Chiến dịch mới của ma quỷ

CHIẾN DỊCH MỚI CỦA MA QUỶ 

Trong mọi hoàn cảnh, tình thế, chúng ta cương quyết không để sập bẫy ma quỷ. Hãy che chở, nâng đỡ, hiệp thông, và cầu nguyện cho các Đấng Bậc trong Hội Thánh, vì đó là bổn phận của mỗi người Kitô hữu.

Giữa cơn lốc xoáy của thời đại 4.0, cao trào chống phá các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ bùng phát dữ dội, và ngày càng  ngùn ngụt phun  lửa như muốn thiêu sống các vị. 

Đây là chiến dịch toàn bộ, toàn diện, quyết đi đến toàn thắng của ma qủy, được thực hiện một cách công khai, không nể nang, dè dặt, hay ngại ngùng, giấu diếm. 

Ngoài mặt trận triệt để khai thác, tố giác trước dư luận những sai phạm luân lý của các giám mục, linh mục, tu sĩ, còn một mặt trận khác có sức tàn phá kinh khủng  hơn ngàn lần đang được chúng tận dụng, đó là xúi giục chính những người con của Giáo Hội cách này cách khác qủa quyết và công bố “như đúng rồi” án phạt hỏa ngục dành cho các vị. 

Thực vậy, sau thời gian truy lùng một số rất ít giám mục, linh mục, và tu sĩ lạm dụng tình dục, ma quỷ thay đổi kế hoạch với hy vọng phá nát niềm tin của giáo dân nơi các Đấng Bậc trong Giáo Hội, bằng gieo hoang mang trong hàng ngũ dân Chúa, khi dùng chính miệng những giáo dân bị coi là qủy nhập, qủy ám nói về số phận đời sau của các vị. 

Nếu bạn có thời giờ theo dõi hiện tượng trừ qủy, trừ tà như trăm hoa đua nở trên mạng xã hội những tháng gần đây, bạn sẽ nhận ra một vấn đề hết sức nhức nhối, đó là  hầu như tất cả các pha trừ qủy đều dẫn đến màn chót là “dậy bảo, khuyên răn, công kích, rồi dùng hoả ngục đe dọa các giám mục, linh mục, tu sĩ”,  với mục đích làm cho mọi người thấy rõ những kẻ sắp bị Thiên Chúa luận phạt, hàng ngũ đang điên dại chọc giận cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, những tác nhân lợi hại làm suy yếu Giáo Hội, và tha hóa giáo dân, chính là hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ, mà cái giá họ bắt buộc phải trả là hoả ngục đời đời. 

Chỉ cần tinh ý một chút, chúng ta sẽ thấy ngay mục tiêu cuối cùng của ma quỷ, khi dùng miệng một số người nhẹ dạ, thuộc đủ thành phần trong dân Chúa tiếp tay đánh phá hàng ngũ “những người Chúa chọn” bằng tiên báo những điều không chỉ gây hoang mang, mất niềm tin, mà còn hạ uy tín, lấy đi lòng kính trọng của giáo dân đối với các vị, khi không ngần ngại khẳng định nào là hoả ngục đầy dẫy hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ; nào là ba phần tư hàng giáo sĩ nước này, quốc gia kia đã thuộc về Xatan; hoặc dòng này, tu hội nọ  từ lâu đã là những cánh tay nối dài của Luxiphe, những đan viện thực chất là  động qủy, tổ qủy được khôn khéo trá hình. 

Tất cả những tuyên bố tai ương, những “sấm ngôn” trừng phạt, đầy đọa trong hoả ngục ấy rất nguy hiểm, vì có khả năng đánh thẳng vào trái tim của nhiều người, đặc biệt những giáo dân vốn bất mãn với các Đấng Bậc trong Giáo Hội, những  con chiên có vấn đề cá nhân với chủ chăn, những tâm hồn còn non trẻ trong đức tin, những người mà đời sống tâm linh đang gặp khó khăn, khủng hoảng. Đó là chưa kể vô số kẻ thù truyền kiếp của Giáo Hội luôn lợi dụng cơ hội, kẽ hở để khích bác, mạ lỵ, tấn công những người hiến thân phục vụ Giáo Hội. 

Trước chiến dịch ngày càng lan rộng như vết dầu loang nhanh, chúng ta phải làm gì? 

