Cách nay vài thập kỷ, khi đề cập đến chính trị và tôn giáo, người ta thường tranh luận với nhau về hữu thần và vô thần. Những người vô thần thì cho rằng tôn giáo chỉ là nhất thời, tồn tại theo nhu cầu của một “bộ phận quần chúng”. Theo họ, tôn giáo sẽ biến mất khi khoa học kỹ thuật phát triển và đời sống kinh tế được cải thiện. Những người chủ trương hữu thần thì tìm mọi dẫn chứng để quả quyết Thượng Đế hiện hữu trong thiên nhiên vũ trụ và trong chính cuộc đời con người. Cuộc tranh luận giữa hữu thần và vô thần, dù uyên bác đến đâu, cũng không thể đi đến tận cùng, vì lý trí con người hữu hạn, không thể thấu đạt những lãnh vực siêu nhiên. Con người có thể “chạm tới” Thượng Đế, nhưng cũng phải khoanh tay bất lực khi muốn tìm hiểu về Ngài. Dù con người có tin hay không, Ngài vẫn hiện hữu trong đời.
Thiên Chúa có hiện hữu không? Con người sau khi chết sẽ đi về đâu? Để trả lời cho những vấn nạn này, ông Blaise Pascal (1623 – 1662), một triết gia, nhà thần học và toán học người Pháp đã diễn tả đức tin như một “cuộc cá cược”. Người tham gia cá cược chấp nhận đem cả cuộc đời của mình cho sự may rủi. Khái niệm “cá cược” do chính tác giả đã sử dụng. Theo ông, tin và không tin có Chúa là hai lập trường song hành. Có thể Thiên Chúa hiện hữu và cũng có thể Ngài không hiện hữu. Nhưng nếu như Ngài hiện hữu thì sao? Vậy, giữa hai lập trường này, ông chấp nhận Thiên Chúa hiện hữu. Con người sinh ra rồi có lúc phải chết, vì cuộc đời này hữu hạn. Vào lúc cuối của cuộc đời, nếu Thiên Chúa hiện hữu, những ai tin vào Ngài sẽ có một chỗ trên thiên đàng. Nếu giả sử Thiên Chúa không hiện hữu, thì những ai tin vào Ngài cũng chẳng thiệt thòi mất mát gì. Hơn nữa, tin vào Thiên Chúa sẽ làm cho cuộc sống luân lý tốt lành hơn.
Trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã mời gọi các tông đồ đi theo Người, không phải như một cuộc cá cược, nhưng một dấn thân với niềm xác tín tuyệt đối. Khi Phêrô hỏi: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!”. Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,28-30). Môn đệ chân chính là người “liều lĩnh” đem cuộc đời mình để đánh một ván cờ mà kết quả không chỉ là 50/50, nhưng là ăn chắc 100%. Khi còn đang vá lưới tại bờ biển hồ Galilêa, Phêrô và những môn đệ đầu tiên đã dứt khoát bỏ mọi sự mà đi theo Đức Giêsu. Tiếng gọi “Hãy theo Ta” rất đơn sơ nhưng cũng rất huyền nhiệm. Tiếng gọi ấy có sức thu hút mạnh mẽ đối với các ông. Họ chấp nhận đánh đổi tất cả những người thân cùng với mọi tài sản mình có, để đi theo Đức Giêsu. Sau này, tuy có những lúc dao động và yếu đuối, các ông vẫn một niềm thành tín với Thày và làm chứng về Thày cho đến hơi thở cuối cùng.
Nếu cuộc cá cược của Blaise Pascal chỉ nhắm tới đáp số ở phút cuối cuộc đời, thì thực ra những ai theo Chúa sẽ được thưởng công ở đời này như Chúa Giêsu đã hứa trên đây. Quả vậy, đức tin khẳng định với chúng ta: những ai dấn thân theo Chúa được Ngài thưởng công. Có những phần thưởng chúng ta đón nhận hằng ngày mà chúng ta không nhận ra. Mỗi người trong chúng ta đã hơn một lần cảm nghiệm sự tốt lành Chúa ban cho mình khi mình thực thi giáo huấn của Chúa để chia sẻ giúp đỡ người bất hạnh, khi tha thứ cho người xúc phạm đến mình, và nhất là khi dấn thân cộng tác loan báo Tin mừng. Vào thời sơ khai của Giáo Hội, các tông đồ đã cảm nhận rõ có Chúa ở với các ông (x. Mc 16,20). Nhờ sự hiện diện kỳ diệu của Đấng Phục sinh mà các ông có thể làm được phép lạ. Do Chúa hiện diện và hoạt động cùng với các ông mà lời giảng dạy của các ông được đón nhận và sinh hoa kết trái. Nhiều người trong chúng ta vô tình, không nhận ra sự hiện diện của Chúa, và vì thế, đức tin và hành động nơi họ bị tách rời. Họ vẫn tuyên xưng đức tin, nhưng không sống theo đức tin. Vì không tin có Chúa hiện diện mọi nơi mọi lúc, nên nhiều người vẫn phạm tội và sống như thể không có Thiên Chúa. Thiếu niềm xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa, con người dễ sa ngã và lạc đường.
