Giải Nobel trước giờ G
Liệu tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hay tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có "xứng đáng" được trao tặng danh hiệu này hay không?
Tuy nhiên, người dân Hàn Quốc hiện tại lại không quá hào hứng với đề cử Nobel Hòa bình. Theo lý giải từ SCMP, một phần nguyên nhân nằm ở mối quan ngại liệu giải thưởng có thể thực sự đem lại hòa bình cho bán đảo hay không.
Suy cho cùng, sau khi tổng thống Hàn Quốc nhận được giải Nobel Hòa bình vào năm 2000, "hòa bình" đích thực vẫn không tới với quốc gia này. Trên thực tế, Triều Tiên khi ấy còn phát triển nhiều loại vũ khí hơn nữa.
"Mọi người cũng chỉ trích giải thưởng này. Họ cho rằng cựu tổng thống Kim Dae-jung đã nhận giải thưởng vì giúp đỡ Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân [bằng nguồn tiền và hỗ trợ kinh tế từ 'Chính sách Ánh Dương']," Ryu Yongwook, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Yonsei ở Seoul cho biết.
Ông Moon là người ủng hộ Chính sách Ánh Dương, và nhiều người tin rằng quan điểm mềm mỏng của ông với Triều Tiên đã gặt hái được kết quả tốt.
Nhờ vào nỗ lực ngoại giao của ông Moon, chỉ trong vòng vài tháng ông Trump và ông Kim - từ đe dọa hủy diệt lẫn nhau thông qua các kênh truyền thông và diễn đàn LHQ - đã cùng xuất hiện thân thiện trong các khung hình tại Singapore và trao cho nhau những "bức thư tuyệt đẹp".
Nhưng ông Moon dường như sẽ không nhận được giải Nobel. Cũng như những người Hàn Quốc khác, ông Moon không quá để tâm tới giải thưởng. Theo một cựu luật sư về quyền con người, đối với ông Moon, hòa bình mới là giải thưởng đích thực.
Ông Moon đã giành phần lớn thời gian trong sự nghiệp chính trị của mình để cải thiện mối quan hệ của hai miền bán đảo, giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền của ông Roh Moo-hyun trước khi chính ông Moon trở thành tổng thống. Hiện tại, dường như ông Moon muốn làm mọi thứ trong khả năng để đảm bảo hòa bình được thiết lập mãi mãi.
Hồi tháng 4, ông Moon từng phát biểu: "Tổng thống Trump nên giành được giải Nobel Hòa bình. Chúng tôi chỉ cần hòa bình". Một chuyên gia cho rằng có thể ông Moon đã nhận thấy tầm quan trọng của ông Trump trong nỗ lực ngoại giao trên bán đảo.
Hi vọng ngày hòa bình
Những người khác nêu ý kiến giải thưởng cần được trao cho cả ông Moon, ông Trump và ông Kim như một cách thức để khuyến khích cả 3 nhà lãnh đạo.
"Cũng có người hi vọng rằng giải Nobel sẽ 'trói tay' ông Trump và ông Kim lại với nhau và buộc cả hai phải nỗ lực theo đuổi hòa bình," ông Ryu từ Đại học Yonsei nói.
Trong bối cảnh phi hạt nhân hóa chưa được hoàn thành, giải thưởng này sẽ tại điều kiện để mở đường cho ba vị nguyên thủ. Tổng thống Mỹ Barack Obama là ví dụ điển hình cho hiệu quả của giải Nobel Hòa bình.
Ông Moon Jae-in tại Triều Tiên. Ảnh: AP
Sau khi nhận được giải vào năm 2009, ông Obama đã có những nỗ lực và thành tựu mới trong thỏa thuận hạt nhân Iran và giải quyết mâu thuẫn với Cuba trong năm 2016. Nhưng đối với ông Trump và Kim, giải Nobel sẽ là "canh bạc" lớn hơn rất nhiều.
Theo một chuyên gia, ông Trump và ông Kim đều là những người khó đoán, và hoàn toàn có khả năng rằng sau khi được trao giải, họ có thể quay trở lại đe dọa chiến tranh.
Bất kể người nào giành được giải thưởng năm nay, thì cả ba nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc đều là những ứng cử viên xứng đáng.
"Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên không thể nào đạt được chỉ nhờ một người," chuyên gia phân tích.