Đồng hành và phân định ơn gọi linh mục

WHĐ (21.12.2023) – Nhân dịp Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh tổ chức Hội nghị thường niên của các Đại Chủng viện ở Việt Nam, tại Tòa tổng Giáo phận Hà Nội, từ ngày 07-10/8/2023, với chủ đề: “Đồng hành Tòa trong và Tòa ngoài trong việc đào tạo linh mục tại Việt Nam,” xin gửi tới quý độc giả một số bài viết cho Hội nghị của Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương, Phó Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê.

Bài 4:
ĐỒNG HÀNH VÀ PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI LINH MỤC

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Mục lục

Dẫn nhập

I. XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG HUẤN LUYỆN

1. Sequela Christi, môn đệ Đức Kitô

2. Thấu cảm và tin tưởng lẫn nhau

3. Docibilitas

II. ĐỒNG HÀNH ƠN GỌI

1. Khái niệm, mục đích và biện chứng nền tảng

2. Tương quan

3. Những tác nhân và phương tiện

III. PHÂN ĐỊNH

1. Thầy của phân định

2. Tự do khỏi những dính bén lệch lạc

3. Thần bí trong hành động

Kết luận

 Dẫn nhập

Hạn từ đồng hành (accompagnement) và phân định (discernement) ơn gọi là hai hạn từ được Ratio về Đào tạo Linh mục của Bộ Giáo sĩ đề cập đến nhiều lần. Nếu từ “đồng hành” được dùng 32 lần, thì từ “phân định” được dùng nhiều hơn, 37 lần. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của hai hoạt động này trong tiến trình đào tạo linh mục trong bối cảnh hiện nay.

Để công cuộc huấn luyện đạt được kết quả, Ratio nhận thấy nhu cầu cần phải tái suy tư cách nghiêm túc và có tính phê bình (critica) về chương trình huấn luyện linh mục ở các chủng viện như một đòi hỏi mạnh mẽ và mới mẻ hơn. Đây không phải là điều dễ dàng đối với ai đã trải qua nhiều năm trong môi trường huấn luyện. Cần rất nhiều yếu tố giúp cho chương trình đào tạo trở nên hiệu quả hơn, trong đó hai yếu tố đóng vai trò quan trọng là: đồng hành và phân định ơn gọi. Trong phạm vi của bài viết, chúng ta tìm hiểu hai hoạt động này trong tiến trình huấn luyện có thể giúp chúng ta thực hiện tốt hơn sứ vụ đào tạo. Nhưng trước hết, chúng ta cần đề cập đến việc kiến tạo “bầu khí huấn luyện” ở chủng viện vì đó là nền cho toàn bộ công trình.

I. XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG HUẤN LUYỆN

Môi trường huấn luyện là không khí mà mọi người trong chủng viện sống, hít thở mỗi ngày. Môi trường đó được tạo nên do chính các thành viên trong chủng viện. Chủng viện trước hết không phải là quán trọ, hay ký túc xá, nhưng là một gia đình Giáo Hội thu nhỏ, một môi trường đào tạo, “là ngôi nhà và trường học của tình hiệp thông”[1]. Bởi đó, các nhà đào tạo và người thụ huấn sống kinh nghiệm như một gia đình, kinh nghiệm Giáo Hội học và tình huynh đệ bí tích với nhau. Mỗi người biết cộng tác với nhau để xây dựng chủng viện thành một cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất và truyền giáo. Để có thể tạo nên một môi trường huấn luyện như thế, chúng ta cần xây dựng những yếu tố sau đây:

