Tôi nói chuyện với cha thiêng liêng của tôi, một linh mục tôi chọn để giúp tôi tiến bộ trên con đường đức tin. Cha trấn an tôi: phải cần một ít thời gian để con người cũ trong con chết đi và để con có được con người mới. Sau thời gian thanh tẩy, tất cả những chuyện này sẽ dịu xuống.
Tôi được trấn an nhưng rối loạn vẫn còn. Vì thế tôi xin một số bạn cầu nguyện cho tôi. Chúng tôi đến một nhà nguyện nhỏ và tôi quỳ trước nhà tạm. Các bạn quây chung quanh tôi. Một vài người đặt tay lên vai tôi. Họ sốt sắng cầu nguyện cho tôi. Một trong các bạn là Jean-Marc, anh cầm quyển Thánh Kinh, anh mở ra một đoạn. Tình cờ có phải là phương tiện Chúa dùng để kín đáo hành động không? Anh đọc cho tôi nghe đoạn anh “mở ra”. Đó là đoạn cuối Phúc Âm Thánh Gioan sau khi Chúa sống lại, Ngài hỏi ông Phêrô có yêu Ngài không. Phêrô thật sự đau khổ vì ông vừa chối Chúa ba lần xong. Dù vậy ông làm cho mọi người ngạc nhiên, ông không ngần ngại trả lời: “Chúa biết tất cả, Chúa biết con yêu Ngài mà.” Và cả ba lần, Chúa Giêsu giao cho ông Phêrô chăn dắt đàn chiên của Ngài.
Đoạn Phúc Âm chương 21 này của Thánh Gioan thường được đọc trong thánh lễ truyền chức thánh nhưng tôi không biết. Trong số những người cầu nguyện cho tôi có một linh mục, khi chúng tôi ra khỏi nhà nguyện, cha kêu tôi ra riêng:
– René-Luc, con đã nghĩ đến việc làm linh mục chưa?
– Dạ có, con đã đặt câu hỏi này, nhưng con không biết… Với tất cả quá khứ của con, con không biết Chúa Giêsu có gọi một người như con không. Vì sao cha hỏi con câu hỏi này?
– Con à, trong khi cầu nguyện, cha cảm nhận trong lòng Chúa Giêsu đã gọi con làm linh mục. Và khi cha nghe đoạn Phúc Âm mở ra tình cờ, cha xem đây là lời xác nhận. Bản văn này là lời chính thức Chúa gởi Phêrô đi như một linh mục. Cha chân thành chia sẻ với con như vậy, dĩ nhiên điều này không bắt con phải cam kết.
Tôi xin các bạn cầu nguyện là vì tôi cảm thấy mình không xứng đáng, và khi đi về, tôi nhận lời kêu gọi của Chúa Giêsu, tôi phải sẵn sàng theo Ngài hơn, gần Ngài hơn! Chúa không gọi những người giỏi nhất, hơn ai hết, tôi là người hiểu được điều này, nhưng Chúa đòi hỏi chúng ta phải cho Ngài điều tốt nhất của chúng ta! Tôi cám ơn Chúa về lời của linh mục, cha chỉ đưa ra cây sào và tôi nắm lấy. Thường thường, và kể cả tôi, chúng ta không dám kêu gọi các bạn trẻ vào chức thánh vì chúng ta muốn tôn trọng tự do của mỗi người, và vì chúng ta ý thức sự khó khăn của chức thánh ngày nay. Dù vậy chúng ta phải đặt câu hỏi sau: nếu không ai gọi thì làm sao người khác biết để trả lời?
Từ ngày đó, mỗi khi có thể được, tôi đến phòng của Marthe Robin để cầu nguyện. Tôi biết bà có một tấm lòng cảm mến các linh mục cách đặc biệt. Tôi chọn Marthe là thiên thần hộ thủ cho ơn gọi của tôi.
Tôi vào phòng của bà, nơi tôi thấy bà ba tháng trước đây. Tôi quỳ xuống bên cạnh giường bà, chiếc giường trống. Dù vậy tôi thấy rõ sự hiện diện của bà, mạnh đến mức mà tôi cảm thấy như sờ được.
– Marthe, bà chị nhỏ của em trên trời, em xin giao phó ơn gọi của em cho chị. Em biết bản thân em, con thuyền của em có nguy cơ bị lung lay mạnh, nhưng nếu lời kêu gọi này thực sự đến từ Chúa, thì xin giúp em bền đổ đến cùng!
Tôi ra về, lòng tin tưởng. Tôi cảm nhận sâu xa trong lòng, lời cầu nguyện của tôi đã được nhận lời. Mỗi lần tôi thấy ơn gọi của tôi bị lung lay mạnh khi gặp đủ sóng gió, tôi luôn cầu nguyện với Marthe. Tôi nghĩ Marthe là… người đi biển!
* * *
Dĩ nhiên tất cả kinh nghiệm thiêng liêng này không ngăn cản việc học bình thường của tôi. Cuối năm học ở trường tư ở Beaucaire, nhà trường đưa cho chúng tôi tờ giấy để điền về hướng nghiệp của chúng tôi trong năm thứ ba. “Nghề nào bạn muốn làm trong tương lai?” “Linh mục!”, từ đó tôi viết như vậy cho đến năm tú tài.