Thưa, ngoài củng cố đức tin bằng cầu nguyện với Giáo Hội và cho Giáo Hội; ngoài học hỏi về yếu tính, sứ vụ của Giáo Hội với niềm xác tín Đức Giêsu và Giáo Hội là một, vì Giáo Hội là thân thể, hiền thê yêu dấu của Đức Giêsu được chính Đức Giêsu bảo đảm sự  trung tín, và  bền vững, trường tồn, chúng ta còn cần hiểu đúng đắn về “những người Chúa chọn để phục vụ Giáo Hội của Ngài”, bởi hiểu sai về các vị, chúng ta sẽ dễ bị ma qủy tuyên truyền, nhồi sọ, và thoái hoá biến thành tay sai làm việc cho chúng chống phá Giáo Hội. 

1. Đức Thánh Cha, các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ là những người được Chúa đích thân chọn: 

Các vị không là giám mục, linh mục, tu sĩ của ai, nhưng của Đức Giêsu, vì đích thân Đức Giêsu gọi các vị (x. Dt 5,4 ; Ga 15, 16 ), để hiến toàn  thân, và trọn  đời đi theo, ở lại với Ngài và  phục vụ Giáo Hội của Ngài. Được chọn và được thánh hiến, các vị trở thành những bạn hữu thân tín của Đức Giêsu (x. Ga 15,15), và được chia sẻ chương trình cứu thế một cách đặc biệt với Ngài. 

Trong số những người Chúa chọn, có những  người  được xức dầu tấn phong, như  linh mục, giám mục để thi hành sứ vụ (x.Lv 4,16). Nhờ được xức dầu thánh hiến, linh mục, giám mục trở thành “những người được chọn” đời đời, vì ấn tích không bao giờ phôi phai (x. Tv 109,4), để thi hành sứ vụ được trao phó (x. Lc 4,18-19, mà một trong những sứ vụ quan trọng là “được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội” (Dt 5,1).

Đức Giêsu đã “chọn người Ngài muốn”, mà không bị bất cứ một áp lực nào. Khi tự do chọn các vị, Đức Giêsu tỏ cho chúng ta biết tình yêu cao vời của Ngài trên những người Ngài chọn, tình yêu được “nên một như Cha ở trong con, và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta”, bởi  chỉ tình yêu của Đức Giêsu mới đạt đến mức hiệp nhất nên một người Ngài yêu thương và tuyển chọn trong tình yêu của Chúa Cha và Ngài. 

Với xác tín mãnh liệt về  tình yêu vô cùng lớn lao Đức Giêsu dành cho  các môn đệ, khi chọn các vị, chúng ta mới  hiểu được phần nào hồng ân cao cả và bao laThiên Chúa bao phủ các Đấng Bậc trong Hội Thánh. Nhờ đó, chúng ta tránh được nhiều sai lầm khi nhìn các vị với con mắt thế gian, đánh giá các vị theo kiểu giám đốc lượng giá công tác của nhân viên, và kết luận về các vị theo khả năng sản xuất sản phẩm, bởi Đức Giêsu gọi và tuyển chọn các vị trước hết và trên hết  vì yêu các vị và muốn cac vị trở nên giống Ngài. 

2. Đức Giêsu yêu thương đến cùng những người Ngài chọn: 

Không ai có thể chối cãi điều này, vì Tin Mừng quả quyết: “Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). 

Trong khung cảnh  bữa tiệc chia ly, trước khi bị bắt, Đức Giêsu đã bày tỏ tình yêu của Ngài dành cho các môn đệ thân tín của mình, khi nói với các vị những lời đầy yêu thương, khích lệ: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy” (Ga 13,33), “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy” (Ga 14,1-3).

Như thế, Đức Giêsu đã công khai tỏ tình yêu vô bờ bến và “chung thủy” – đến cùng của Ngài đối  với những người Ngài đã chọn. Không bỏ những ai được gọi và đi theo mình; không phụ bạc, phản bội, ruồng rẫy những người thuộc về mình, Đức Giêsu  xác quyết tình yêu trung tín của Ngài khi nói với các môn đệ có mặt: “Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy”, nghiã là Ngài ở thiên đàng, thì những người thuộc về Ngài cũng sẽ ở thiên đàng với Ngài. 

Quả thực, đã không có một lời đe dọa, hay ngăm đe “phải xa Ngài”, hoặc “phải xuống hoả ngục” nào từ miệng Đức Giêsu khi Ngài ở giữa các môn đệ là những người Ngài yêu thương và tín nhiệm. Trái lại, tất cả những lời Ngài nói với các vị đều dạt dào yêu thương, chan chứa hy vọng, tràn đầy sức mạnh ủi an: “Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó” (Ga 14,12-14). 