1. Sequela Christi, môn đệ Đức Kitô

Yếu tố làm nền tảng cho chức năng của chủng viện là yếu tố thần học, giáo hội học và nhân bản: bắt đầu từ giám mục, giám đốc, các nhà đào tạo, các chủng sinh và cuối cùng là những ứng sinh dự tu, tất cả cùng ở trên một hành trình, được mời gọi bước theo Chúa Kitô. Tất cả làm nên một cộng đoàn Giáo Hội cụ thể, thu nhỏ, trong đó, mỗi người có một vai trò và một trách nhiệm riêng đối với bản thân và người khác. Mỗi người thực hiện trách nhiệm của mình theo tinh thần Giáo Hội. Mỗi người có những đặc sủng, vai trò và khả năng khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một thần khí, đó là Thần Khí của Chúa Kitô, Đấng hoạt động cách liên lỉ trong Giáo Hội (x. 1 Cr 12). Như vậy, sự phân biệt giữa các giai đoạn (giai đoạn khởi đầu và thường huấn), giữa những tác nhân khác nhau (giám mục, giám đốc, nhà đào tạo, cả giáo dân v.v…) và các chiều kích đào tạo (nhân bản, tri thức, tu đức, mục vụ) – cũng như cách thức tiến hành huấn luyện được Ratio nói đến, tất cả theo một nghĩa nào đó trở thành phương tiện và nhân tố trung gian mà Thiên Chúa dùng trong tiến trình huấn luyện toàn vẹn, bởi lẽ, xét cho cùng, huấn luyện tiên vàn là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Xác định điều này không phải có ý đánh giá thấp hay không nhìn nhận các nhân tố nhân loại, trực tiếp trong môi trường huấn luyện, nhưng để ý thức sâu xa và đề cao thực tại giáo hội học này. Bởi lẽ, tầm nhìn này trước hết giúp chúng ta chú ý hơn không phải vào các vai trò của nhà đào tạo, nhưng vào Chúa Thánh Thần, Đấng đang hoạt động trong chúng ta. Vì chủng viện là trường huấn luyện của Chúa Thánh Thần, Người là nhân vật chính của hành trình huấn luyện linh mục. Dưới cái nền đó, tất cả các vai trò huấn luyện, dù là nhỏ nhất cũng có thể tiềm chứa một sự gợi hứng của Chúa Thánh Thần và trở thành khí cụ của Người. Chỉ trong bầu khí của Chúa Thánh Thần mới giúp chúng ta trở thành “những người có khả năng phân định tốt trong mọi sự” (RFIS số 43), trở nên “con người hiệp thông” (RFIS s. 43) và là những người bạn đồng hành với nhau.

Hơn nữa, chúng ta nhận thấy mình luôn bị “chiếc khăn của vô tri” trùm lên, bởi vì chúng ta không biết giữa chúng ta, ai đã thánh thiện, ai chưa thánh thiện, chỉ có một mình Thiên Chúa biết rõ sự thật. Trong môi trường như thế, Ratio nói: “Chính linh mục (cả chủng sinh) là người đầu tiên và là người chính yếu phải chịu trách nhiệm đối với việc thường huấn của mình” (x. ss. 53, 82, 130). Tất cả chúng ta phải có trách nhiệm đối với nhau để trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Kitô trong ơn gọi linh mục.

2. Thấu cảm và tin tưởng lẫn nhau

Để trở thành một gia đình Giáo Hội và để giúp nhau tốt hơn, cần có sự thấu cảm (empathy). Thấu cảm có nghĩa là đặt mình ở trong “tà áo của người khác,” hay đặt mình ở vị trí của người khác, trong hoàn cảnh của họ để lắng nghe và thấu hiểu họ. Điều này có nghĩa là không chỉ suy nghĩ mà còn cảm nhận thế giới của họ như họ suy nghĩ và cảm nhận, đó là hành vi ra khỏi chính mình. Đây là khả năng đòi hỏi sự trổi vượt không chỉ thuộc nhân bản, mà còn cả tu đức. Chỉ khi nào ta biết đặt mình trong hoàn cảnh của người khác, ta mới có thể hiểu các vấn đề của họ cách đầy đủ và thực hiện sự phân định chính xác. Khả năng thấu cảm giải thoát chúng ta khỏi mọi dạng thức của thành kiến, chủ quan, lệch lạc, lạm dụng hay lạm quyền luôn có thể xảy ra trong những hoàn cảnh bất bình đẳng, hay cấp bậc, phẩm trật. Nói cách khác, thấu cảm là yêu mến người khác hơn chính mình. Thấu cảm chính là thực hành sự tự siêu việt (self-transcendency), nghĩa là cần phải ra khỏi chính mình để đến với người khác.

Ratio dùng khái niệm này chỉ một lần (số 47) và phần lớn Ratio giải thích nhiều về sự cần thiết của sự tin tưởng lẫn nhau trong việc đồng hành:

“Trước hết, cần tạo điều kiện để có được một bầu khí thanh thản thuận lợi cho sự tín nhiệm hoàn toàn và tin tưởng lẫn nhau: gần gũi nhau trong tình anh em, đồng cảm, thấu hiểu, có khả năng lắng nghe và chia sẻ, và nhất là có một chứng tá nhất quán về đời sống.”[2]

Thật vậy, giữa nhà đạo tạo và người thụ huấn sẽ có sự hiểu biết nhau “sâu sát” hơn nếu như chúng ta không ngừng tìm kiếm, thấu hiểu, đón nhận và lắng nghe một cách đam mê ý kiến của người khác. Ở đây, chúng ta không chỉ nói về sự thấu cảm của nhà đào tạo đối với người thụ huấn, mà còn bao hàm sự thấu cảm của người thụ huấn đối với nhà đào tạo. Điều này không phải là đương nhiên có trong số tất cả chủng sinh. Bởi vì, thực tế cho thấy chủng sinh thường thích đòi hỏi nhà đào tạo hơn là cảm thông và thấu hiểu họ như phải có.

