội,[4] hàng triệu dân nghèo đói khát, đe dọa chết và thậm chí chết ngay cả trước khi họ bị nhiễm loại virus độc hại này.[5] Lúc dịch khởi phát còn có hiện tượng bài ngoại và phân biệt chủng tộc đối với người gốc Trung Quốc và Đông Á,[6] việc truyền bá thông tin sai lệch nhằm che giấu dịch bệnh của Trung Quốc,[7] thuyết âm mưu về virus,[8] nguy cơ tái nhiễm,[9] nguy cơ truyền bệnh lâu dài trong cộng đồng ở những bệnh nhân khỏi bệnh nhưng còn mang virus mạn tính…[10] Các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh đều có mặt trái bên cạnh các hiệu quả chống dịch.
Đức tin và luân lý đan kết chặt chẽ không thể tách rời trong đời sống thường nhật của mỗi tín hữu. Tuy nhiên, về mặt hình thức, bài viết tạm chia thành hai phần: 1/ Mười bài học xã hội - và lưỡng nan luân lý y sinh học. 2/ Mười Bài học về đức tin và đời sống thiêng liêng. Phần ba thêm vào trong chiều hướng đồng hành với người trẻ: Bạn trẻ ở đâu trong “cuộc chiến” chống đại dịch này?
Mười bài học xã hội và lưỡng nan luân lý y sinh học
1/ Cảnh giác, tăng cường biện pháp chuẩn bị phòng chống đại dịch ở mọi quốc gia
Dịch bệnh Covid-19 cho thấy một lỗ hổng lớn về các biện pháp chuẩn bị phòng chống đại dịch ở các quốc gia. Giống như H1N1 hay SARS, Covid-19 đã cho thấy rằng đại dịch do virus có thể lây lan nhanh như thế nào, con người cần phải chuẩn bị chu đáo những biện pháp để ứng phó nhanh và toàn diện hơn trong tương lai.[11]
Chính Bill Gates đã tiên đoán về đại dịch virus toàn thế giới cách nay năm năm. Năm 2015, trong một bài nói chuyện, ông nhận định rằng cách nay vài thập kỷ, hiểm họa đáng sợ nhất là chiến tranh hạt nhân; ngày nay nguy cơ lớn nhất trong thảm họa toàn cầu có thế lấy đi sinh mạng hàng triệu người nhiều khả năng đó là virus lây nhiễm mức độ cao hơn chiến tranh. Ông giải thích lý do là các quốc gia đã đầu tư số tiền lớn để ngăn ngừa hạt nhân; nhưng thực sự đầu tư rất ít vào hệ thống ngăn ngừa dịch bệnh. Theo ông, các quốc gia chưa sẵn sàng cho dịch bệnh sắp tới.[12]
Bill Gates đánh giá thế giới chúng ta đã bỏ lỡ nhiều điều. WHO được tài trợ kiểm soát dịch bệnh, nhưng họ không làm những việc này! Dự phòng thất bại có thể khiến cho dịch bệnh sắp tới tàn phá mãnh liệt hơn cả Ebola. Nhìn lại tình hình phát triển của dịch Ebola: khoảng 10.000 người đã chết, và hầu hết ở ba nước Đông Phi. Tại sao nó không lan rộng? Đó là do: 1/ có nhiều nhân viên y tế làm những công việc dũng cảm. Họ tìm người dân và ngăn ngừa bệnh phát tán; 2/ Bản chất của virus Ebola: không lây nhiễm qua đường không khí. Và khi mắc bệnh, hầu như những người bị bệnh đều nằm liệt giường, nên không thể di chuyển để có thể lây nhiễm xa.
Khi ấy, Bill Gates đã sáng suốt nhận định rằng tương lai chúng ta có thể sẽ không gặp may như vậy. Có thể có virus lây nhiễm vào con người mà vẫn khiến họ đủ khỏe để đi ra chợ, đi máy bay, đi khắp nơi và âm thầm gieo rắc mầm bệnh. Nguồn virus có thể là đại dịch tự nhiên, hay có thể là khủng bố sinh học. Đây là điều sẽ xảy ra: virus lan truyền trên thế giới cực nhanh. Vậy nên đây là một vấn đề nghiêm trọng. Bill đã kêu gọi thế giới cần phải quan tâm. Trên thực tế, nếu có một điều tích cực có thể đến từ vụ dịch bệnh Ebola: có thể xem đó là một cảnh báo sớm![13]
Rất tiếc là khi ấy những người có trách nhiệm quốc gia không quan tâm cảnh báo của Bill Gates. Nay đại dịch Covid-19 diễn tiến đúng hệt những gì vị tỉ phú tài ba, nhân hậu và có tầm nhìn rộng này phản tỉnh. Dù sao, chưa bao giờ là quá trễ để có thế bắt đầu lại. Cho đến nay, diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp nhưng chúng ta có niềm tin dịch bệnh sẽ được đẩy lùi. Sau thắng trận đại dịch này, hy vọng rằng các quốc gia sẽ thấm thía bài học lớn, ý thức xây dựng phương sách toàn vẹn đối phó phòng chống dịch ở tầm cao mới.
2/ Bài toán kinh tế và mạng sống, đời sống hàng triệu người
Từ năm 2015, Bill Gates đã tính toán nếu chuẩn bị tốt việc phòng chống đại dịch virus, tuy chưa biết con số chính xác chi phí hết bao nhiêu, nhưng ông chắc chắn nó sẽ ít hơn nhiều so với thiệt hại do đại dịch toàn cầu gây ra. Ngân hàng thế giới ước tính nếu gặp phải dịch cúm toàn cầu, tài sản thế giới sẽ giảm xuống hơn ba nghìn tỉ đô và hàng triệu người chết. Vì thế, đầu tư đối phó phòng chống dịch này đem lại lợi ích to lớn vượt xa chi phí chống với dịch bệnh. Chăm sóc sức khỏe thiết yếu, nghiên cứu phát triển, dự án phòng chống dịch, những điều này sẽ làm giảm đi bất bình đẳng y tế toàn cầu và làm cho thế giới an toàn rất nhiều. Do đó, Bill Gates nhắc nhở cần bắt tay làm ngay vì thời gian không chờ đợi chúng ta.[14]
Hiện trạng đại dịch Covid-19 thế giới vào lúc này, từ khởi phát tháng 12/2019 đến tháng 4/2020- lúc dịch đang lên cao trào-cho thấy bài toán kinh tế của Bill Gates rất chính xác. Có thể dẫn chứng vài sự kiện minh họa. Ngoài số người nhiễm bệnh và chết nói trên, ngân hàng Thế giới (WB) báo cáo hôm 31/3, tác động kinh tế từ Covid-19 có thể khiến 11 triệu người tại châu Á - Thái Bình Dương lâm vào cảnh nghèo đói nếu không có biện pháp can thiệp. WB cảnh báo châu Á - Thái Bình Dương có thể đối mặt với đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất suốt hơn 20 năm qua.[15]
Chỉ riêng ở Mỹ, tối 25/3 Thượng viện đã thông qua dự luật hỗ trợ thứ ba kích thích kinh tế chống dịch Covid-19 trị giá 2.000 tỷ USD. Đây là dự luật có số tiền lớn nhất của Chính phủ Mỹ nhằm đối phó với dịch Covid-19. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các cơ quan y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch; dự luật kế tiếp trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Donald Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.
Chiều 7/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến công bố tình trạng khẩn cấp với Tokyo, Osaka và 5 tỉnh khác. Người dân được khuyến nghị ở nhà trong một tháng. Ông Abe cũng đang chuẩn bị gói kích thích quy mô kỷ lục – gần 1.000 tỷ USD để ngăn nền kinh tế rơi tự do.[16]
Bên cạnh hàng triệu bệnh nhân và cả bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc, chữa trị bệnh nhân, lây nhiễm và gần tám mươi ngàn người chết do dịch bệnh, còn hàng tỉ người cuộc sống bị đảo lộn, người nghèo đói khát, thậm chí chết do ảnh hưởng đại dịch trên xã hội, trước khi họ bị nhiễm SARS-CoV-2.[17] Đúng như ông bà chúng ta nói: “phòng bệnh hơn trị bệnh”.
3/ Tôn trọng sự thật – Thông tin trung thực và “uy tín” chính trị
Dịch Covid-19 đã khởi phát vào những ngày cuối năm 2019, tại Vũ Hán, Trung Quốc. Bác sĩ (BS) Lý Văn Lượng là một trong tám người đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra khởi phát từ một chợ hải sản Vũ Hán. Ngày 3/1/2020, cảnh sát Vũ Hán mời anh đến làm việc, cảnh cáo và buộc anh ký biên bản với nội dung “phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội” và buộc phải giữ im lặng.[18]
Vào ngày 20/1/2020, khi dịch bùng phát mạnh tại Trung Quốc và cả thế giới quan tâm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới có bài phát biểu công khai đầu tiên về vụ dịch và nói về “sự cần thiết phải công bố thông tin kịp thời” (!), theo Thông tấn xã.
Nhiều bài bình luận nhận định nếu công an không chặn đứng thông tin khoa học của BS Lý Văn Lượng, để công chúng có thể biết “tin đồn” này vào thời điểm đó và áp dụng các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu như đeo khẩu trang, khử trùng nghiêm nhặt và tránh đến chợ bán động vật hoang dã thì Trung Quốc, và tiếp theo là toàn thế giới đã có thể ngăn ngừa và kiểm soát lây lan virus tốt hơn.[19]
Một số dữ kiện cho thấy rất có khả năng số người chết ở Trung Quốc do đại dịch Covid-19 có thể cao hơn rất nhiều so với con số chính thức mà chính quyền Trung Quốc đã công bố. Chẳng hạn, Trung Quốc công bố số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày 19/2 ở mức thấp nhất kể từ ngày 23/1. Theo Reuters, số ca nhiễm mới giảm đột ngột một phần là Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đã thay đổi tiêu chuẩn chẩn đoán và xác nhận nhiễm bệnh và đây là lần thay đổi thứ hai trong vòng một tuần.[20] Dù số ca nhiễm ở Hồ Bắc lúc ấy được công bố giảm đáng kể, việc thay đổi phương pháp chẩn đoán của Trung Quốc đã có tác động rất lớn tới con số thống kê chính thức, gây ra nghi ngờ về độ chính xác của những con số được công bố, theo Reuters.
