ABRAHAM,
CHA CHUNG TA TRONG DỨC TIN [1]
Carlo Maria Martini
Dẫn nhập
Trong các bài suy niệm về Abraham, chúng ta học nơi tổ phụ một niềm tin vững chắc, sắt đá vào Thiên Chúa và chương trình của Ngài. Abraham đã trải qua cả cuộc đời trong thử thách đức tin, và tổ phụ vẫn phó thác, tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa. Những dấu chỉ Chúa tỏ lộ, dù rất nhỏ bé đã đủ cho tổ phụ đặt trọn niềm tin.
Hành trình đức tin của Abraham cũng là hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Ước gì trên hành trình đức tin đó, chúng ta luôn được soi sáng và củng cố bởi tấm gương đức tin của tổ phụ, và nhờ vậy, chúng ta sẽ luôn kiên vững trong đức tin dù phải trải qua thử thách, gian nan đến đâu đi nữa.
Trong những trang sách về Abraham, Đức Hồng Y Martini cũng cho chúng ta những hướng dẫn rất quí giá về linh thao. Hi vọng điều đó sẽ giúp chúng ta suy niệm hoặc sống tuần tĩnh tâm đạt kết quả tốt đẹp.
Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên
BÀI MỘT
Vài suy tư về các ghi chú
trong sách Linh Thao của thánh I-nha-xi-ô.
Đầu đề sách Linh Thao
Đầu đề sách Linh thao là: “Linh Thao để chiến thắng chính mình và sắp xếp đời sống cho có trật tự, mà không quyết định bởi một cảm xúc lệch lạc nào” (số 21). Câu thứ nhất “chiến thắng chính mình” xem ra hơi lạ. Câu kế đó có vẻ rõ ràng hơn: “sắp xếp đời sống cho có trật tự”, vì khi lấy Linh Thao như một khung để chọn lựa bậc sống, chúng ta tạo lập trật tự cho đời sống mình, bằng cách chọn lựa điều Thiên Chúa linh ứng; hoặc để làm sáng tỏ và đào sâu sự chọn lựa này nơi chính mình. Câu thứ ba xem ra cũng khá rõ: “mà không quyết định bởi một cảm xúc lệch lạc nào”, nghĩa là linh thao nhắm đến hoạt động làm sáng tỏ những chọn lựa cá nhân và gỡ bỏ tất cả những gì có thể làm mờ tối những chọn lựa đó.
Đầu đề này gồm 3 yếu tố: 1/ chiến thắng chính mình; 2/ sắp xếp đời sống cho có trật tự; 3/ chiến thắng những dính bén lệch lạc. Cố gắng hiểu ý nghĩa chính xác của những yếu tố này sẽ làm chúng ta nhớ đến ba yếu tố ở cuối số 20.
Cũng xin nhắc lại, trong các suy tư về linh thao hoặc về Kinh Thánh, chúng ta không tìm chú giải bản văn theo nghĩa đen. Trong cả hai lãnh vực đều có những bậc thầy nhiều khả năng hơn chúng ta. Chúng ta đi từ chú giải theo nghĩa đen đến chú giải có thể được gọi là “cấu trúc” (structurale) thoáng hơn: tìm cách khám phá điều mà các bản văn của thánh Inhaxiô và Kinh Thánh nói với tôi trong mọi hoàn cảnh sống của người kitô hữu.
Tôi lắng nghe lời Chúa trong bối cảnh của nó, tôi đặt nó trong mối tương quan với những bối cảnh khác, cố gắng khám phá diễn tả lời đó thế nào trong đời sống kitô hữu. Vì thế, chúng ta so sánh ba yếu tố trong số 21 với ba yếu tố khác trong số 20: sự cô độc – tách rời – bỏ những lo lắng gò bó chúng ta; hoặc ít ra tìm cách bỏ chúng và tách rời chúng. Đó là ba yếu tố rất đáng quan tâm vì thánh Inhaxiô nói:
1/ Khi tách rời vô số công việc không được trật tự, xua đuổi các dịp đưa ta đến những dính bén lệch lạc và tất cả những gì không thích hợp.
2/ Khi tinh thần không bị phân tán bởi vô số sự việc khác nhau, chúng ta sẽ dùng hết sức mình tìm điều chúng ta ao ước, nghĩa là sắp xếp đời sống cho có trật tự và chọn lựa bậc sống đúng.
