Năm Thánh Lòng Thương Xót là một chương trình sống rất đòi hỏi: Mọi người phải có khả năng lắng nghe Lời Chúa để có thể chiêm ngắm, đón nhận lòng thương xót của Chúa, biến lòng thương xót của Chúa thành lối sống của mình[1] và thực thi lòng thương xót cho người khác. Cửa Lòng Thương Xót của Chúa được rộng mở cách quảng đại, nhưng chúng ta phải có can đảm để bước qua. Mỗi người chúng ta đều mang trong lòng những trĩu nặng vì tội lỗi! Hãy lợi dụng thời điểm này để bước qua ngưỡng cửa lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng không bao giờ mệt mỏi tha thứ, không bao giờ mệt mỏi chờ đợi chúng ta. Chúng ta hãy can đảm tiến lên[2], vì Chúa luôn mở rộng Cánh Cửa Trái Tim của Ngài đón nhận lòng sám hối của chúng ta và ban cho chúng ta ơn tha thứ. Điều này giải thích vai trò trung tâm của Bí tích Giải Tội, bí tích của lòng thương xót, và sự đóng góp tích cực của các linh mục trong suốt Năm Thánh Lòng Thương Xót, với tòa giải tội là một cột trụ của Ơn Toàn Xá nhằm giải gỡ tội nhân vừa lãnh nhận ơn giao hòa khỏi tất cả những hậu quả của tội lỗi, hầu có thể hành động với đức ái và lớn lên trong tình yêu hơn là lại rơi vào tội lỗi[3].
Linh Mục Tỉnh Thức Về Sứ Vụ Của Mình
Lúc khai mạc Công Đồng Vatican II, thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói rằng Giáo Hội trước hết phải dùng tới phương thuốc lòng thương xót: công bố lòng thương xót của Thiên Chúa, cung cấp cho mọi người lòng thương xót của Thiên Chúa cách cụ thể qua bí tích giải tội, và để lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện cách rõ rệt trong toàn bộ đời sống, các cơ cấu và cả trong luật lệ của mình nữa[4]. ĐTC Phanxicô mong đợi Năm Thánh Lòng Thương Xót “là thời gian thuận lợi để thay đổi đời sống, để tâm hồn mình được chạm đến” nhờ thường xuyên tiếp cận tòa giải tội[5]. Bí tích Giải Tội giúp chúng ta cảm nghiệm sức mạnh lòng thương xót của Thiên Chúa, là người Cha đích thực hằng yêu thương hết mọi con cái, nhất là anh em linh mục chúng ta, để chúng ta trở thành dấu chỉ hữu hiệu cho hành động thương xót của Ngài. ĐTC Phanxicô khẳng định: “các vị giải tội là dấu chỉ đích thực cho lòng thương xót của Chúa Cha... Điều đó sẽ xảy ra khi chúng ta để cho chính mình trở thành những hối nhân đang nài xin ơn tha thứ”[6], vì Thiên Chúa luôn mở rộng vòng tay yêu thương có sức mạnh làm câm lặng mọi tội lỗi của chúng ta, dù có nhiều đến thế nào đi nữa.
“Chúng ta đừng bao giờ mỏi mệt xin ơn tha thứ của Chúa, vì khi chúng ta yếu đuối, sự gần gũi với Chúa làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn, và giúp chúng ta sống đức tin của chúng ta với niềm vui lớn lao hơn!” “Bí tích GiảiTội là phương cách thực tế và cụ thể nhất để canh tân cuộc gặp gỡ cá vị của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô. Việc cử hành bí tích này thường diễn ra sau một hành trình nội tâm lâu dài đầy cố gắng qua trung gian Giáo Hội, nhưng có những cuộc hoán cải sâu xa diễn ra ngay trong khi cử hành bí tích này. Lúc ấy, một ân sủng siêu nhiên hoạt động qua vị giải tội tác động trên lương tâm của hối nhân để có thể đạt đến đỉnh cao siêu nhiên khó có thể hình dung được trong những giây phút ngắn ngủi”[7].
Chúng ta hãy nhìn sâu hơn vào tâm hồn, đời sống đức tin, giáo huấn và sứ vụ của chúng ta. Mỗi ngày chúng ta tự hỏi xem Chúa Kitô chết và sống lại có là trọng tâm của tất cả những gì chúng ta nói và những gì chúng ta làm không? Lắm khi vô tình, chúng ta có thể che khuất phần nào Chúa Kitô và việc cứu độ đầy lòng thương xót của Ngài. Chẳng hạn các bài giảng của chúng ta, mà ĐTC Phanxicô hằng khuyên nên giảng ngắn hơn và thực tế hơn[8], có thể hùng hồn, đầy những tư tưởng đẹp đẽ và những khuyên răn phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, nhưng lại thiếu chứng tá của con tim được biến đổi mỗi ngày của chúng ta nhờ giao tiếp với Chúa Kitô. Có thể chúng ta đã giảng rất nhiều, nhưng chưa thúc đẩy được lương tâm giáo dân hoán cải, vì chưa có cái chết thực sự cho tội nơi chúng ta. Khi bỏ lơ trong thinh lặng các đòi hỏi luân lý là chúng ta đồng lõa với nền văn hóa sự chết của thế gian. Lời trách móc nặng nề nhất có thể nêu lên chống lại chúng ta là chúng ta không thực hành điều mình công bố cho người khác.
Hoán cải đời sống là một phần căn bản của việc nhận biết Chúa Kitô. Là linh mục, chúng ta cần hoán cải trước ai hết, để nhờ sự biến đổi đời sống, Lời Chúa có thể thấm nhập trí óc và con tim chúng ta. Dấu hiệu và kết quả của sự hoán cải này là cách sống của chúng ta đã thực sự được Tin Mừng chi phối và chúng ta trở nên những người viết tiếp Tin Mừng của lòng thương xót, như ĐTC Phanxicô nói: “Thiên Chúa muốn chữa lành nhân loại, nhưng chúng ta phải viết nên Tin Mừng của lòng thương xót… Tin Mừng của lòng thương xót phải được công bố và được viết ra trong cuộc sống thường nhật của chúng ta… Tin Mừng lòng thương xót là một quyển sách mở, được viết tiếp bằng những dấu chỉ của các môn đệ Chúa Kitô”[9].
Nhiều khi chúng ta ngần ngại chỉnh sửa và khiển trách giáo dân, vì chúng ta ý thức về tội lỗi của chính mình, như Ca Dao nhắc “Nói người hãy nghĩ đến ta, thử sờ lên gáy xem xa hay gần”. Vì những yếu đuối và nhát đảm của mình, chúng ta chưa phục vụ các tội nhân đúng mức và thất bại trong việc khuyên ngăn họ đừng phạm tội. Nỗ lực nhằm hoán cải người có tội chỉ thực sự sinh hoa kết quả khi chúng ta cải thiện đời sống của chính mình, nhất là đối với những con chiên lạc do trách nhiệm và tội lỗi hay gương mù gương xấu của chúng ta mà họ lìa xa Giáo Hội, có khi bỏ cả Chúa. Chúng ta phải đền tội và ra sức đi tìm kiếm những con chiên lạc này về lại cho Chúa và Giáo Hội.
Muốn hoán cải người khác mà chính mình không hoán cải, không phải là con người cầu nguyện, không thấm nhuần các mầu nhiệm của Chúa, thì nhất thiết chúng ta sẽ bị thất bại, và chỉ là “thanh la inh ỏi, não bạt rền vang mà thôi”[10]. Nếu không có tâm hồn cầu nguyện, chúng ta chẳng bao giờ hy vọng thuyết phục được người nghe. Chỉ khi trải nghiệm được tình yêu của Chúa, chúng ta mới giúp được người khác trải nghiệm tình yêu sâu xa của Ngài. Thánh Grêgôriô Cả Giáo Hoàng trăn trở: “Bao giờ chúng tôi mới sửa đuợc lỗi của người ta, nếu chúng tôi sao lãng đời sống của mình?”[11] “Quỳ gối xuống một cách khiêm tốn chuẩn bị cho chúng ta lãnh nhận và chia sẻ lòng thương xót. Nó nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta đã ngã qụy, và trong việc quỵ ngã được tha thứ cho chúng ta ấy, chúng ta phải cho nhau thấy lòng thương xót”[12]. Chúng ta cần biết đặt mình vào địa vị của người khác mà xét mình như ĐTC Phanxicô nói: “Sự sa ngã của họ có thể là của tôi, tôi không nghĩ tôi tốt hơn những người đang đứng trước mặt tôi”[13].