Tờ The New York Times nêu bức xúc của giáo sư về dịch tễ học Benjamin Cowling thuộc Đại học Hồng Kông về việc thay đổi cách tính số ca nhiễm: “Đối với một nhà dịch tễ học, thật sự bực bội khi việc định nghĩa về ca nhiễm luôn thay đổi. Tại sao chúng ta không phân loại ca nhiễm (nCoV) được xác nhận, ca nghi ngờ và ca có thể nhiễm? Tình trạng này gây bối rối”.[21]
Ngày 7/4, Viện nghiên cứu Henry Jackson Society (HJS) ở London, Anh, cho rằng các nước G7 có thể kiện Trung Quốc, đòi bồi thường ít nhất 6.500 tỷ USD do để Covid-19 lây lan. “Nếu Trung Quốc cung cấp thông tin chính xác trong giai đoạn đầu, dịch bệnh đã không rời khỏi nước này”, viện HJS viết trong báo cáo “Bồi thường virus corona?”.[22]
Dù sao, hiển nhiên thời gian ban đầu là Trung Quốc che giấu dịch bệnh, và sau đó che giấu độ trầm trọng của dịch. Nhiều bình luận viên cho rằng nếu Trung Quốc trung thực thông tin tình hình dịch bệnh, các quốc gia khác như Mỹ, châu Âu đã không xem thường, mà cảnh giác và phòng chống dịch tốt hơn. Tính mạng con người phải được chọn lựa ưu tiên hơn là “thể diện chính trị”.
4/ Phẩm giá và đời sống con người
So sánh hai hình ảnh của việc xử lý người bệnh chết khi dịch đang cao trào ở Trung Quốc mỗi ngày có hàng trăm người chết và ở Ý hàng ngàn người chết, tôi thấy có sự khác biệt thật ý nghĩa về phẩm giá con người.
Ở Trung Quốc, BS Lý văn Lượng mô tả người chết được chứa vào các túi rồi đem đi hỏa thiêu:
Tôi đã ra đi rồi
Tôi thấy họ lấy cơ thể của tôi
Đặt nó vào một cái túi
Ở đó có nhiều đồng bào
Cũng ra đi giống như tôi
Bị đẩy vào lửa trong lò thiêu.
(trích đoạn thơ của BS Lý Văn Lượng (Li Wenliang) và người vợ trẻ Nguồn: Từ trang Cơ Đốc Nhân Trung Quốc)
Thật ghê sợ hình ảnh cả ngàn bao đựng xác chết!
Ở Ý, dù có bị quá tải về số người chết cả ngàn trong một ngày, mỗi người chết được đặt trong quan tài thật đẹp! Dù sao cũng nói lên sự tôn trọng phẩm giá con người.
Bill Gates thật sâu sắc và chí lý khi phản tỉnh về các hậu quả dịch Covid-19 tác động trên con người và đời sống họ:
Virus này tấn công bất kỳ ai. Nó đối xử với mọi người như nhau. Tất cả chúng ta đều bình đẳng, bất kể văn hóa, tôn giáo, nghề nghiệp, giàu sang hay danh tiếng như thế nào. Corona này có thể quật ngã cả vận động viên thể thao, bác sĩ, giám mục, thủ tướng… Con người cần khiêm tốn hơn.
Sức khỏe tốt là yếu tố quan trọng giúp cơ thể có sức đề kháng. Sức khỏe của mình quý giá biết bao và chúng ta đã đi quá xa khi lao vào công việc mà không màng sức khỏe; chúng ta ăn những thực phẩm nghèo dinh dưỡng, và uống nước bị ô nhiễm bởi hóa chất, hít thở môi trường độc hại.
Mạng sống con người có thể bị hủy hoại trong phút chốc. Chúng ta cảm nghiệm sự ngắn ngủi của cuộc sống và điều quan trọng nhất chúng ta cần phải làm: đó là giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là những người già yếu, bệnh tật, nghèo khổ. Việc lây nhiễm trong cộng đồng cho thấy chúng ta đều kết nối và điều gì đó ảnh hưởng đến một người thì nó cũng có sự ảnh hưởng đến người khác.
Xã hội hưởng thụ vật chất của chúng ta đã đi quá xa khi đánh giá cao những thứ xa xỉ. Khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta thấy rõ những thứ thiết yếu mà ta cần cho sự sống: nước, thực phẩm, vệ sinh môi trường và cơ thể, chung sức bảo vệ cộng đồng, và nhất là đời sống tâm linh.
Nhiều bệnh nhân Covid-19 đã chết trong cô độc. Chúng ta cần quay về gia đình để chúng ta có thể xây dựng lại cuộc sống bên tổ ấm của mình và củng cố hạnh phúc gia đình mình.[23]
5/ Sự sống con người và lương tâm thầy thuốc
Dịch Covid-19 bùng phát quá nhanh và dữ dội, hệ thống y tế một số nước châu Âu đã thực sự “vỡ trận”, không thể đáp ứng được số lượng bệnh nhân bị lây nhiễm nặng phải hồi sức tích cực. Các BS đối mặt với những quyết định “day dứt” nhất trong cuộc đời làm nghề y.
Theo Imperial College Healthcare NHS Trust, một nhánh của quỹ y tế quốc gia Anh, những bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở mức độ nặng sẽ phải sử dụng máy thở trong thời gian vài tuần. Với nguồn lực được dùng trong một thời gian dài như vậy, và máy thở khan hiếm thì cần phải chắc chắn rằng bệnh nhân sẽ khỏe lên. Trì hoãn cái chết của những bệnh nhân yếu, không có hy vọng sống không phải là việc làm đúng đắn với họ và cả với xã hội. Điều này có nghĩa, các bác sĩ tại Anh hiện tại đang phải lựa chọn bệnh nhân có cơ hội sống cao hơn để dùng máy thở.[24]
Tại Tây Ban Nha, trong phòng cấp cứu bệnh viện La Paz, một trong những bệnh viện lớn nhất thủ đô Madrid, BS Daniel Bernabeu ký giấy chứng tử cho một ông lão và lập tức quay sang giúp bệnh nhân khác đang suy hô hấp.“Trong hoàn cảnh khác, cụ ông đó sẽ có cơ hội được cứu sống. Nhưng ở đây có quá nhiều người, tất cả đều đang nguy kịch cùng lúc”, BS Bernabeu kể lại.Theo ông, các phòng chăm sóc đặc biệt đều quá tải và các BS được yêu cầu ưu tiên điều trị cho bệnh nhân trẻ, vì người cao niên nhiễm SARS-CoV-2 không có cơ hội sống sót cao như người trẻ. Nhiều người qua đời trong phòng chờ trước khi được nhập viện, vì các bệnh viện đều quá tải.[25]
Trong tài liệu khuyến cáo về đạo đức y tế công bố cuối tuần qua, Hiệp hội An thần, giảm đau, hồi sức tim phổi và chăm sóc đặc biệt Ý (SIAARTI) phản ánh tình trạng khó khăn mà các cơ sở y tế ở miền bắc nước này đang trải qua và nói rằng các bệnh viện phải chọn người có cơ hội sống cao hơn để chữa trị. Tờ La Croix dẫn lời bà Flavia Petrini, chủ tịch SIAARTI: “Cân nhắc tình hình bệnh nhân tăng lên từng giờ, số lượng giường trong khu chăm sóc đặc biệt rất hạn chế và việc nhiều BS, y tá cũng bị nhiễm virus Corona mới và đang bị cách ly, chúng tôi cần ưu tiên cho những người trẻ và những người có cơ hội hồi phục nhiều hơn”. Một BS tại bệnh viện Cremona ở Lombardy nói với tờ La Croix: “Giữa hai bệnh nhân 40 tuổi và 60 tuổi đều có nguy cơ tử vong, chúng tôi phải lựa chọn. Điều này thật kinh khủng và chúng tôi đã khóc nhưng chúng tôi không đủ thiết bị”. BS gây mê hồi sức Christian Salaroli ở Lombardy cũng thừa nhận việc phải lựa chọn bệnh nhân để cứu sống và ví nó giống như trong thời chiến, theo tờ Il Corriere della Sera.[26]
Tạp chí Crux gần đây đã nói chuyện với nhà đạo đức sinh học Công Giáo Joseph Meaney, chủ tịch Trung Tâm Đạo Đức Sinh Học Công Giáo Toàn Quốc đặt trụ sở tại Philadelphia, Hoa Kỳ, về vấn đề phải chọn lựa bệnh nhân để cứu sống. Meaney lưu ý đến việc không được kỳ thị.[27]
Theo tôi, các trường hợp nêu trên, không có vấn đề kỳ thị, và có thể được biện minh về luân lý. Khi không thể cứu sống cả hai, BS “đành” chọn cứu người có khả năng sống nhiều hơn. BS Salaroli, tại Ý, nói với tờ Corriere rằng gánh nặng cảm xúc đối với nhân viên y tế mang tính “tàn phá” và một số BS trong đội của ông đã “tan nát” bởi những lựa chọn mà họ phải đưa ra. “Nó có thể xảy ra với một bác sĩ trưởng cũng như một bác sĩ trẻ vừa mới đến và thấy mình phải quyết định số phận của một con người. Tôi nhắc lại, trên quy mô lớn”, ông nói.“Tôi đã thấy các y tá với ba mươi năm kinh nghiệm khóc, những người bị khủng hoảng thần kinh, run rẩy, tất cả đều bất ngờ”.[28] Vai trò lương tâm ngay chính của thầy thuốc quyết định trong các ca khó khăn này.
6/ Đạo đức nghề nghiệp Y khoa
Trong trận chiến chống Covid-19, các BS và cuộc sống gia đình của họ bị đảo lộn, nguy cơ họ phơi nhiễm với virus cao, nhưng lương tâm nghề y thúc bách họ phải chiến đấu. Một trong các “Thiên thần áo trắng” ra đi mãi mãi đầu tiên trong cuộc chiến chống Covid-19 là BS Lý văn Lượng 34 tuổi ở Vũ Hán. Lần lượt sau đó nhiều người khác như Lưu Trí Minh, 51 tuổi, BS phẫu thuật thần kinh đáng kính, viện trưởng Bệnh viện Vũ Xương, Vũ Hán, qua đời ngày 18/2. Nữ BS Xu Hui, 51 tuổi, tại bệnh viện Nam Kinh, đã qua đời vì kiệt sức sau hơn nửa tháng làm việc liên tiếp ở tuyến đầu… Các cơ quan y tế Trung Quốc và một nhóm từ Tổ chức Y tế Thế giới đã báo cáo vào tối 24/2 rằng 3.387 nhân viên y tế ở Trung Quốc đã bị nhiễm SARS-CoV-2, hơn 90% trong số đó là ở Hồ Bắc, nơi bệnh dịch khởi phát. Số ca nhiễm của các nhân viên y tế tăng lên cho thấy cái giá phải trả của phản ứng chậm trễ khiến hệ thống y tế của Vũ Hán và Hồ Bắc gần như vỡ trận. Nhân viên y tế không được bảo vệ đầy đủ, phải làm việc quá sức nên ngày càng dễ bị tổn thương.[29]
Hiện nay, nước Ý đang là “tâm dịch”. Hiệp hội Bác sĩ Ý ngày 31/3 xác nhận số BS qua đời trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân Covid -19 ở Ý ít nhất là 66, có người ra đi trong cô độc. Tổng số nhân viên y tế nhiễm corona mới ở Ý lên ít nhất 8.956, theo CNN[30]. Tại Anh, El-Hawrani, 55 tuổi, là chuyên gia và giảng viên bộ môn tai mũi họng tại Bệnh viện Burton ở Derbyshire, BS tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19, đầu tiên chết vì corona mới, ngày 28/3.[31] Và còn nhiều nữa trên các quốc gia khác.