Thật không còn lời an ủi nào ân tình hơn những lời Đức Giêsu nói với những người Ngài chọn: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. … Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14,27); không lời hứa nào chắc chắn và bảo đảm cho đời người  tận hiến hơn lời Đức Giêsu dặn dò các môn đệ: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dậy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26); không lời khích lệ nào đem lại niềm vui cho người được chọn và sai đi bằng lời Đức Giêsu nới với các tông đồ: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15, 16);  “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy … để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,9.11). 

Tóm lại, những người được Thiên Chúa chọn như Đức Thánh Cha, các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ để toàn tâm, toàn trí phục vụ Giáo Hội là những người được Chúa yêu thương đến cùng và tín nhiệm đặc biệt, như Đức Giêsu đã nói với các tông đồ: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15), nên tương quan giữa các vị và Đức Giêsu là tương quan vô cùng thân tình, chí thiết, khó có thể tách rời như thánh Phaolô đã tự hỏi: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?”, và trả lời: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương qủy lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,35. 38-39). 

Như thế, không một ai được tự cho mình quyền quyết đoán, phán xét “số phận đời đời” của những người Chúa chọn theo quan điểm, não trạng thế gian, và suy đoán tiêu cực về giá trị đời thánh hiến của các vị, vì Thiên Chúa luôn gìn giữ  những người Ngài chọn, nâng đỡ những người Ngài xức dầu thánh hiến, như lời ngôn sứ Isaia: “Vì Ta, Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Đấng cầm lấy tay phải ngươi và phán bảo: “Đừng sợ, chính Ta phù trợ ngươi” (Is 41,13), và như lời Đức Giêsu: “Thầy ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em” (Lc 10,19), và  “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). 

Đàng khác, khi chọn các vị, Thiên Chúa đã biết các vị cũng yếu đuối như bao người khác. Nhung nhờ thế mà các  vị “có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc”, và khi dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì các vị cũng dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy (x. Dt 5,3). 

Quả thực, Đức Giêsu đã không che dấu, hay lấp liếm yếu đuối “chối Thầy” của tông đồ trưởng Phêrô, nhưng bằng tình yêu thương xót, đã làm cho ông lớn lên trong tình yêu của Ngài, khi hỏi ông ba lần, như ba lần tuyên xưng tình yêu ông dành cho Ngài khi hiện ra với các môn đệ ở biển hồ Tibêria sau khi sống lại: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (Ga 21,15), và ngay sau đó, đã trao quyền chăm sóc đàn chiên của Ngài (x. Ga 21, 16 – 17), mà không đắn đo, do dự vì  ông đã ba lần công khai chối Ngài: “Tôi không biết người này là ai” đang khi Ngài bị tra khảo, đánh đòn trong dinh Thượng Tế  Caipha (x. Ga 18,12-27). Và cũng với tình yêu, Đức Giêsu bảo đảm ơn gọi môn đệ, sứ vụ “chứng nhân” của những người Ngài chọn, khi căn dặn: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).  

Là người Kitô hữu, chúng ta tin rằng ơn Chúa đủ cho những người Ngài chọn (2 Cr 12,9), và không quên lời Đức Giêsu đã nói với các tông đồ, cũng là lời Ngài đang nói với chúng ta: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian  và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15,18-19). 

Vì ghét, thế gian cùng với ma quỷ không ngừng vu khống, hãm hại, lên án những người được Thiên Chúa chọn; không mệt mỏi tìm mọi mưu hèn kế bẩn để cô lập, loại trừ, triệt hạ những chứng nhân, sứ giả của Tin Mừng. Vì thế, khi bài bạc, công kích các Đấng Bậc trong Giáo Hội; khi nhẹ dạ tin lời ma quỷ dùng miệng lưỡi  những kẻ đầu quân cho chúng tiên báo những án phạt hoả ngục trên những người Chúa chọn; khi ngây thơ để ma quỷ gieo rắc những luận điệu chụp mũ, hạ uy tín  hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ, chúng ta đã vô tình trở thành cánh tay nối dài của chúng để làm hại những người thuộc về Chúa, xúc phạm và làm tổn thương Thân Thể mầu nhiệm của Đức Giêsu là Giáo Hội.

Và trong mọi hoàn cảnh, tình thế, chúng ta cương quyết không để sập bẫy ma quỷ bằng che chở, nâng đỡ, hiệp thông, và cầu nguyện cho các Đấng Bậc trong Hội Thánh, vì đó là bổn phận của mỗi người Kitô hữu, như Đức Giêsu đã nói với các môn đệ trước khi sai các vị lên đường truyền giáo: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10, 16).

Jorathe Nắng Tím

Nguồn: http://gplongxuyen.org