Cuộc sống có tươi đẹp ?
Chúng ta, các bạn và tôi đều có rất nhiều điều để biết ơn, để sống với tâm tình hạnh phúc đó. Nhưng qua cuộc sống của nhiều người, tôi lại thấy họ rất hay phàn nàn, phán xét thế này rồi sao lại thế kia, hết phán xét thì chuyển sang chỉ trích người này người nọ, cuối cùng lỡ như có ai nói điều gì trái ngược với những điều họ đang nói thì coi như xong luôn, một cuộc chiến của mũi tên và gươm giáo bằng lời nói.
Khi cuộc sống chúng ta càng để ý đến cái gì càng nhiều thì càng tạo cho nó một nguồn năng lượng ghê gớm, có khi là năng lượng của tiêu cực của hủy diệt. Và ngược lại, chúng ta càng chú ý đến những điều tốt đẹp, những điều làm cuộc sống mình hạnh phúc thì càng thu hút được những điều làm tốt đẹp hơn.
Ai đó đã từng nói rằng:
“Gieo một suy nghĩ gặt một hành động.
Gieo một hành động gặt một thói quen.
Gieo một thói quen gặt một tính cách.
Gieo một tính cách gặt một số phận.
Gieo một số phận gặt một cuộc đời.”
Có lẽ đôi lúc chúng ta quên rằng, chúng ta thu nhận lại những gì chúng ta phát ra. Cuộc sống bên ngoài không khác gì là một tấm gương phản chiếu cuộc sống bên trong của chính chúng ta. Hãy can đảm nhìn nhận và dám thay đổi chính mình, hãy vượt qua những niềm tin hạn hẹp và nỗi sợ vô hình và chính lúc đó thế giới của bạn đang dần thay đổi.
Tôi thực sự muốn nói là chúng ta nên tạ ơn mỗi ngày, mỗi buổi sáng thức dậy và lúc trước khi đi ngủ. Chỉ đơn giản là nói lời cảm ơn cuộc sống thôi. Nói một cách thật tâm tình, chân thành với những gì mình đang có, những gì mình hướng đến trong ngày mai. Với một cử chỉ thành tâm, thánh thiện thật sự, bạn có sức cứu rỗi cả thế giới đấy.
Một trong những bài học tôi ấn tượng khi đọc sách của cha Anthony đó là bài học về sự tự do cá nhân, sự tiếp nhận một cái không mới trong cái mới. Tôi rất thích cách mà cha trình bày và dẫn dắt con người ta đi lý thuyết để tiệm cận đến một điều gì khiến người ta bừng tỉnh.
Lần nọ, một tu sĩ dòng Tên viết cho vị Tổng quyền của mình là cha Arrupe để hỏi ngài về giá trị tương đối của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.
Cha Arrupe đã đưa ra một câu trả lời tuyệt hay.
Ngài nói: “Một ý thức hệ sẽ tốt hay xấu như là người dùng nó”. Những tâm hồn cao cả sẽ làm cho tư bản hay cộng sản hay xã hội chủ nghĩa trở thành tuyệt vời.
Đừng đòi thế giới đổi thay – người phải thay đổi trước hết chính là bạn. Và rồi bạn sẽ đủ am hiểu đời để có thể đổi thay bất cứ sự gì bạn thấy cần thay đổi. Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt bạn đi. Vì nếu chẳng vậy, bạn không có tư cách để thay đổi ai hay thay đổi cái gì.
“Khi tôi còn trẻ, còn tự do, trí tưởng tượng của tôi không bị giới hạn, tôi đã mơ thay đổi thế giới.
Khi tôi đã lớn hơn, khôn ngoan hơn, tôi phát hiện ra tôi sẽ không thay đổi được thế giới, vì vậy tôi rút ngắn ước mơ của mình lại và quyết định chỉ thay đổi đất nước của tôi.
Nhưng nó cũng như vậy, dường như là không thể thay đổi được. Khi tôi bước vào những năm cuối đời, trong một cố gắng cuối cùng, tôi quyết định chỉ thay đổi gia đình tôi, những người gần nhất với tôi.
Nhưng than ôi, điều này cũng là không thể. Và bây giờ, khi nằm trên giường, lúc sắp lìa đời, tôi chợt nhận ra:
Nếu như tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình trước, lấy mình làm tấm gương thì có thể thay đổi được gia đình mình, với sự giúp đỡ, động viên của gia đình mình, tôi có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước và biết đâu đấy, tôi thậm chí có thể làm thay đổi thế giới!”
“Hãy tập sống đàng hoàng trong từng chi tiết nhỏ của cuộc đời, sống một cách nghiêm túc và kỷ luật”. Lời nhắn nhủ của Cha đồng hành dành cho chúng tôi trong một buổi học. Tôi rất tâm niệm và nhớ mãi lời dặn dò ấy.
Tôi nghĩ về những năm tháng đã qua, và tôi thấy quý hơn những giây phút được sống, được là mình ở hiện tại. Tôi cầu nguyện cho bạn và thế giới này như lòng Chúa mong ước.
Que Diêm
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)
Nguồn:https://dongten.net