Lúc này đây, đúng như truyền thống, các BS, nhân viên y tế sống câu châm ngôn: “Lương y như từ mẫu”, người mẹ hiền sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu con cái mình.
Ơn gọi của thầy thuốc Công Giáo bao gồm thông chuyển tình yêu chữa lành của Đức Kitô đối với người bệnh. Căn tính thầy thuốc Công giáo là mạc khải Đức Kitô, Đấng chữa lành và thương xót. Bên cạnh tài năng chuyên môn, người thầy thuốc phải có tình thương vô vị lợi, chia sẻ nỗi đau của người bệnh, cung cấp mọi thứ họ cần để được chữa lành. “Sứ vụ chăm sóc sức khỏe Công giáo bắt nguồn từ một sự dấn thân nhằm thăng tiến và bảo vệ phẩm giá con người; đây là nền tảng cho việc chú tâm đến việc tôn trọng tính thánh thiêng của sự sống con người từ lúc thụ thai cho tới khi chết.”[32] Mẫu tương quan thầy thuốc-bệnh nhân được xem như một giao ước, có Thiên Chúa là nguồn mạch và quy chiếu các giá trị.
Truyền thống, Hải Thượng Lãn Ông đặt nền cho y đức Việt- Nam: “Y học thiếu y đức không còn là y học nữa” (Lãn Ông Cách Ngôn). Từ xưa, niềm trông đợi người thầy thuốc tận tâm chữa lành được diễn tả qua châm ngôn “lương y như từ mẫu”. Trong bài báo ngày 12/7/2013, tác giả Phan Sơn buồn phiền thốt lên khi nhận định về một số cán bộ giảng dạy y khoa: “Đâu đó ở những trường đại học của nước ta, sự thánh thiện và tốt đẹp lại bị vấy bẩn bởi thói giả dối và tham lam của chính những người giảng dạy, vậy liệu người trẻ sẽ học được gì từ một môi trường như thế?”[33] Đúng là trong một thời gian, một số thành viên trong nghề y có bị “tục hóa”, bị lôi cuốn bởi lợi ích vật chất.
Một điểm tích cực trong dịch bệnh này: cuộc chiến đấu tranh giành sự sống cho người bệnh, ẩn tàng nguy hiểm cho tính mạng của chính các bác sĩ, y tá, lại “thanh tẩy” ngành y, “tôi luyện” lại cho ngành y sứ mệnh cao cả bảo vệ mạng sống con người, khởi hứng lại nguyên tắc cơ bản trong ngành y, dấn thân quên mình vì lợi ích cộng đồng, cho sức khỏe và sự sống của người bệnh.
7/ Nguyên tắc công bằng “Cuộc chiến” tìm mua khẩu trang, vật tư y tế
Tại Mỹ, một cường quốc hàng đầu thế giới, thế nhưng đối đầu với đại dịch lại cũng có nhiều lỗ hổng to lớn. Trong hoàn cảnh số ca bệnh tăng vọt đến chóng mặt, khẩu trang, quần áo và kính bảo hộ thiếu hụt, y bác sĩ gặp khó trong điều trị, bản thân họ và gia đình lâm nguy. Các bác sĩ tại Bệnh viện Do Thái Barnes ở St. Louis thực hiện phẫu thuật xâm lấn cho các bệnh nhân Covid-19 chỉ với chiếc khẩu trang lỏng lẻo thay vì mặt nạ chống độc. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, họ bày tỏ nỗi lo lắng và sợ hãi khi đứng trước nguy cơ lây nhiễm chéo và truyền virus cho gia đình và những người xung quanh. Con số gần 10.000 nhân viên y tế Tây Ban Nha nhiễm SARS-CoV2 được nhà chức trách nước này công bố ngày 27/3 khiến nhiều người kinh hãi.[34]
Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao các nước châu Âu tiên tiến khi đối phó với đại dịch lại để có quá nhiều nhân viên y tế nhiễm bệnh như vậy? Châu Âu đi sau nhưng lại không học được bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc. Có phải chăng một phần do lúc ban đầu Trung Quốc không thẳng thắn công khai thực trạng kinh hoàng của dịch, một phần do Châu Âu quá chủ quan đã không đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh? Theo một số chuyên gia, việc Trung Quốc là công xưởng khẩu trang của thế giới, là nguồn cung lớn nhất khẩu trang, đã đóng cửa từ tháng 1, có thể lý giải được phần nào tình trạng thiếu khẩu trang và đồ bảo hộ ở Mỹ và châu Âu.
Dịch Covid-19 toàn cầu đã cho các nước một bài học quý giá về sự chuẩn bị trước đại dịch và ưu tiên bảo vệ các bác sĩ, nhân viên y tế - những người có thể cứu mạng sống nhiều người khác.
Những lô hàng mới đây từ Trung Quốc góp phần giảm tải áp lực. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các vùng dịch lớn như Mỹ và châu Âu, sẵn sàng tranh giành để có được mặt hàng mà nhiều bên đang thèm muốn. “Thị trường mua sắm vật tư y tế đối phó Covid-19 đang trở nên méo mó, các hình thức cạnh tranh và sự minh bạch trước đây không còn nữa”, Christopher Yukins, giáo sư luật tại Đại học George Washington, nhận xét. Các nước phương Tây vốn là đồng minh đang cáo buộc nhau có hành vi không chính đáng. Chủ tịch vùng Ile-de- France bao gồm Paris và Valerie Pecresse, cho biết một lô khẩu trang mà họ đã đặt bị người Mỹ “hớt tay trên” bằng cách trả giá cao hơn vào phút chót.[35]
Riêng tại Mỹ, những người trung gian mờ ám, những lô hàng ảo, giá tăng vọt theo giờ, đó là những gì các thống đốc bang ở Mỹ đối mặt khi săn lùng vật tư y tế. Đầu tháng 4, Trump thừa nhận kho dự trữ y tế liên bang đã gần cạn kiệt, báo rằng các bang sẽ phải tự lo khi số người nhiễm bệnh và người chết tăng vọt mỗi ngày. Những người trung gian và các nhà cung cấp đang lợi dụng tình thế: giá máy thở tăng gấp đôi còn khẩu trang tăng gấp 10 lần. “Đây là nỗi thất vọng lớn nhất”, Thống đốc Maryland Larry Hogan, đứng đầu Hiệp hội Thống đốc Quốc gia, nói. “Các bang cạnh tranh với nhau, chính phủ liên bang cạnh tranh với chúng tôi, các quốc gia khác cũng cạnh tranh với chúng tôi trong khi nguồn cung rất hạn chế”.[36]
Đây lại là một bằng chứng ngược lại với điều tốt đẹp chia sẻ cho nhau khi hoạn nạn. Có lẽ khi bị đe dọa bởi cái chết, bản năng đấu tranh sinh tồn khiến con người không còn “chơi đẹp” với nhau nữa! Ở đây cần phân định vài nguyên tắc để soi sáng.
- Tuân thủ hợp đồng
- Theo nhu cầu: ưu tiên bên nào cần khẩn cấp hơn.
- Đến trước, được phục vụ trước.
- “Bác ái bắt đầu từ trong nhà”.
- Mạng sống con người vượt xa các giá trị vật chất.
- Lợi dụng dịch bệnh, nhu cầu khẩn thiết của con người để tăng cao lợi nhuận là vô luân.
Tìm được sự cân bằng không phải là chuyện dễ. Sẽ tuyệt diệu biết bao nếu các hành động nhân đạo thắng vượt tính ích kỷ hay lòng tham.
Vài câu ca dao tục ngữ ông bà nhắc nhở chúng ta:
“Thương người như thể thương thân”
“Đói cho sạch, rách cho thơm”
“Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”
8/ Công nghệ thông tin theo dõi sự di chuyển của người dân
Bill Gates cũng đã từng nhận định, các quốc gia có thể xây dựng hệ thống phản hồi tốt. Khoa học và công nghệ qua điện thoại di động có thể thu thập thông tin từ cộng đồng và đưa thông tin tới bộ phận kiểm soát. Bản đồ vệ tinh có thể xem mọi người đang ở đâu, đi đến chỗ nào.[37]
Trung Quốc đưa ra sử dụng một hệ thống phần mềm để quyết định ai nên cách ly, ai được phép dùng tàu điện ngầm, vào trung tâm thương mại...Việc này đang gây tranh cãi. Chính quyền Trung Quốc khuyến khích người dân quay lại làm việc để cứu vãn nền kinh tế, bất chấp dịch bệnh đang tiếp diễn. Để kiểm soát dịch và điều phối di chuyển của người dân, họ thiết lập Mã Y tế Alipay.
Mã Y tế Alipay xuất hiện lần đầu ở thành phố Hàng Châu. Đây là dự án do chính quyền thành phố triển khai, với sự hậu thuẫn của Ant Financial - một chi nhánh của Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba.Người dân phải đăng ký ứng dụng của Ant - Alipay, và được cấp một mã màu gồm xanh, vàng hoặc đỏ - tương ứng với tình trạng sức khỏe của họ. Sau khi người dùng điền một biểu mẫu thông tin cá nhân, phần mềm sẽ thu nhận và tạo ra mã QR với một trong ba màu. Mã xanh cho phép người dùng tự do di chuyển. Người có mã vàng bị yêu cầu ở nhà 7 ngày. Mã đỏ nghĩa là cách ly 2 tuần.[38]
Chính phủ Anh cũng đã cấp phép sử dụng dữ liệu cá nhân từ điện thoại di động của công dân trong nỗ lực giúp ngăn cản sự lây lan của virus SARS-CoV-2.Cơ quan giám sát quyền riêng tư của Anh, Văn phòng Ủy ban Thông tin đã cho phép chính quyền sử dụng thông tin cá nhân để theo dõi và giám sát hành vi của công chúng, nhằm kiểm soát dịch bệnh.[39]
Tính luân lý: tính riêng tư của người dân bị xâm phạm. Một vấn đề lớn trong lãnh vực này là ai có quyền lưu trữ và sử dụng dữ liệu riêng tư của người dân mà có thể được dùng trong việc này. Những người ủng hộ quyền riêng tư đã bày tỏ sự quan ngại và đã kêu gọi thiết lập một khung thời gian rõ ràng về việc thu thập dữ liệu điện thoại di động của người dân cũng như hạn chế khả năng chính phủ do thám hoạt động của công dân.[40]
9/ Trí tuệ nhân tạo và tính luân lý của việc ứng dụng[41]
Biện pháp hỗ trợ chính yếu giúp Trung Quốc thoát được đại dịch Covid-19 là sử dụng trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence, AI). Trong khoa học máy tính, AI là trí thông minh được thể hiện bằng máy móc, trái ngược với trí thông minh tự nhiên được con người thể hiện. Thông thường, thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” thường được sử dụng để mô tả các máy móc (hoặc máy tính) “bắt chước” các chức năng “nhận thức” mà con người liên kết với tâm trí con người, như “học tập” và “giải quyết vấn đề”.[42]
Có ba ứng dụng chính trong việc dùng AI để hỗ trợ việc chẩn đoán và điều trị virus:
1- Nhận diện triệu chứng nhiễm trùng hô hấp như cảm cúm qua khuôn mặt: các AI model có thể xử lý hình ảnh của một người và “đoán” họ có đang bị bệnh hay không. Các model này trước tiên được nhìn thấy những hình ảnh (lưu trên một cơ sở dữ liệu lớn) của các bệnh nhân thực sự có triệu chứng và “học” để tìm thấy những dấu hiệu bị bệnh mà có thể mắt thường không thấy như là mắt lờ đờ, mũi đỏ... Những model này được lắp đặt ở camera trên đường phố hoặc sân bay. Khi một người bị một AI model chẩn đoán là có bị cúm, họ sẽ được xét nghiệm thêm để xác định/hay loại trừ.