Tầm quan trọng và cấp bách của Bí tích Giải Tội
Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu không ngừng tìm kiếm và cứu vớt, Ngài tự nguyện đến dùng bữa tại nhà Lêvi và Zakêu, dù bị tiếng là giao du với những người tội lỗi và thu thuế.[14] Ngay cả trong cơn đau quằn quại trên Thập Giá, Ngài cũng đã giao hòa người trộm lành và bảo đảm thiên đàng cho anh ta[15]. Ngài đã chịu chết để thu họp tất cả các con cái tản mác của Thiên Chúa[16]. Ngài đến hàn gắn tất cả những gì đổ vỡ, hiệp nhất những gì phân rẽ. Ngài là nhịp cầu nối kết không chỉ những ai đang chia rẽ nhau, mà nhất là hiệp nhất lại những gì đã phân rẽ bên trong mỗi con người.
Cái gì gây phân rẽ giữa người với người? Và phân rẽ ngay bên trong mỗi con người? Chính là tội lỗi và sự dữ. Tội lỗi chia cắt và làm con người phân rẽ. Tội lỗi không chỉ làm cho người ta đoạn tuyệt khỏi Thiên Chúa, mà còn đoạn tuyệt mình khỏi người khác và tha hóa chính mình nữa. Sự xung đột giữa người với người chỉ chấm dứt khi sự xung đột bên trong bản thân mỗi người chấm dứt. Kinh nghiệm bản thân cho chúng ta biết cõi lòng mình là một bãi chiến trường của những xung đột này: chúng ta muốn tránh sự dữ, nhưng lại sa vào làm mồi cho sự dữ; chúng ta muốn làm điều tốt, nhưng lại bị kéo lôi bởi điều xấu, và chúng ta có thể thốt lên như Thánh Phaolô: “Khốn cho tôi! Ai sẽ kéo tôi ra khỏi tấm thân hay chết này?”[17]
Là linh mục, chúng ta vẫn thường nói về những cơ chế của tội lỗi, những cơ chế của bất công, của kỳ thị và phân biệt đối xử trên thế giới. Nhưng những cơ chế ấy phát xuất từ đâu? Chúng ta dễ quên những cơ sở hạ tầng của tội lỗi bên trong chính mình. Thánh Gioan nhắc: “Nếu ai nói rằng mình không có tội, thì người đó tự lừa dối mình”[18]. Những cơ chế bên ngoài của tội lỗi sẽ chỉ biến mất nếu những cơ chế tội lỗi đồn trú bên trong bản thân mỗi người bị giải thể. Có lẽ tội lớn nhất của thời đại chúng ta chính là việc con người đánh mất cảm thức về tội lỗi. Đây là căn bệnh cần được chữa trị khẩn cấp. Chúa Giêsu cung ứng cho chúng ta sự chữa trị đó khi Ngài thiết lập Bí tích Giải Tội để giải hòa chúng ta với chính mình, với nhau, và với Thiên Chúa. Là thừa tác viên và là sứ giả của sự hòa giải này để nối lại các nhịp cầu và kiến tạo bình an, chúng ta cũng cần biết nhìn nhận rằng trong sâu thẳm con người mình vẫn mang những mầm mống của tội lỗi và ích kỷ, cũng cần được hòa giải, ngay cả khi chúng ta đem lại sự hòa giải cho người khác[19].
Mẹ Giáo Hội cung cấp cho chúng ta phương thế đón nhận lòng thương xót, sự hòa giải và niềm bình an ấy. Chúng ta cần nhìn nhận tội lỗi và sự dữ ở bên trong bản thân và đặt mình qui phục lòng thương xót và sự thiện hảo của Thiên Chúa. Không gì sai lầm cho bằng công bố lòng thương xót mà đồng thời không công bố lòng thống hối tội lỗi. Chỉ khi nào biết nhìn nhận tội lỗi của mình thì những lời nài nỉ “xin Chúa thương xót” mới chân thực và có ý nghĩa. Chính lòng thống hối mở cửa dẫn vào lòng thương xót, tha thứ và khoan nhân. Đó là lý do tại sao Giáo Hội hết sức nhấn mạnh tầm quan trọng của Bí Tích Giải Tội, nhất là trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, với Ơn Toàn Xá nhằm xóa bỏ những hình phạt mà chúng ta còn phải chịu sau khi tội đã được tha tội. Ơn Toàn Xá này bao hàm cả đòi hỏi phải thay đổi đời sống thực sự để tiến bước đúng hướng trong tương lai. Nhờ bí tích Giải Tội, chúng ta nhận lãnh không chỉ ơn thứ tha tội lỗi, mà còn nhận lãnh sức mạnh của Chúa để có thể phá tan những cơ chế tội lỗi bên trong bản thân mình và nơi tha nhân. Muốn được thế, chúng ta phải để ơn thánh Chúa tương tác với tự do của chúng ta hầu thực hiện sự thay đổi, sự quyết tâm đổi mới lối suy nghĩ, lối hành động, và đặt mình vào mối liên hệ cứu rỗi với Chúa Giêsu.
Sáng kiến “24 Giờ Cho Chúa” mời gọi chúng ta suy tư về chính mình, tìm lại sự thật về đời sống chúng ta, và không tìm lý lẽ biện minh cho những gì không tốt xảy ra, trái lại chân thành đặt mình trước Thiên Chúa, và sống kinh nghiệm được tha thứ, được yêu mến, mặc dù chúng ta là người tội lỗi”[20]. ĐTC Phanxicô đã chủ sự Nghi thức Thống hối ấy, rồi quì gối xưng tội với một linh mục trước khi giải tội cho một số hối nhân. Ngài nói: “Một giám mục hay một linh mục không thường xuyên xưng tội sẽ trở nên tầm thường và chẳng giúp ích gì cho Giáo hội”[21]. “Đúng là khi đi xưng tội, mình cảm thấy xấu hổ một chút. Nhưng ở đó mình không bị phê phán nghiêm khắc và không có một tội nào mà Chúa không tha!”[22]. Ngài giải thích: “xấu hổ khi có ý thức về tội là một ơn, vì nó cho mình gặp được lòng thương xót của Chúa Giêsu và làm cho mình khiêm tốn”[23]. Ngài nói: “Tôi là một người tội lỗi được Chúa thương xót đoái nhìn… Tôi vẫn còn mắc lầm lỗi và phạm tội, và tôi xưng tội mỗi 15 hay 20 ngày. Và sở dĩ tôi xưng tội là vì tôi cần cảm nhận được rằng lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn còn ở trên tôi”.
Thừa tác viên và việc cử hành Bí tích Giải Tội
ĐTC Phanxicô dạy: “Giải tội là Bí tích giúp chúng ta cảm nghiệm sức mạnh lòng thương xót của Thiên Chúa, vốn giải thoát con người khỏi tội lỗi và ban cho con người thưởng nếm vẻ đẹp của việc trở về với Thiên Chúa là người cha đích thực yêu thương mỗi một con cái Ngài. Vì thế, thừa tác viên phải xác tín cách cá nhân rằng chỉ khi cư xử như con cái của Thiên Chúa, không nản lòng vì những sa ngã và tội lỗi của mình, chỉ khi cảm thấy mình được Ngài yêu thương thì cuộc sống của mình mới được đổi mới, được khích lệ bởi sự thanh thản và niềm vui”[24]. Là linh mục, chúng ta vừa phải thực thi vai trò thừa tác viên vừa phải là người ân cần và đều đặn lãnh nhận bí tích Giải tội, để chính mình trở nên chứng nhân của lòng thương xót Thiên Chúa dành cho tội nhân, thành thật nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình và mở lòng ra đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ và cứu độ.
