"Ai sẽ trả tất cả viện phí?": Lời trăng trối bi kịch của bệnh nhân Covid-19 khiến y tá Mỹ không bao giờ quên

"Ai sẽ trả tất cả viện phí?": Lời trăng trối bi kịch của bệnh nhân Covid-19 khiến y tá Mỹ không bao giờ quên

An An 

"Ai sẽ trả tất cả viện phí?": Lời trăng trối bi kịch của bệnh nhân Covid-19 khiến y tá Mỹ không bao giờ quên
Ảnh minh họa: AP

Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ thực trạng nổi bật về hệ thống bảo hiểm y tế của nước Mỹ. 

"Ai sẽ trả tất cả viện phí?"

Anh Derrick Smith, một y tá gây mê không lạ gì khi chứng kiến nỗi hoảng sợ trước khi qua đời của mỗi bệnh nhân. Nhưng giờ đây có thực tế hoàn toàn khác, "đáng sợ hơn nhiều".

Nam y tá, đang điều trị chủ yếu cho bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở thành phố New York, mới đây đã tiết lộ những lời trăng trối đầy bi kịch của một người bệnh của anh.

"Ai sẽ trả tất cả chi phí?", người đàn ông mắc Covid-19 thều thào hỏi Smith khi anh chuẩn bị tiến hành gây mê, đặt ống nội khí quản cho ông.

"Đó là những lời trăng trối tôi sẽ không bao giờ quên", Smith nói với CNN. "[Bệnh nhân này] bị suy hô hấp nặng, nói năng rất khó khăn, nhưng vẫn trăn trở rằng, ai sẽ trả tất cả các chi phí giúp ông duy trì sự sống nhưng theo thống kê thì ông không có khả năng sống sót."

Ai sẽ trả tất cả viện phí?: Lời trăng trối bi kịch của bệnh nhân Covid-19 khiến y tá Mỹ không bao giờ quên - Ảnh 1.

Anh Derrick Smith, y tá gây mê, hiện đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: CNN

Không thể đưa ra câu trả lời chính xác và biết rằng bệnh nhân rất có thể sẽ không hồi phục sau khi được đặt nội khí quản, Smith và các đồng nghiệp đã gọi cho vợ của ông để cho họ có cơ hội cuối cùng nói lời tạm biệt.

Hầu hết bệnh nhân Covid-19 thường tử vong sau khi được đặt nội khí quản, tỷ lệ này lên tới 80%, anh Smith nói. Do đó, anh cho rằng, khả năng sống sót của bệnh nhân của anh rất "khó xảy ra".

Smith gọi đây là "điều tồi tệ nhất" mà anh đã chứng kiến ​​trong 12 năm công tác.

"Tôi đã rất buồn và thực sự là có một chút kinh hoàng", anh nói nhiều bệnh nhân đã phải lo lắng về viện phí hơn cả cái chết.

Thách thức ứng phó Covid-19 của Mỹ 

"Đại dịch Covid-19 đã cho thấy rất nhiều bất cập nổi bật về cấu trúc ở Mỹ, không chỉ là phản ứng với chính đại dịch, mà cả cách tiếp cận đối với bảo hiểm y tế", anh Smith nói.

Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất không có hệ thống y tế bảo hiểm toàn dân. Gần 28 triệu người trung niên, tương đương 10,4% dân số, không có bảo hiểm xã hội trong năm 2018, theo dữ liệu gần đây nhất của Cục điều tra dân số.

"Ứng phó đại dịch Covid-19 trong bối cảnh có hàng chục triệu người không có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm không đầy đủ sẽ là một thách thức đặc biệt của chính phủ Mỹ, chỉ tính riêng trong các nước phát triển", Larry Levitt, Phó Chủ tịch điều hành chính sách y tế tại hệ thống bệnh viện Kaiser nói.

Theo CNN, tâm lý lo ngại chi phí cao có thể ngăn cản người dân tới bệnh viện kiểm tra nếu họ cảm thấy có triệu chứng mắc bệnh. Nhiều công ty bảo hiểm và một số tiểu bang đang miễn các khoản thanh toán cho xét nghiệm SARS-CoV-2. Nhưng bệnh nhân sẽ vẫn phải trả tiền cho các kiểm tra, xét nghiệm khác và bất kỳ phác đồ điều trị nào đối với Covid-19 hoặc bệnh khác mà họ có thể mắc phải.

Đối với những người Mỹ có bảo hiểm nhưng đang thất nghiệp thì đây là một cuộc khủng hoảng lớn khác.

Khoảng 16,8 triệu công nhân Mỹ, chiếm khoảng 11% lực lượng lao động Mỹ, đã nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp chỉ trong ba tuần trước đó.

"Nhiều người mất việc do liên quan đến đại dịch nên số người không có bảo hiểm sẽ chỉ tăng lên và đây sẽ là một thách thức đối lĩnh vực bảo hiểm y tế tư nhân", ông Levitt cho biết, theo thông kế mới nhất, tiền bảo hiểm sức khỏe tư nhân sẽ tăng thêm 40% trong năm 2021.

Nguồn: https://soha.vn