2- Nhận diện khuôn mặt của người đã bị bệnh: khi một người bị chẩn đoán là chính thức có bệnh, thông tin và khuôn mặt của họ sẽ được ghi vào một cơ sở dữ liệu khác. Chính phủ Trung Quốc có camera ở trên đường phố và các tòa nhà công cộng; những camera này cũng có thể nhận diện khuôn mặt và đối chiếu với cơ sở dữ liệu của những người chính thức có bệnh. Khi một người có bệnh ra ngoài đường hoặc chỗ đông người, họ sẽ nhận được tin nhắn hoặc email của chính phủ yêu cầu họ về nhà.
3- Tin nhắn cho những người có tương quan thân cận với bệnh nhân: khi một người bị chẩn đoán là chính thức có bệnh, những người khác có liên quan đến họ như là người thân, chung cơ quan, cùng đi trên tàu hoặc máy bay... đều sẽ nhận được thông báo của chính phủ. Trung Quốc có rất nhiều cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin (có thể cá nhân) của người dân, nên tìm ra những người “tương quan gần gũi” của một người bệnh rất dễ. Những người này sẽ nhận được thông tin để phòng ngừa hoặc bị yêu cầu tới bệnh viện để xét nghiệm.
Một cách khái quát, các nỗ lực sử dụng AI đều liên quan tới việc sử dụng dữ liệu để ngăn chặn việc lây lan của dịch.
Tính luân lý của AI trong y khoa
Nói chung, các nhà khoa học nghiên cứu đều đồng ý là các AI model được thiết kế để trợ giúp bác sĩ trong việc chẩn đoán và khó có thể thực sự thay thế bác sĩ thật. Một vấn đề lớn trong lãnh vực này là ai có quyền lưu trữ và sử dụng dữ liệu riêng tư của người dân mà có thể được dùng trong việc “huấn luyện” các AI model trong việc chẩn đoán bệnh. Trung Quốc là chính quyền theo dõi người dân nhiều nhất trên thế giới và bị các nước bên Tây (như Mỹ) phản đối, nhưng trong việc kiểm soát virus phát tán, rõ ràng các ứng dụng này rất hữu ích.[43]
10/ “Tứ hải giai huynh đệ”, “Lá lành đùm lá rách”, Tình liên đới chia sẻ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và địa phương, giữa các gia đình
Ngay từ những ngày đầu tiên khi dịch Covid-19 mới khởi phát tại Trung quốc, các nước đã chung tay gửi hàng chục tấn vật tư y tế, hàng hóa để viện trợ. Ngày 14/2, Trung Quốc công bố danh sách 33 nước, trong đó có Việt Nam và bốn tổ chức quốc tế giúp đỡ nước này trong cuộc chiến chống dịch bệnh thời gian qua.[44]
Cho đến nay, dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu ngừng lại khi số ca mắc bệnh cũng như ca tử vong ngày càng gia tăng trên thế giới. Cùng với đó là sự gia tăng đoàn kết giữa các quốc gia khi thể hiện sự hợp lực không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể và thiết thực. Đơn cử vài ví dụ. Ngày 29/3, Cộng Hòa Czech đã viện trợ 20.000 bộ trang phục bảo hộ y tế phòng chống bệnh Covid-19 cho Tây Ban Nha và Ý, hai nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch này. Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Nga đã biệt phái nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, các nhà dịch tễ học và BS đa khoa có kinh nghiệm tham gia chống dịch ở nhiều nơi trên thế giới tới giúp cuộc chiến chống Covid-19 ở Ý. Ngày 28/3, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Tunis Patrice Bergamini cho biết EU đã cung cấp khoản viện trợ trị giá gần 280 triệu USD cho Tunisia trong nỗ lực đối phó với các tác động tiêu cực về kinh tế và xã hội do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Ngày 29/3, Quỹ Quốc tế Temasek (Singapore) đã trao tặng 10 máy trợ thở nhằm hỗ trợ Việt Nam trong công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.Về phần mình, ngày 26/3, Việt Nam quyết định hỗ trợ Lào và Campuchia các trang thiết bị y tế cần thiết với trị giá 100.000 USD cho mỗi nước, ngoài hỗ trợ trực tiếp của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cho các đối tác Lào và Campuchia[45].
Thật đáng ngưỡng mộ, và là một gương sáng, như đã từng ủng hộ nhiều phương án từ thiện và nghiên cứu cấp quốc tế, lần này Bill Gates tài trợ xây dựng các nhà máy nghiên cứu, điều chế 7 loại vaccine nCoV có triển vọng nhất, chi phí hàng tỷ USD.[46]
Trước sự thiếu hụt nghiêm trọng về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục trong đại dịch này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập một quỹ khẩn cấp tại Hội Giáo hoàng Truyền giáo vào ngày 6/4/2020. Ngài cũng là người đầu tiên đóng góp quỹ, với số tiền 750.000 USD. Đức Thánh Cha kêu gọi toàn thể Giáo hội, cá nhân, những người có khả năng, đóng góp cho quỹ này thông qua các Hội Giáo hoàng Truyền giáo ở mỗi quốc gia. Quỹ này sẽ hỗ trợ cho những người và cộng đồng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự lây lan của Covid-19.[47]
Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều sáng kiến được đưa ra để hỗ trợ những người bán vé số, lượm ve chai, xe ôm, người nghèo,... bị ảnh hưởng trong thời gian cách ly xã hội.[48]
Thật ấm lòng! Thật đẹp thay tình người! Công việc ý nghĩa trên đời là những gì ta làm để chăm sóc lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau và mang lại lợi ích cho nhau. Sức mạnh của sự tự do ý chí là do chúng ta quyết định. Chúng ta có thể chọn hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ, cho đi, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau hoặc chúng ta có thể chọn ích kỷ, tích trữ, chỉ chăm sóc bản thân.[49]
Tôi chợt nhớ câu thơ của Tôn Nữ Hỷ Khương:
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui Chuyện đời như nước chảy hoa trôi Lợi danh như bóng mây chìm nổi Chỉ có tình thương để lại đời
(Thơ Còn Gặp Nhau)
Một điều “tích cực” của “cái Cô”-rona này là các bên xung đột tại 12 quốc gia như Afghanistan, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Colombia, Libya, Myanmar, Philippines, Nam Sudan, Sudan, Syria, Ukraine và Yemen thông báo sẽ thực thi lệnh ngừng bắn để dồn sức chống Covid-19.[50] Thật ngộ nghĩnh, bao nhiêu nhà thương thuyết giúp giải hòa thì không được, “Cô”-rona bé xíu mắt thường không thấy lại tạo được hiệu ứng đẹp này sau bao tai họa kinh khủng của “Cô” ta!
Mười bài học về đức tin và đời sống thiêng liêng
Trong những ngày tháng trải qua cơn đại dịch kinh hoàng này, nhiều người trong chúng ta, từ Đức Thánh Cha, các Hồng y, Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân… đã có nhiều chia sẻ, rút ra những bài học đức tin và thiêng liêng. Tuy vậy, nếu không nói thì bài viết sẽ thật thiếu sót. Thế nên, bài viết chỉ khiêm tốn gợi ra vài điều, mà có lẽ cũng đã được nêu lên ở đâu đó rồi.
1/ Ý thức thân phận thụ tạo mỏng giòn
Vài thập niên gần đây, các phát hiện mới của khoa học đặt vấn nạn cho chính các xác tín khoa học. Cách nay không lâu, con người tưởng như khoa học đang thế chỗ Thiên Chúa để tác động trên tất cả vạn vật và mở ra viễn ảnh sáng chói của quyền năng trí tuệ con người. Và giờ đây, toàn thế giới lao đao trước thảm họa đại dịch Covid-19 này, ngay cả hai cường quốc nhất thế giới, Trung Quốc và Hoa Kỳ, và các nước giàu có châu Âu đều rơi vào khủng hoảng. Chúng ta lại một lần nữa, nhận ra rằng con người chỉ là thụ tạo mong manh, hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa là Chủ tể muôn loài. Một loại virus nhỏ bé lại có “công phu tuyệt đỉnh” đảo lộn cuộc sống của cả thế giới. Còn biết bao sức mạnh khác của muôn loài trong vũ trụ. Thiên nhiên cũng bày tỏ sự giận dữ đối với con người qua khủng hoảng môi sinh trầm trọng. Chúng ta được nhắc nhở cần phải tôn trọng vũ trụ theo ý định của Thiên Chúa Tạo Thành, và sử dụng vạn vật với lương tâm ngay chính và tinh thần trách nhiệm. Virus Corona mới này nhắc con người khiêm tốn hơn, biết vị trí thật sự của con người trong vũ trụ.[51]
2/ Tìm lại điều chính yếu của đời người: trở về với Thiên Chúa
Số đông Kitô hữu đều nhận ra một dấu chỉ thời đại: Đại dịch Covid-19 là một lời mời gọi trở về với Thiên Chúa. “Thiên Chúa toàn năng cũng là Đấng quan phòng hằng biết rõ những nhu cầu của dân Chúa, nhưng Người muốn chúng ta trước hết hãy tìm kiếm Nước Trời.”[52]
Trở về với Chúa phải là lời cầu nguyện chân thành, hy sinh và đền tội. Quay về với Thiên Chúa bao hàm một sự hoán cải đời sống.
