Giáng sinh nhộn nhịp với ánh sáng, âm nhạc, mua sắm, ăn chơi, lễ hội… có gì đó là tốt, nhưng ý nghĩa đích thực của Giáng sinh đã bị nhuốm mùi đời. Giáng sinh đã trở thành mùa thương mại lớn trong năm. Làm sao để tìm lại ý nghĩa thực của Giáng Sinh !!!
Giáng Sinh là dịp chiêm ngắm Thiên Chúa nơi một con người
Hãy đến mà nhìn “một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Thiên Chúa không ai thấy được, nay làm người nơi một em bé mang tên Giê-su. Ngài vốn quyền năng, nay mặc lấy thân phận nghèo hèn, nhỏ bé, yếu ớt, chịu chi phối bởi không gian và thời gian. Đó là dấu để nhận ra Vua Cứu Độ trần gian. Dấu này ngày xưa đã giúp các mục đồng tìm ra Chúa và hôm nay cũng vậy. Sự đơn thuần mỏng manh, khiêm tốn, khó nghèo là điều mà con người hôm nay cần tìm lại, tìm đến, vì nơi đó có Chúa hiện diện.
Giáng Sinh là dịp để chiêm ngắm vị Thiên Chúa sống nghèo và tự do
Giê-su quý mến sự khó và tự do. Ngài sinh ra trong máng cỏ, sống làm nghề mộc ở Nagiarét, thi hành sứ mạng ngoài đường và chết trần trên thập giá, ngoài thành Giê-ru-salem. Ngài sống tự do với mọi sự ở trần gian này. Nơi máng cỏ, Giê-su trở nên gần gũi với người nghèo, với người thấp cổ bé miệng. Chiêm ngắm Ngài sẽ giúp chúng ta sống tự do với vật chất, danh vọng, địa vị, dư luận, tình cảm và tương quan. Lúc đó ta sẽ có bình an.
Giáng sinh – Mừng Chúa làm người để ở với con người luôn mãi
Đấng Emmanuel, Thiên Chúa đến trái đất này và ở lại cùng nhân loại cho đến cùng (Ga 13,1). Chính Thiên Chúa muốn ở lại trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Có thể nói rằng, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên lòng Chúa thao thức cho tới khi Chúa an nghỉ ở trong con. Bao lâu người con chưa về, bao lâu con chiên còn lạc, thì bấy lâu lòng Thiên Chúa vẫn còn thao thức tìm kiếm. Thiên Chúa đến ở với chúng ta và mời gọi chúng ta hãy ở lại trong tình yêu của Ngài (Ga 15,9).
Giáng Sinh cũng là dịp con người quây quần bên nhau
Nhìn vào hang đá Giáng sinh, chúng ta thấy thèm một bầu khí an bình, hạnh phúc và đầm ấm. Chúa Giê-su ở giữa Đức Mẹ và Thánh Giu-se, với mục đồng, đàn gia súc chung quanh, và sự hiện diện của ba vua… Nơi đây mọi khoảng cách: Thiên Chúa và con người; giàu và nghèo; tội nhân và thánh nhân; địa vị, chức quyền … đều bị xóa bỏ để mọi người chung sống cảnh thái hòa thịnh vượng. Vậy, Giáng sinh là dịp mời gọi con người sống sự hài hòa với Thiên Chúa với nhau và với tạo thành. Bình an dưới thế là phúc lành của Giáng sinh.
Giáng Sinh vui vì Chúa đến cứu chúng ta khỏi tội lỗi
Thiên Chúa đến để hàn gắn các tương quan do tội lỗi phá hủy. Thiên Chúa hàn gắn bằng đức ái, là mối liên kết trọn hảo. “Chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và đã sai Con Ngài xuống làm hy lễ đền bồi cho tội lỗi chúng ta” (1 Ga 4,10; 4,14). Chỉ có Đấng là nguồn của sự sống mới ban sự sống cho con người. Chỉ có Đấng có khả năng sống lại từ cõi chết mới làm cho con người được tái sinh. Ngài thực sự đã làm người vì tôi (x. Lt 104) và hy sinh mạng sống vì tôi. Giáng sinh là lúc “hồng ân của Thiên Chúa đã tỏ hiện để cứu chuộc mọi người” (Tt 2,11). Điều này làm cho chúng ta và đất trời hân hoan.
Chúa làm người để con người được thần linh hóa
Chúa làm người để con người được thông phần vào bản tính thần linh của Chúa mà chiêm ngưỡng vinh quang Ngài (x. 2 Pr 1,4). Theo thánh Irene, “Con Thiên Chúa trở thành con cái loài người, để con cái loài người được trở nên con Thiên Chúa”. Giáo phụ Clément (Alexandrie) và Grégoire (Naziance) quả quyết mạnh hơn: “Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa”. Nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, con người sống đời sống mới (x. Ep 4,17 tt).
Mừng Giáng Sinh đúng nghĩa phải là mừng ý nghĩa đích thực mà Chúa Giáng sinh mang lại.
Niềm vui thế tục, trần đời hôm nay đã làm cho ý nghĩa Giáng sinh bị phai nhoà nhiều. Giáng sinh đi liền với chủ nghĩa vật chất, là dịp mà nhiều người dùng để kinh doanh, buôn bán, hốt bạc, ăn chơi, hưởng thụ, và chạy theo các giá trị phù phiếm.
Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô trong Lễ Vọng Mừng Chúa Giáng Sinh năm 2016 nói rằng: “Hài nhi được sinh ra thách thức chúng ta: Ngài gọi mời chúng ta rời bỏ những hào nhoáng phù phiếm và đi vào tận yếu tính, từ khước những yêu sách tham lam, bỏ đi những gì không làm cho mình thỏa mãn và nỗi buồn phiền về những gì mình sẽ không bao giờ có được. Nó sẽ giúp chúng ta bỏ lại đằng sau những thứ này để tái khám phá sự đơn thành của vị Hài Đồng Thiên Chúa, của bình an, niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống.” Cần trở lại với giá trị đích thực của Giáng Sinh, để dịp này trở thành giờ phút Thiên Chúa thi ân giáng phúc thánh hóa nhân loại, hầu con người hưởng được sự bình an sâu xa.
Phê-rô Danh, S.J.
Nguồn: https://dongten.net