Tin có Chúa hiện diện sẽ làm cho cuộc đời này có ý nghĩa. Tại một số quốc gia giàu có như Nhật Bản và Hàn Quốc, tỷ lệ người tự tử được cho là cao nhất thế giới. Một nguồn khảo sát của cơ quan y tế cho rằng mỗi năm Việt Nam có 36.000 đến 40.000 người tự tử, tức cao hơn 3-4 lần so với con số 10.000 đến 13.000 người tử vong vì tai nạn giao thông. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới cho biết mỗi năm có 1.000.000 người trên thế giới chết vì tự tử, trung bình cứ một phút lại có hai người chết. Dự báo đến năm 2020, số người tự tìm đến cái chết sẽ cao hàng đầu trong các loại tử vong (nguồn: Báo điện tử Tuổi trẻ, ngày 11-6-2016). Tại sao người ta tìm đến cái chết? Thưa, vì họ cảm thấy cuộc đời này trống rỗng vô nghĩa. Trong số những người tự tử, có những ngôi sao điện ảnh, người mẫu hoặc người giàu có thành đạt. Tuy vậy, sự nổi tiếng và thành đạt không làm họ hạnh phúc. Họ không tin vào tương lai. Họ cũng không còn hy vọng nơi những người thân và gia đình. Họ đã tìm đến cái chết như tự giải thoát khỏi nỗi khốn cùng bế tắc. Người tin vào Chúa, kể cả trong những lúc bi đát của cuộc đời, vẫn tin rằng có Chúa là nguồn nâng đỡ. Họ cũng tin rằng những khó khăn bế tắc chỉ là nhất thời, sẽ chóng qua. Đặc biệt, họ tin vào sự bất tử của linh hồn, vào hạnh phúc thiên đàng và hình phạt hỏa ngục. Những ai tin vào Chúa sẽ yêu mến cuộc đời này và nhìn nó với cái nhìn lạc quan hy vọng hơn. Bởi lẽ, chỉ có Chúa là Đấng có thể lấp đầy những khát vọng vô biên của con người.
Tin vào Chúa hiện diện, chúng ta sẽ thấy tâm hồn ấm áp, hết cô đơn. Bởi lẽ, chúng ta tin rằng, trong cuộc sống, dù không còn ai lắng nghe lời tâm sự của chúng ta, dù không còn nơi nào cho chúng ta tìm nơi nương ẩn vững chắc, thì vẫn còn có Chúa. Trong tâm tình tín thác, tác giả Thánh vịnh đã quả quyết: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa,
thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27,10). Chính Thiên Chúa cũng cam đoan với chúng ta: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Dù cuộc đời còn nhiều sóng gió, nhưng những ai tin vào Chúa sẽ có sức mạnh để vượt lên những thử thách gian nan. Thiên Chúa là nơi náu ẩn cho những ai trông cậy Ngài, mặc dù đó là những tội nhân, vì lòng thương xót của Ngài thật bao la. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã đến trần gian này để chung chia phận người với chúng ta. Người không khước từ hoặc hủy bỏ thập giá, nhưng Người đã mang thập giá trên vai và đã chấp nhận chết treo trên thập giá. Thiên Chúa không hủy bỏ những thử thách cám dỗ trong cuộc đời con người, nhưng đã sai Con của Ngài đến trần gian để cùng vác thập giá với họ, để rồi những ai kiên nhẫn vác thập giá trên đường đời với tâm tình yêu mến và phó thác của Đức Giêsu, sẽ được Người nâng đỡ.
Sau cùng, tin vào Chúa sẽ giúp đời sống luân lý của chúng ta tốt hơn, vì chúng ta xác tín rằng Chúa biết hết mọi sự, kể cả tư tưởng thầm kín của con người. Một khi xác tín điều đó, chúng ta sẽ không còn dám làm điều khuất tất. Những hành động, lời nói cũng như tư tưởng của chúng ta sẽ thận trọng hơn, vì người ta có thể dối trá với con người, chứ không thể dối trá với Thiên Chúa. Trong xã hội của chúng ta hôm nay, sự dối trá ngày càng nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thiếu trung thực là người ta không tin vào Thượng Đế và các vị thần linh. Nhiều người chủ trương rằng cuộc sống con người chỉ thuần túy là vật chất. Họ quả quyết rằng chết là hết; các lễ nghi tín ngưỡng và cả tôn giáo cũng chỉ là những sinh hoạt văn hóa mà thôi. Không tin vào Thượng đế và thiếu lòng tín thác nơi Ngài, con người không thể tự hoàn thiện đời sống của mình trong tương quan đối xử với anh chị em.
Như người lữ khách đang miệt mài bước trên đường mà tin chắc có người thân đang đợi mình ở điểm đến, người Kitô hữu cũng tin chắc có Chúa đang đợi chúng ta ở cuối cuộc đời. Không chỉ chờ đợi chúng ta ở đoạn cuối đường đời, Chúa đang đi cùng với chúng ta trong mỗi bước đường, để rồi, nhờ có Chúa cùng đi, chúng ta sẽ ngập tràn hạnh phúc và nhận ra: có Chúa trong đời.
Tháng 7-2017
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn:http://hdgmvietnam.org