Lm. Giuse PHẠM ĐÌNH ÁI, Dòng Thánh Thể
Có 3 lý do được trình bày dưới đây khiến chúng ta phải loại bỏ việc đeo tang trong ngày thứ Sáu Thánh:
I. Thứ nhất: thứ Sáu thánh không phải là đám tang của Đức Giêsu
Theo văn hóa Việt Nam, tang phục là để thể hiện tình nghĩa, lòng thương xót giữa kẻ mất người còn, diễn tả sự thương tiếc người chết. Do đó, đồ tang phải dùng là vải trắng loại sô, loại xấu để lộ vẻ tiều tụy hay tỏ ý đau đớn. Khi đeo tang trong ngày thứ Sáu Thánh, các tín hữu đang thể hiện tinh thần này đối với Đức Giêsu. Sở dĩ một số giáo xứ đeo tang như vậy là vì họ vẫn muốn giữ tập tục đã có từ xưa theo ý định thích nghi và hội nhập văn hóa của các thừa sai Dòng Tên, đặc biệt là linh mục Alexandre de Rhodes, khi truyền giáo tại Việt Nam. Bấy giờ (thế kỷ XVII), trong Mùa Chay và Tuần Thánh, các thừa sai đã tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt hấp dẫn khác nhau cho giáo dân tham dự như: Rước tiệc chiên vào thứ Năm Thánh; Thứ Sáu Thánh thì có Rước kiệu bắt, Đọc đoạn, Ngắm đứng, Dâng hạt, Tháo đinh, Táng xác Chúa với việc các tín hữu mặc đồ trắng và đầu chít khăn tang; iii] Viếng hang đá, Hôn chân Chúa, Rước kiệu đi Đàng thánh giá trọng thể ngoài trời, Ngắm Dấu Đinh trong ngày thứ Bảy Thánh; iv] Chúa nhật Phục sinh thì có kiệu tượng Chúa Phục Sinh và Đức Mẹ…
Nhưng nay, tinh thần của ngày thứ Sáu Thánh không còn sắc thái than vãn, u buồn và tang tóc nữa. Trước khi thay đổi lịch phụng vụ diễn ra năm 1969, Tam nhật được gọi là Tam nhật thánh chứ không phải Tam nhật vượt qua. Vượt qua hay Phục sinh chỉ quy chiếu vào Chúa nhật Phục sinh mà thôi. Năm 1956, thứ Sáu Thánh có cái tên là “Thứ Sáu của cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa”. Đến năm 1969, ngày này mang tên chính thức là “Thứ Sáu của cuộc thương khó Chúa” nhằm phản ánh nội dung phụng vụ là cử hành cuộc Thương khó của Đức Giêsu như được ghi trong Sách lễ của Đức Phaolô VI (1970). Người ta còn đề nghị thứ Sáu Thánh mang một cái tên mới là “Thứ Sáu Phục sinh” vì muốn nhấn mạnh rằng vinh quang phục sinh ẩn dấu trong thánh giá và đang được thể hiện trong chính ngày này. Chính thánh Irênê và Tertunianô đã từng nói về ngày này là ngày Vượt qua (Pasch) theo nghĩa là một vận hành dẫn đến sự sống (x. Ga 12,24).3Thực hành đeo tang và than khóc tại Việt Nam lúc đó xét là phù hợp vì cũng tương đồng với quan niệm về ngày thứ Sáu Thánh ở khắp nơi trong Hội Thánh. Các tín hữu thời bấy giờ đã gọi ngày này là ngày thương khóc, than vãn, thương tiếc và sầu buồn trước cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu. Bởi thế, trước Công đồng Vatican II, vào thứ Sáu Thánh, tư tế cũng như phó tế mặc phẩm phục đen như trong nghi lễ an táng.