Linh mục phải là một hối nhân mẫu mực thì mới có thể làm một cha giải tội mẫu mực được. ĐTC Phanxicô nói:Các linh mục cũng là con người như chúng ta, các ngài cũng cần sự thương xót… Các linh mục cũng phải xưng tội, các giám mục cũng vậy: Tất cả chúng ta là tội nhân. Đức Thánh Cha cũng xưng tội, bởi vì Đức Thánh Cha cũng là một tội nhân!”[25]
Là thừa tác viên, chúng ta phải có cùng những tâm tình như Đấng đã yêu thương các tội nhân cho đến chết trên thập giá và trở nên bàn tay dịu dàng của người Samaritanô Nhân Hậu đổ dầu xoa dịu trên những vết thương, không chỉ của thể xác mà còn của tâm hồn (x. Lc 10, 34). “Linh mục chính là khí cụ để tha thứ tội lỗi. Sự tha thứ của Thiên Chúa được trao ban cho chúng ta nơi Giáo Hội, và được thông chuyển cho chúng ta thông qua thừa tác vụ của một người anh em chúng ta”[26]. Thư Giacôbê thúc giục: “Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực… Nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình”[27].
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết cách sắc bén: “Đời sống tu đức và mục vụ của linh mục muốn thực sự có chất lượng và sinh động, cần phải là một đời sống lãnh nhận Bí tích Giải Tội thường xuyên và đầy ý thức. Việc cử hành Bí tích Thánh Thể của linh mục, vai trò của ngài trong các bí tích khác, sự nhiệt tâm mục vụ, mối quan hệ đối với các tín hữu, mối hiệp thông đối với các anh em linh mục khác, sự cộng tác với Giám mục, đời sống cầu nguyện và tất cả cuộc sống linh mục của ngài sẽ lụn bại thảm khốc, nếu do cẩu thả hay do một lý do nào khác mà ngài không lãnh nhận Bí tích Giải Tội một cách đều đặn với lòng tin và lòng sốt mến chân thành. Nếu một linh mục không còn bước đến tòa giải tội nữa hay không còn xưng thú tội lỗi của mình một cách nghiêm túc nữa, thì con người linh mục và sứ vụ linh mục của ngài chẳng mấy chốc sẽ gánh lấy hậu quả thê thảm, và hậu quả này sẽ tác động rõ ràng trên chính cộng đoàn mà ngài phụ trách”[28].
ĐTC Phanxicô chất vấn: “Có ai ở đây trong căn phòng này không phải là một tội nhân? Ai không có tội? Từ chỗ này đến tận đằng cuối kia… Hãy luôn thẳng thắn với cha giải tội. Hãy nói với ngài mọi sự, đừng sợ hãi… Hãy nói sự thật, đừng che giấu lấp lửng gì cả, bởi các con đang nói với chính Chúa Giêsu trong con người cha giải tội. Chúa Giêsu biết sự thật, nhưng Ngài muốn các con nói với Ngài điều Ngài đã biết. Hãy minh bạch!… Chính Chúa Giêsu đang lắng nghe các con. Hãy luôn luôn có sự minh bạch này trước mặt Chúa Giêsu nơi cha Giải tội! Chúa ôm hôn và nói với các con: Hãy đi và đừng phạm tội nữa!”[29]
Ngài chia sẻ: “Điều tóm tắt hay hơn cả, điều phát xuất từ bên trong hơn cả, và là điều tôi cảm thấy đúng hơn cả là: tôi là kẻ tội lỗi mà Chúa đã đoái nhìn”… “Tôi luôn cảm nhận khẩu hiệu của tôi Miserando atque Eligendo [được xót thương và tuyển chọn] thật chân thực đối với tôi”[30]. ĐGH. Phanxicô còn như thế, huống gì chúng ta. Bản chất của con người là lầm lỗi, bản chất của Thiên Chúa là tha thứ, không có tội gì quá nặng đến đỗi Thiên Chúa không thể tha thứ được, nếu ta thực sự ăn năn trở về đón nhận ơn tha thứ của Chúa: tội thì tha lỗi thì sửa, mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai, lỗi một thời không ai lỗi suốt đời… Tông Sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót nói: “Lòng thương xót luôn lớn hơn tội lỗi và không ai có thể đặt giới hạn cho tình yêu tha thứ của Thiên Chúa”[31]. Và Tông Huấn Niềm Vui của Tình Yêu khẳng định: “không một ai có thể bị lên án mãi mãi, bởi vì nó không nằm trong tính hợp lý của Phúc âm”. Hãy mở ra với ơn Chúa, tin tưởng vào sự biến đổi tốt đẹp trong tương lai, với cố gắng bản thân và sự giúp đỡ của kẻ khác[32].
ĐTC Phanxicô mô tả thánh Phêrô là một tội nhân, có nhiều khuyết điểm, nhưng tự hạ mình để được Chúa Kitô dẫn dắt tiến lên phía trước[33]. Ngài mời gọi chúng ta noi gương Thánh Phêrô, bằng cách nhận ra lỗi lầm và mở lòng ra cho Chúa, để Chúa dẫn dắt theo con đường ngay chính: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mẫu gương của Thánh Phêrô có thể giúp chúng ta hướng về phía trước. Xin cho điều đó làm cho chúng ta tìm kiếm Chúa và tìm gặp được Chúa, để Chúa tìm thấy chính chúng ta. Chúa luôn luôn ở đó, gần gũi chúng ta, tìm kiếm chúng ta. Nhưng đôi khi chúng ta nhìn theo hướng khác vì chúng ta không muốn nói chuyện với Chúa hoặc không muốn để cho Chúa tìm thấy chúng ta”[34].
Việc cử hành Bí tích Giải Tội luôn là một cử hành phụng vụ, ngay cả với hình thức riêng tư của nó. Thực hành bí tích Giải Tội là một yếu tố quan trọng trong đời sống cầu nguyện của cả hai người, người xưng thú lẫn người nghe xưng thú. Là thừa tác viên thường xuyên của Bí tích Giải Tội, chúng ta không chỉ đều đặn thực hành bí tích này, mà còn cố gắng hiểu biết tốt hơn và cử hành nghiêm túc, vì bí tích này cũng là một tập luyện tuyệt vời về nhân đức, đền tội, là trường tu đức không thể thay thế, là một sự trợ giúp thực sự trên con đường đổi mới và nên thánh.
Bí tích Giải Tội quả là phương thế hiệu quả của lòng thương xót để tái định hướng, thánh hoá và tăng trưởng đời sống thiêng liêng, đặc biệt khi trao đổi với một cha giải tội có kinh nghiệm linh hướng, nhờ đó mà đạt được sự chữa lành mọi uẩn khúc ngóc ngách của tâm hồn và được vui sống bằng an. ĐTC Biển Đức nói: “Bao nhiêu cuộc hoán cải và đời sống thánh thiện thực sự đã bắt đầu trong một tòa giải tội! Linh mục có thể chứng kiến những phép lạ đích thực về sự hoán cải, cảm nhận và chiêm ngắm lòng từ bi của Thiên Chúa. Sự kiện được lắng nghe và đón nhận là một dấu chỉ lòng từ nhân của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài”.
Là một cha giải tội tốt theo ĐTC Phanxicô
Bí tích Giải Tội là một trong những quà tặng đặc biệt anh em linh mục chúng ta trao cho kẻ khác, nhưng đồng thời nó cũng là khí cụ cho chúng ta tăng trưởng đời sống thiêng liêng và bác ái mục tử. Theo ĐTC Phanxicô, lòng tín thác vào Chúa Thánh Thần, lòng quảng đại và lòng thương xót là ba trục nền tảng dẫn dắt linh mục trở nên cha giải tội tốt cho giáo dân.
