Một phạm nhân trước khi ra thi hành án tử hình, người ta thường cho một bữa ăn no trước khi chết, đó là ân huệ cuối cùng cho kẻ phạm nhân. Nhưng với tâm trạng biết mình sắp chết, thì phạm nhân không có tâm trí nào để ngồi ăn những món ngon vật lạ. Khi họ ngồi chờ án tử hình và cái chết, đó là giây phút lo sợ và đau đớn nhất.
Trong khung cảnh chiều thứ Năm Tuần Thánh này, chúng ta được nghe thuật lại câu chuyện Bữa Tiệc Cuối Cùng ( Last Super) của Chúa Giêsu cùng với 12 môn đệ đã diễn ra trong khung cảnh nhà tiệc ly cách đây hơn năm. Chúng ta có cảm nhận gì về cái chết đau thương này? Phải chăng đây là bữa tiệc cuối cùng của một tên tội phạm, mà các nhà lãnh đạo Do-thái kết tội Chúa Giê-su.! Một buổi tiệc phải trả giá bằng máu và nước mắt, và cái chết nhục nhã trên cây thập giá. Chỉ vì bị phản bội của một đứa học trò tham tiền, cũng như các tội danh họ gán ghép cho Chúa Giê-su: tự xưng mình là Con Thiên Chúa, là vị Vua dân Do-thái và đòi phá Đền Thờ.
Nếu chúng ta lắng đọng tâm hồn và lắng nghe qua các bài đọc hôm nay, thì chúng ta sẽ khám phá ra mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại qua Nguời Con yêu dấu của Ngài, Chúa Giê-su đã thực hiện yêu thương đó cho đến hơi thở cuối cùng trước khi Ngài trở về cùng Thiên Chúa Cha. Tình yêu thương đó thể qua hai việc làm sau đây:
Trước tiên, Rửa chân cho các môn đệ. Trong buổi tiệc cuối cùng này, Chúa Giêsu cởi áo mình ra, quỳ xuống để rửa chân cho các môn đệ. Khi rửa chân xong, Chúa mặc áo vào và nói:“Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?....Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” Cử chỉ rửa chân làm cho các Tông đồ ngạc nhiên và hửng hờ, họ đặt câu hỏi tại sao Chúa lại làm thế với mình? Nên Phêrô đã phản ứng không chấp nhận cho Thầy rửa chân cho mình, rửa chân là dành cho những nô lệ khi có khách đến nhà, thì đó là quy luật của người Dothái lúc bấy giờ. Vậy mà Thầy lại rửa chân cho trò, Chúa Giê-su đã hạ mình xuống như một người nô lệ trong thái độ phục vụ. Sự khiêm nhường trước các môn đệ, dù Ngài là Con Thiên Chúa nhưng không đòi quyền ngang hàng như một Thiên Chúa, hay vị Vua theo cách nhìn của người đời. Đây là thời khắc sau cùng, Ngài muốn dạy cho các môn đệ một bài học của sự khiêm tốn. Chúng ta không thấy có vị vua nào trên thế gian này cởi mão, cởi áo vua ra để rửa chân cho dân cả. Vua thì quyền hành trên dân, bắt dân cúi đầu phủ phục, cải lệnh vua thì bị chém đầu.
Cử chỉ rửa chân không dừng lại sự khiêm nhường nơi Đức Giê-su mà là thể hiện tình yêu tuyệt vời của một người Cha yêu thương con cái mình. Chúng ta thử hỏi lại lòng mình có bao giờ ta rửa chân cho một ai đó là bạn mình, cha mẹ mình, người lớn hơn mình không? Tôi nghĩ là rất hiếm thấy. Chỉ có cha mẹ mới có thể làm những điều vĩ đại cho con cái mình không chỉ rửa chân mà còn rửa đít khi nó làm điều dơ bẩn. Nhưng ngược lại con cái lại không làm được khi cha mẹ tuổi già. Đó là điều ta có thể thấy trong thế giới hôm nay. Do đó, việc Chúa Giê-su thể hiện Ngài giống như là người cha người mẹ yêu thương chúng ta. Có nhiều thứ chúng ta biết, nhưng ta không cảm nhận được tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái, họ đã hy sinh, vất vả cả đời vì con cái, nhưng ngược lại con cháu lại đối xử đôi khi còn thua một người dưng. Tôi nói ra điều này vì nhiều khi chúng ta không cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Một bạn trẻ nói với tôi rằng, con tin có Chúa nhưng con không nhận được tình yêu của Chúa là thế nào? Người ta thường nói: “Vô tri thì bất mộ” có nghĩa là không biết, người ta không mến mộ. Tôi chưa yêu Chúa vì chưa nhận ra tình yêu. Không ai lại yêu một người, chết cho một người mà người đó không biết họ là ai. Thật là vô lý. Tình yêu của Chúa không dừng lại việc rửa chân mà là đi vào cái chết. Cái chết của Ngài là một hy tế để chuộc tội cho nhân loại bằng chính Mình Máu Ngài.
Kế đến, lập Bí Tích Thánh Thể. Khi Người sắp hoàn thành sứ mạng nơi trần gian, Ngài đã lập bí tích Thánh Thể. Thứ Năm Tuần Thánh là ngày chúng ta đặc biệt nhớ đến Bí Tích Thánh Thể. Đó là cách Chúa Giêsu biểu lộ tình yêu đối với chúng ta. Việc Rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể. Cả hai được làm trong bầu khí một bữa ăn tối gần lễ Vượt Qua, trong lúc cuối đời, sau bao năm tận tụy với sứ mạng phục vụ. Chúa Giêsu muốn gói ghém trong hai cử chỉ ấy như là hy lễ hiến dâng đời mình. Điều đó nói lên cái chết tự hạ của Chúa trên thập giá.
Rửa chân thì phải cúi xuống để trở thành tôi tớ phục vụ. Ngài là vị Tôi tớ của Thiên Chúa. Cái chết trên thập giá là sự phục vụ cao nhất cho tình yêu. Chính vì thế Bí tích Thánh Thể được diễn tả cách tuyệt vời qua cái chết hy sinh. Như lời Ngài nói: “ Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh vì người mình yêu.” Vì yêu thương chúng ta, Chúa hy sinh mạng sống. Như lời thánh Phao-lô viết: “Trong bữa ăn Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em; rồi Người cầm chén rượu, và nói: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy, mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Và, Máu Ngài đổ ra cho chúng ta và cho mọi người trên thế giới. Tất cả những điều đó không chứng minh đủ tình yêu Chúa dành cho chúng ta sao?
Tóm lại, qua hai cử chỉ Rửa chân và lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu mời các môn đệ và chúng ta làm, đó là: “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14). Chỉ khi nào ta cúi xuống phục vụ cho nhau, cho gia đình, cho tha nhân, cho quê hương với thái độ khiêm hạ, đó là cách ta thể hiện yêu thương họ. Đây là lệnh truyền của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất. Yêu là cúi xuống phục vụ, yêu là trở nên nhỏ bé. Yêu là cho đi. Yêu là quên mình. Yêu là chết đi, yêu là hy sinh cho người mình yêu như Chúa yêu chúng ta. Amen.
Lm. John Nguyễn.
Nguồn: http://www.thanhlinh.net