Vì thế, Ratio đòi hỏi:

“Nếu muốn đồng hành một cách đúng đắn, quân bình, với thái độ kính trọng sự tự do và lương tâm của người khác, cũng như giúp cho sự phát triển nhân bản và thiêng liêng của họ, thì mỗi nhà đào tạo phải có những điều kiện thích hợp và những khả năng về nhân bản, thiêng liêng, mục vụ và chuyên muôn xứng đáng. Ngoài ra, bất cứ ai được trao cho trọng trách đào tạo cũng phải được chuẩn bị một cách chuyên biệt và phải có lòng tận tụy quảng đại. Nhà đào tạo cũng phải hiện diện toàn thời gian, và trước hết, họ phải là chứng nhân qua lòng yêu mến và phục vụ dân Chúa, bằng cách xả thân hết mình cho Giáo Hội mà không tính toán.”[3]

Hơn ai hết, các nhà đào tạo phải là người có khả năng “thấu cảm và tin tưởng” đối với các thụ huấn sinh, ngài phải là một “người của tương quan và hiệp thông” để quản trị tốt những tương quan liên vị, biết phân biệt những tương quan khó khăn và tranh chấp, cũng như biết giúp đỡ họ lớn lên và trưởng thành trong cách phương diện nhân cách theo mẫu gương của Chúa Kitô.

3. Docibilitas

Tiếp theo, kinh nghiệm huấn luyện cho phép chúng ta quả quyết rằng nhà đào tạo cũng như người thụ huấn luôn cần đến một khả năng khác, mà cha Cencini gọi là “docibilitas”. Đây là một khả năng mà gần đây được đánh giá cao và thường được đề cập nhiều trong lĩnh vực huấn luyện, mặc dù rất khó khăn để dịch sang ngôn ngữ hiện đại (docibilitas tạm dịch là luôn học để học). Ratio dùng từ này một lần nhưng trong một hoàn cảnh rất ý nghĩa: “Vì nhắm đến sự ngoan ngùy (docibilitas) đối với Chúa Thánh Thần, nên việc đồng hành riêng từng người là một phương tiện đào tạo thiết yếu”[4].

Đối với cha Cencini, tác giả của khái niệm này, docibilitas diễn tả “bí quyết lớn lao” cho việc huấn luyện hôm nay. Khái niệm này diễn tả tiến trình huấn luyện, trong đó chủ thể đóng vai trò tích cực và đặt mình trong tình trạng “biết học”, hay nói cách khác đó là luôn luôn sống trong tiến trình huấn luyện. Theo đó, docibilitas có nghĩa là “suốt đời sẵn sàng học hỏi để học sống từ cuộc sống” và có nghĩa là “để cho mình rơi vào khủng hoảng và thử thách, để cho mình được đụng chạm và biến đổi, hay để cho mình được yêu thương và cả bị đòn vọt, được chỉ giáo và đào luyện từ cuộc sống, với bất cứ phương tiện nào theo sự quan phòng liên lỉ mà Chúa Cha dùng trong suốt cuộc sống mình”[5]. Tôi rất thích ý tưởng này của cha Cencini vì nó gom tất cả thực tại phức tạp và năng động huấn luyện chỉ trong một khái niệm, ngoan ngùy là thái độ thay đổi thực tại!

Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng, một số ứng sinh đã trải qua các giai đoạn của tiến trình huấn luyện mà vẫn y nguyên như trước, bằng cách luồn lách một cách tài tình khi đối diện với những thách đố và đề nghị; không những họ không để cho mình bị tác động bởi bất cứ sự can thiệp nhỏ nhặt nào của nhà huấn luyện, mà còn bộc lộ một cuộc sống xem ra bình thản và trưởng thành. Nhưng thực thế, họ đang mặc bộ áo giáp phòng thủ để núp dấu cái tôi cứng cỏi, khép kín và sợ hãi phải mở lòng ra với người khác và cả với Thiên Chúa.