Trước hết, vì sự tha thứ mà Bí Tích Giải Tội mang lại là sự sống mới được Chúa Phục Sinh thông ban qua Chúa Thánh Thần, nên linh mục phải trở thành ‘người của Chúa Thánh Thần’, chào đón hối nhân “không phải với thái độ của một quan tòa, cũng chẳng phải là thái độ của một người bạn, nhưng là với tình yêu của Thiên Chúa. Trái tim cha giải tội là trái tim có khả năng được đánh động, mủi lòng… Nếu truyền thống cho rằng cha giải tội có vai trò kép là thầy thuốc và là quan tòa, thì không bao giờ được quên rằng thầy thuốc thì chữa lành còn quan tòa thì giải án”. Thế mà nhiều linh mục giải tội thường quá cứng ngắc hoặc quá khoan hòa. Không có thái độ nào trong hai thái độ này mang tính chất của lòng thương xót, vì cả hai không thật sự phù hợp với hoàn cảnh thực tế của người xưng tội. “Giáo hội không ở đó để lên án nhưng để có cuộc gặp gỡ với lòng thương xót của Chúa, một tình yêu vô cùng sâu thẳm. Để thực hiện được điều này, cha luôn lặp lại là mình cần phải đi ra để đến với giáo dân nơi họ sống, nơi họ đau khổ, nơi họ hy vọng”[35].
Thứ hai là “nếu Bí tích Giải Tội thông ban sự sống mới của Chúa Phục Sinh và đổi mới ơn rửa tội thì nhiệm vụ của cha giải tội là quảng đại trao ban điều này cho anh chị em mình. Linh mục nào không lưu tâm tới khía cạnh này thì cũng giống như người chăn chiên không lưu tâm tới con chiên lạc của mình… Thiên Chúa luôn yêu thương người tội lỗi, lôi kéo họ tới với Người và mời gọi họ trở lại. Cha giải tội không được quên rằng người tín hữu thường khó khăn lắm để đi xưng tội, cả vì các lý do thực tiễn lẫn nỗi khó khăn tự nhiên là phải xưng thú tội lỗi mình cho một con người khác. Do đó, điều cần là cha giải tội phải cố gắng nhiều về phía nhân tính của mình, để đừng bao giờ là trở ngại, song làm dễ dàng phương thức xót thương và tha thứ. Tòa giải tội không phải là nơi để kết án, mà đúng hơn là nơi trải nghiệm yêu thương và nhân từ!”
Điều Giáo hội cần trước nhất bây giờ là săn sóc các vết thương và sưởi ấm tâm hồn tín hữu. Giáo hội phải là căn nhà của người cha, nơi có chỗ cho mỗi người với hoàn cảnh khó khăn của họ: tình trạng của họ càng nghiêm trọng thì lòng thương xót của Chúa càng phải được tỏ hiện cách mạnh mẽ hơn. Một cha già nói lên nỗi hối tiếc của mình rằng “Nếu tôi được bắt đầu lại đời linh mục của mình, tôi sẽ nhẹ nhàng hơn với giáo dân. Tôi sẽ không hà tiện lòng thương xót của Thiên Chúa qua các bí tích, nhất là phép tha tội. Tôi sợ là tôi đã quá cứng rắn với đoàn chiên. Họ đã có quá đủ đau khổ rồi, không nên đặt thêm gánh nặng trên vai họ nữa. Đáng ra tôi nên liều lĩnh hơn nữa với lòng thương xót của Chúa!” “Khi thần chết đến, điều chúng ta hối hận không bao giờ là những gì chúng ta đã dịu dàng ân cần, mà là những gì chúng ta đã gay gắt khắc nghiệt”[36].
Cuối cùng là cha giải tội phải có lòng thương xót tạo mọi điều kiện dễ dàng cho hối nhân: “Có nhiều lý do, vừa có tính lịch sử vừa có tính linh đạo, nhưng phải biết rằng Chúa muốn hiến cho Giáo Hội ơn phúc mênh mông này là đem đến cho người đã chịu phép rửa niềm xác tín chắc chắn được ơn tha thứ của Chúa, nên điều rất quan trọng là phải hết sức lưu tâm tới việc cử hành Bí Tích tha thứ và cứu rỗi này tại mọi cộng đồng giáo phận và giáo xứ, làm sao cho tín hữu biết khi nào họ có thể tìm được các linh mục sẵn sàng, vì khi nào có tin tưởng, hoa trái sẽ tỏ tường”[37]. ĐTC Phanxicô chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng bỏ thời giờ để giải tội, dù khi đã làm giám mục hay hồng y. Bây giờ ít hơn nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn còn giải tội. Đôi khi tôi muốn vào nhà thờ và ngồi ở tòa giải tội. Còn về phần tôi, khi tôi xưng tội, tôi luôn nghĩ về các tội của mình, về nhu cầu cần lòng thương xót, cần được tha thứ”[38]. Ngài cảnh giác cha giải tội đừng vặn hỏi các hối nhân, nhưng hãy luôn tha thứ, đừng trách mắng họ. Người đến xưng tội là người tìm kiếm sự an ủi, ơn tha thứ và an bình cho tâm hồn: Ước gì họ tìm được một linh mục nồng nhiệt tiếp đón họ và nói: “Thiên Chúa rất thương con!” Theo ĐTC, vị giải tội nhiệt thành chính vì họ cảm thấy mình là người tội lỗi. Họ biết mình là người nhiều tội và trước sự cao cả của Thiên Chúa, họ liên tục cầu nguyện “Lạy Chúa, xin lắng nghe và tha thứ” (x. 1 V 8,38)[39].
“Sức mạnh duy nhất có thể chinh phục quả tim con người là tình âu yếm dịu dàng của Chúa. Điều phấn khởi và lôi cuốn, điều làm dịu dàng và khắc phục, điều làm mở ra và nới lòng, không phải sức mạnh của khí cụ hay luật lệ nghiêm khắc, nhưng là sự yếu đuối trong quyền năng tình yêu Thiên Chúa, sức mạnh không cưỡng lại được của sự dịu dàng và lời hứa bất di bất dịch của lòng thương xót”[40].
Tính đột phá của Bí tích Giải Tội trong Năm Thánh Lòng Thương Xót
a) Linh mục được phép giải tội phá thai
Vì hoàn cảnh xã hội bắt buộc và suy đồi đạo đức, bao nhiêu con cái của Giáo Hội phải đau khổ vì tội phá thai. Tội này vốn do các Giám Mục có quyền xá giải, nhưng do đức ái mục tử trước những khó khăn thực tiễn của đoàn chiên, một số Giám mục ban năng quyền xá giải cho các linh mục dưới quyền. Trong Năm Thánh Ngoại Thường Lòng Thương Xót này, ĐTC ban phép cho tất cả mọi linh mục được quyền tha tội phá thai[41]: “Tôi quyết định ban phép cho tất cả các linh mục trong Năm Thánh được giải tội phá thai cho những người đã gây ra và nếu họ thành tâm thống hối xin tha thứ. Các linh mục hãy chuẩn bị thi hành công tác quan trọng này, hãy biết liên kết những lời đón tiếp chân thành với một suy tư giúp hiểu tội đã phạm và chỉ dẫn con đường hoán cải đích thực để đón nhận sự tha thứ chân thực và quảng đại của Chúa Cha, Đấng đổi mới mọi sự bằng sự hiện diện của Ngài.”
Chớ gì trong những trường hợp không thể ban ơn xá giải, chúng ta thực hành như ĐTC Phanxicô dạy: “Linh mục luôn tìm các cách thế để ban sự xá giải. Nhưng nếu đôi khi không thể xá giải cho người ta, cha hãy giải thích và nói: ‘Thiên Chúa yêu thương ông/bà nhiều lắm. Thiên Chúa muốn ông/bà được mọi điều tốt lành. Chúng ta có nhiều nẻo đường để đến với Chúa. Tôi không thể ban sự xá giải cho ông/bà, nhưng tôi chúc lành cho ông/bà. Ông/bà nhớ trở lại nhé, hãy luôn trở lại, vì bất cứ khi nào ông/bà trở lại đây, tôi sẽ chúc lành cho ông/bà như dấu chỉ Thiên Chúa yêu thương ông/bà.’ Như vậy, con người ấy sẽ bước ra về với đầy niềm vui, vì người ấy đã gặp thấy một hình ảnh của Chúa Cha, Đấng không bao giờ xua đuổi. Cách này hay cách khác, họ được Thiên Chúa ôm vào lòng”[42]. Ngài nhấn mạnh: “Tôi chỉ muốn nói với các cha giải tội: hãy kiên nhẫn lắng nghe, hãy nói với những người đến gặp mình rằng Chúa thương yêu họ”[43].