Trở về với Chúa không có nghĩa là chúng ta phủ nhận vai trò của chính phủ và cách riêng giới y tế trong việc xử lý các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, đức tin phải là ngọn đuốc soi chiếu của bất kỳ giải pháp nào. Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng ta, đang cùng đi với chúng ta, là Thiên Chúa của lòng xót thương. Chúng ta cũng hãy khẩn cầu với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, và cũng chính là Mẹ chúng ta, là Mẹ của Lòng thương xót.[53]
3/ Bài học về Đức Tin
Niềm TIN: là nhìn thấy ánh sáng bằng con tim của bạn. Khi những gì mắt bạn nhìn thấy chỉ là bóng tối.[54]
Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con nói lên lòng tin của con vào những lời hứa của Cha, lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha,
và lòng mến mà con dành cho Cha. Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con, là ánh sáng cho đêm tăm tối, nhờ đó con không còn coi khổ đau như một tai họa hay một điều vô lý, nhưng như một dấu chỉ cho thấy con đang thuộc về Cha mãi mãi. (Karl Rahner)
4/ Thắp sáng niềm hy vọng- Kiên Nhẫn lúc gian truân
“Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12)
Thomas Schaefer, Bộ trưởng tài chính của bang Hesse, được tìm thấy đã chết trên đường ray xe lửa ngày 28/3/2020. Chính quyền địa phương tin ông Schaefer đã tự tử vì lo không gánh nổi hậu quả mà Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế.[55] Trước đó, ngày 25/2, theo nhật báo Hàn Quốc Hankook ilbo, một quan chức phụ trách chống dịch Covid-19 thuộc Bộ Tư pháp nước này đã nhảy sông Hàn tự tử.[56] Nhiều người tin rằng ông tự tử do áp lực chống dịch quá lớn.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã nói: “ chỉ có một thất bại, đó là không còn hy vọng nơi Chúa”. Trong nhãn quan Kitô giáo, hy vọng luôn luôn là niềm cậy trông vào ơn cứu độ được Thiên Chúa hứa ban cho những ai tin vào Ngài, sống theo luật Ngài. Thánh Phaolô diễn tả về Tổ phụ Abraham-cha của kẻ tin: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin; do đó, ông trở thành tổ phụ nhiều dân tộc” (Rm 4, 18).
Đức Hy vọng không ảo tưởng mong chờ thiên đàng trần thế và loại trừ mọi khổ đau khỏi cuộc sống thế gian, nhưng là thái độ bình tâm đón nhận thử thách và đau khổ trần thế nhờ đức tin dựa vào chính Thiên Chúa, cắm rễ nơi Đức Giêsu Kitô (Dt 6,19-20), và vững mạnh nhờ Thánh Thần.
Đức Hy Vọng hướng đến hạnh phúc vĩnh cửu trên Quê trời, cho nên “bảo vệ chúng ta khỏi sự nản chí, nâng đỡ khi bị bỏ rơi, mở rộng trái tim bằng sự mong đợi vinh phúc vĩnh cửu, gìn giữ chúng ta khỏi tính ích kỷ và đưa chúng ta đến với vinh phúc của đức mến” (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo s. 1818).
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định khi một người hoàn toàn tín thác vào Chúa - người ấy có thể chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ thất vọng. Gian truân làm cho chúng ta đau khổ, nhưng niềm tin nơi Chúa đem lại cho chúng ta hy vọng, và điều này dẫn đến bình an.
Vâng, niềm hy vọng thay đổi tất cả mọi thứ. Nhìn cách lạc quan, nhưng không kém thực tế: “Khi bầu trời tối đủ, thì bạn có thể nhìn thấy các vì sao”.[57]
5/ Tìm Lương thực hằng sống: Lời Chúa- Bí tích Thánh thể
Trước lệnh phong tỏa, lệnh giãn cách toàn xã hội tại nhiều nước, cả Việt Nam, số đông dân chúng đổ xô đến các siêu thị, các chợ dân sinh mua lương thực, các nhu yếu phẩm dự trữ… Với người tín hữu, chúng ta được nhắc nhở đi tìm lương thực đời đời.
“Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Ga 4,34)
“Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời.” (Ga 6,51)
Trong những ngày cách ly xã hội, ai cũng cảm động bởi tin tức về các linh mục đem Mặt Nhật ra đường phố và ban phép lành cho các thành phố với Phép Bí Tích Cực Trọng. Một linh mục thậm chí đã dùng máy bay và ban phép lành cho cả nước từ trên không. Gần đây, một linh mục ở Mỹ Latinh đã đem Mặt Nhật lên mái nhà thờ để những người phải ở trong các căn nhà của khu vực được “Chầu Thánh Thể”. Khung cảnh cảm động đến cả người không Công Giáo cũng tham dự.[58]
6/ Tất cả là hồng ân
Lời tâm sự của một bệnh nhân Covid-19 ở Ý đáng chúng ta hồi tưởng về tất cả hồng ân Chúa ban trong đời ta. Một bệnh nhân 93 tuổi nhiễm SARS-Cov-2 đã dần hồi phục trong bệnh viện. Ông được đưa hóa đơn trả tiền máy thở ông đã dùng trong một ngày. Ông bật khóc. Bác sĩ khuyên ông đừng khóc vì hóa đơn, nhưng những gì ông cụ nói đã khiến các bác sĩ đều khóc.
Ông nói “Tôi khóc không phải vì số tiền tôi phải trả cho máy thở, tôi có thể trả số tiền này. Tôi khóc vì tôi đã hít thở không khí của Chúa trong 93 năm tôi sống, nhưng tôi không bao giờ trả tiền. Nay tôi phải mất 5.000 euros để dùng máy thở trong một ngày. Bạn có biết tôi nợ Chúa bao nhiêu không? Trước đây tôi đã không cám ơn Chúa vì điều đó.” Thật thế, khi chúng ta hít thở dễ dàng không phải gắng sức, không ai coi trọng không khí, hơi thở. Chỉ khi chúng ta vào bệnh viện, chúng ta mới giật mình rằng để thở được cũng phải trả tiền!
Hãy tạ ơn Chúa vì tất cả những gì Chúa ban cho ta trong đời sống. Tất cả là hồng ân!
7/ “Mùa tai họa trở thành mùa hồng ân”
Ngạn ngữ có câu: với người lạc quan, mọi thử thách sẽ biến thành cơ hội. Thật vậy, “Chúa có thể vẽ thẳng trên những đường cong”. Bill Gates cũng theo hướng tích cực khi suy tư về Covid-19: “Khi nhiều người coi virus Corona/Covid-19 là một thảm họa lớn, tôi thích xem nó như là một sửa chữa tuyệt vời… Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng đây có thể là một kết thúc hoặc một khởi đầu mới. Đây có thể là thời gian cho suy ngẫm và hiểu biết, nơi chúng ta học hỏi từ những sai lầm của mình, hoặc nó có thể là khởi đầu của một chu kỳ nữa tiếp tục cho đến khi cuối cùng chúng ta học được bài học mà chúng ta phải học.”[59]
Trong thư chung gửi toàn thể dân Chúa, Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng ví cơn dịch như một “Đại hồng thủy”, và khuyên giáo dân: “Lời cầu nguyện của chúng ta chắc chắn sẽ được Chúa nhậm lời. Tuy nhiên, Chúa không muốn đáp ứng lời cầu nguyện ngay lập tức như khi chúng ta trả tiền để mua một món hàng... Nhiều lúc ta phải chịu nhiều đau khổ để thấm thía một bài học trong đời. Cũng vậy Chúa muốn chúng ta kiên trì cầu nguyện, khao khát mong mỏi, vì cần có thời gian để chúng ta có thể thấm thía các bài học Chúa muốn dạy. Virus nhỏ bé dường như vô hình lại có sức thay đổi lối sống con người. Nếu chúng ta biết mở mắt và lắng nghe, mùa tai họa lại thành mùa ân phúc”.[60]
8/ Tấm gương mục tử của Đức thánh Cha Phanxicô
Chiều tối ngày 27/3 Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện đặc biệt với toàn thế giới và ban ơn lành toàn xá “ngoại thường” cho các tín hữu, Vatican vắng lặng, thấm ướt cơn mưa. Bầu trời xám xịt như chính tình cảnh hiện nay của thế giới, đặc biệt là nước Ý. Đức Thánh Cha một mình trên lễ đài (với một linh mục phụ giúp) giữa quảng trường thánh Phêrô. Ngài vẫn ban huấn dụ cách điềm tĩnh, bình an. Với trái tim người mục tử, Đức Thánh Cha cố gắng mang đến cho các tín hữu trên thế giới niềm an ủi, cậy trông, qua việc giảng giải lời mà Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ khi họ đang ở giữa cơn bão tố: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6,50).
Giữa cái vắng lặng của không gian, dưới những hạt mưa, ngài khập khiễng bước vào bên trong Đền Thờ. Một ông lão 84 tuổi, chỉ còn một lá phổi, và cũng vừa trải qua một đợt cảm cúm, chăm sóc lo lắng cho toàn nhân loại. Là người được chọn để giữ gìn và phân phát kho tàng ơn thiêng, ngài luôn tìm mọi cơ hội và sáng kiến để thông chuyển ơn Chúa cho mọi người. “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy” (Ga 5,17). Như Thầy Giêsu, một con tim đầy ắp tình yêu của Đức Thánh Cha đã làm cho ngài không bao giờ dám ngơi nghỉ.
Nhìn cảnh các quan tài xếp hàng dài đầy ắp trong các nhà thờ, vì các nhà xác đã không còn chỗ chứa; các nhà thờ buộc phải tạm dừng các cuộc hội họp và cử hành phụng vụ; dân chúng khắp nơi sống trong lắng lo và kinh hãi, ngài không ngừng khẩn thiết nài xin Thiên Chúa ban bình an cho toàn nhân loại. Đức Thánh Cha mang trên vai gánh nặng của cả nhân loại![61]
Chúng con hết lòng kính yêu, và một lòng tuân phục Đức Thánh Cha- vị mục tử thấm đẫm mùi chiên, Đấng được Đức Giêsu Kitô trao quyền dẫn dắt Dân Chúa trên đường lữ hành trần thế. Ước gì các giám mục, linh mục cũng được biến đổi để có được trái tim mục tử như chính Thầy Giêsu, theo gương vị cha chung Giáo hội!
9/ Ý nghĩa-Thái độ trước cái chết
Những ngày qua hàng chục ngàn người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 chết cô độc. Theo dõi qua truyền thông, nhìn những bao đựng xác chết xếp đầy dọc hành lang các bệnh viện ở Pháp, các quan tài xếp kín các nhà thờ ở Ý, thật xúc động và cũng rất kinh hoàng.
Karl Rahner, nhà thần học lớn thế kỷ XX đã chiêm niệm về cái chết: “bất luận sự chết có tàn bạo, có làm con người đau khổ thế nào thì cũng không thể hủy hoại tính cách độc lập và tự ý thức của con người. Chính nhờ sức sống của đức tin mà chúng ta biết rằng: khi đối mặt với cái chết, con người có thể nhìn thấu vào những giới hạn của cái chết, và chính khi ấy chân trời mới của huyền nhiệm Thiên Chúa được khai mở, nhờ thế cuộc sống con người có được ý nghĩa tròn đầy vĩnh viễn.” Chính thời khắc vô cùng đáng sợ của sự chết lại biến thành thời cơ quan trọng nhất để con người tiến gần Thiên Chúa hơn.[62]
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nhắc nhở nhân viên y tế Công Giáo: “Mầu nhiệm Chúa Kitô chiếu sáng trên mọi khía cạnh của việc chăm sóc sức khỏe Công Giáo: xem đau khổ như sự tham gia vào sức mạnh cứu độ của cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa; và xem sự chết, được biến đổi nhờ sự phục sinh, như cơ hội cho hành vi cuối cùng hiệp thông với Chúa Kitô”.[63]
10/ Nụ cười
Nụ cười, tinh thần lạc quan: tăng sức đề kháng chống bệnh!