Để việc huấn luyện có kết quả, cần phải rèn luyện khả năng ngoan ngùy với Chúa Thánh Thần, ngõ hầu chúng ta có thể trở nên nhạy bén với hoạt động của Người trong tiến trình huấn luyện. Chúng ta không được phép nhốt Chúa Thánh Thần như thể nhốt con chim hoàng yến ở trong lồng. Chúa Thánh Thần “như gió muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,5). Trong những lúc chúng ta không tìm thấy lối thoát, Người thấy rõ hơn chúng ta gấp ngàn lần. Vì thế, chúng ta được mời gọi trở nên nhạy bén và để cho Chúa Thánh Thần hoạt động và hướng dẫn chúng ta những chân trời mới lạ. Vì thế, docibilitas – ngoan ngùy với Chúa Thánh Thần phải là đỉnh cao của huấn luyện.

Có một điều cần nhấn mạnh ở đây liên quan đến khoa sư phạm huấn luyện: để đối diện với những thách đố mà Ratio đặt ra, chúng ta phải sẵn sàng để dấn sâu vào trong chính mình, phải từ bỏ lãnh địa an toàn để đi vào những vùng đất mới lạ. Về vấn đề này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rất hay:

“Trong giáo dục, có một sự cân bằng cần được giữ, cân bằng các bước thật tốt: một bước vững chắc trên khu vực an toàn, nhưng bước còn lại sẽ đi vào khu vực rủi ro. Và khi rủi ro đó trở thành an toàn, bước tiếp theo là tìm kiếm một khu vực rủi ro khác. Người ta không thể giáo dục chỉ ở vùng an toàn: không! Điều này là để ngăn chặn nhân cách phát triển. Nhưng cũng không ai có thể giáo dục chỉ ở khu vực rủi ro: điều này quá nguy hiểm. Chúng ta hãy nhớ giữ sự quân bình giữa các bước đó thật tốt.”[6]

Hầu hết chúng ta chỉ thích dừng lại ở vùng an toàn, thỏa mãn với những gì ở bề mặt, hài lòng với những gì đã có. Ít ai dám đi xa hơn, sâu hơn và nhất là dám đặt chân thám hiểm vùng sâu ẩn chứa sự bất nhất và có vấn đề. Việc huấn luyện chỉ được thực hiện “một cách chung chung”, ít cụ thể và chi tiết, nên việc huấn luyện ít có kết quả. Vì thế, điều mà chúng ta đang đề cập là cần có sự mạo hiểm từ phía nhà đào tạo và cả thụ huấn sinh. Đây không phải là sự đòi buộc từ những người hữu trách của cơ chế, nhưng là từ chính Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần hiện diện qua chúng ta và gợi hứng cho chúng ta can đảm ra khơi để thả lưới ở chỗ sâu hơn mà bắt được nhiều cá (x. Lc 5,4). Với niềm vui và sáng tạo, cả sự đau khổ và hy sinh, cùng với niềm đam mê của người ngư phủ, chúng ta hãy mạnh dạn và đừng sợ vì đó là con đường mà Chúa mời gọi để được biến đổi nên giống Chúa.

II. ĐỒNG HÀNH ƠN GỌI

Giờ đây chúng ta có thể chuyển sang đề cập những yếu tố nền tảng cho việc đồng hành ơn gọi và phác họa chân dung nhà đào tạo.

1. Khái niệm, mục đích và biện chứng nền tảng

Có nhiều cách định nghĩa về việc đồng hành, chúng ta chỉ chọn một định nghĩa dễ dàng chấp nhận hơn trong số đó:

“Đồng hành là một sự giúp đỡ tạm thời (temporaneo) và như phương tiện (strumentale) mà một người làm cho người khác để họ có thể nhận ra hành động của Thiên Chúa nơi bản thân và đáp trả lại hành động này bằng việc dần dần sống kết hợp với Thiên Chúa qua việc bắt chước Chúa Kitô”[7].

Ở đây, chúng ta không đi vào chi tiết, nhưng chỉ nhấn mạnh đến một số khía cạnh của khái niệm đồng hành. Trước hết, từ này đặt người đồng hành và người được đồng hành ở cùng một phạm vi của chính ơn gọi; đồng hành nói lên sự khác biệt được tìm thấy trong kinh nghiệm (về Thiên Chúa, về tiến trình, về thời gian v.v…), đó là sự khác biệt không chỉ về số lượng, nhưng cả chất lượng.