Trong thứ Sáu Thánh, chúng ta hân hoan trước chiến thắng của Đức Giêsu, vui mừng tham dự vào cuộc vinh thắng tình yêu của Ngài. Các bản văn phụng vụ và những bài hát để kính thờ thánh giá trong thứ Sáu Thánh đều quy chiếu về phục sinh và bày tỏ cho chúng ta khía cạnh vinh quang và hân hoan của ngày này.Thứ Sáu Thánh là ngày tưởng niệm cuộc thương khó và cái chết của Đức Giêsu, nhưng đồng thời lại tưởng niệm và kính mừng sự sống vì không giống như bất kỳ cái chết nào khác trên trần gian, Đức Giêsu đã chỗi dậy từ cõi chết và Ngài là “Đấng Hằng Sống, đã chết, và nay sống đến muôn thuở muôn đời” (Kh 1,18).4 Đức Giêsu bị giết chết, tưởng rằng đó là một thất bại, nhưng lại là cuộc chiến thắng của Ngài trên tội lỗi và tử thần. Cho nên, hệ quả là:
Không nên tách rời cái chết của Đức Giêsu ra khỏi cuộc phục sinh của Ngài, nhưng luôn coi đó như một thể thống nhất của “mầu nhiệm vượt qua”. Tam nhật Vượt qua phải được coi là một cử hành kéo dài, tức cử hành biến cố phục sinh vĩ đại. Cuộc thương khó của Đức Giêsu chỉ là một phần trong Tam nhật Phục sinh mà điểm kết thúc không phải là cái chết nhưng là sự sống.
Về màu sắc phụng vụ, hôm nay Hội Thánh sử dụng màu đỏ thay cho màu đen. Đây là màu của máu và tử đạo nhằm nói lên rằng Đức Giêsu là vị tử đạo đầu tiên. Ngài đã thực sự chấp nhận cái chết và hiến dâng mạng sống mình vì yêu thương nhân loại và vâng phục thánh ý Chúa Cha. Màu đỏ cũng là màu của vương quyền như vẫn được thấy trong nghĩ lễ phong vương. Điều này muốn ám chỉ rằng Đức Giêsu bước vào cuộc thương khó ngay từ Chúa nhật Lễ Lá trong tư cách của một vị Vua. Ngài đã được mọi người nhận ra và tung hô là Con vua Đavit và là Vua It-ra-en (x. Ga 12,13). Vinh quang vương quyền thực sự được chiếu tỏa ngay trong chính cái chết của Ngài và sẽ được mặc khải trọn vẹn vào ngày phục sinh.
Hơn nữa, mặc dù trong và sau cử hành phụng vụ thứ Sáu Thánh, bầu khí cộng đoàn trầm lắng và thinh lặng nhiều (nhà tạm để trống, không có Thánh Thể trong thánh đường, bàn thờ không phủ khăn, không nến và không thánh giá, vị chủ sự và giúp lễ thinh lặng phủ phục ngay từ đầu buổi cử hành…) nhưng hoàn toàn không phải mang sắc thái tang tóc. Trái lại, thứ Sáu Thánh hướng chúng ta tới những hồng ân của Chúa: Ngài đã cứu độ và giải thoát chúng ta. Như trong thời của thánh Augustino, các tín hữu khắp nơi đã gạt bỏ y phục tang tóc trong ngày này để mừng vui trong “chiến tích của thập giá”.
II. Thứ hai: thứ Sáu Thánh làm kiểu mẫu cho nghi lễ an táng chứ không thể ngược lại
Nguyên tắc là hình thức đạo đức phát xuất từ phụng vụ và dẫn đưa dân chúng đến với phụng vụ, vì tự bản chất, phụng vụ vượt xa các việc ấy. Phụng vụ thứ Sáu Thánh giải thích rõ ràng cho chúng ta bằng lời và hành động ý nghĩa căn bản cái chết của Đức Giêsu. Chúng ta không thể tách biệt cái chết này ra khỏi sự sống lại của Ngài. Phụng vụ thứ Sáu Thánh chiếu soi suy nghĩ và xây dựng thái độ của chúng ta đối với cái chết, và là mô hình cho chúng ta trong vấn đề mục vụ khi “cử hành” cái chết của những người thân yêu trong nghi lễ an táng. Nói cách khác, tuy cử hành thứ Sáu Thánh không phải là đám tang của Đức Giêsu, nhưng lại mặc khải một cách sống động nhất những gì làm thành đám tang của người Kitô hữu. Tất cả những nghi lễ khác nhau trong cuốn Nghi thức An táng Kitô hữu hiện nay diễn tả đức tin này: mầu nhiệm Chúa Kitô chịu chết và phục sinh hàm chứa mầu nhiệm sự chết của con người và mầu nhiệm sự chết của con người gắn chặt với mầu nhiệm Chúa Kitô chiến thắng tử thần (x. Rm 6,3-5; 1Cr 15,51-57).