Những thứ hài hước và nhẹ nhàng trở thành liều thuốc tinh thần của nhiều người giữa trăm ngàn chuyện phải lo trong mùa dịch Covid-19. Một số nghiên cứu y khoa cho thấy căng thẳng cao độ có thể khiến hệ miễn dịch suy yếu.[64] Tại Hàn Quốc, các nghệ sĩ tổ chức hòa nhạc tại bệnh viện Myongji nhằm giúp bệnh nhân và nhân viên y tế trong khu cách ly điều trị SARS-Cov-2 thư giãn.[65]
Từ Atlanta cho tới Vancouver, Madrid, Milan..., người dân ở nhiều nơi đang cùng chọn cách biểu đạt tình cảm, lòng biết ơn với các y, bác sĩ đã rất vất vả trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19. Đã có một “thông lệ mới: tại Ý, đến 12 giờ trưa, tại Midtown Atlanta, bang Georgia (Mỹ), cứ vào 20g mỗi ngày, cũng như thế, tại vùng trung tâm Vancouver, Canada, cứ đến 19g, những cư dân mở cửa sổ, vỗ tay, đàn hát để động viên các y bác sĩ và động viên chính họ giữa khủng hoảng dịch bệnh. Những cảnh tượng xúc động như vậy đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở những thành phố đang bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề tại Tây Ban Nha và Ý.[66]
Người ta có lần hỏi mẹ Têrêsa Calcutta: Xin Mẹ để lại cho chúng tôi một sứ điệp? Sau một hồi suy nghĩ, mẹ trả lời ngắn gọn: “Hãy luôn mỉm cười”. Khi mẹ Têrêsa nói đến nụ cười, mẹ muốn nói đến nụ cười có ý nghĩa thâm sâu, hạnh phúc vì được Thiên Chúa ở với mình, một nguồn vui không ai lấy đi được.
III. Bạn trẻ: bạn ở đâu trong “cuộc chiến” chống đại dịch này?
Một vài câu chuyện của người trẻ đó đây trong thời chống dịch có thể khởi hứng cho bạn trẻ.
1/ Xông pha trận tuyến đầu chống dịch
Lúc 21g30 (20g30 giờ Hà Nội) ngày 6/2/2020, Truyền thông Trung Quốc cho biết Bác sĩ (BS) Lý Văn Lượng (Li Wenliang) qua đời do virus corona (nCoV) khi mới 34 tuổi. Cuộc ra đi lần cuối của anh để lại bao nuối tiếc, thương nhớ, kính phục, lẫn xót xa của nhiều người trên thế giới, cách riêng của đồng bào anh, người dân Trung quốc. BS Lý Văn Lượng là một trong những người đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra ở Vũ Hán nhưng bị chính quyền thành phố cáo buộc tung tin đồn thất thiệt và buộc phải giữ im lặng. BS Lượng sau khi bị cảnh cáo từ bệnh viện và cơ quan chức năng, vẫn tiếp tục làm việc. Những ngày giữa tâm bão cơn dịch Covid- 19, anh vẫn nhiệt tâm giúp đỡ các bệnh nhân thành phố trước khi ngã bệnh. Anh nhập viện ngày 12/1 và được đưa vào khu chăm sóc tích cực, được xét nghiệm và cho kết quả dương tính với chủng virus corona mới vào ngày 1/2/2020. BS Lượng qua đời để lại cha mẹ, đứa con 5 tuổi và người vợ đang mang thai cũng bị nhiễm corona mới. Ngay cả trước khi qua đời, BS Lượng đã trở thành anh hùng đối với nhiều người Trung Quốc, khi những cảnh báo của anh được chia sẻ trên mạng xã hội giúp người dân thêm cảnh giác về dịch bệnh. Đây không chỉ là sự mất mát một cá nhân hay riêng gia đình anh, mà còn là biểu tượng cho những nhân viên y tế ở tuyến đầu, Guaden Galea, đại diện WHO tại Trung Quốc, trả lời Reuters.[67]
2/ Góp phần chống dịch bệnh tùy theo khả năng
Cậu Bé Trần Nam Long,15 tuổi, bị câm điếc, sống tại Hà Nội đã dành một nửa số tiền 25 triệu bán đấu giá bức tranh ngôi nhà phố cổ Hà Nội để ủng hộ cuộc chiến chống Covid-19 của chính phủ.[68] Tại Sài Gòn, Cậu bé Andy Đào Nguyên,11 tuổi, lấy hết số tiền lì xì 10 triệu đồng đưa mẹ để mua khẩu trang y tế phát miễn phí cho người dân. Và theo cậu “để người ta bị bệnh thì tội lắm”.[69] Một doanh nhân trẻ sáng chế máy phát gạo tự động. Gạo do anh bỏ tiền ra mua. Người lao động nghèo được nhận 1,5 kg gạo miễn phí bằng hệ thống máy phát điều khiển từ xa.[70]
3/ Sống tình hiếu thảo với cha mẹ
Ca dao Việt Nam: “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Sách Huấn Ca dạy: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.” (Hc 3, 3-6)
Tấm lòng hiếu thảo của một nhạc sĩ Chile
“Niềm vui của âm nhạc có thể giữ cho tâm trạng của bạn trở nên tích cực, không lo lắng trong thời gian hỗn loạn của một cuộc khủng hoảng sức khỏe đang ngày càng nguy ngập này,” Gonzalo Acuna, nhạc sĩ người Chile tin như thế. Cha mẹ của Gonzalo đang sống trong một viện dưỡng lão, nơi được coi là một ổ dịch tại Chile, không được thăm viếng. Đều đặn sau giờ làm việc, anh đến bên cửa sổ căn phòng nơi cha mẹ đang bị cách ly, nói chuyện với họ và chơi đàn. Trong khi anh kéo đàn, cha mẹ anh khiêu vũ với nhau, cố quên đi nỗi sợ. Đối với mẹ anh, đó là cơ hội đắm mình trong âm nhạc để quên đi sự căng thẳng: “Gonzalo làm việc cả ngày và sau đó đến đây với chúng tôi. Đối với tôi, Gonzalo thật là một món quà từ Thiên Chúa”.[71]
4/ Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ Học tập online - Biến bàn học thành bàn thờ
Chỉ trong sáu tuần nghỉ vì Covid-19, cô bé lớp 11 Nguyễn Vũ Khánh Linh đã học online và hoàn thành một học kỳ đại học, nhanh hơn 80% thời gian của các sinh viên thông thường, dù đây là phần “khó nuốt” nhất. Nữ sinh này đã lập kỷ lục học nhanh khi 20 tháng đã học xong 75% lộ trình của chương trình đại học công nghệ thông tin. Quá trình học chớp nhoáng của Khánh Linh khiến chủ tịch tập đoàn FPT ấn tượng và đã sắp xếp cuộc gặp mặt “chưa từng có trong tiền lệ”.[72]
Thời gian cách ly xã hội, ở trong nhà nhiều hơn, nhờ đó bạn trẻ có thể học thinh lặng và thấy được giá trị của đời sống nội tâm, dành nhiều thời gian để sống cho những người thân yêu trong gia đình, hay sống gần Chúa, gần thiên nhiên nhiều hơn. Mỗi ngày bạn trẻ tham dự thánh lễ online, bàn học bạn trở thành bàn thờ! Bạn hãy tạ ơn Chúa và tôn vinh Ngài qua những nỗ lực học tập, mong muốn góp phần xây dựng quê hương mai sau, và làm vinh danh Chúa hơn.
5/ Bạn trẻ, bạn ƯỚC MƠ GÌ?
Ước mong ĐẸP NHƯ HY VỌNG (lời Đấng Đáng kính hồng y Nguyễn Văn Thuận)
Làm sao bạn trẻ có thể đẹp như hy vọng?
- Bạn cần lớn lên toàn diện con người trên các lãnh vực trí thức, thân xác, tinh thần.
Trở thành con người có trí suy, tâm cảm, và đôi tay hành động.
- Đào luyện lương tâm trong sáng, chân thực.
Ngày nay, lương tâm con người dễ bị mờ tối bởi hoàn cảnh xấu đang lan rộng, nên càng lúc sẽ càng khó phân biệt giữa thiện và ác, đặc biệt trong những gì liên quan đến phẩm giá và sự sống con người. Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh việc huấn luyện lương tâm “cần phục hồi mối liên kết giữa tự do và chân lý… Công việc giáo dục cần nối kết với việc huấn luyện lương tâm để giúp cá nhân vẫn mãi là người hơn... dẫn dắt họ đi đến chân lý một cách trọn vẹn hơn, làm thấm nhập trong họ lòng tôn trọng ngày càng tăng đối với sự sống và huấn luyện họ trong các tương quan liên vị đúng đắn.” (X. Tin Mừng Sự Sống, s. 97)
- Trở thành những người có khả năng “thay đổi thế giới”
Bạn trẻ cần được đào luyện trở thành người tài đức có khả năng thay đổi xã hội, thay đổi thế giới tốt đẹp hơn, biến thành thế giới lành mạnh yêu thương của Thiên Chúa. Bạn đóng góp tùy theo “nén bạc” Chúa ban cho riêng bạn.
- Nên Thánh giữa đời thường
Trong bài giảng Lễ Lá tại Đền Thờ Thánh Phêrô ngày 5/4 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người khám phá thấy rằng cuộc sống sẽ vô nghĩa nếu thiếu đi việc giúp đỡ tha nhân. Hướng về các bạn trẻ, Ngài nói một cách thiết thực để trở nên thánh giữa đời thường: đừng sợ dấn thân, đừng sợ trao tặng. Ngài nói: “Các con hãy nhìn vào các anh hùng thực sự, xuất hiện trong những ngày này: họ không phải là những người có danh tiếng, tiền bạc, thành công, mà đúng hơn, họ là những người tự hiến thân, dấn thân, hy sinh, để phục vụ người khác. Những người ấy cảm thấy được lời mời gọi, để đặt cuộc sống của chính mình vào cuộc đời. Các con đừng ngại tiêu hao cuộc sống mình vì Chúa và cho người khác, các con sẽ tìm thấy sự sống, tìm thấy cuộc sống! Bởi vì sự sống là một món quà, món quà ấy chỉ nhận được bằng cách cho đi chính mình. Và bởi vì niềm vui sâu xa nhất lớn lao nhất, là nói “có” với tình yêu, không nói kiểu “nếu”, không nói kiểu “nhưng”. Và chính Chúa Giêsu đã sống như thế, đã làm như thế vì chúng ta, cho chúng ta.”[73]
Thay lời kết
Xin tạ ơn Chúa vì tất cả những gì xảy đến cho chúng con trong cuộc đời mỗi người.