Hạn từ “đồng hành” có lẽ phát xuất từ cum-panio trong tiếng La Tinh mà thời Trung Cổ dùng. Nó có nghĩa là “người có chiếc bánh để chia sẻ.” Như thế, đồng hành là muốn nói đến sự chia sẻ, chia sẻ điều gì đó từ cuộc sống như “của ăn đàng,” đó là đức tin, là ký ức về Thiên Chúa, kinh nghiệm về cuộc chiến đấu thiêng liêng, về việc tìm kiếm và cả tình yêu dành cho Người.[8]

Vì thế, nhà đào tạo trước hết phải là người có kinh nghiệm về điều mà họ đã “học để học” từ chính cuộc sống mình. Họ phải đạt tới mức độ trưởng thành cần thiết, là người có những phẩm chất cần có mà Ratio nhiều nơi nói đến, để đồng hành với người thụ huấn.

Trong số những đòi hỏi này, nhà đào tạo phải là con người thủ đắc sự toàn vẹn về hai phương diện nhân cách mà chúng đan xen và hòa nhập vào nhau: “Khía cạnh thứ nhất được ân sủng nhào nặn và phú bẩm cho những tài năng và những nét phong phú; khía cạnh thứ hai lại mang dấu ấn của những giới hạn và những nét mỏng giòn”[9]. Liên quan đến mầu nhiệm con người mà nhà đào tạo cưu mang, trong Hiến chế Gaudium et Spes, Công Đồng Vaticanô II diễn tả theo một hình thức khác rộng hơn theo cái nhìn nhân học:

“Ngay trong chính con người có nhiều yếu tố mâu thuẫn nhau. Vì một đàng, là thụ tạo, con người nhận thấy mình bị những giới hạn trong nhiều phương diện; nhưng đàng khác, lại cảm thấy mình có những khát vọng vô biên và còn cảm thấy được mời gọi tới một cuộc sống cao cả hơn. Bị lôi kéo bởi nhiều quyến rũ, con người luôn được bó buộc phải chọn lựa một số hoặc loại bỏ một số khác”[10].

Đạt tới sự toàn vẹn về các phương diện xung khắc này chỉ có thể có nhờ một sự chấp nhận bình thản và sáng tạo biện chứng nền tảng và liên tục của con tim: biện chứng giữa lý tưởng ơn gọi (tự siêu việt) và thực tại của bản tính nhân loại (thường là những giới hạn và những đổ vỡ do tội lỗi), giữa điều phải đạt tới (cái tôi lý tưởng – io ideale) và điều đã đạt tới (cái tôi hiện tại – io attuale). Đây là thực tại nghịch lý, bởi vì nó đòi hỏi tình trạng căng thẳng liên tục giữa hai thế giới này. Nói cách ngắn gọn, nó đòi hỏi sự ngoan ngùy (docibilitas) như đã nói trên đây.

Chúng ta có thể dùng thái độ của Chúa Giêsu đối với người thanh niên giàu có (Mt 19,16-22) như là kiểu mẫu của việc đồng hành như thế. Chúa Giêsu thấu hiểu sự bất an trong lòng anh, nhưng Người không giải quyết mọi sự như anh muốn. Trái lại, Người đặt ra một câu hỏi mang tính thách thức đến nỗi làm cho anh rơi vào khủng hoảng: một đàng, Người giúp cho anh khám phá ra rằng lý tưởng cao cả mà anh ước ao chính là bước theo Chúa Kitô (sequela Christi), nhưng đàng khác, Người cũng giúp anh trở về trong sâu thẳm lòng mình để đối diện với những giới hạn, những cản trở chống lại lý tưởng ấy, chính là sự dính bén thái quá với của cải vật chất. Chúa Giêsu mời gọi anh: “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi. Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19,21-22). Anh đã làm tất cả, anh có lòng khát khao chân thành, nhưng anh chỉ thiếu một điều, là sự dứt khoát từ bỏ điều mình muốn để chọn điều Chúa muốn. Đó là cản trở lớn nhất của việc nên thánh. Người ta chỉ đạt tới sự thánh thiện chỉ khi gắn bó và bước theo Chúa Kitô. Cha Imoda giải thích câu chuyện này theo hướng huấn luyện: “Sự tương giao này được xây dựng dựa trên việc giải thích những câu hỏi cũng như cả sự đáp trả hiện tại và trực tiếp của chủ thể, vừa dựa trên những giải thích sâu xa hơn bao nhiêu có thể”[11]. Hành trình huấn luyện là một hành trình tự siêu việt không bao giờ kết thúc, nhưng kéo dài suốt đời. Càng huấn luyện càng phải đi sâu hơn, đi xa hơn nhằm tìm kiếm và loại bỏ những cản trở ẩn núp nơi sâu thẳm nhất lòng người. Thật vậy, câu trả lời cho vấn nạn hiện tại luôn làm nảy sinh vấn nạn mới, thường còn quan trọng hơn và thỉnh thoảng làm đảo lộn tất cả chân trời hiện tại, như chúng ta thấy trong trường hợp của người giàu có. Chúng ta hiểu hoán cải là sự đảo lộn chân trời, nên nó là một thực tại nền tảng đối với hành trình huấn luyện.

