MỤC SUY TƯ
Chiếc khẩu trang trong Mùa Chay
Chiếc khẩu trang trở thành đề tài nóng trong mùa đại dịch Covid-19. Đã từ lâu, chiếc khẩu trang được nhiều người sử dụng khi ra đường, nhất là các thành phố lớn và các nơi có nhiều nhà máy – xí nghiệp, nhằm bảo vệ mình trước tình trạng ô nhiễm của môi trường.
Số lượng người dùng khẩu trang khá nhiều nhưng chưa bao giờ, chiếc khẩu trang lại thiếu đến mức phải săn lùng, khan hiếm trên thị trường như hiện nay. Từ khi Bộ Y Tế khuyến cáo nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài như một phương tiện bảo hộ hiệu quả ngăn ngừa dịch bệnh, thì người người đều mua, nhà nhà đều mua khẩu trang. Người ta đứng xếp hàng từ sáng sớm như một đoàn tàu để chờ mua chiếc khẩu trang.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến một số người đẩy giá khẩu trang lên cao để kiếm lời. Việc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, là một hành vi không chấp nhận được. Đó là sự trục lợi trên nỗi sợ hãi bất an của đồng loại, bất chấp đạo lý để kinh doanh kiếm lời. Cộng đồng mạng đã lên án gay gắt hành vi này; đồng thời đề xuất tẩy chay những cửa hàng kinh doanh khẩu trang thiếu đạo đức.
“Vàng thì thử lửa thử than, gian nan thử đức, bệnh dịch thử lòng người”. Chiếc khẩu trang trở thành thước đo lòng người. Qua đại dịch hôm nay, chúng ta thấy rõ lòng người còn ham hố, tham lam, và vô lương tâm. Tăng giá khẩu trang, sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh, thu gom khẩu trang qua sử dụng đem bán lại… Một Giám đốc bệnh Viện quận Gò Vấp thu góp khẩu trang bán lấy lời như báo Pháp Luật đã đưa tin…Tăng giá khẩu trang, thuốc ung thư giả, test xét nghiệm cắt đôi… Lợi dụng dịch bệnh để làm giàu trên mồ hôi, nước mắt, xương máu và nỗi sợ hãi của người khác là một loại vi rút mang tên ác quỷ, nó còn nguy hiểm gấp ngàn lần con vi rút Covid-19.
Từ chiếc khẩu trang chúng ta có thể áp dụng cho đời sống thiêng liêng trong Mùa Chay Thánh.
Khẩu trang bịt Miệng.
MIỆNG là nơi phát xuất những lời lăng mạ, dối trá, lọc lừa, ích kỷ, dối gian…
Lắm khi chúng ta sử dụng lời nói và phát ngôn bừa bãi, vì tưởng rằng chúng vô hại. Chúng ta xét đoán bừa bãi, gièm pha, to nhỏ, lẩm bẩm xầm xì, tìm cớ nghi ngờ điều mình chẳng thấy. Lời nói biểu tỏ tâm hồn con người: lòng có đầy mới tràn ra miệng (x. Mt 12, 34).
Lời nói của Chúa Giêsu đầy ắp yêu thương tha thứ, cảm thông, hoà bình, xây dựng hiệp nhất yêu thương.
Sống đạo là đón nhận Lời Chúa và Thánh Thể của Ngài như lương thực mỗi ngày, làm cho Lời Chúa thấm nhập, bén rễ trong tâm hồn, tràn trào nơi môi miệng và quang toả khắp môi trường sống.
Mùa Chay Thánh là lúc chúng ta chạy đến nguồn suối Lời Chúa và đón nhận Thánh Thể mỗi ngày.
“Cơm bánh nuôi con là Thánh Thể,
Ngày ngày uống nước mạch niềm tin.
Rượu ngon tiết độ Thần Khí Chúa
Say ngất hồn thiêng mới đã thèm.”
Trên cung thánh Nhà Thờ Lăng Cô có hai cầu đối thật ý nghĩa, sâu sắc và trở thành lẽ sống của Giáo dân:
Lời Hằng Sống Ánh Sáng Rọi Đường Đời.