Xin tri ân các bác sĩ, nhân viên y tế ở trận tuyến đầu chống dịch, và có người đã ra đi mãi mãi.
Xin cám ơn các nhà lãnh đạo quốc gia, chủ chăn các tôn giáo, những người có trách nhiệm đã nỗ lực tìm phương sách chống dịch bệnh, lo lắng cho dân chúng.
Xin cám ơn các người thiện chí đã xuất phát từ tình thương, hy sinh chia sẻ vật chất cũng như tinh thần cho những người cần đến.
Và, xin cám ơn nhau, cám ơn tất cả mọi người đã cùng nhau chung tay để chúng ta vượt thắng cơn dịch “đại hồng thủy” này.
Xin mượn lời Thánh Phaolô, kính tặng các bác sĩ, nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu chống dịch, và tất cả những ai đã qua đời trong cuộc chiến bảo vệ sự sống cho các bệnh nhân Covid-19:
Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp
Tôi đã chạy hết chặng đường
Tôi đã giữ vững đức tin
Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính (2Tm 4, 7-8a).
WHĐ (27.8.2020)
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 118 (tháng 5 & 6 năm 2020)
[1] Coronavirus disease named Covid-19”. BBC News 11/2/ 2020. Truy cập ngày 11/2 /2020.
[2] “Đại dịch COVID-19”, < https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1i_d%E1%BB%8Bch_COVID-19> truy cập 28/3/2020.
[3] Vũ Anh (Theo AFP), “Hơn 74.000 người chết vì nCoV toàn cầu”, <https://vnexpress.net/hon-74-000-nguoi-chet-vi-ncov-toan-cau-4080631.html>, truy cập 7/4/2020. Đến ngày đăng bài này (27-08-2020) đã có hơn 24 triệu người nhiễm và hơn 822.000 người chết vì nCoV trên thế giới.
[4] “Here Comes the Coronavirus Pandemic – Now, after many fire drills, the world may be facing a real fire.”. The New York Times. 29 /2/ 2020; Phiên An (theo Wall Street Journal)
“Bóng ma” đại suy thoái ám ảnh nước Mỹ, <https://vnexpress.net/bong-ma-dai-suy-thoai-am-anh-nuoc-my-4078204.html>, Truy cập 2/4/2020.
[5] Ảnh, theo AP, “Đi bộ hàng trăm km về quê giữa lệnh phong toả”, <https://vnexpress.net/di-bo-hang-tram-km-ve-que-giua-lenh-phong-toa-4077928.html>, truy cập 1/4/2020.
[6] Thanh Chi, “MC gốc Việt phẫn nộ khi người châu Á bị kỳ thị tại Mỹ vì Covid-19”, <https://thanhnien.vn/van-hoa/mc-goc-viet-phan-no-khi-nguoi-chau-a-bi-ky-thi-tai-my-vi-covid-19-1201314.html>, truy cập 26/3/2020.
[7] The Epoch Times, “21 Million Fewer Cellphone Users in China May Suggest a High CCP Virus Death Toll”, <https://www.theepochtimes.com/mkt_app/the-closing-of-21-million-cell-phone-accounts-in-china-may-suggest-a-high-ccp-virus-death-toll_3281291.html>, truy cập 23/3/2020.
[8] Đã có nhiều bài báo cho rằng virus SARS- CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm, có khả năng là một loại vũ khí sinh học của Trung quốc. Tuy nhiên, nghi ngờ này chưa có chứng cứ xác thực. X. D Kim Thoa, “Virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 không phải là vũ khí sinh học từ phòng lab”, <https://tuoitre.vn/virus-sars-cov-2-gay-dich-covid-19-khong-phai-la-vu-khi-sinh-hoc-tu-phong-lab-2020032412095139.htm>, truy cập 24/03/2020.
[9] Tú Anh (Theo SCMP), “Sinh viên Vũ Hán hai lần nhiễm nCoV” , <https://vnexpress.net/sinh-vien-vu-han-hai-lan-nhiem-ncov-4078502.html>, truy cập 2/4/2020.
[10] Linh Phan (Theo SCMP), “Covid-19 có thể trở thành mạn tính” < https://vnexpress.net/covid-19-co-the-tro-thanh-man-tinh-4078284.html >, truy cập 2/4/2020.
[11] KaKa, (Theo Business Insider), “11 đại dịch làm thay đổi thế giới và cách loài người vượt qua chúng”, <https://tuoitre.vn/11-dai-dich-lam-thay-doi-the-gioi-va-cach-loai-nguoi-vuot-qua-chung-p2-20200319122136446.htm >, truy cập 20/3/2020.
[12] “Bill Gates đã dự đoán đại dịch từ 5 năm trước”, <https://vnexpress.net/bill-gates-da-du-doan-dai-dich-tu-5-nam-truoc-4070300.html >
[13] “Bill Gates đã dự đoán đại dịch từ 5 năm trước”, <https://vnexpress.net/bill-gates-da-du-doan-dai-dich-tu-5-nam-truoc-4070300.html >
[14] “Bill Gates đã dự đoán đại dịch từ 5 năm trước”, <https://vnexpress.net/bill-gates-da-du-doan-dai-dich-tu-5-nam-truoc-4070300.html >
[15] Vũ Anh (Theo CNN), “Covid-19 có thể khiến 11 triệu người châu Á rơi vào nghèo đói”, < https://vnexpress.net/covid-19-co-the-khien-11-trieu-nguoi-chau-a-roi-vao-ngheo-doi-4078116.html >, truy cập 1/4/2020.
[16] “Tình trạng khẩn cấp đẩy Nhật Bản đến gần suy thoái”, < https://vnexpress.net/tinh-trang-khan-cap-day-nhat-ban-den-gan-suy-thoai-4080917.html >, truy cập 7/4/2020.
[17] Ngọc Ánh (Theo CNN), “Chết sau khi đi bộ hơn 200 km vì lệnh phong tỏa”, < https://vnexpress.net/chet-sau-khi-di-bo-hon-200-km-vi-lenh-phong-toa-4077070.html > , truy cập 30/3/2020. Hồng Hạnh (Theo AFP), “Những người sợ chết đói hơn nCoV”, < https://vnexpress.net/nhung-nguoi-so-chet-doi-hon-ncov-4078792.html >, truy cập 3/4/2020.
[18] Huyền Lê (Theo Guardian), “Bác sĩ cảnh báo virus corona qua đời”, <https://vnexpress.net/bac-si-canh-bao-virus-corona-qua-doi-4051488.html> truy cập 27/8/2020
[19] Huyền Lê (Theo Guardian), “Bác sĩ cảnh báo virus corona qua đời”, <https://vnexpress.net/bac-si-canh-bao-virus-corona-qua-doi-4051488.html> truy cập 27/8/2020
[20] Văn khoa, “Trung Quốc lại thay đổi cách tính ca nhiễm nCoV, số ca nhiễm mới giảm mạnh”, <https://thanhnien.vn/the-gioi/trung-quoc-lai-thay-doi-cach-tinh-ca-nhiem-ncov-so-ca-nhiem-moi-giam-manh-1185242.html>, truy cập 20/2/2020.
[21] “Trung Quốc lại thay đổi cách tính ca nhiễm nCoV, số ca nhiễm mới giảm mạnh”.
[22] . Vũ Anh (Theo Sydney Morning Herald), “Viện nghiên cứu Anh: Cần kiện Trung Quốc 6.500 tỷ USD vì Covid-19”, <https://vnexpress.net/vien-nghien-cuu-anh-can-kien-trung-quoc-6-500-ty-usd-vi-covid-19-4081015.html >, truy cập 7/4/2020.
[23] “Bill Gates says coronavirus reminds us we are all equal in powerful open letter”, <https://coronavirusnewslive.com/coronavirus/bill-gates-says-coronavirus-reminds-us-we-are-all-equal-in-powerful-open-letter-the-sun/> truy cập 24/3/2020.
[24] T.T. “Bác sĩ ở Anh lựa chọn bệnh nhân Covid-19 “chắc chắn sẽ khỏe lên” để lắp máy thở”, <https://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/3108953/bac-si-o-anh-lua-chon-benh-nhan-covid-19-chac-chan-se-khoe-len-de-lap-may-tho>, truy cập 30/3/2020.
[25] Huyền Lê (Theo Bloomberg), “Bác sĩ Tây Ban Nha phải chọn để bệnh nhân nào chết”, <https://vnexpress.net/bac-si-tay-ban-nha-phai-chon-de-benh-nhan-nao-chet-4075527.html >, truy cập 27/3/2020.
[26] Bảo Vinh, “Giữa tâm bão Covid-19, bác sĩ Ý “bật khóc” ưu tiên điều trị người có cơ hội sống cao hơn”, <https://thanhnien.vn/the-gioi/giua-tam-bao-covid-19-bac-si-y-bat-khoc-uu-tien-dieu-tri-nguoi-co-co-hoi-song-cao-hon-1193559.html >, truy cập 10/3/2020.
[27] Vũ Văn An, “COVID-19 dưới nhãn quan thần học đạo đức Công Giáo” <http://www.vietcatholicnews.net/News/Home/Article/255376>, truy cập 27/3/2020.
[28] BBC News, “Virus corona: Bác sỹ Ý phải chọn bệnh nhân nào thì điều trị, bệnh nhân nào “buông””, <https://www.bbc.com/vietnamese/world-51886937>, truy cập 14/3/2020.
[29] Tuyết Mai, “Y bác sĩ TQ trả giá bằng sinh mạng trong cuộc chiến với virus corona”, <https://zingnews.vn/y-bac-si-tq-tra-gia-bang-sinh-mang-trong-cuoc-chien-voi-virus-corona-post1051986.html >, truy cập 27/2/2020
[30] Văn Khoa, “Hơn 60 bác sĩ Ý thiệt mạng, số ca tử vong ở Anh tăng cao”, < https://thanhnien.vn/the-gioi/dich-covid-19-hon-60-bac-si-y-thiet-mang-so-ca-tu-vong-o-anh-tang-cao-1204264.html >, truy cập 31/3/2020.
[31] Nguyễn Tiến (Theo Guardian, Independent), “Bác sĩ “tuyến đầu” đầu tiên chết vì nCoV ở Anh”, <https://vnexpress.net/bac-si-tuyen-dau-dau-tien-chet-vi-ncov-o-anh-4077023.html >, truy cập 30/3/2020.
[32] “Các Chỉ Dẫn Đạo Đức và Tôn Giáo Cho Các Dịch Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe Công Giáo”, Phần Một, Dẫn Nhập.