3/ Và đây là điểm quan trọng nhất: khi linh hồn ở một mình và tách rời mọi sự, thì nó có khả năng tốt hơn để đến gần Đấng Tạo Hoá và Chúa của nó, “đụng chạm” Ngài và đạt tới Ngài; bởi đó, linh hồn càng thấy Chúa và đạt tới Chúa thì nó càng sẵn sàng đón nhận ân huệ của Ngài.
Ba mức độ kinh nghiệm của Linh Thao
Ba yếu tố nói trên tương đương với ba cột mốc kế tiếp nhau của kinh nghiệm Linh thao.
Trước hết, là giai đoạn luân lý đơn giản, tách rời khỏi những dính bén lệch lạc, nghĩa là những gì không rõ ràng nơi chúng ta. Đó là xác định rõ tất cả những gì không thích hợp trong đời sống kitô hữu, trong đời sống cộng đoàn; tất cả những gì tiêu cực trong các hoạt động, việc làm; và những dấn thân của chúng ta; tất cả những gì cầm giữ chúng ta, làm chúng ta chậm trễ, và ra nặng nề. Đó là kết quả thứ nhất của Linh Thao ở mức độ luân lý.
Giai đoạn thứ hai là chọn lựa. Đó là thấy điều gì trong đời sống tôi thích hợp hơn; không chỉ gạt những bụi bậm làm tôi ra nặng nề, mà còn tìm kiếm những gì thích hợp hơn. Điều gì tốt hơn cho tôi? Trong đời sống tôi, đâu là cách thế tốt nhất để phục vụ Thiên Chúa? Bây giờ tôi phải quyết định gì? Tôi phải từ bỏ gì để phục vụ tốt hơn? Đó là mức độ lựa chọn.
Giai đoạn thứ ba tạm gọi là siêu việt. Nó liên quan đến những gì không thấy, không đụng chạm được, nhưng lại là gốc rễ của tất cả. Đó là giai đoạn đạt tới Thiên Chúa, biết Ngài, đụng chạm Ngài, cảm thấy Ngài, nắm bắt Ngài, một cách mầu nhiệm và thực sự mở lòng ra với Ngài. Mức độ siêu việt này, không có nghĩa là tối cao bởi vì nó đến vào giai đoạn cuối cùng; đây là mức độ nền tảng, trên hết và cũng là tối hậu – sự kết hợp thần bí, nghĩa là ở tuần thứ tư của Linh thao – và sự kết hợp thần bí đó đem đến ý nghĩa đúng cho sự “chiến thắng chính mình”. “Chiến thắng chính mình” là gì?
Chúng ta thắng cái gì khi chúng ta là những người luôn bị phân chia? Kinh Thánh nói gì, khía cạnh tiêu cực nào chúng ta phải bỏ đi? Khía cạnh tiêu cực nền tảng trong chúng ta đối nghịch với chiều kích tích cực, là “nhút nhát” (timidité): thái độ này là thái độ không tin, không hi vọng, không sẵn sàng để tin vào Thiên Chúa, vào tha nhân, vào sự sống. Bởi vậy, “Chiến thắng chính mình” nghĩa là: tin, hi vọng, tín nhiệm. Con người mở ra với Thiên Chúa và Thiên Chúa mở ra với con người, và trong sự mở ra của cả hai phía, chúng ta lại tìm thấy hai mức độ khác: mức độ kinh nghiệm về chọn lựa cũng như mức độ luân lý.
Nhưng cột trụ siêu việt vượt trên tất cả. Nó là nguồn cội, là khởi đầu. Nó là điểm cuối cùng, nó là môi trường trong đó, diễn ra tất cả những gì Linh Thao cho phép. Chiến thắng chính mình là chế ngự sợ hãi, cái chết, ảo tưởng, tất cả những gì trong chúng ta là hoài nghi, khép kín và cay đắng. Nó chính là mở ra với Thiên Chúa cách trọn vẹn, để Thiên Chúa làm đầy bằng chân lý của Ngài, giữa lòng đời sống luân lý của chúng ta, trong việc chuẩn bị chọn lựa, trong mối quan tâm phục vụ tốt hơn cho vinh quang vĩ đại của Thiên Chúa.