Bánh Trường Sinh Thức Ăn Nuôi Người Thế.
Khẩu trang là để bịt miệng như một sứ điệp của Mùa Chay muốn nhắc nhở mỗi người chúng ta, nên nói ít lại và nghe nhiều hơn.
Thay cho những lời nói gian dối xỏ xiên đang tràn ngập xã hội, xin cho con chỉ biết nói những lời chân thật, sinh ích cho người nghe.
Thay cho những lời hận thù ghen ghét đố kỵ, xin giúp con chỉ biết nói lời hoà bình yêu thương.
Thay cho những lời phê bình chỉ trích kết án luận tội, xin dạy con biết nói những lời an ủi cảm thông, khích lệ, tha thứ.
Thay cho những lời nói tiêu cực, bi quan, yếm thế chán chường, xin dạy con biết nói những lời lạc quan tin tưởng, hy vọng cậy trông.
Khẩu trang bịt Mắt.
MẮT là cơ quan tiếp thu thế giới bên ngoài. Mắt không chỉ là cửa sổ, mà là cửa chính của tâm hồn. Các cơn cám dỗ thường qua đó mà đến với chúng ta. Mắt thích nhìn cái đẹp.
E-và nhìn trái cấm, ngày nay, chúng ta bị bao vây trong một thế giới đầy hình ảnh phim ảnh, sách báo, thời trang, quảng cáo… tất cả tìm cách lôi cuốn cái nhìn lệch lạc của chúng ta.
Thời đại hôm nay người ta nhìn nhau với con mắt đầy nghi ngờ. Không còn từ ánh mắt đến trái tim nữa, mà thay vào đó từ ánh mắt đến đến túi tiền.
Trước đại dịch Covid-19, con mắt nhân loại đang ẩn chứa sự sợ hãi. Vi rút Corona cực nhỏ mắt thường không thấy được nhưng nó làm cho thế giới hoảng loạn, sợ hãi và đảo lộn mọi sinh hoạt của con người, kinh tế tê liệt, trường học và Nhà thờ đóng cửa, các thành phố giàu có xinh đẹp, tráng lệ trở thành nghĩa địa không có bóng người…
Trong mùa Chay Thánh, chúng ta được mời gọi đi khám Mắt.
Có thể mắt chúng ta bị cận thị, không nhìn xa trông rộng, không nhìn cái tốt nơi anh chị em, xin cho con có cái nhìn đầy yêu thương và nhận ra mọi điều tốt đẹp nơi anh chị em mình.
Có thể mắt chúng ta bị viễn thị, chúng ta chỉ nhìn xa, cách viển vông không thực tế mà không nhìn gần, để thấy nhu cầu cần thiết và nỗi khổ của người khác, xin cho con có cái nhìn xót thương của Chúa, để nhận ra Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng con.
Có thể mắt chúng ta bị loạn thị, khi không nhìn rõ vấn đề to nhỏ, đúng sai… có cái nhìn hoảng loạn sợ hãi vì thiếu đức tin, xin cho con có cái nhìn tinh anh để nhìn thấy Giáo hội là Nhiệm thể Chúa Kitô, Giáo hội bao la hơn những tư kiến hạn hẹp và những thành kiến đóng khung của mình.
Chúng ta bịt Miệng và bịt Mắt để làm gì?
Thưa, để thinh lặng. Mùa Chay là lúc chúng ta thinh lặng nội tâm để lắng nghe tiếng Chúa và nhận ra sự mong manh của kiếp người.
Như lời Lời cầu nguyện của Mẹ Têrêxa Calcutta:
Lạy Thiên Chúa, Đấng ưa thích sự thinh lặng.
Xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài, trò chuyện, lắng nghe và thấm nhuần Lời hằng sống.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt, biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân, biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai, để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói, để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi, để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người, tránh mọi lời nói gây đau đớn, đổ vỡ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn, để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trái tim, để tránh xa mọi ích kỷ, thù hằn, ghen ghét, để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên mọi sự. Amen.
Linh mục Giuse Phan Văn Quyền
Nguồn: tonggiaophanhue.net