[33] Phan Sơn, “Khi thánh đường” y khoa bị vấy bẩn, (Sài Gòn Tiếp Thị online–12 /7/2013) <https://www.tin247.com/khi_thanh_duong_y_khoa_bi_vay_ban-1-22382614.html>
[34] Bảo Duy, “Nhân viên y tế châu Âu phơi mình trước virus”, <https://tuoitre.vn/nhan-vien-y-te-chau-au-phoi-minh-truoc-virus-20200328101707357.htm >, truy cập 28/3/2020.
[35] Phương Vũ (Theo AFP), “Toàn cầu giành giật khẩu trang”, <https://vnexpress.net/toan-cau-gianh-giat-khau-trang-4079351.html >, truy cập 4/4/2020.
[36] Phương Vũ (Theo AP), ““Nội chiến” vật tư y tế ở Mỹ”, <https://vnexpress.net/noi-chien-vat-tu-y-te-o-my-4080314.html >, truy cập 7/4/2020.
[37] “Bill Gates đã dự đoán đại dịch từ 5 năm trước”.
[38] Huyền Anh (Theo New York Times), “Người Trung Quốc căng thẳng vì mã vạch kiểm soát Covid-19”, <https://vnexpress.net/nguoi-trung-quoc-cang-thang-vi-ma-vach-kiem-soat-covid-19-4063228.html >, truy cập 4/ 3/ 2020.
[39] Nguồn Thông Tấn Xã Việt Nam, “Chính phủ Anh “bật đèn xanh” sử dụng dữ liệu điện thoại của công dân”, <https://tuoitre.vn/chinh-phu-anh-bat-den-xanh-su-dung-du-lieu-dien-thoai-cua-cong-dan-20200331135109059.htm >, truy cập 31/03/2020.
[40] “Chính phủ Anh “bật đèn xanh” sử dụng dữ liệu điện thoại của công dân”.
[41] Trao đổi riêng với nghiên cứu sinh Tiến sĩ Nguyễn Minh Quân chuyên ngành AI, tại Hoa Kỳ.
[42] “Trí tuệ nhân tạo”, < https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%AD_tu%E1%BB%87_nh%C3%A2n_t%E1%BA%A1o>, truy cập ngày 31/3/ 2020.
[43] Shawn Yuan, “How China is using AI and big data to fight the coronavirus”, < https://www.aljazeera.com/news/2020/03/china-ai-big-data-combat-coronavirus-outbreak-200301063901951.html >, 1/3/2020; By Pratik Jakhar BBC Monitoring, “How China is using AI and big data to fight the coronavirus”, < https://www.aljazeera.com/news/2020/03/china-ai-big-data-combat-coronavirus-outbreak-200301063901951.html >, 3/3/2020.
[44] Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh, “Trung Quốc công bố các quốc gia viện trợ chống dịch”, < https://vov.vn/the-gioi/trung-quoc-cong-bo-cac-quoc-gia-vien-tro-chong-dich-1010543.vov >, truy cập 15/2/2020.
[45] Mai Khanh (tổng hợp), “Ngoại giao virus corona”: Thế giới kề vai sát cánh chống dịch Covid-19 bằng sự hỗ trợ thiết thực”, < hhttps://baoquocte.vn/ngoai-giao-virus-corona-the-gioi-ke-vai-sat-canh-chong-dich-covid-19-bang-su-ho-tro-thiet-thuc-112565.html >, truy cập 30/3/2020.
[46] Thy An (Theo Business Insider), “Bill Gates tài trợ hàng tỷ USD phát triển 7 vaccine nCoV”, <https://vnexpress.net/vaccine/bill-gates-tai-tro-hang-ty-usd-phat-trien-7-vaccine-ncov-4079331.html >
[47] Vatican News, “Covid-19: Pope establishes emergency fund”, <https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2020-04/coronavirus-pope-emergency-fund-pontifical-mission-societies.html>, truy cập 7/4/2020.
[48] Trần Huy, “Xếp hàng nhận cơm miễn phí”, <https://video.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/xep-hang-nhan-com-mien-phi-4078623.html >, truy cập 3/4/2020.
[49] “Bill Gates says coronavirus reminds us we are all equal in powerful open letter”, <https://tennews.in/bill-gates-says-coronavirus-reminds-us-we-are-all-equal-in-powerful-open-letter/>, truy cập 27/8/2020
[50] Nguyễn Tiến (Theo CBS News), “12 vùng xung đột ngừng bắn để chống Covid-19”, <https://vnexpress.net/12-vung-xung-dot-ngung-ban-de-chong-covid-19-4079761.html >, truy cập 5/4/2020.
[51] Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, “Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Hướng dẫn mục vụ mùa dịch Covid-19 ngày 19.03.2020”, <https://tgpsaigon.net/bai-viet/toa-tong-giam-muc-sai-gon-huong-dan-muc-vu-mua-dich-covid-%2019-ngay-19032020-59918>, truy cập 20/3/2020.
[52] Lời cầu kinh chiều thứ tư tuần V Mùa Chay.
[53] X. John Horvat II, “The Coronavirus Is a Call to Return to God”, <https://www.tfp.org/the-coronavirus-is-a-call-to-return-to-god/> , truy cập 17/3/2020.
[54] <https://princessofthelight.wordpress.com/2015/01/27/faith-close-your-eyes-to-the-darkness-and-leapfrog-to-the-light-inspiration/>
[55] Bảo Duy, “Một bộ trưởng Đức tự tử vì chịu không nổi áp lực từ COVID-19”, <https://tuoitre.vn/mot-bo-truong-duc-tu-tu-nghi-vi-ap-luc-tu-covid-19-20200329202912186.htm >, truy cập ngày 29/3/2020.
[56] Bùi Hạnh, “Quan chức Hàn Quốc phụ trách dịch COVID-19 nhảy sông Hàn tự tử”, <https://tuoitre.vn/quan-chuc-han-quoc-phu-trach-dich-covid-19-nhay-song-han-tu-tu-20200226174053126.htm >, truy cập 26/2/2020.
[57] <http://picture24gallery.blogspot.com/2012/11/quote-on-hope-quote-hope.html >
[58] Vũ Văn An, “COVID-19 dưới nhãn quan thần học đạo đức Công Giáo”<http://vietcatholicnews.org/News/Html/255376.htm >, 27/3/2020
[59] “Bill Gates says coronavirus reminds us we are all equal in powerful open letter”.
[60] “Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Hướng dẫn mục vụ mùa dịch Covid-19 ngày 19.03.2020”.
[61] Lê Hoàng Nam, SJ, “Người mang trên vai gánh nặng của toàn nhân thế”, <https://dongten.net/2020/03/28/nguoi-mang-tren-vai-ganh-nang-cua-toan-nhan-the/>, truy cập 2/4/2020.
[62] Trích trong Vũ Kim Chính, Nhân Thần Hội Ngộ: Quan điểm thần học của Karl Rahner, Nguyễn Phước Bảo Ân chuyển ngữ từ bản tiếng Hoa, (Nhà Xuất bản Hồng Đức, 2019), t.71.
[63] “Các Chỉ Dẫn Đạo Đức và Tôn Giáo Cho Các Dịch Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe Công Giáo”, Dẫn Nhập Tổng Quát.
[64] Bảo Duy, “Người Mỹ tìm đọc chuyện hài hước “cho nhẹ cái đầu” giữa mùa dịch”, <https://tuoitre.vn/nguoi-my-tim-doc-chuyen-hai-huoc-cho-nhe-cai-dau-giua-mua-dich-20200330215220945.htm >, truy cập 30/3/2020.
[65] Lê Cầm (Theo BBC News), “Hòa nhạc trong khu điều trị Covid-19”, <https://vnexpress.net/hoa-nhac-trong-khu-dieu-tri-covid-19-4078493.html >, truy cập 3/4/2020.
[66] D. Kim Thoa, “Trend mới: Ra ban công mỗi ngày vỗ tay cảm ơn, động viên y bác sĩ”, <https://tuoitre.vn/trend-moi-ra-ban-cong-moi-ngay-vo-tay-cam-on-dong-vien-y-bac-si-20200327123542227.htm >, truy cập 27/3/2020.
[67] X. Huyền Lê (Theo Guardian), “Bác sĩ cảnh báo virus corona qua đời”, <https://vnexpress.net/bac-si-canh-bao-virus-corona-qua-doi-4051488.html > 6/2/2020. Hoàng Lộc, “Đến bên người bệnh”, <https://tuoitre.vn/den-ben-nguoi-benh-20200208075931365.htm > (8/2/2020); Minh Khôi, Nguyên Hạnh, “1 trong 8 bác sĩ đầu tiên cảnh báo virus corona ở Vũ Hán đã qua đời vì corona” < https://tuoitre.vn/1-trong-8-bac-si-dau-tien-canh-bao-virus-corona-o-vu-han-da-qua-doi-vi-corona-20200206224435366.htm > (6/2/2020); Bảo Anh, “Chuyện bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời: “Kẻ bịa đặt” thành người đáng kính”, <https://tuoitre.vn/chuyen-bac-si-ly-van-luong-qua-doi-ke-bia-dat-thanh-nguoi-dang-kinh-20200208080550898.htm > (8/2/2020 ); “Dân Trung Quốc đau buồn, giận dữ khi bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời”, <https://tuoitre.vn/dan-trung-quoc-dau-buon-gian-du-khi-bac-si-ly-van-luong-qua-doi-20200207122528952.htm > (7/2/2020 ). Đoạn này trích lại trong bài đã đăng trong báo Hiệp Thông số 117, tháng 3-4/2020.
[68] Hải Hiền, “Cậu bé câm điếc đấu giá tranh ủng hộ chống Covid-19”, <https://vnexpress.net/cau-be-cam-diec-dau-gia-tranh-ung-ho-chong-covid-19-4077692.html >, truy cập 3/4/2020
[69] Phạm Hữu, “Cậu bé lấy tiền lì xì mua khẩu trang phát miễn phí: “Để người ta bị bệnh thì tội lắm!””, < https://thanhnien.vn/gioi-tre/cau-be-lay-tien-li-xi-mua-khau-trang-phat-mien-phi-de-nguoi-ta-bi-benh-thi-toi-lam-1179067.html >, truy cập 5/2/2020.
[70] Trần Huy, “Máy phát gạo miễn phí”, < https://video.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/may-phat-gao-mien-phi-4080625.html >, truy cập 7/4/2020.
[71] “Lòng hiếu thảo của nhạc sĩ Chí Lợi khi cha mẹ nhiễm bệnh”, < http://vietcatholicnews.org/News/Html/255392.htm >
[72] Phan Dương, “Nữ sinh lớp 11 sắp thành kỹ sư công nghệ trẻ nhất Việt Nam”, < https://vnexpress.net/nu-sinh-lop-11-sap-thanh-ky-su-cong-nghe-tre-nhat-viet-nam-4072366.html >, truy cập 24/3/2020.
[73] Vatican News, “Pope Palm Sunday Homily: Full Text”, < https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2020-04/pope-palm-sunday-homily-full-text.html > Truy cập 5/4/2020.
Nguồn: https://hdgmvietnam.com