CHIẾC ÁO
Một cô gái đến mua sắm trong một cửa hiệu nhỏ. Cô ngắm chiếc áo đầm thật đẹp và dự tính sẽ mua cho đứa cháu gái. Chợt cô đưa tay vào túi tiền và thấy chỉ còn vài đồng bạc lẻ. Cô ngần ngại hỏi người chủ tiệm có thể để dành chiếc áo đó lại cho đến khi cô có đủ tiền để mua. Từ phía sau, một phụ nữ tiến lại bảo rằng bà sẽ trả tiền chiếc áo đầm đó cho cô. Cô gái lắc đầu không nhận thì bà ấy kể rằng, trước đây bà từng là một người lâm vào cảnh vô gia cư và được nhiều người giúp đỡ. Bây giờ bà đã khá hơn rất nhiều nên bà luôn tâm nguyện sẽ giúp đỡ bất cứ ai cần giúp như một cách đền ơn những tấm lòng độ lượng đã từng cưu mang bà. Nói xong, bà quyết định mua chiếc áo đầm đó trao cho cô gái và chỉ nhận một cái ôm cảm ơn. (Theo Stacy Lee, Maryland)
Quý vị và các bạn thân mến,
Có một lời cảm ơn ý nghĩa nhất đó là tiếp tục làm điều tốt đẹp cho người khác. Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng đã từng được người khác làm ơn cho. Những việc làm đó có thể chỉ là một lời cảm thông khi ta đang bị hiểu lầm, một lời động viên khi ta gặp khó khăn thử thách. Cũng có thể là một nụ cười hay cái bắt tay thân thiện. Trao đi một nụ cười, một lời thăm hỏi, ta nhận được niềm vui. Những việc đó làm cho mối tương giao thêm thân thiện gần gũi. Mỗi ngày ta có nhiều cơ hội để làm những điều tốt đẹp cho người khác. Trái lại, nếu không có tương giao với người khác, ta trở thành như cái cây cằn cỗi không thể đơm bông kết trái.
Chia sẻ cho người khác không làm chúng ta nghèo đi nhưng giúp chúng ta trở nên giàu có và được lớn lên trong ân sủng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu từng dạy các môn đệ ai có thì được cho thêm. Ai không có thì ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi. Những gì chúng ta đang có không phải tự sức chúng ta làm ra, tất cả là do tình thương của Thiên Chúa. Khi xuống thế làm người, Đức Giêsu vốn giàu có, “đã tự ý trở nên nghèo khó” (2 Cr 8,9) để mang lấy mọi nỗi khó khăn vất vả của kiếp con người. Người thấu hiểu những gì chúng ta đang thiếu thốn. Người mời gọi chúng ta sống yêu thương phục vụ, chia sẻ cho người khác những gì mình có. Phục vụ người nghèo, đó là lúc chúng ta thực thi lời Chúa dạy “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). “Lòng thương xót có hai khía cạnh. Nó bao gồm sự cho đi, giúp đỡ và phục vụ người khác, nhưng cũng bao gồm sự tha thứ và cảm thông […] Cho đi và tha thứ có nghĩa là họa lại trong đời sống chúng ta một phần nhỏ về sự trọn lành của Thiên Chúa, Đấng vốn có sự cho đi và tha thứ dư dật vô biên. Thước đo mà chúng ta dùng để hiểu và tha thứ cho người khác sẽ đo sự tha thứ mà chúng ta nhận được. Thước đo mà chúng ta dùng để cho đi sẽ đo lại cái chúng ta nhận được” (Gaudete et Exsultate, 80-81).
Cuộc sống không thiếu những người nghèo, những cơ hội để chúng ta thực hành lời Chúa. Vấn đề là chúng ta phải ra khỏi chính mình, ra khỏi nơi chốn an toàn để đến với những con người đang bị thương tật, người cô đơn bị bỏ rơi bên lề xã hội. Thánh Giacôbê tông đồ khuyên chúng ta phải kính trọng người nghèo. Vì Thiên Chúa đã chọn những kẻ nghèo trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người (x. Gc 4,5). Thấy người nghèo, người yếu đuối mà không giúp đỡ là chúng ta sẽ bị kết án. Vì những gì chúng ta làm cho người nghèo là chúng ta làm cho chính Chúa “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42).
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống nghèo để nêu gương cho chúng con, xin cho chúng con ý thức sự giới hạn nơi chính mình, để biết cậy dựa vào ơn Chúa. Xin cho chúng con biết nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi những người nghèo, để biết tôn trọng, cảm thông và yêu thương họ. Amen.
Nt. Anh Thư
Nguồn:http://vietnamese.rvasia.org/suy-ni%E1%BB%87m/ph%C3%BAt-c%E1%BA%A7u-nguy%E1%BB%87n-th%E1%BB%A9-s%C3%A1u-11012019