Các cộng đoàn nữ tu thường có thánh lễ hàng ngày nhưng truyền thống này đang bị đe dọa vì thiếu linh mục, vì thế các dòng nữ phải nghĩ đến các hình thức phụng vụ khác.
Năm 2014, lần đầu tiên một cộng đoàn nữ đến với bà Gunda Brüske. Từ đó bà đề nghị bốn lớp phụng vụ cho các đan viện nữ. Bà Gunda Brüske là đồng giám đốc Viện phụng vụ Thụy Sĩ vùng nói tiếng Đức, bà cho biết lớp học được tổ chức theo yêu cầu. Một khóa học thứ năm đang được dự trù cho năm tới.
Tháng 2 vừa qua, các nữ tu dòng Ursuline Thụy Sĩ mời bà Gunda Brüske đến dòng mẹ của mình ở Brigue. Xơ Petra Marzetta, phụ trách phụng vụ của cộng đoàn trong ban tỉnh dòng cho biết: “Ở đây chúng tôi còn may mắn có thánh lễ mỗi ngày, nhưng rồi sẽ hết. Trong một tương lai gần, chúng tôi sẽ không còn thánh lễ. Hai linh mục dâng thánh lễ đã lớn tuổi. Khi họ không còn dâng thánh lễ được, chắc chắn sẽ không có ai thay thế”.
Giờ cầu nguyện của các nữ tu Ursuline ở Brigue | DR
Tình trạng này đã thúc đẩy xơ Petra tìm cách đào tạo một hình thức phụng vụ cho nhà dòng: “Tôi nghĩ chúng tôi phải được đào tạo đủ để có thể cử hành phụng vụ Lời Chúa và chúng tôi đồng ý trên điểm này.”
Thay phiên nhau với thánh lễ
Bà Gunda Brüske cho biết nhu cầu các lớp học này liên hệ đến tình trạng thiếu linh mục. Ngày chúa nhật thì chắc chắn có linh mục dành thì giờ cho các cộng đoàn nữ, nhưng ngày thường thì rất khó. Vấn đề được đặt ra là làm sao có được nghi thức phụng vụ khi thiếu linh mục dâng lễ. “Các cộng đoàn lớn có thể dự thánh lễ ở các nhà thờ giáo xứ gần nhà nhất. Nhưng các xơ lớn tuổi ngồi xe lăn thì rất khó.” Như vậy phải tìm giải pháp khác.
Bà Gunda Brüske làm việc với các cộng đoàn muốn có các hình thức phụng vụ khác, như phụng vụ Lời Chúa mà sự có mặt của một linh mục là không cần thiết.
Phụng vụ Lời Chúa với phần rước lễ
Tuy nhiên các cộng đoàn không có cùng một bước khởi đầu ngang nhau. Một vài cộng đoàn đã có kinh nghiệm với các hình thức phụng vụ khác nhau, một vài cộng đoàn chưa có kinh nghiệm. Các nữ tu Ursuline chưa có kinh nghiệm này. Ngược với các nữ tu ở Menzingen, họ đã có kinh nghiệm, năm 2015 họ đã nhờ bà Gunda Brüske đến giúp. Từ cuối những năm 1990, vì “thiếu linh mục” các nữ tu đã có những buổi phụng vụ Lời Chúa kèm với rước lễ một đến hai lần mỗi tuần và họ tự tổ chức lấy.
Phụng vụ Lời Chúa với phần rước lễ ở các nữ tu Menzingen | DR
Năm 2019, các nữ tu dòng Thánh giá Cham (ZG) sẽ tham dự một khóa huấn luyện cho tất cả nữ tu Biển Đức Thụy Sĩ, họ đã có kinh nghiệm với phụng vụ Lời Chúa. Nữ tu Mattia Fähndrich giải thích: “Mỗi tháng một lần, chúng tôi có giờ phụng vụ Lời Chúa như một sinh hoạt cộng đoàn thường xuyên và chúng tôi cũng có rước lễ.”
Không rước lễ, mọi người cảm thấy căng thẳng
Vì tình trạng khởi đầu mỗi nơi một khác, mục tiêu của các cộng đoàn về việc đào tạo thường trực cũng khác. Chẳng hạn các nữ tu Menzingen, họ muốn qua khóa học này họ dễ chấp nhận có phụng vụ Lời Chúa mà không nhất thiết phải có rước lễ. Nữ Ursula Maria cho biết: “Với khóa này, chúng tôi muốn chứng tỏ cho thấy phụng vụ Lời Chúa không có rước lễ không phải là không bằng phụng vụ với rước lễ”.
