Canh tân đời sống linh mục theo gương thánh Phao-lô

CANH TÂN ĐỜI SỐNG LINH MỤC

THEO GƯƠNG THÁNH PHAO-LÔ 

(dựa theo cuốn “Linh mục một vài năm sausuy gẫm về tác vụ linh mục”

 của ĐHY Carlo Maria Martini) 

Dẫn nhập 

Trong các bài sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau suy tư và chiêm niệm về đề tài “Canh tân đời sống linh mục theo gương thánh Phaolô”. Tuy là những bài suy niệm dành riêng cho linh mục, nhưng cũng hữu ích để canh tân đời sống thiêng liêng cho bất cứ ai muốn đọc và suy niệm.

 

Chúng ta cùng suy gẫm sách Công Vụ Tông Đồ, chương 20, câu 17-38. Đây là “di chúc mục vụ” của thánh Phao-lô. Trong bản văn trên, thánh Tông Đồ nói với các kỳ mục Ê-phê-sô về kinh nghiệm ngài đã trải qua trong 3 năm sống với họ: kinh nghiệm về con người, về đời sống linh mục và về mục vụ.

 

Nhờ tìm hiểu và suy gẫm về “Di chúc mục vụ” của thánh Phaolô do ĐHY Martini triển khai trong cuốn: “Linh mục một vài năm sau…Suy gẫm về tác vụ linh mục”, chúng ta có thể “Canh tân đời sống linh mục theo gương thánh Phaolô”

 

                                                                              Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

 

 

BÀI NĂM

Ý THỨC TÔNG ĐỒ CỦA CHÚNG TA

 

Chúng ta bắt đầu suy gẫm từ câu 22 về “ý thức tông đồ” của thánh Phao-lô. Chúng ta sẽ theo sát bản văn và tìm hiểu từng câu nói của ngài để hiểu rõ ơn gọi và sự dấn thân không mệt mỏi, không so đo tính toán của ngài. Có những đoạn, những câu cho thấy thánh Phaolô để tình cảm và những xúc động trong lòng lôi cuốn một cách rất tự nhiên.

 

“Và giờ đây tôi lên Giê-ru-sa-lem”

Chúng ta cùng nghe: “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giê-ru-sa-lem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi” (Cv 20, 22-23).

 

- Và giờ đây …những từ này diễn tả ý thức của thánh Tông Đồ về những gì ngài đang sống ở đây và lúc này (hic et nunc). Nó cũng gợi lên một điều chắc chắc sắp xảy ra.

 

- Bị Thần Khí trói buộc …Lời này rất mạnh mẽ cho thấy thánh Tông Đồ bị tình cảm xâm chiếm. Ngài lên Giê-ru-sa-lem mà không biết điều gì sẽ xảy ra, vì thế, ngài lo lắng và sợ hãi. Tuy vậy, ngài vẫn ý thức chắc chắn mình có bổn phận phải hoàn thành ở đó. Đây là đặc tính tự do làm nên những ơn gọi lớn của những người dấn thân trọn đời: sau khi đã phân định, chúng ta chọn lựa và hành động dù gặp những trở ngại và những xáo trộn. Ý thức này không đơn giản chỉ là ý thức của người thi hành mệnh lệnh bề trên, mà còn một điều gì đó sâu xa hơn. Kinh nghiệm cho thấy những chọn lựa nền tảng của cuộc đời không đến từ tính thất thường hoặc do cảm xúc nhất thời thúc đẩy, mà là một khơi gợi nội tâm biết chắc minh được Chúa mời gọi. Những chọn lựa này sau đó có thề đưa đến ơn gọi tu trì hoặc ơn gọi sống giữa đời. Tuy nhiên, khởi đầu của những ơn gọi này bao giờ cũng do ý thức về lời mời gọi. Ví dụ gần nhất về những diễn tả của thánh Phao-lô là chuyện thánh Maximilianô Kolbe đã chết thay cho một người tù trong trại tập trung Quốc xã Đức. Chắc chắn, hành động đó làm cha Kolbe sợ hãi, nhưng ngài cảm thấy được mời gọi hiến dâng như vậy và ý thức rằng mình phải thay thế cho người tù kia.

