Cần Phải Cầu Nguyện
Một triết gia nọ than phiền vì người học trò xuất sắc của mình càng ngày càng thích học hỏi nhưng lại giảm bớt việc cầu nguyện. Khi ông hỏi lý do vì sao thì người học trò đáp: - Thưa thầy, thứ nhất, Chúa biết hết mọi sự, không cần chúng ta phải cầu nguyện kể lể dài dòng. Thứ hai, Chúa tốt lành vô cùng, Ngài sẽ cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần. Thứ ba, Ngài là Đấng vĩnh cửu, lời cầu nguyện của chúng ta chẳng thay đổi điều gì nơi Ngài cả. Vị triết gia liền đến ngồi dưới bóng cây, vẻ mặt buồn bã. Thấy vậy, người học trò hỏi: - Tại sao thầy có vẻ buồn phiền vậy?
Và ông chậm rãi kể: - Người bạn của thầy có một thửa ruộng rất tốt, hằng năm sản xuất rất nhiều hoa màu lúa gạo. Nhưng bây giờ ông ta bỗng bỏ mặc không chăm sóc gì nữa. Người học trò thêm vào: - Bộ ông ta khùng hay sao? Triết gia trả lời: - Không khùng nhưng ông là người khôn ngoan. Ông nói: - Chúa yêu thương tôi vô cùng. Ngài sẽ lo cho tôi mọi thứ, chẳng cần phải làm ruộng nữa. Chúa quyền phép vô cùng, dù tôi không cày xới, Ngài vẫn thừa sức cho nó sinh sản hoa màu. Người học trò đáp: - Làm như thế nghĩa là thử thách Chúa rồi còn gì nữa? Triết gia liền trả lời: - Chính con cũng đã có suy nghĩ giống như người ấy. (Theo Tihamer Toth)
Quý vị và các bạn thân mến,
Ai đó đã từng nói “Trên bước đường thành công, không có dấu chân của người lười biếng”. Muốn có lương thực hoa màu tươi tốt, người ta phải gieo trồng, vun tưới. Muốn đạt đến thành công, người ta phải học tập, phải thực hành để có những trải nghiệm trong cuộc sống. Cầu nguyện không phải là cuộc trao đổi cầu xin và ban cho, nhưng là cuộc gặp gỡ thân mật giữa ta với Thiên Chúa, là phút lắng đọng lòng mình để lắng nghe lời thì thầm yêu thương. Hãy xếp lại những cuộc gặp gỡ với tạo vật để tiến sâu vào mối tương giao linh thánh với Thiên Chúa. Trong cuộc hò hẹn này, ta không cần phải lải nhải như dân ngoại, đơn giản chỉ mở lòng ra và lắng nghe tiếng Chúa. Cầu nguyện không phải để bắt Chúa phải thực hiện theo những gì ta “lập trình” nhưng là để cho danh thánh và ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện trong cuộc đời chúng ta.
Cầu nguyện chính là sống niềm tin vào Thiên Chúa, là sống mối tương quan thân mật của người con thơ trong vòng tay yêu thương chở che của cha mẹ mình. Thánh Gioan Maria Vianey cho chúng ta một kinh nghiệm về cầu nguyện. Thánh nhân nói: “Khi chúng ta thưa chuyện với Chúa Giêsu một cách đơn sơ bằng tất cả con tim, lúc đó Thiên Chúa sẽ như một người mẹ giang rộng đôi tay ôm trọn đứa con nhỏ vào lòng và âu yếm đặt lên đó những nụ hôn”. Cử chỉ ấy làm cho chúng ta quên hết sợ hãi và mọi nỗi âu lo để sống phó thác hoàn toàn. Với niềm tin và trong cầu nguyện, chúng ta có thể thấy được những điều vô hình bí nhiệm sâu xa nơi Thiên Chúa.
Không phải chúng ta cầu nguyện mà do ơn soi sáng thúc đẩy của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta dám thưa lên “Áp-ba! Cha ơi!” (Rm 8,15). Để lời cầu nguyện được Chúa nhận lời, chúng ta phải có tâm tình phó thác cuộc đời mình cho sự dẫn dắt của Thiên Chúa. Cầu nguyện là con đường mở ra cho chúng ta niềm hy vọng mới, được sống bình an giữa cuộc đời đầy những khó khăn và lo âu, giữa những đổi thay và bất trắc. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã xác tín về điều này như sau: “Khi không còn ai lắng nghe tôi nữa, Chúa vẫn nghe tôi. Khi tôi không còn có thể tâm sự hay kêu cầu được với ai, tôi luôn luôn có thể thưa với Chúa. Khi không còn ai giúp tôi biết xử sự thế nào trước nhu cầu hay mong đợi vượt quá khả năng hy vọng của con người, Chúa có thể giúp tôi. Dù tôi bị đắm chìm ngập lụt trong cô liêu hoàn toàn, nếu kiên tâm cầu nguyện, tôi không bao giờ phải cô đơn và thất vọng”.
Lạy Chúa, chúng con luôn tự hỏi: cuộc sống con sẽ đi về đâu nếu từng ngày đời con vắng Chúa? Bao công việc con làm có ý nghĩa gì nếu lòng con xa Chúa? Bao điều con đạt được có giá trị gì nếu tâm con thiếu Chúa? Bao điều con hiểu biết có ích chi, nếu trí con ở bên ngoài Chúa? Bao điều con tìm kiếm có lợi gì nếu bản thân con không gặp Chúa? Giữa biết bao trăn trở ấy, xin cho chúng con xác tín rằng Chúa là nguồn sống và là hạnh phúc đích thực mà chúng con đang tìm kiếm. Amen.
Nt. Anh Thư
Nguồn: http://vietnamese.rvasia.org