Ở một nhà thờ cỗ kia có tượng chuộc tội mà cánh tay phải của Chúa Giêsu bị rơi thỏng xuống, người ta viết câu chuyện rằng một ông nọ năng xưng tội, cha xứ luôn nhắc nhở phải dóc lòng chừa tội, nhưng lần nào ông ấy cũng xưng đi xưng lại cùng một tội ấy, khiến cha xứ mất kiên nhẫn bước ra khỏi tòa, không giải tội. Hối nhân vẫn quỳ chờ đợi nơi tòa giải tội lòng ăn năn đau đớn. Trong sự thinh lặng nặng nề ấy bỗng nghe tiếng lắc rắc, Chúa Giêsu trên thánh giá tự gỡ đinh ra giơ cao tay ban phép giải tội và nói với hối nhân “Cha tha tội cho con, chính Cha chết cho con chứ không phải là nó”, rồi quay sang nói với linh mục đang bực mình ngồi bên kia rằng “Chính Cha đã chết cho nó chứ không phải con”. Chúng ta thường mất kiên nhẫn và khắt khe hơn Chúa.
ĐTC nhấn mạnh: “Không một ai phải bị xa cách Thiên Chúa vì những chướng ngại do con người. Xin các cha giải tội đừng đặt chướng ngại trên con đường của những người muốn trở lại với Chúa. Cha giải tội phải là người cha, người đại diện cho Chúa là Cha. Cha giải tội phải chào đón mọi người đến với mình để hòa giải với Thiên Chúa và giúp họ đi theo con đường hòa giải này. Đây là việc mục vụ thật đẹp, tòa giải tội không phải phòng tra tấn hay phòng thẩm vấn, mà là nơi chính Chúa Cha chào đón và tha thứ cho con người này”[44].
b) Các Thừa Sai của Lòng Thương Xót: Có những thứ tội kèm theo vạ tiền kết dành riêng cho Tòa Thánh. Chính vì thế, vào đầu Mùa Chay Năm Thánh này, ĐTC đã gửi 1142 Thừa Sai của Lòng Thương Xót, tức là những linh mục được ban năng quyền tha cả những tội dành quyền giải cho Tòa Thánh. Các thừa sai ấy là dấu chỉ sự quan tâm từ mẫu của Giáo Hội đối với dân Chúa. Chỉ ĐTC mới có quyền bổ nhiệm các thừa sai của Lòng Thương Xót và đích thân ban năng quyền tha thứ các tội dành riêng[45]. Các linh mục thừa sai này do các Giám Mục bản quyền ở khắp nơi trên thế giới đề nghị. Giám Mục có thể mời dựa theo danh sách đã được gửi đến các Giám Mục[46].
Tuy nhiên, các Thừa sai Lòng Thương Xót sẽ không thể can thiệp cho các giám mục bị vạ tuyệt thông bởi việc tấn phong (hoặc nhận tấn phong) mà không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng. Quả vậy, trong lá thư cá nhân TGM Rino Fisichella[47] gửi đến từng vị thừa sai đề ngày 10/2/2016 có đoạn viết: “ĐTC Phanxicô đã ban cho quý cha năng quyền để ân tha những tội thuộc thẩm quyền Tòa Thánh trong suốt thời gian Năm Thánh này. Nhưng theo ý chỉ của ĐTC, năng quyền trên phải được hiểu là có giới hạn và chỉ dành cho các tội sau đây: – xúc phạm đến Thánh Thể bằng cách đem đi hoặc cất giữ nhằm mục đích phạm thánh; – sử dụng bạo lực tấn công ĐGH; – giải tội cho người đồng phạm điều răn thứ sáu; – trực tiếp vi phạm ấn tòa giải tội. Tôi đoan chắc rằng các cha sẽ là những người hân hoan công bố Lòng Thương Xót và hoán cải các tín hữu, thông qua việc cử hành Bí tích Hòa giải”[48].
Tưởng cũng nên nhớ có ba tội liên quan đến anh em linh mục chúng ta là lỗi ấn tòa giải tội, khuyến dâm trong tòa và giải tội cho đồng phạm giới răn thứ sáu. Ai có nhỡ mà sa ngã thì đừng có giải tội cho người ấy, để khỏi nguy cơ tội chồng chất thêm tội phạm thánh, sống bất an suốt đời, và khi chết biết đi về đâu?! Chính ĐTC Phanxicô nói: “Nếu linh mục không ở trong tình trạng tâm hồn bình an, thì tốt hơn là ngài đừng ban Bí Tích này cho đến khi sửa đổi”[49].
c) Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót,cả những tín hữu xưng tội với các linh mục thuộc Huynh đoàn thánh Piô X cũng lãnh nhận ơn xá giải một cách thành sự và hợp pháp để lãnh nhận ơn Toàn Xá, vì Năm Thánh Lòng Thương Xót này không loại trừ ai. Giám mục Fellay đã bày tỏ “lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha về cử chỉ hiền phụ này”, vì theo giáo luật, ngay cả khi vạ tuyệt thông dành cho Huynh đoàn thánh Piô X đã được ĐGH Bênêđictô XVI tha vào năm 2009 “mọi tác vụ do các linh mục của Huynh đoàn thánh Piô X thi hành trong Giáo hội đều không hợp pháp”[50]. ĐGM Fellay cho biết một bước tiến mới là trong cuộc gặp ngày 1/4/2016, ĐTC nói rằng ngài dự định ban năng quyền giải tội cho các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X khi kết thúc Năm Thánh. Ngài mong muốn bình thường hóa tình trạng của Huynh Đoàn và coi Huynh đoàn như là “một phần của Giáo Hội”[51].
Nhưng đáng tiếc thay, ngày 29/6/2016, chính Giám Mục Bernard Fellay đã phổ biến thông báo thẳng thừng từ chối bàn tay đưa ra của ĐTC, không muốn được nhìn nhận theo Giáo Luật để tái hội nhập với Rôma, lại còn than phiền trong Giáo Hội có những hổn độn và chỉ trích ĐTC khuyến khích những sai lầm[52].
Niềm vui và bình an cho cha Giải tội
Những lời “Cha tha tội cho con” vượt xa hơn một công thức pháp lý để khai mở quyền năng của Chúa trên tội lỗi và cái chết. Khi được trao phó quyền năng này, chúng ta phải nói hết sự thật về thực tại tội lỗi cùng hối nhân nhưng với lòng thương xót: “Giáo hội lên án tội vì Giáo hội phải nói lên sự thật về tội. Nhưng cùng một lúc, Giáo hội ôm người có tội vào lòng dù họ như thế nào đi nữa, Giáo hội gần với họ, Giáo hội nói với họ về lòng thương xót vô biên của Chúa”.
Đi sâu vào như thế trong đời sống của kẻ khác là một đặc ân đáng sợ. Nhưng khi được ban cho ơn giúp hối nhân tìm biết và làm theo ý Chúa, giúp họ khám phá những phong phú của lòng nhân hậu Chúa trong cái chết và sống lại của Chúa Kitô, vai trò làm cha giải tội là một niềm vui bất tận cho linh mục. Một linh mục đã kể lại kinh nghiệm niềm vui này, mà nhiều người trong chúng ta đã trải nghiệm, nhất là các anh em phải coi sóc rất đông giáo dân. Ngài kể câu chuyện thật của ngài: “Vào các dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, số người xưng tội tăng rất đông. Thấy hết người, tôi dừng lại để đi ăn cơm và dự định không trở lại nhà thờ nữa cho đến khi dâng lễ đêm. Nhưng rồi có người lại đến và muốn xưng tội. Tôi buộc lòng phải ra lại nhà thờ, tỏ vẻ bực mình cách nào đó, vì dân chúng coi nhẹ điều tôi cho là nhu cầu nghỉ ngơi chính đáng. Tôi hy vọng ngày ấy các hối nhân không để ý đến sự khó chịu của tôi. Và giữa lúc tôi cảm thấy bực mình khó chịu ấy, một hối nhân không quen tiến vào tòa giải tội, tiếng nói như một ông già. Ông đã bỏ các bí tích rất nhiều năm. Rất thành thật và khiêm nhường sâu xa, ông đã nói với nước mắt về tình trạng tội lỗi của ông. Ông quên cả kinh Ăn năn tội và đã thay thế vào ‘Xin cha tha tội cho con, con là một tội nhân chết bầm chết diệt’. Đó là sự trở lại của đứa con hoang đàng, một con cá bự.