Tôi còn thay đổi trường học, và năm thứ ba tôi học trường Marie-Rivier ở Bourg-Saint-Andéol. Các môn học tôi chọn càng ngày càng gần với ơn gọi mà tôi cảm nhận mình được gọi. Tôi chọn môn tiếng la-tinh. Thầy giáo giải thích cho tôi môn này sẽ hữu ích ở chủng viện. Nhưng tôi thật sự không giỏi cho mấy về các biến cách trong tiếng la-tinh: trạng cách, thuộc cách, đối cách… đối với tôi, đó là những rắc rối của ngôn từ ở cấp cao nhất! Thêm nữa tôi không hợp với giáo sư môn la-tinh. Tôi cố gắng là tín hữu kitô tốt, nhưng tôi vẫn giữ tính khí khó khăn, nếu không muốn nói đôi khi tôi còn khó tính khó nết. Giáo sư hay gởi tôi đến văn phòng hiệu trưởng. Đến lần thứ mười thì ông hỏi tôi:
– Môn la-tinh có phải là môn tự nguyện không?
– Dạ đúng thưa ông hiệu trưởng.
– Thầy bỏ cho con môn này vì dù sao con tốn thì giờ ở văn phòng của thầy nhiều hơn ở lớp học!
* * *
Hai mươi năm sau khi tôi đi ra khỏi các phòng của đài truyền thanh giáo phận Nỵmes nơi tôi vừa trả lời phỏng vấn về việc rao giảng Phúc Âm cho giới trẻ. Tôi gặp các giáo sư đến tham dự chương trình về giáo dục ở trường tư. Một phụ nữ lớn tuổi kêu tôi lại:
– Cha cho biết có phải cha là học sinh ở trường Bourg-Saint-Andéol hồi đó không?
Giọng bà linh hoạt.
– Dạ phải thưa bà.
– Cha có phải là René-Luc không? bà nhíu mày.
– Dạ phải thưa bà.
– Cha là học sinh của tôi. Tôi là giáo sư môn la-tinh, cha còn nhớ không?
– Dạ…
Tôi hơi bối rối. Tôi thấy mình hai mươi năm trước.
– Nhưng dù sao tôi chưa quên cha! Và bây giờ cha là linh mục? Trên đời phải tin có phép lạ, phải tin! Bà lắc đầu nói với tôi.
* * *
Mùa hè năm 1982 tôi quyết định đi Rôma và Axixi. Tôi mười sáu tuổi và không có nhiều tiền. Vì thế tôi xin đi quá giang. Ở đồn biên giới Vintimille, các nhân viên hải quan ngạc nhiên thấy tôi đi một mình ra nước ngoài. Tôi lễ phép cho họ biết tôi đã lớn và họ có thể kiểm. Họ để tôi đi qua hải quan.
Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến đi Ý đầu tiên này. Tôi đến Ý ngày ê-kíp đá banh của họ đoạt giải vô địch toàn cầu. Bầu khí sôi sục ở các thành phố tôi đi ngang qua, thật không thể tưởng tượng!
Đến quảng trường Thánh Phêrô, tôi được ngồi vào chỗ ưu tiên của buổi tiếp kiến chung của giáo hoàng. Đây là lần đầu tiên tôi thấy giáo hoàng, tôi rất xúc động.
Theo thường lệ, Đức Gioan-Phaolô II chào các nhân vật nổi tiếng. Họ ở trong một ô nhỏ, cách đám đông bằng một hàng rào chắn. Tôi ở hàng đầu ngay sau lưng họ. Tôi chờ ngài nói xong, giữa hai nhân vật, tôi lấy hết can đảm, và ở tuổi mười sáu, tôi hét lên:
– Trọng kính Đức Thánh Cha, xin cha cầu nguyện cho các người trẻ có ơn gọi chức thánh!
Ngài ngẫng lên nhìn về phía tôi. Ngài thương cảm nhìn tôi và chầm chậm vạch thánh giá về hướng tôi. Tôi dám nghĩ phép lành này đã có hoa trái. Con cám ơn Đức Gioan-Phaolô II về sự tế nhị đối với tất cả các bạn trẻ ngài gặp.
Mỗi ơn gọi đều có câu chuyện riêng của nó, dù đó là đời sống thánh hiến hay hôn nhân. Đối với một số người, lúc mới đầu họ có thể thấy rõ ít hay nhiều, nhưng có một chuyện chắc chắn, đó là con đường mà càng đi tới chúng ta càng thấy mình xác quyết.
Thường thường chúng ta nhìn Chúa như ngọn hải đăng. Một ngọn hải đăng cố định ở cuối chân trời nơi chúng ta hướng con thuyền của mình đi tới, băng qua bão tố, sương mù hay đêm tối. Và khi chúng ta chưa nhận định rõ đâu là ngọn hải đăng này thì chúng ta không có can đảm để đi tới. Đúng, Chúa cho chúng ta chiếc đèn pha, nhưng không phải chiếc đèn pha lớn trên hải trình của mình, Ngài cho chúng ta chiếc đèn pha… xe đạp! Chúa cho chúng ta đủ ánh sáng để đi bốn, năm mét trước mặt và Chúa cho tôi ngày hôm nay với điều kiện là tôi phải đạp. Nếu tôi ngừng đạp thì tôi không có ánh sáng!
Khởi đầu con đường của chúng ta đến với Chúa, chúng ta thường có cảm tưởng mình đi trên một bãi mênh mông ngút ngàn tầm mắt. Có những dấu vết đi đủ mọi hướng. Chúng ta không thấy hướng nào mình phải đi, nhưng chúng ta cũng phải đi tới. Và rồi chúng ta nhận ra, chúng ta đi trên một con đường và con đường này mở ra một con đường nhỏ… và chúng ta cảm thấy tốt… và đó là như vậy! Chúng ta tìm thấy con đường sống của mình, tìm thấy ơn gọi của mình! Vậy, từ đây đến đó, hãy can đảm. Chúng ta tiến bước!
Trích sách Chúa ở trọn tâm hồn, René-Luc, nxb. Presses de la renaissance
Marta An Nguyễn dịch(phanxico.vn 07.02.2019)
Nguồn:http://gplongxuyen.org