Chăm sóc bệnh nhân Theo đường hướng công đồng Vatican II

LỜI NÓI ĐẦU

Tập "Chăm sóc Bệnh nhân theo chiều hướng Công Đồng Vatican II" được ra mắt bạn đọc, không ngoài mục đích đáp ứng nhu cầu khẩn thiết, đổi mới theo như ý hướng của thánh Công Đồng chung Vatican II đã đề ra và ưu ái dành cho việc chăm sóc bệnh nhân, người già cả, tật nguyền một sự lưu tâm đặc biệt trong cộng đồng dân Chúa.

Và nữa, biết bao vị có trách nhiệm đang ngày đêm chăm lo cho người bệnh tật, đau yếu. Tập tài liệu này sẽ cộng tác với quí vị cách đắc lực trong việc tông đồ mà quý vị đang theo đuổi, đó cũng là mục đích của cuốn sách này.

Nội dung tập sách này gồm ba phần, theo thứ tự sẽ được phân chia thành 9 chương liên tục, ăn khớp với nhau một cách chặt chẽ, quí vị sẽ theo dõi trong nội dung của nó.- Phần I: Gồm từ lúc thăm viếng bệnh nhân đến lúc được Xức Dầu Thánh – Chịu của ăn đàng gồm 2 chương.

Phần II: Từ lúc phó linh hồn cho đến khi đưa ra phần mộ:

gồm 5 chương.

Phần III: Cầu hồn tại gia đến phần rước Chúa trong các ngày thứ Sáu, thứ Bảy đầu tháng: gồm 2 chương.

Đặc biệt tài liệu này đề cập đến vai trò người giáo dân sẽ thay thế linh mục, Phó tế khi các ngày thiếu vắng, để thi hành phận vụ trong nghi lễ an táng người quá cố. Tuy nhiên việc thay thế này sẽ giới hạn trong phạm vi dành cho giáo dân và phải được phép Đấng bản quyền ủy thác, như ở những xứ xa xôi thuộc vùng kinh tế mới, chẳng hạn.

Sau hết, tập tài liệu này xin kính dâng và ký thác dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse, Ban thanh Sạch Đức Mẹ, Người là Bổn mạng của mọi người sắp qua đời. Xin người chúc lành và làm cho sinh nhiều hoa trái nơi những thành phần mà tài liệu này hướng tới, để Chúa được vinh danh, các linh hồn được ơn cứu độ.

Lễ thánh Phêrô – Phaolô – 1988

SỨ ĐIỆP ĐẶC BIỆT

Trong ngày bế mạc thánh Công Đồng chung Vatican II, ngày 8 tháng 12 năm 1965, tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma, Đức Hồng Y P. Meouchi, đã đại diện Đức Thánh Cha và toàn thể các nghị phụ công đồng, tuyên đọc Bài Sứ Điệp, đặc biệt gởi tới những thành phần nghèo khổ, bệnh tật, đau khổ dưới muôn vàn cách thế dày vò.

Công Đồng xin có một Bức Sứ Điệp đặc biệt. Công Đồng cảm thấy anh em đang ngóng nhìn về mình với những ánh mắt thành khả6n, sáng lên vì cơn sốt hoặc lờ đi vì mệt nhọc, những cái nhìn dò hỏi, muốn tìm xem một cách thất vọng tại sao con người lại bị đau khổ, đang lo âu tự hỏi, xem bao giờ và tự đâu sẽ có nâng đỡ.

Anh em rất thân mến, chúng tôi cảm thấy rất sâu xa trong lòng những người cha và chủ chăn của chúng tôi, đang vang lên những lời rên xiết và than thở của anh em. Và chúng tôi càng buồn rầu, khi nghĩ chúng tôi không thể mang lại sức khỏe thể xác cũng hư sự thuyên giảm đau đớn cho anh em.

Nhưng chúng tôi có một cái gì sâu xa hơn, quí giá hơn, để mến tặng anh em! Đó là, chỉ có một chân lý khả dĩ trả lời cho mầu nhiệm đau khổ và mang lại cho anh em sự an ủi chân thật. Đó là đức tin và sự kết hiệp với Con người của đau khổ là Chúa Kitô, con Thiên Chúa, đấng đã bị đóng đinh vì tội lỗi và vì sự cứu rỗi của chúng ta.

Chúa Kitô đã không trừ diệt sự đau khổ; Người cũng đã không muốn biểu lộ hoàn toàn mầu nhiệm của đau khổ cho chúng ta: Người đã nhận đau khổ, và vì thế đã quá đủ cho chúng ta hiểu rõ giá trị của đau khổ. Hỡi tất cả anh em, những người đang cảm thấy thập giá đè nặng, anh em là những người nghèo khó bị bỏ rơi, những người đang khóc lóc, đang bị bách hải vì sự công chính, anh em những người không được ai nói đến, những người đau khổ mà không được ai biết đến,

xin hãy lấy lại can đảm: Anh em là những người được ưu đãi của nước Chúa, nước của hy vọng, của hạnh phúc và của sự sống. Anh em là những người em của Chúa Kitô đau khổ và cùng với Ngài, nếu anh em muốn, anh em cùng cứu vớt thế gian! Đó là học thuyết Kitô giáo về đau khổ, học thuyết duy nhất mang lại sự bình an.