Hai ý tưởng đối nghịch nhau tấn công tôi chiều hôm ấy. Một là niềm vui được làm linh mục: nhân danh Chúa Giêsu, tôi có thể nói ‘Cha tha tội cho con’, để ban ơn tha thứ và bình an cho người trở về. Hai là cảm nhận lo sợ suýt nữa vì sự nghỉ ngơi của tôi mà một linh hồn có thể bị hư mất! Tôi dốc lòng sẽ không bao giờ viện bất cứ lý do gì để từ chối giải tội khi có người xin xưng tội hay mời đi kẻ liệt: “Đêm đông hay giữa trưa hè, kêu đâu chạy đó chở che cho người, biết đâu lần đó cuối đời, để người chết hụt, ta thời ăn năn”[53]*.
Vai trò giải tội quan trọng biết bao cho đời sống thiêng liêng của dân Chúa và cho niềm vui của anh em linh mục chúng ta, dù có khi rất vất vả trong việc lắng nghe, nếu chúng ta không trải dài ra thường xuyên mà chỉ tập trung giải tội trong các dịp lễ lớn thôi. Khi chúng ta không còn tìm thấy niềm vui trong việc hòa giải người khác với Chúa thì niềm vui của chức linh mục sẽ biến tan. Một linh mục như thế sẽ bị tha hóa khỏi lý do hiện hữu của mình. Nhưng vị linh mục làm cho mình luôn quảng đại sẵn sàng ban bí tích hòa giải cho kẻ khác sẽ được tiến tới sâu xa hơn trong ý nghĩa và niềm vui của chức linh mục, đồng thời cảm nhận sâu xa lòng nhân hậu của Chúa trong cuộc đời mình.
Giá trị của việc xưng tội cá nhân
Nhắc tới thánh Gioan Maria Vianney, người đã thực thi sứ vụ hòa giải một cách anh hùng và hiệu quả phong phú cho bất cứ ai tìm đến, ĐTC Biển Đức XVI nhấn mạnh rằng các linh mục có thể học “không chỉ một niềm tín thác vô tận nơi bí tích sám hối, mà còn một phương pháp đối thoại cứu độ phải được thực hiện trong khi ngồi tòa”[54]. Cuộc đối thoại giữa hối nhân và cha giải tội làm cho việc cử hành bí tích đáp ứng sít sao hơn với mọi tình huống cụ thể của hối nhân, như: Nhu cầu hòa giải cá nhân và tái nhập vào tình bằng hữu với Chúa nhờ nhận lại được những ơn đã mất do tội; nhu cầu tìm kiếm sự tiến bộ thiêng liêng; đôi khi cần một sự biện phân thích đáng hơn về ơn gọi; và trong nhiều trường hợp, không những cần mà còn khao khát thoát khỏi tình trạng hờ hững thiêng liêng và khủng hoảng đức tin. Cuộc đối thoại này khuyến khích hối nhân đi xa hơn trong các lời xưng tội để đào sâu nội tâm, để trút đi gánh nặng tâm hồn nhờ được lắng nghe, biết cách sử dụng sức mạnh của mình mà chiến đấu, coi thời khắc tại đây và lúc này như giây phút duy nhất cho cuộc đổi đời trở về với Chúa.
Nhờ những đặc tính cá nhân đó, hình thức cử hành này liên kết với việc linh hướng. Nhưng trong cuộc đối thoại này phải tránh đề cập trực tiếp đến đệ tam nhân. Phải rất cẩn thận và tế nhị trong các câu hỏi để làm sáng tỏ hầu có giải pháp và lời khuyên thích ứng giúp hối nhân thay đổi trở nên tốt hơn. ĐTC Phanxicô nhắc nhở: “Nhưng trong đối thoại với cha giải tội, giáo dân cần được lắng nghe, chứ không muốn bị tra hỏi. Điều tôi muốn nói, là đừng bao giờ để tòa giải tội thành phòng tra tấn; đừng tò mò quá, nhất là về vấn đề tình dục, hoặc bắt phải giải thích những chi tiết không cần thiết”[55]. “Việc hòa giải không được chấm dứt qua cuộc đối thoại với linh mục, mà kết thúc khi Chúa Kitô đem người tín hữu trả lại cho Mẹ Giáo Hội. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Kitô ban ân sủng luôn luôn tin tưởng vào người mẹ này, vì bà bảo vệ, dậy dỗ, và giúp cho chúng ta trưởng thành”[56].
Không được xưng tội và giải tội qua điện thoại
Người ta giới thiệu một ứng dụng mới của IPhone, IPad và IPod Touch dành cho việc Giải tội. Chương trình này được Đức cha Kevin Carl Rhoades ký imprimatur xác nhận tính hợp pháp về giáo luật và cho phép ấn hành “dành cho những ai năng chịu các phép Bí tích và muốn ăn năn trở lại.” Trong đời sống mục vụ, chúng ta có thể gặp một số người gọi điện thoại trình bày việc lương tâm rồi hỏi “con có thể xưng tội luôn được không?” Chắc chắn linh mục đã làm đúng khi trả lời dứt khoát là “không”. Quả vậy, Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh nói rõ: “Bí tích Giải Tội đòi phải có cuộc đối thoại cá nhân giữa hối nhân và cha giải tội, đồng thời việc tha tội phải được thực hiện bởi cha giải tội đang hiện diện và nghe lời xưng tội... Không một ứng dụng công nghệ thông tin nào thay thế được việc xưng tội và giải tội như đã nêu.” ĐTC Phanxicô cũng bảo phải “mặt đối mặt với một người hành động thay mặt Chúa Kitô để chào đón và tha thứ cho bạn”[57].
Tuy nhiên không loại trừ những tiện ích của công nghệ thông tin giúp cho đời sống thiêng liêng: “Trong một thế giới đang có nhiều người nhờ đến sự giúp đỡ của công nghệ thông tin trong việc đọc và suy nghĩ, giúp chuẩn bị xưng tội, như ngày xưa đã nhờ các bản xét mình, các câu hỏi viết trên giấy để xét mình trước khi xưng tội, dựa theo danh sách các thứ tội,” nhưng chỉ được “coi nó như một cẩm nang mục vụ được thực hiện bằng kỹ thuật số, nhằm đem lại một số lợi ích, mà không thay thế được việc cử hành Bí tích.” Như vậy, mọi đồn thổi về việc Tòa Thánh chấp thuận cho cử hành Bí tích Giải Tội qua các phương tiện thông tin hiện đại đã hoàn toàn bị bác bỏ[58].
Giá trị sư phạm của Bí tích Giải Tội
ĐTC Biển Đức XVI nhấn mạnh giá trị sư phạm của Bí tích Giải Tội đối với cha giải tội cũng như đối với hối nhân, mà mỗi người chúng ta đều khi thì ở vai này lúc lại ở vai kia:
a) Đối với Cha Giải Tội: “Các linh mục đừng lơ là trong việc dành thời giờ cho việc ban bí tích giải tội. Chúng ta đừng quên rằng bao nhiêu cuộc hoán cải và bao nhiêu cuộc sống thánh thiện thực sự đã bắt đầu trong một tòa giải tội! Chúng ta có thể chứng kiến những phép lạ đích thực về sự hoán cải, cảm nhận và chiêm ngắm lòng từ bi của Thiên Chúa. Việc nhận biết chiều sâu của tâm hồn, kể cả những khía cạnh đen tối, có thể là một thử thách đức tin cho chúng ta, nhưng cũng có thể nuôi dưỡng nơi chúng ta xác tín rằng lời nói cuối cùng trên sự ác của con người và của lịch sử chính là của Thiên Chúa, và lòng từ bi của Ngài có thể đổi mới mọi sự. Cha giải tội có thể học được nơi các hối nhân gương mẫu về đời sống thiêng liêng của họ: sự xét mình nghiêm túc, sự minh bạch trong việc nhận lỗi và ngoan ngoãn đối với giáo huấn của Giáo Hội, cũng như những chỉ dẫn của cha giải tội. Qua việc giải tội, chúng ta có thể nhận được những bài học sâu xa về lòng khiêm nhường và đức tin, là lời nhắc nhở mạnh mẽ cho chúng ta ý thức căn tính của mình.”