1. Nghi lễ an táng trước Công đồng Vatican II
Nếu ai đã từng tham dự nghi lễ an táng trước Công đồng Vatican II thì sẽ nhìn cũng như cảm thấy một bầu khí ảm đạm và u buồn bao quanh đám tang: lễ phục đen, những bài thánh ca tang tóc và những kinh nguyện thảm thương. Còn bên ngoài phụng vụ, thêm vào cho bầu khí buồn thảm, bi thương của đám tang thường là những bài điếu văn dài lê thê và những chia sẻ thống thiết. Đây là hệ quả của một viễn tượng thần học quá nhấn mạnh đến lỗi lầm của con người và sự xét xử của Thiên Chúa hơn là sự thiện hảo nơi con người và lòng thương xót của Thiên Chúa; quá nhấn mạnh cái chết hy sinh của Chúa Kitô hơn là sự chiến thắng của Ngài trên tội lỗi và sự chết; quá nhấn mạnh đến bản án phải chết đời đời hơn là gieo niềm hy vọng được cùng sống lại với Đức Kitô. Trong bầu khí như thế, tâm trí của người tham dự thường là sợ hãi. Họ dễ dàng cho rằng người chết thật khó vào Nước Trời. Nếu người quá cố có xứng đáng vào Thiên Quốc thì ít ra cũng phải chịu nhiều hình phạt đau đớn trong luyện ngục. Đương nhiên kẻ nào phạm tội trọng mà chưa kịp xưng thú thì sẽ bị kết án đời đời trong hỏa ngục. Cũng may, khía cạnh mừng vui và vượt qua như trong phụng vụ an táng thuộc thời kỳ đầu của Giáo Hội còn xuất hiện trong phần kết thúc của nghi thức.
2. Nghi lễ an táng sau Công đồng Vatican II
So với phụng vụ an táng tiền Công đồng Vatican II, cuốn Nghi lễ an táng Kitô giáo (được ban hành bởi Thánh bộ Phụng tự Thánh ngày 15 tháng 8 năm 1969) cho thấy những điểm khác biệt như sau:
● Nhấn mạnh tính phục sinh của cái chết Kitô giáo. Do đó, khi một người tín hữu ly trần, Giáo Hội sẽ cử hành mầu nhiệm Thiên Chúa hằng sống, Ngài là Chúa của kẻ sống để những ai “an giấc trong Chúa” thì sẽ được cùng sống với Ngài (x. 1Tx 4,13-14). Trong nghi lễ an táng, Giáo Hội hân hoan trao một thành viên của mình cho cộng đoàn các thánh.
● Có sự quân bình hơn khi nhìn nhận nỗi đau buồn của tang quyến và muốn đem lại niềm ủi an và hy vọng cho họ (x. Rm 12,15), trong khi nghi lễ an táng trước năm 1969 không có bất cứ lời nguyện nào dành cho người sống cũng như gia đình của người quá cố.
● Nài xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi và khiếm khuyết, công bố niềm tin và niềm hy vọng vào lòng thương xót của Chúa và chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết nhờ sự phục sinh của Ngài (trọng tâm của cử hành chính là mầu nhiệm vượt qua)
● Thay thế lễ phục và trang trí màu đen bằng màu tím
● Không còn hát ca tiếp liên “Ngày thịnh nộ” (Dies Irae)
● Có nhiều bài đọc Kinh Thánh để chọn công bố trong Thánh lễ an táng. Nội dung của những bản văn Kinh Thánh này ít nhấn mạnh đến tội lỗi, nhưng nói về lòng thương xót và sự ủi an của Thiên Chúa; Đức Kitô chiến thắng tử thần; vẻ đẹp của thiên đàng. Không còn cái nhìn bi quan, xa cách, khiếp sợ của Cựu Ước, nhưng chú trọng đến niềm hy vọng nơi Ðức Kitô.