 

- Bị Thần Khí trói buộc: Câu này còn có ý nói thánh Tông Đồ thuộc trọn về Chúa, lệ thuộc hoàn toàn vào Đấng đã chết trên thập giá vì ngài; ngài là nô lệ của Chúa Giêsu. Ngài có thể viện ra nhiều lý do để không lên Giê-ru-sa-lem, nhưng ngài cảm thấy được Thần Khí lôi kéo mạnh mẽ. Chúng ta thấy một cảm nhận sâu xa về ơn gọi là một ơn huệ Chúa ban, bởi vì, nếu để tự ý, chúng ta không thể trung thành với lời hứa của mình. Phải được tình yêu Chúa chinh phục mới có thể “được trói buộc”. Thông thường, chúng ta không thể tự trói, nếu làm vậy, nút trói không bao lâu sẽ lỏng ra. Chính Đấng khác cột chúng ta lại. Ở đây, chính Chúa Giêsu đã trói buộc thánh Phaolô. Từ kinh nghiệm chọn lựa tự do của thánh Tông Đồ, chúng ta suy nghĩ về tự do của mình. Trong ơn gọi, không ai ép buộc chúng ta chọn lựa. Trái lại, chính chúng ta cảm thấy mình bị trói buộc vào Chúa bởi Thần Khí. Khi chọn lựa bước theo Chúa dù gặp gian khổ, thử thách, chúng ta như gặp lại chính mình, bởi vì con người chúng ta được tạo nên để hiến dâng chính mình cách tự do. Ơn huệ này không hời hợt, nó cho thấy chúng ta là ai. Nếu từ bỏ nó, chúng ta đánh mất chính mình.

 

- Tôi lên Giê-ru-sa-lem: Thánh Phaolô hiến dâng trọn vẹn cuộc sống cho Chúa qua cuộc đi lên Giê-ru-sa-lem. Chuyến đi đầy nguy cơ, nhưng ngài chấp nhận vì Đức Ki-tô. Đó còn là chuyến đi của đức bác ái, vì ngài dấn thân bởi tình yêu, để thi hành việc “phục vụ”. Ngài đã quyên tiền để giúp các anh em ở Giê-ru-sa-lem. Chuyến đi này cho phép ngài tôn vinh Giáo Hội của Phê-rô và Gia-cô-bê là Giáo Hội truyền thống và đầu tiên. Đây cũng là dịp ngài biểu lộ sự hiệp thông với các tông đồ. Qua đó, ngài chứng tỏ rằng mình không phải là người rao giảng đơn độc, không phải là người lập một tôn giáo mới. Sau cùng, chuyến di này cũng cho thấy ngài đang theo bước Đức Kitô vì chính Chúa cũng đã cương quyết lên Giê-ru-sa-lem khi đến ngày Người được rước lên trời (Luca 9, 51).

 

Mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó”.

Ở đây, thánh Phaolô ý thức về sự bấp bênh và những đe dọa: Liệu tôi có được đón tiếp không? Anh em ở Giê-ru-sa-lem có chấp nhận số tiền quyên góp vì lòng bác ái của các Giáo Hội khác không? Người Do Thái sẽ đón nhận ngài thế nào? Sứ mạng của ngài có mang lại lơi ích gì không? 

Nên lưu ý là thánh Tông Đồ bắt đầu chuyến đi đầy nguy cơ ở độ tuổi mà ngài có thể nghỉ ngơi bình an trong sự kính trọng của mọi người (*Lúc đó, có lẽ ngài 56 hoặc 57 tuổi, độ tuổi vào thời đó là khá cao vì tuổi thọ thấp). Hành động đầy can đảm của ngài làm gương cho chúng ta. Hành động đó cũng đặt ra cho chúng ta những thách thức thực sự bởi vì chúng ta đang sống trong một nền văn hóa với một não trạng tìm kiếm an toàn và chỗ dựa. Khi nhận một trách vụ ví dụ ở một giáo xứ, chúng ta thường hỏi: Tôi ở vị trí nào? Những việc tôi phải làm trong giáo xứ là gì? Hơn nữa, ngày nay, chúng ta thường sợ những nhiệm vụ mới và không xác định rõ ràng. Người thời nay sợ phải vạch ra những con đường mới.

 