b) Đối với hối nhân: “Việc xét mình giúp hối nhân chân thành cứu xét cuộc sống của mình, đối chiếu với chân lý Phúc Âm và đánh giá nó không chỉ theo các tiêu chuẩn con người, mà nhất là theo các tiêu chuẩn của Mạc Khải. Sự đối chiếu cuộc sống với các giới răn, các mối phúc thật và nhất là với giới luật yêu thương chính là một trường học lớn của bí tích giải tội. Trong thời đại ồn ào ngày nay, với sự chia trí và cô đơn, cuộc nói chuyện của hối nhân với cha giải tội cũng có thể là một trong những cơ hội, nếu không muốn nói là cơ hội duy nhất, để được thực sự lắng nghe trong chiều sâu. Sự kiện được lắng nghe và đón nhận là một dấu chỉ về sự đón nhận và lòng từ nhân của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài. Sự xưng thú trọn vẹn các tội lỗi cũng dạy hối nhân về sự khiêm tốn, nhìn nhận sự mong manh yếu đuối của mình, và đồng thời ý thức về sự cần ơn tha thứ của Thiên Chúa, xác tín rằng ơn thánh của Chúa có thể biến cải cuộc sống. Việc lắng nghe những lời nhắn nhủ và khuyên bảo của cha giải tội là điều quan trọng giúp hối nhân phán đoán về hành vi của mình để tiến bước trên đường thiêng liêng và được chữa lành trong nội tâm”[59].
Tân Phúc âm hóa bắt đầu nơi tòa giải tội
ĐTC Biển Đức XVI cũng đã nói rằng “bí tích Giải Tội rất cần thiết cho đời sống đức tin và liên kết chặt chẽ với việc loan báo Tin Mừng. Thực vậy, các bí tích và việc loan báo Lời Chúa không bao giờ được tách rời nhau. Linh mục thay mặt Chúa Kitô để tiếp tục sứ mệnh của Người qua lời và bí tích nên bí tích Giải tội là một khía cạnh quan trọng của Tân phúc âm hóa. Chính việc Tân phúc âm hóa có được sức sống từ sự thánh thiện của các con cái Giáo Hội, từ sự hoán cải mỗi ngày của cá nhân cũng như cộng đoàn để ngày càng nên giống Chúa Kitô hơn”.
“Tân Phúc âm hóa bắt đầu nơi tòa giải tội, trong cuộc gặp gỡ huyền nhiệm giữa lời khẩn cầu khôn nguôi của con người và lòng thương xót của Thiên Chúa, chỉ nơi đây mới đáp ứng nhu cầu của nhân loại về vô biên. Nếu các tín hữu thực sự cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa Kitô trong bí tích này, họ sẽ trở thành chứng nhân đáng tin cậy về sự thánh thiện, vốn là mục tiêu của Tân Phúc âm hóa”. Vấn đề này lại càng quan trọng hơn khi muốn cộng tác trong công cuộc Tân Phúc âm hóa, linh mục phải là người đầu tiên đổi mới nhận thức về chính mình là những tội nhân cần được tha thứ nhờ bí tích Giải Tội để đổi mới cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Như thế, mỗi lần đi xưng tội, mà nhờ đó mỗi Kitô hữu được đổi mới, là một bước tiến trong công cuộc Tân Phúc âm hóa”[60].
Mẫu gương tuyệt vời về cha giải tội
Cha thánh Gioan Maria Vianney là một cha giải tội tuyệt vời. Những người dân ở Ars là bằng chứng sống động về điều đó. Họ trải nghiệm ngài là cha giải tội, người hướng dẫn lương tâm, vị linh hướng và người an ủi. Cha Vianney chỉ có thể rời tòa giải tội vài giờ trong một ngày. Nơi ấy đã trở thành ơn gọi của ngài trong phần đời còn lại: nhốt mình trong một hộp gỗ chật hẹp, cứ ngồi giờ này qua giờ khác trên chiếc ghế gỗ xù xì để lắng nghe những lời xưng thú mọi tội lỗi, tìm kiếm ơn thứ tha và hoà giải, vì nhiệm vụ của linh mục là ở bên cạnh hối nhân, cũng như nhiệm vụ bác sĩ là ở bên cạnh bệnh nhân. Quả vậy, “Giáo hội đã khôn ngoan dạy chúng ta rằng các linh mục phải ngồi lại chờ hối nhân nơi tòa giải tội vào lúc thuận tiện cho hối nhân, kiên nhẫn chờ đợi như Thiên Chúa đã kiên nhẫn”[61].
Nhờ bí tích Giải Tội, cha thánh Gioan Maria Vianney đã dành lại khỏi tay ma quỉ biết bao linh hồn cho Chúa, nên nó giận dữ điên cuồng tấn công ngài cách tàn bạo và trút lên ngài những đòn ác liệt: nó đánh đập ngài, xô đẩy ngài va vào tường rướm máu, đốt cháy cả giường ngài nằm, nhưng nó vẫn thua, đành thú nhận và thách thức ngài: “Nếu chúng tao tìm được ba thằng như mày thì chúng tao mới chịu thua.” Tiếc là mới chỉ mới có một Gioan Maria Vianney nên chúng ta còn phải chịu ma quỷ tấn công nhiều lắm. Xin Mẹ Maria giúp chúng con lãnh nhận và trao ban Bí tích Giải Tội cho nên.
Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC Phanxicô muốn di hài của thánh Leopold Mandic và Pio Năm Dấu được đặt ở Đền thờ Thánh Phêrô và ngày 5/2/2016 ngài đã đến kính viếng. Ngài nói: “Cha muốn nhắc về hai cha giải tội đã biểu lộ được tình yêu thương và lòng thương xót của Chúa qua sự nhiệt thành trong tòa giải tội: Đó là thánh Leopold Mandic và Pio Năm Dấu. Thánh Leopold thường bảo những ai đang đau khổ rằng “Chúng ta có Đức Mẹ ở trên thiên đàng. Đức Mẹ là Mẹ của chúng ta đã ở dưới chân thập giá, trải qua mọi đau khổ của một con người, Mẹ hiểu được những khó khăn của chúng ta và Mẹ an ủi chúng ta. Nguyện xin Đức Mẹ, nơi nương náu của những kẻ có tội, Mẹ của Lòng thương xót, luôn luôn hướng dẫn và nâng đỡ mục vụ hệ trọng của Bí tích Hòa giải”[62]. Thánh Piô Năm Dấu cũng đích thực là một vị “tông đồ của tòa giải tội”. Con số giáo dân muốn xưng tội với ngài nhiều đến mức phải mở một văn phòng để phát vé. Một số người phải chờ từ hai đến ba tuần mới đến lượt mình[63].
Chúng ta có thể kết thúc bài suy niệm này với lời của ĐTC Phanxicô: “Tất cả chúng ta có thể nghĩ đến câu chuyện của chúng ta, hành trình của chúng ta. Mỗi người chúng ta đều có câu chuyện riêng của mình; mỗi người chúng ta cũng có những sai lầm, tội lỗi, những lúc hạnh phúc và những khi đen tối. Ngày hôm nay là dịp tốt để mỗi người nghĩ đến câu chuyện riêng của mình, và nhìn Chúa Giêsu rồi chân thành lặp đi lặp lại trong thinh lặng: ‘Lạy Chúa, xin nhớ đến con, vì con muốn sống tốt, muốn nên thánh thiện, nhưng con yếu đuối, con không thể: con là người tội lỗi’. Lời hứa của Chúa Giêsu với người trộm lành cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao. Lời ấy nói với chúng ta rằng ơn Chúa bao giờ cũng phong phú hơn lời cầu xin. Chúa rất quảng đại, Người luôn ban cho nhiều hơn điều con người cầu xin. Chúa Giêsu chính là trung tâm những nỗi khát mong niềm vui và ơn cứu độ của chúng ta. Nào chúng ta hãy cùng nhau lên đường”[64]. Amen.