Xin hãy đinh ninh rằng anh em không cô độc, không bị loại trừ, bị bỏ rơi hoặc bị coi là vô dụng. Trái lại anh em là những người được Chúa Kitô kêu gọi, hình ảnh sống động và trong suốt của Chúa. Nhân danh Chúa, Công Đồng âu yếm chào thăm anh em, cám ơn anh em và đoan chắc với anh em về tình thân hữu, về sự giúp đỡ của Giáo Hội, và chúc phúc lành cho anh em.

Đó là những lời rất có sức thuyết phục và đầy âu yếm thánh Công Đồng đã dành cho những người đau khổ, bệnh tật, nghèo khó. Chúng tôi tin rằng qua những lời vàng ngọc ấy, những thành phần dân Chúa đang âm thầm hy sinh trên giường bệnh cách này hay cách khác, sẽ cảm thấy yên ủi và vui lòng chấp nhận mọi thử thách hầu làm vinh danh Chúa, mưu ích cho bản thân và linh hồn. Được vậy, các vị chăm sóc, người bệnh đóng một vai trò hàng đà6u vậy.

(Trích: Sứ Điệp gởi người nghèo, bệnh tật, đau khổ – Công Đồng VATICAN II)


PHẦN I

CHƯƠNG NHẤT

THĂM VIẾNG VÀ CẦU CHO BỆNH NHÂN

a) Thăm viếng

Thăm viếng bệnh nhân là bổn phận của hết mọi người. Đặc biệt là các linh mục, những người có trách nhiệm chăm sóc người bệnh và các thân nhân của họ. Sống trong cộng đồng đức tin, chúng ta đều liên đới với nhau. Được thăm viếng, người bệnh không cảm thấy bị cô đơn vô dụng và rất vui lòng.

Và trong rất nhiều trường hợp, ngoài việc nâng đỡ an ủi tinh thần người bệnh, chúng ta còn đưa người bệnh trở về với Chúa, sau nhiều năm tháng họ sống xa Chúa, xa Giáo Hội. Lúc lâm bệnh, bất kỳ ai cũng cảm thấy băn khoăn lo lắng, nhiều khi thất vọng và cảm thấy giảm sút đức tin. Nhưng khi đến thăm người bệnh, ta giúp họ vui lòng chấp nhận bệnh hoạn đau khổ… theo gương Chúa Kitô đã lo âu và khổ nạn vì Ta.

Trong những dịp này chúng ta hãy khôn khéo dò hỏi cho biết người bệnh còn có những khúc mắc, những ngăn trở gì mà chưa giải quyết, được như nợ nần chưa thanh toán, thù ghét giận hờn ái lâu ngày chưa làm hòa, tình trạng gia đình có rối ren chưa hợp thức hóa v.v… ta hãy cố gắng giúp đỡ bệnh nhân giải quyết những rắc rối lo âu đó, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người bệnh được dọn mình xưng tội, càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, những người trong gia đình cũng là những yếu tố tốt giúp ta hoàn thành cuộc viếng thăm một cách có kết quả. Đừng ngại hỏi han thăm nom an ủi cả họ nữa. Nhiều khi nhờ những người thân này, ta hiểu rõ về người bệnh hơn Ta cũng đừng quên cầu nguyện thật nhiều và nhờ Mẹ, Thánh Cả Giuse, để công việc của ta được mọi người mau mắn cộng tác,

hầu đem lại lợi ích cho người bệnh là ơn can đảm chịu khó trong cơn thử thách và được chết lành trong Hội Thánh Chúa.
Một khi người bệnh và gia đình đã sẵn lòng chấp nhận cuộc viếng thăm, thông cảm cởi mở và cộng tác với việc tông đồ của ta, tùy đối tượng ta sẽ dìu dắt và đưa họ qua những ý tưởng sau đây:

Bệnh tật là điều không thể tránh được. Con người đã sinh ra trên trần gian này, tất không thể tránh được cảnh già nua, đau ốm và chết. Mới ngày nào đó còn trẻ trung, ta hăng say hoạt động, ôm ấp biết bao hoài vọng lớn lao, dù có trải qua bao nhiêu là vật lộn, thăng trầm với cuộc sống. Thế rồi đùng một cái, một cơn bệnh ập tới, một tai nạn xảy ra… khiến ta phải nằm liệt giường với muôn vàn đau đớn, khổ sở, tâm tư khắc khoải làm ta hoang mang lo sợ.

Điều đó quả không có gì lạ. Lẽ thường ở đời, có lúc mạnh khỏe, tất sẽ có lúc ốm đau, yếu liệt. Đối với người tin theo Chúa Kitô thì mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, sống hay chết, tất cả đều do sự quan phòng của Cha trên trời. với người được Chúa yêu thương, Chúa thường răn bảo, sửa dạy và hay dùng những phương tiện xem ra chẳng mấy ai ưa thích như bệnh tật, điều bất hạnh, để giúp họ suy nghĩ, xét mình, cảnh tỉnh để sống đạo đức và chuẩn bị hành trang về đời sau một cách chắc chắn, an toàn.

Bệnh tật là một ân huệ Chúa ban.

Nguồn: http://chiendang.blogspot.com/