● Những lời nguyện tuy có đề cập đến tội lỗi và thiếu sót của con người nhưng cũng không quên nhấn mạnh đến lòng xót thương của Thiên Chúa cho những ai thông dự vào Bí tích Thánh Thể…
III. Thứ ba, hướng dẫn của Hội Thánh về lòng đạo đức bình dân
Dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II nói chung và của Hiến chế Phụng vụ Thánh nói riêng, chúng ta cần trân trọng, ưu ái, duy trì và khuyến khích những việc đạo đức bình dân như vừa nêu trên đây. Bởi vì chính lòng đạo đức bình dân cũng là một thực thi của Giáo Hội, do Chúa Thánh Thần khởi xướng và duy trì. Thêm nữa, lòng đạo đức bình dân có một cảm thức gần như bẩm sinh về thánh thiêng và siêu việt, là công cụ Chúa ban để gìn giữ đức tin của dân Chúa. Theo Hiến chế Phụng vụ Thánh:
Những việc đạo đức của dân Kitô giáo bao lâu còn được thích hợp với các lề luật và quy tắc của Giáo hội thì còn được khích lệ rất nhiều, nhất là khi thi hành theo chỉ thị của Tông tòa. Những việc thánh thiện của các Giáo hội địa phương cũng được đặc biệt tôn trọng, khi được thi hành theo các chỉ thị của giám mục, hợp với tập tục hoặc các sách đã được chính thức phê chuẩn. Nhưng phải chiếu theo các mùa phụng vụ để xếp đặt các việc ấy cho hòa hợp với phụng vụ thánh, để có thể được coi là phát xuất từ phụng vụ và để tiến dẫn dân chúng đến phụng vụ, vì tự bản chất, phụng vụ vượt xa các việc ấy.
Tuy nhiên, cũng cần phải canh tân và Tin Mừng hóa, cũng như định hướng và đôi khi sửa sai nếu việc đạo đức bình dân có các yếu tố không còn hài hòa với tinh thần phụng vụ mới, hạ giá trị phụng vụ hay gây tác hại cho phụng vụ của Giáo Hội.
IV. Thay lời kết
Việc đầu đội tang trong ngày thứ Sáu Thánh thường đi kèm với các biểu hiện của lòng đạo đức bình dân như Ngắm đứng, Tháo đinh, Táng xác Đức Chúa Giêsu. Trong nghi thức này có một loại kinh nguyện gọi là “Đọc đoạn” và “Than mồ”. Nội dung và cung giọng của Đọc đoạn vàThan mồ nhằm diễn tả sự đau thương của Chúa chịu chết vì nhân loại. Tất cả sự kiện này phản ánh các tín hữu đang tham dự “Đám tang của Đức Giêsu”.
Dựa vào hướng dẫn của Giáo hội, chúng ta nên giữ lại những việc đạo đức bình dân như Ngắm đứng, Tháo đinh, Táng xác Đức Chúa Giêsu… như tập tục từ bao lâu nay. Thế nhưng, căn cứ vào 3 lý do được trình bày ở trên, để hòa hợp với tinh thần và cử hành phụng vụ thứ Sáu Thánh hiện nay, chúng ta nên bỏ đi việc đội khăn tang; sửa lại nội dung các bài ngắm cho phù hợp với bản văn Kinh Thánh; xem xét lại cung giọng hay cung điệu quá đỗi thảm thương não nuột …Những thay đổi này nhằm mục đích làm cho việc đạo đức bình dân quy chiếu nhiều hơn vào Kinh Thánh và phụng vụ. Tất nhiên, phải làm cách nào để không gây thiệt hại cho các tín hữu.22
Lm. Giuse PHẠM ĐÌNH ÁI, SSS
Trích trong: http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/co-nen-deo-tang-trong-ngay-thu-sau-tuan-thanh_a2778
______________________________________________________