Và điều này không chạy. Xơ Ursula Maria cho biết, từ khi có khóa đào tạo thường trực, không có gì thay đổi trong cách phụng vụ của cộng đoàn, “nếu chúng tôi nói đến việc cử hành phụng vụ mà không có rước lễ thì sẽ gặp kháng cự mạnh nơi các xơ.”
Một chủ đề tình cảm
Theo nữ tu Ursula Maria, rõ ràng chủ đề có tính cách xúc cảm. Xơ cho biết, đa số các xơ lớn tuổi, tuổi trung bình là 82, không bằng lòng phụng vụ mà không có rước lễ: “Các nữ tu lớn tuổi xem lễ, rước lễ mỗi ngày trong suốt đời họ.” Như thế đối với cộng đoàn, điều quan trọng là phải đưa các xơ lớn tuổi về nhà hưu trí, ở đó có thánh lễ. Các nữ tu trẻ hơn, từ 60 đến 75 thì chấp nhận phụng vụ Lời Chúa mà không có rước lễ, xơ Ursula Maria thừa nhận: “Đây cũng là vấn đề thói quen.”
Tái nâng giá trị Lời Chúa
Còn với nữ tu Mattia Fähndrich, thần học gia 56 tuổi, thế hệ trẻ cởi mở với các hình thức phụng vụ khác. Kết hợp với bà Gunda Brüske, nữ tu Mattia tổ chức các khóa kế tiếp cho các nữ tu dòng Biển Đức. Xơ nói: “Sự việc trong nhiều thế kỷ, Giáo hội công giáo có khuynh hướng để Lời Chúa ở đằng sau đã gây nên một hình thức nghèo nàn nào đó.” Và thật đáng tiếc, việc tái nâng giá trị Lời Chúa trong các nhà dòng được Công đồng Vatican II khuyến khích không phải lúc nào cũng được công nhận.
Nữ tu Mattia hy vọng, khóa đào tạo năm tới sẽ mang đến “các xung năng và kinh nghiệm cho việc đào tạo phụng vụ trong các cộng đoàn nữ”.
“Không làm tổn thương các nữ tu chúng ta”
Nữ tu Petra Marzetta giải thích, các nữ tu dòng Ursuline ở Brigue chưa áp dụng các hiểu biết của mình qua khóa đào tạo thường trực này vì hai linh mục vẫn còn dâng thánh lễ ở đây: “Đương nhiên tôi không để thánh lễ và phụng vụ Lời Chúa ‘cạnh tranh’ với nhau.” Xơ cảm nhận, nếu một ngày cộng đoàn phải qua hình thức phụng vụ Lời Chúa thì sẽ có phần rước lễ: “Chúng tôi đã có thói quen rước lễ. Và cũng chẳng ích gì để làm các nữ tu buồn trong tuổi già của họ vì không có rước lễ.”
Một thực hành đã có từ thời Đức Giáo hoàng Piô X
Bà Gunda Brüske thông cảm với các nữ tu: “Đặc biệt đối với các nữ tu lớn tuổi, khi các nữ tu không được rước lễ hàng ngày là một thay đổi lớn cho họ.” Xơ cho biết, cách thực hành này đã có từ năm 1905 sau khi Đức Giáo hoàng Piô X ban tự sắc trong chiều hướng này, đưa Lời Chúa vào linh đạo của nhiều dòng tu nữ. Trong khóa đào tạo, bà giải thích, theo dòng lịch sử, dù cả trong đan viện, việc rước lễ không phải lúc nào cũng có được mỗi ngày.
Chuyên gia về phụng vụ muốn, qua khóa học của mình, có thể cất nỗi sợ của các nữ tu và cho họ thấy có các hình thức phụng vụ mới có thể có. Luôn có một cơ hội. “Tôi muốn chứng tỏ cho thấy có một cái gì mới có thể bắt đầu khi có một cái gì chấm dứt. Chúng ta có thể gặp Chúa Kitô qua Sách Thánh.”
Marta An Nguyễn dịch
(phanxico.vn/ cath.ch, Barbara Ludwig, 2018-11-04)