“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ...”

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;

còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” 

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN  - năm C

Bài đọc 1: Hc 3,17-18.20.28-29; Bài đọc 2:

Dt 12,18-19.22-24a; Tin Mừng: Lc 14,1.7-14.

 

Con người thường thích tạo ra vẻ hào nhoáng cho mình. Đó là điều mà thế gian cho là thích đánh bóng bản thân. Bệnh thích đánh bóng bản thân mù quáng đến độ tự tạo cho mình một cái vỏ bọc hào nhoáng nhằm tìm kiếm những “fan hâm mộ” cho mình. Nhất là ngày nay với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện đại, con người lại càng dễ dàng đánh bóng bản thân. Họ tự do tô vẽ hình ảnh của mình trên các diễn đàn online, blog cá nhân nơi mà mọi thứ kể cả cuộc sống đều là ảo.

Họ sống ảo và ảo tưởng về chính bản thân mình. Đôi khi sự ảo tưởng đó còn trở thành lố bịch cho thiên hạ xem mình thuộc hạng người đẳng cấp trong xã hội đáng được mọi người ngưỡng mộ. Thật là xấu hổ khi tự đánh bóng mình mà bị phát hiện. Thật không có sự xấu hổ nào đáng thương khi giả dối bị phơi bày ra ánh sáng. Điều đáng sợ là người đánh bóng chính mình sẽ tự giết mình trong sự cô độc và cô đơn.

Bài Tin mừng Chúa nhật XXII thường niên hôm nay, thánh sử Luca kể lại một ngày Sabát kia Đức Giêsu được một thủ lãnh thuộc nhóm Pharisêu mời đến nhà ông dự tiệc, những người Pharisêu cũng được mời đến tham dự, họ cố ý dò xét xem Người có làm gì lỗi luật trong ngày sabát hay không, để tìm cách bắt bẻ và lên án Người. Nhưng họ chưa tìm được lỗi nào của Chúa, thì Chúa đã thấy hết lỗi của họ là lòng kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn, tự nâng mình lên để khoe khoang, coi mình hơn người khác, qua hành động tranh giành nhau chọn chỗ nhất để ngồi trong bữa tiệc.

Chúa Giêsu liền kể cho họ nghe một dụ ngôn: “Khi anh được mời đi ăn cưới thì đừng ngồi vào cỗ nhất...” (Lc 14, 8-10). Và Người kết luận “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11). Chúa Giêsu có ý dạy cho những người Pharisêu và cả chúng ta biết tai hại của sự kiêu căng, tự mãn, tự đắc về bài học giá trị đích thực của sự khiêm tốn.

Vì chính sự kiêu căng và tự mãn, là bức tường ngăn cách với tha nhân. Người kiêu căng là người luôn tỏ vẻ trí thức, hiểu biết, quyền lực và tốt lành thánh thiện hơn người khác, nên tự chọn cho mình vị trí quan trọng nhất. Bởi thế, Thánh Augustinô đã gọi tội kiêu ngạo là cội rễ của mọi tội lỗi khác, vì “Kiêu ngạo làm cho con người xa rời Thiên Chúa, Đấng là nguồn sống mà con người phải lệ thuộc thay vì tự cho mình là nguồn sống”. Khi quay lưng lại với Thiên Chúa là Nguồn Sáng, lúc đó con người chỉ thấy cái bóng đen và cái tôi ích kỷ của chính mình mà thôi.

Tai họa dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không hề biết (Bài đọc I, Hc 3, 28). Sự kiêu ngạo đã len lỏi vào đời sống của con người ngay từ lúc khởi đầu. Ông bà nguyên tổ đã từng bị ma quỉ phỉnh gạt và muốn được hiểu biết mọi sự giống như Thiên Chúa. Bởi thế, Ông bà nguyên tổ đã để mất tất cả hồng ân (St 3, 1-7).

Đứng trước quyền năng vô biên của Thiên Chúa, con người chỉ là loài thụ tạo hư vô. Sự kiêu ngạo làm cho con người tự cất nhắc mình lên và chiếm hữu quyền của kẻ khác. Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi mỗi người cần phải sống khiêm tốn rằng:  “... ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Chân lý này có thể áp dụng cho hết mọi người sống trong xã hội. Càng làm lớn, càng biết hạ mình thì càng được tôn trọng và càng được người khác quí mến. Người sống khiêm tốn không phải là người yếu đuối, nhu nhược hay tiêu cực.

Không ai chê bai, phản đối hay khinh thường những người sống khiêm tốn. Chỉ những ai kiêu ngạo đã không nhận ra được giá trị cao quý của nhân đức này mà thôi. Chính Chúa Giêsu, Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã từ bỏ chỗ nhất để ngồi vào chỗ cuối cùng khi Ngài nhập thể làm người ở giữa loài người chúng ta. Thánh Phaolô đã nói: “Đức Kitô đã hủy mình ra không, lãnh lấy thân phận tôi đòi... đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết và là cái chết trên thập giá. Bởi vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài... hầu trước Danh hiệu của Đức Giêsu, mọi gối đều phải quỳ xuống bái lạy... và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng: Đức Giêsu Kitô là Đức Chúa” (Pl 2,6 -11).

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống giữa một thế giới luôn đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy chúng con biết phục vụ âm thầm. Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy chúng con biết yêu thương tự hiến. Giữa một thế giới đầy phe phái và chia rẽ, xin dạy chúng con biết cộng tác và đồng trách nhiệm. Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy chúng con biết coi mọi người như anh chị em.

Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu, xin cho các Kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới. Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm tốn nhận lãnh. Lạy Ba Ngôi Chí Thánh, xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ mà hằng ngày chúng con gặp gỡ. (trích từ RABBOUNI). 

Lm Antôn Nguyễn Chân Hồng - Dòng Gioan Thiên Chúa.

Trích đăng lại từ nguồn: http://www.cgvdt.vn/