Điểm ghi chú 20
Những điểm trên đây là sự kết hợp điểm ghi chú 20 với đầu đề Linh Thao, ba bước đi, ba hoa trái của Linh Thao. Mỗi người phải tự xem xét để cảm thấy Chúa khơi gợi đào sâu lãnh vực nào, đời sống luân lý và hi sinh, hoặc những chọn lựa cần làm để đạt những điều tốt hơn, chứ không chỉ hài lòng với những điều tốt đã dễ dàng thực hiện trong Giáo Hội, những điều tốt không đem đến một lợi điểm hơn mà Thiên Chúa đòi hỏi; hoặc trong lãnh vực này, còn có một điều chúng ta không đánh giá nổi, đó là sức mạnh của đức tin; nếu tin vào Thiên Chúa tận cõi thẳm sâu của hữu thể nơi mà đức tin dừng lại.
Xác minh về kinh nghiệm luân lý hay chọn lựa thì có thể làm được; nhưng mức độ thứ ba là cột trụ nền tảng, không có nó, chúng ta chẳng có gì. Mọi biểu tượng, mọi điều chúng ta hoàn thành, mọi sự chúng ta sống trong thời gian linh thao, dẫn chúng ta tới sự đụng chạm không ngừng đến địa hạt sâu xa hơn này của một đức tin trần trụi trong chúng ta, đức tin của người đứng trước Thiên Chúa. Đó là lãnh vực chiến thắng chính mình, chiến thắng sợ hãi, cái chết, chiến thắng sự hoài nghi, để chúng ta mở lòng ra với Lời Chúa kêu gọi chúng ta.
Những điều vừa nói có thể qui chiếu về câu người Do Thái hỏi Chúa Giêsu: “Chúng tôi phải làm gì để làm công việc của Thiên Chúa?” (Ga 6, 28). Câu tương đương của chúng ta là: “Chúng tôi phải làm gì trong thời gian Linh Thao để hoàn thành điều này, điều nọ, để cải thiện ở đây và ở kia?” Câu Chúa Giêsu trả lời dẫn chúng ta trực tiếp đến mức độ viêu việt: “Công việc của Thiên Chúa là các ông hãy tin vào Đấng Người đã sai đến”. Từ suy tư trên, chúng ta rút ra chất liệu để suy niệm bằng cách lấy khách hành hương Abraham là người bạn đồng hành. Tìm kiếm Thiên Chúa, đụng chạm tới Người có ý nghĩa gì, làm thế nào có thể kiểm chứng điều đó nơi chúng ta? Bởi vậy, đầu đề cho Linh thao là: “Abraham, cha chúng ta trong đức tin”.
Abraham, cha chúng ta trong đức tin
Xin đưa ra một vài giải thích rõ hơn. Đức tin của Abraham ở đây được hiểu là một hành trình. Abraham đã bắt đầu tiến bước trong đức tin, ông tìm kiếm để biết Thiên Chúa mà ông nghĩ là mình biết bằng những bước dò dẫm, nhưng trong thực tế, ông biết Thiên Chúa đó quá ít. Chúng ta cũng vậy, chúng ta được kêu gọi bước đi trong đức tin.
Làm sao để chiến thắng chính mình? Làm sao để vượt khỏi sự thiếu lòng tin triệt để làm chúng ta khép kín trước Thiên Chúa và tha nhân và trước tất cả những gì là mới, là thật? Thiếu lòng tin đóng kín chúng ta trong ngục tù của thói quen, của những an toàn đã có. Làm sao để chiến thắng tất cả những điều đó? Nhờ Lời Chúa. Chính Lời Chúa sẽ giúp chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến của đức tin. Ở đây, xin nhắc lại điểm ghi chú thứ hai: “Chúng ta phải để cho Lời Chúa thâm nhập lòng chúng ta”.
Người hướng dẫn Linh Thao không được nói theo ý mình, cũng không tìm cách thuyết phục, mà phải trình bày lịch sử, “thuật lại lịch sử cách trung thực để chiêm ngắm”. Chúng ta phải suy gẫm lịch sử đó cách chăm chú, đọc bản văn và tự hỏi bản văn nói gì với tôi? Nói gì với chúng ta? Rồi mỗi người hãy để Lời Chúa lắng đọng trong tâm tư và hướng dẫn mình. Chúng ta sẽ đọc Sáng Thế chương 12 đến 25 cùng những đoạn kinh thánh khác rút ra từ Tân Ước nói đặc biệt về Abraham như thư Rô-ma 4, Ga-lát 3, Do thái 11 theo cách trên.
