Gioakim Nguyễn phỏng dịch
Ngày nay, chúng ta dễ nghe những luận điệu bi quan: "Thời này là thời cuối, nhiều điều xấu sẽ xảy ra. Giáo Hoàng hiện tại dị giáo, gây chia rẽ, có vấn đề thế này thế nọ..." Đó là vì họ không hề biết rằng: có những điều khủng khiếp hơn nhiều lần đã xảy ra trong lịch sử Giáo Hội, và hiện tại chúng ta đã bơi qua thời kỳ kinh hoàng nhất trong lịch sử rồi. Điều cần làm không phải là tưởng tượng đủ chuyện viển vông để đề phòng Giáo Hoàng, mà là củng cố lòng tin vào ơn hướng dẫn của Chúa Thánh Thần với Giáo Hội, vào Đức Giáo Hoàng đương kim.
Thật vậy:
Vào thế kỷ 4, Giáo Hoàng Libêriô ký một văn bản xác định rằng Chúa Cha và Chúa Con không có cùng bản tính, đối ngược với giáo huấn Công đồng Nixêa. Ngày nay văn bản đó chẳng còn giá trị gì.
Năm 680, Công đồng Constantinop thứ 3 đã lên án đích danh Giáo Hoàng Honoriô I cùng với Nhất Ý Thuyết, tức giáo thuyết dạy rằng Chúa Giêsu chỉ có một ý muốn dù có hai bản tính.
Năm 897, Giáo Hoàng Stêphanô VI đã cho đào xác Giáo Hoàng Formosô lên và mở một phiên toà để lên án vị Giáo Hoàng quá cố, kết án triều đại của Đức Formosô là vô giá trị. Ngày nay cả hai vị trên đều ở trong danh sách Giáo Hoàng thật.
Giữa năm 1331 và 1333, Giáo Hoàng Gioan XXII công khai phát biểu rằng những người chết trong đức tin vẫn sẽ không được thấy nhan Thiên Chúa cho đến ngày tận thế. Người kế vị của ngài là Giáo Hoàng Bênêđictô XII đã bác bỏ điều đó và ban hành sắc chỉ Benedictus Deus định tín rằng những ai được vào Thiên đàng sẽ ngay lập tức được thấy thánh nhan Chúa.
Từ năm 1378 đến năm 1417, Giáo Hội bị chia rẽ sâu sắc khi đồng thời có 3 Giáo Hoàng tranh giành tông vị. Mọi việc chỉ được giải quyết khi cả 3 đều từ chức.
Năm 1431, Joan of Arc bị vạ tuyệt thông và hoả thiêu vì bị tố cáo dị giáo. Ngày nay ngài là một Thánh nữ nổi tiếng, bổn mạng của nước Pháp.
Thế kỷ trước, Văn Phòng Thánh (nay là bộ Giáo lý Đức tin) đã ra rất nhiều phê bình chống lại Cha Piô Pietrelcina, cho rằng ngài giả hình. Mãi về sau ngài mới được minh oan. Ngày nay, ngài là một Hiển Thánh được sùng mộ rộng rãi.
Trong lịch sử, chúng ta đã có 40 nguỵ giáo hoàng, và một trong số đó, nguỵ giáo hoàng đầu tiên, nay là một Hiển Thánh được mừng kính trong lịch phụng vụ chung hoàn vũ, Thánh Hippolytô.
Cũng có đến hơn 40 Giáo Hoàng bị giết hại bằng nhiều cách khi đang tại vị, từ bị lưu đày, giết công khai đến ám sát. Nhưng ngai toà Giáo Hoàng thì chưa bao giờ bớt vững vàng.
Đó là lý do ta chẳng nên thấy có gì đáng lo về việc có các bất đồng và chống đối đối với giáo huấn trong tông huấn Amoris Laetitia của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, về việc có những chia rẽ, bất đồng và nghi ngờ trong mọi thành phần dân Chúa đối với tông huấn này. Nghi ngờ, phản đối, chia rẽ đối với vị Giám Mục Rôma là điều mà đời nào cũng có, cả với những vị Giáo Hoàng gần đây như Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI.
Amoris Laetitia không phải là một đạo luật nghiêm trọng làm chúng ta phải lo lắng, nhưng cái đáng lo chính là có những thành phần tín hữu Công Giáo mà lại đánh mất căn tính Công Giáo của mình, khi từ bỏ hiệp nhất với vị thủ lãnh Giáo Hội, và đôi khi còn là đánh mất cả đức tin chân chính.
Nguồn: http://thanhlinh.net