Chắc chắn, đòi hỏi biết rõ nhiệm vụ là điều chính đáng. Nhưng nó cũng biểu lộ tính mỏng dòn của xã hội ngày nay, một xã hội thoái hóa thành xã hội “chức năng” (fonctionnalisme). Các chức năng ngày càng nhiều (trong kinh tế, quốc gia, quân đội, gia đình, v.v.); những chức năng đó sản sinh ra những nhiệm vụ được chia nhỏ thành vô số những phận vụ. Những  phận vụ này có những luật riêng của nó và chúng ít liên hệ với nhau. Bởi đó, ai cũng dành ưu tiên để học “luật chơi” nhằm bảo vệ quyền lợi và đặc quyền của mình tốt hơn. Không ai nhận ra rằng xã hội ngày càng phức tạp hơn, và những nguyên tắc lớn về đạo đức biến mất nhường chỗ cho những chức năng vận hành của xã hội. Ai cũng ưu tư làm sao để biết vai trò của mình một cách tỉ mỉ và dự tính cho tương lai. Dĩ nhiên, não trạng đó cũng ảnh hưởng trên linh mục chúng ta. Nó làm chúng ta quên rằng ơn gọi dấn thân trọn vẹn không thể được định nghĩa theo những trách nhiệm rất rõ ràng vì như vậy sẽ có nguy cơ bóp nghẹt con người và ý nghĩa của việc phục vụ Chúa. Chúng ta đừng dập tắt Chúa Thánh Thần nhờ những “lý lẽ” hời hợt bề ngoài. Biết nhiệm vụ chính xác của mình là gì và biết người khác chờ đợi gì nơi chúng ta tới từng chi tiết, có phải là cấp bách thực sự không? (Ví dụ: khi nhiệm vụ hoặc công tác đã được phân chia rõ ràng, chi tiết, chúng ta thường chỉ lo làm xong nhiệm vụ đã được chia. Việc ai nấy làm. Nhà ai nấy lo. Khi làm xong, chúng ta yên trí mình đã hoàn thành nhiệm vụ, mình có quyền nghỉ ngơi, hoặc lo những chuyện riêng của mình. Những việc chung không được phân công, những việc làm mà tình liên đới, hoặc tinh thần dấn thân, phục vụ đòi hỏi, nhiều khi chúng ta không làm vì không được phân công).  Suy nghĩ và sống như vậy nên chúng ta dễ đưa ra những lý do na ná như những lý do mà các vị khách được mời đã đưa ra để từ chối trong dụ ngôn Tiệc Cưới Nước Trời. Không phải Chúa Giêsu đã phê phán thái độ từ chối đó sao? Các tương quan của chúng ta với nhiệm vụ phải nhường chỗ cho tính sáng tạo hay sự can đảm hơn là cho những giới hạn chặt chẽ của nhiệm vụ đã được phân công. Sống trong văn hoá xã hội tìm kiếm sự an ổn như xã hội hiện tại, chúng ta càng ngưỡng mộ thái độ của thánh Phaolô, khi quyết định ra đi trong chuyến đi mà không biết điều gì sẽ xảy ra, dù đã cao niên. Ngài ra đi chỉ vì biết rằng đã là tôi tớ Chúa thì ngài luôn sẵn sàng vâng theo những thúc đẩy của Thánh Thần.

 

Thánh Phaolô không một chút quan tâm đến vai trò của ngài là gì, tương lai của ngài thế nào, người khác chờ đợi gì nơi ngài, những tiêu chuẩn thành công hay thất bại là gì. Thái độ vâng theo những khơi gợi của Thánh Thần nơi thánh Phaolô nhắc nhớ đến thái độ của Abraham, cha của những người tin. Đức tin đòi hỏi chúng ta phải bước ra khỏi những lược đồ định sẵn, những vai trò được xác định rõ ràng, và cả những sự an toàn vốn có nữa; nó đòi chúng ta phải lên đường“Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11, 8). Điều làm nên con người môn đệ đích thực không phải là phận vụ mà là sức mạnh của vâng phục. Abraham đã ra đi mà không biết mình đi đâu; cuộc phiêu lưu đạo đức là cuộc phiêu lưu của đức tin. Ông biết Đấng ra dấu chỉ cho ông, ông biết mình được kêu gọi đi đến một quê hương. Tuy nhiên, ông không biết cuộc hành trình sẽ như thế nào. Không ý thức sâu xa về lời mời gọi, chúng ta không bao giờ vượt qua những nghi ngờ xuất phát từ những nhận thức thực dụng do chính bản tính con người chúng ta.

 

ĐHY Martini cũng lưu ý tới tinh thần “nghiệp đoàn”. Nghiệp đoàn được lập ra để tranh đấu cho quyền lợi của hội viên, mà đây thường là quyền lợi vật chất, sự thoải mái tiện nghi. Nhiều khi chúng ta cố gắng bảo vệ những quyền lợi “nghiệp đoàn” của linh mục, và đòi hỏi “những khoảng không gian và thời gian” phải có cho linh mục nghỉ ngơi, giải trí, xả stress, v.v. Đây là nhu cầu chính đáng miễn là tránh được hai nguy cơ: 1/ Những đòi hỏi theo tinh thần “nghiệp đoàn”, nghĩa là theo tinh thần thế gian thường có chiều hướng trở nên độc đoán và ích kỷ, chỉ biết đến quyền lợi của mình; 2/ Đánh mất tinh thần dấn thân phục vụ mọi người, nhất là những nơi xa xôi, hẻo lánh, những người nghèo khổ, bệnh tật, hoặc những người khô khan, nguội lạnh, mất đức tin, dù phải đương đầu với xiềng xích và gian truân như thánh Phao-lô nói tới dưới đây. 