Ở đây, chúng ta trở lại điểm ghi chú 20 nói về tĩnh tâm, sự lìa xa, sự tách rời chính mình; cách riêng điểm sau đây: Chúng ta rút ra khỏi những cái gì? Chúng ta tách rời khỏi biết bao nhiêu thực tại, khởi đầu bằng những tư tưởng làm lòng ta bất an.
Trước hết, lắng nghe Lời Chúa
Có một người tĩnh tâm trình bày với linh mục hướng dẫn: “Không biết tại sao mỗi khi con bắt đầu linh thao, thì luôn có những tư tưởng xâm chiếm làm con quan tâm và suy nghĩ tìm cách giải quyết”. Vị hướng dẫn trả lời: “Điều đó xảy đến thường lắm. Mỗi khi chúng ta bắt đầu linh thao là có những điều xâm chiếm chúng ta, những vấn đề nằm sẵn đâu đó trong chúng ta và chúng ta nghĩ có thể tìm ra cách giải quyết dưới ánh sáng Chúa soi dẫn. Thực ra, không phải vậy. Trước hết, điều quan trọng là để cho ánh sáng Chúa thâm nhập vào lòng chúng ta. Vấn đề xâm chiếm chúng ta nói trên không phải là vấn đề, mà là chướng ngại.
Nó làm suy giảm sự chú tâm lắng nghe và đón nhận Lời Chúa chúng ta cần có. Chúng ta không những phải tách rời những công việc thường ngày, mà cả những mối bận tâm được coi là quan trọng, nhưng rồi sự phân định sau đó sẽ giúp nhận ra rằng chúng chỉ là thứ yếu thôi. Chúng cản trở chúng ta mở lòng mình ra với Lời Chúa. Thay vì lắng nghe Lời Chúa trọn vẹn thì chúng ta lại lo áp dụng Lời Chúa để giải quyết vấn đề đó thế nào. Như vậy, Lời Chúa không nắm bắt chúng ta mà là vấn đề chúng ta đang lo âu”.
Điều đó cho thấy chúng ta được mời gọi tách rời một số thực tại, loại bỏ chúng dù bề ngoài xem ra chúng là những vấn đề tốt. Chúng ta phải tách rời điều gì? Xác định điều đó rất quan trọng. Thánh Inhaxiô đề cập đến điều này trong ghi chú 20 khi ngài nhắc lại phải giúp cho người Linh Thao tham dự Phụng vụ giờ kinh và thánh lễ.
Điều đó có nghĩa là người Linh Thao cần tiếp xúc chặt chẽ với Lời Chúa. Thời gian linh thao không phải là thời gian cô độc, mà là thời gian lắng nghe. Chúng ta không bỏ Lời Chúa đi, cũng không tách rời Giáo Hội. Chúng ta ở trong Giáo Hội, trải nghiệm Giáo Hội qua những người hiện diện với chúng ta. Do đó, thay vì xa rời kinh nghiệm cộng đoàn, chúng ta lại sống kinh nghiệm đó cách sâu xa hơn.
Lý tưởng để sống kinh nghiệm này là sự dấn thân vào việc chúng ta muốn làm. Ví dụ, chọn ngồi ở hàng ghế thứ hai hoặc thứ ba, hoặc không muốn ngồi vào vòng tròn, là dấu chỉ tự nhiên cho thấy chúng ta không muốn dấn thân nhiều; ngược lại, nếu sẵn sàng ngồi hàng đầu là dấu chỉ cho thấy chúng ta dấn thân hết mình trước mặt anh chị em và cùng với anh chị em linh thao chung.
Đó là dấu chỉ đơn giản để hiểu dấn thân là gì. Chúng ta tham dự nhưng đừng quá giả tạo. Sự dấn thân được diễn tả qua cầu nguyện, phụng vụ, qua những lời cầu tự phát, nài xin, chia sẻ Tin Mừng, qua những suy tư quan trọng đối với chúng ta cũng như với người khác. Đó là những cách thế khiêm tốn diễn tả sự dấn thân thực sự và có giá trị của chúng ta. Tất cả những điều đó làm thành một kinh nghiệm cộng đoàn ngày một sâu xa hơn.
[1] Chuyển ý từ “Abraham, notre père dans la foi”, Carlo M. Martini, Éd. Saint Augustin-Saint Maurice, Suisse, 1994.
Trích đăng từ: http://gplongxuyen.org