Đàlạt 26-28/7/2016 - Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS
———————-
[1] X. Misericordiae Vultus số 13.
[2] Xem bài huấn dụ của ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến ngày 18/11/2015 –http://www.vietcatholic.org/News/Html/161985.htm
[3] X. Misericordiae Vultus, số 22.
[4] http://www.vietcatholic.org/News/Html/167156.htm
[5] Misericordiae Vultus số 17-http://www.la-croix.com/Religion/Actualite/Une-Annee-de-misericorde-pour-changer-de-vie-2015-04-12-1301559
[6] Misericordiae Vultus, số 17.
[7] ĐHY Mauro Piacenza, chánh án Toà Ân giải tối cao, nói trong lễ khai mạc Khóa học về Toà Trong ngày 24/3/2014 theo Vatican Insider.
[8] http://phanxico.vn/2015/11/12/xin-giang-ngan-bot-duc-giao-hoang-phanxico-nhan-nhu-cac-linh-muc/
[9] Trích bài giảng Lễ Kính Lòng Thương Xót ngày 3/4/2016 – http://phanxico.vn/2016/04/03/chung-ta-la-nhung-nguoi-viet-tiep-tin-mung-long-thuong-xot/
[10] 1 Cr 13,1.
[11] Bài đọc 2 Kinh Sách Thứ Bảy CN 27 TN.
[12] HĐGM Philippines đã khẳng định trong Thư mục vụ Năm Thánh Lòng Thương Xót – http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/15news/15news1476.htm
[13] Trích sách “Tên của Chúa là Thương xót” – http://phanxico.vn/2016/01/12/bay-cau-nen-nho-trong-quyen-sach-moi-cua-duc-giao-hoang/
[14] Mt 11,19.
[15] Lc 23,43.
[16] Ga 11,52.
[17] Rm 7,24.
[18] 1Ga 1,8.
[19] Gc 5, 19-20.
[20] http://www.hdgmvietnam.org/ngay-le-cua-on-tha-thu-chung-ta-hay-don-nhan-long-thuong-xot-va-hay-biet-xot-thuong/5915.57.7.aspx
[21] ĐTC nói trong buổi tiếp kiến chung ngày 26/3/2014.
[22] http://phanxico.vn/2016/01/02/quay-ve-voi-viec-xung-toi/
[23] http://phanxico.vn/2016/01/16/long-thuong-xot-de-cuu-giao-hoi/
[24] Trích huấn dụ tiếp kiến chung ngày 10/4/2013.
[25] Buổi triều yết ngày 20/11/2013 –http://vietcatholic.org/News/Html/119161.htm
[26] Ibid.
[27] Gc 5, 16.19-20.
[28] JP II, Tông Huấn Reconciliatio et Paenitentia, số 31.
[29] Khi nói chuyện với các chủng sinh và tập sinh –http://www.vietcatholic.net/News/Html/113268.htm.
[30] Cha Antonio Sparado, chủ bút tạp chí La Civiltà Cattolica hỏi “Jorge Mario Bergoglio là ai?”
[31] Misericordiae Vultus số 3.
[32] x. 1 Cr 6,11.
[33] Khi suy niệm Tin Mừng Ga 21,15-19.
[34] Xem bài giảng lễ ngày 17/5/2013 tại Nhà trọ thánh Matta.
[35] Trích sách “Tên của Chúa là Thương xót” – http://phanxico.vn/2016/01/12/bay-cau-nen-nho-trong-quyen-sach-moi-cua-duc-giao-hoang/
[36] http://phanxico.vn/2015/12/09/dung-ha-tien-long-thuong-xot-chua/
[37] http://www.vietcatholic.net/News/Html/122344.htm
[38] http://phanxico.vn/2016/01/16/ten-cua-chua-la-thuong-xot-mot-giao-hoi-di-ra/
[39] G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 09.02.2016
[40] ĐTC nói với 130 Giám Mục trong cuộc thăm viếng mục vụ Mehicô ngày 13/2/2016-http://phanxico.vn/2016/02/14/an-nghia-phut-thinh-lang-cau-nguyen-lau-dai-cua-duc-phanxico-truoc-tuong-duc-me-guadalupe/
[41] Tội này theo Giáo luật số 1398 sẽ tức khắc bị vạ tuyệt thông tiền kết dành riêng cho Đức Thánh Cha hay thẳm quyền hợp pháp (các Giám Mục) quyền tháo gỡ.
[42] Trích huấn dụ của ĐTC Phanxicô ngày 20/11/2015 dành cho các linh mục, chủng sinh và tu sinh tham dự hội nghị do Bộ giáo sĩ tổ chức tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ban hành hai sắc lệnh của Công đồng Vatican 2 về đời sống linh mục (Presbyterorum ordinis) và việc đào tạo linh mục (Optatam totius).
[43] http://phanxico.vn/2016/01/13/long-thuong-xot-la-the-thong-hanh-cua-chua/
[44] Trong cuộc tiếp kiến ngày 30/4/2016 – http://phanxico.vn/2016/04/30/cha-giai-toi-khong-duoc-dat-chuong-ngai-tren-con-duong-cua-nhung-nguoi-mong-muon-hoa-giai-voi-thien-chua/
[45] Thực tế là ngày Thứ Tư Lễ Tro 10/2/2016 tại Đền Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã chọn sai 1.142 thừa sai của lòng thương xót đi sứ vụ trên khắp thế giới, mà 700 vị hiện diện.
[46] http://baoconggiao.com/vi/news/Giao-Hoi-Hoan-Vu/Hon-800-don-xin-lam-thua-sai-long-Thuong-Xot-7544/
[47] Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa và cũng là điều phối viên Năm Thánh.
[48] http://vietcatholic.org/News/Html/180597.htm
[49] Trích bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô trong buổi yết kiến chung ngày 20/11/2013.
[50] http://hdgmvietnam.org/duc-thanh-cha-phanxico-gap-be-tren-tong-quyen-huynh-doan-pio-x/7814.57.7.aspx
[51] http://vietcatholic.org/News/Html/182476.htm
[52] La Croix – http://hdgmvietnam.org/nhom-lefebvre-khuoc-tu-y-tuong-ve-mot-su-tai-nhap-voi-roma/8018.57.7.aspx
[53]* Câu chuyện “xong ván này”
[54] Trong cuộc tiếp kiến ngày 11/3/2010 – Vatican City, Mar 11, 2010 CNA/EWTN News.
[55] http://phanxico.vn/2016/01/16/ten-cua-chua-la-thuong-xot-mot-giao-hoi-di-ra/
[56] Trích bài giảng của DTC Phanxicô ngày 17/9/2013 – http://www.vietcatholic.net/News/Html/116026.htm
[57] Trích sách Tên của Chúa là Lòng Thương Xót, bài số 2.
[58] http://www.hdgmvietnam.org/co-the-lanh-nhan-bi-tich-hoa-giai-qua-dien-thoai-khong/ 2613.57.7.aspx
[59] ĐTC phát biểu trong buổi tiếp kiến sáng ngày 25/3/2011 dành cho 800 tham dự viên khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải Tối Cao tổ chức từ 21/3-11/4/2011.
[60] ĐTC nói trong buổi tiếp kiến sáng ngày 9/3/2012 với 1.300 linh mục và phó tế tham dự khóa học hằng năm về Tòa Trong do Tòa Ân giải Tối cao tổ chức – VIS, 09-03-2012.
[61] ĐHY Mauro Piacenza, chánh án Toà Ân giải tối cao, nói trong lễ khai mạc Khóa học về Toà Trong ngày 24/3/2014 theo Vatican Insider.
[62] http://phanxico.vn/2016/03/05/hay-la-nhung-duong-truyen-long-thuong-xot/
[63] http://phanxico.vn/2016/02/07/dau-la-cac-moi-day-noi-duc-phanxico-voi-cha-thanh-pio/
[64] Trích bài giảng bế mạc Năm Đức Tin ngày 24/11/2013 tại quảng trường thánh Phêrô.
Nguồn http://xuanbichvietnam.net/