“Tôi chỉ biết …”

Thánh Phaolô chỉ biết một chút về tương lai của ngài: “Tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi” (c.23). Ngài không biết những gì sẽ xảy ra, nhưng chắc chắn xiềng xích và gian truân đang chờ đợi ngài. Xiềng xích chỉ những đau khổ cụ thể: tù đày, tra tấn, cái chết. Gian truân chỉ những thử thách tinh thần: lo âu, cô đơn, sợ hãi, áp lực luân lý và tâm lý. Trong quá khứ, thánh Phaolô đã từng trải qua những thử thách đó: “Thật thế, thưa anh em, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về nỗi gian truân chúng tôi đã gặp bên A-xi-a: chúng tôi đã phải chịu đựng quá mức, quá sức chúng tôi, đến nỗi chúng tôi không còn hy vọng sống nổi” (2 Cr 1, 8). Không thể theo Đấng Chịu Đóng Đinh nếu không tham dự cuộc Khổ Nạn của Người. Như thánh Phaolô, chúng ta phải sẵn sàng yêu mến và đón nhận những trái ý xảy đến khi phục vụ chân lý. Tuy nhiên, trước những thử thách, chúng ta có thể có hai thái độ: một là vẫn theo thúc đẩy của Thánh Thần, hai là theo những tình cảm riêng tư của mình hay những lời khuyên của bạn hữu, người đồng hành để né tránh hết sức có thể. Xung đột về phân định phát xuất từ đó. 

“Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì”

Thánh Phao-lô khẳng định lại ý thức tông đồ của ngài: “Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì”. Thánh Tông Đồ nói lại điều ngài đã nói trước đó: Phục vụ Chúa như một tôi tớ và bị Thần Khí trói buộc. Nói như vậy không có nghĩa là ngài không coi mạng sống mình là quan trọng. Ngài chỉ có ý nói rằng mình rất gắn bó với mạng sống nhưng vì một lý tưởng cao đẹp hơn nên ngài sẵn sàng không quan tâm tới nó. Có một bà mắc một căn bệnh bất trị đã nói: “Căn bệnh đó không làm con mất ngủ”. Khi bà ấy nói câu này không có nghĩa là bà không quan tâm đến bất cứ điều gì, nhưng có ý nói đức tin vào Thiên Chúa giúp bà vượt qua mọi thứ xáo trộn. 

Kết luận

Hãy đối thoại với thánh Phaolô để suy gẫm. Hãy tìm hiểu xem kinh nghiệm của chúng ta có giống với kinh nghiệm của ngài không và lời mời gọi ngài đã nghe và lời mời gọi của chúng ta có gặp nhau trong ơn huệ của Chúa không.  Một cách nào đó, chúng ta có thể phản ánh chính mình nơi ngài. Nhưng hình ảnh của ngài cũng biểu lộ qua chúng ta: chúng ta sẽ cảm động nhận ra rằng những động lực thúc đẩy ngài thời Giáo Hội sơ khai cũng là những động lực thúc đẩy chúng ta ngày nay. Nhờ truyền thống để lại, chúng ta có thể đồng nhất mình với ngài. Điều đó giúp chúng ta ý thức về sự kế tục của các môn đệ Đức Ki-tô, thế hệ đi trước đến chúng ta là những thế hệ đi sau. Chúng ta sẽ trải nghiệm niềm vui phục vụ Đức Kitô, trung thành với Người và niềm vui đi loan báo Tin Mừng. Hãy đánh giá ý thức tông đồ của chúng ta dựa trên những gì thánh Phaolô đã trải nghiệm. Hãy vượt qua những thế kỷ chia cắt ngài với chúng ta để uống tận suối nguồn sống động Chúa Giêsu ban tặng. 

Câu hỏi gợi ý:

Với những gì thánh Phao-lô đã nói, đã làm, chúng ta hãy soi vào tấm gương của Ngài và tự hỏi:

1. Tôi ý thức về ơn gọi linh mục của tôi thế nào? Sâu xa hay hời hợt? Tôi đã và sẽ làm gì để ý thức ơn gọi của tôi ngày một sâu xa, mạnh mẽ hơn?

2. Tôi có “bị trói buộc” bởi Thần Khí trong mọi công việc tông đồ, phục vụ của tôi không? Hay tôi chỉ “bị trói buộc” bởi chính tôi?

3. Tôi sống tinh thần liên đới và dấn thân phục vụ thế nào? Chỉ dừng lại ở những phận vụ được trao hay luôn cố gắng phục vụ hết mình, không so đo, tính toán?

4. Tôi có tinh thần “nghiệp đoàn” không? Và tôi có nhận ra và tránh được tinh thần đó không?

Nguồn: http://gplongxuyen.org