Theo cách thế đó, đồng hành luôn gắn liền với việc phân định và phân định luôn được diễn ra ở phạm vi rộng hơn, trong những hoàn cảnh mới và môi trường mới. Nhà đào tạo ngoan ngùy là người không chỉ biết phải nói điều gì, nhưng còn biết tại sao và nói lúc nào nữa. Điều này có lẽ là không thể nếu không có yếu tố khó khăn mà chúng ta sẽ nói ở đây.

2. Tương quan

Một yếu tố khác rất quan yếu giúp cho việc đồng hành đạt được kết quả đó là vấn đề tương quan giữa nhà đào tạo và người thụ huấn. Tương quan là một khái niệm rất phong phú xét theo quan điểm triết học, thần học và cả khoa học nhân văn. Ratio nhấn mạnh nhiều lần rằng: Tương quan cá vị với Chúa Giêsu Kitô là cần thiết như nền tảng của ơn gọi linh mục. Không thể được biến đổi trong Chúa Kitô nếu không có tương quan mật thiết với Người. Và không thể ở trong tương quan với Chúa Kitô nếu không có tương quan với Nhiệm Thể Người, tức là Giáo Hội và nhân loại, như thánh Gioan nói: “Ai không yêu người anh em mà mình thấy, thì không thể yêu Thiên Chúa, Đấng không nhìn thấy” (1 Ga 4,20). Vì thế, chúng ta có thể nói khi nhắc lại lời của Martin Buber rằng: “Ngay từ ban đầu đã có tương quan.” Trước hết là tương quan giữa nhà đào tạo và người thụ huấn, nhưng trên bình diện sâu hơn, có tương quan giữa người thụ huấn với Thiên Chúa, giữa người thụ huấn với người khác và thụ tạo.

Tương quan liên vị là vấn đề trung tâm của nhiều công trình nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học nhân văn, tâm lý và tâm lý trị liệu. Nhờ những kết quả nghiên cứu này mà chúng ta thấy rõ ràng hơn tầm quan trọng của nó trong việc phát triển nhân cách, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo linh mục. Theo đó, linh mục trước hết là con người của các tương quan, của cộng đoàn. Tương quan không chỉ là khả năng vô thức, nhưng còn là hoa trái của hoạt động ý thức, học hỏi và huấn luyện. Khả năng liên vị bắt đầu từ trong dạ mẹ, sau đó dần dần lớn lên và trưởng thành, người ta trở nên khác biệt và hoàn hảo. Khi một ứng sinh sống trong chủng viện, anh ta đã mang trong mình một lịch sử dài và những hình thức của tương quan, được hình thành từ rất lâu. Vì vậy, nhà đào tạo trước hết phải ý thức về tầm quan trọng của thế giới nội tâm này và phải biết phân định chúng cách tốt đẹp.

Đối với người thụ huấn, họ rất cần phải xem lại bản thân để nhận thức khả năng xây dựng tương quan. Họ được mời gọi xây dựng các mối tương quan một cách đúng đắn, ổn định, lành mạnh, nhưng đồng thời, phải có tính linh động, tự do và cởi mở trong môi trường huấn luyện. Họ cần được huấn luyện để biết tạo lập tương quan tốt, tránh hình thức “chuyển cảm” (transfert), hay tái hiện những tương quan của quá khứ dưới một hình thức mới trong hoàn cảnh mới.

Tông huấn Pastores Dabo Vobis nhấn mạnh nhiều đến sự trưởng thành nhân bản của linh mục với những điểm nhấn đặc biệt về khả năng liên vị:

“Noi gương Đức Giêsu Kitô là Đấng “biết được những điều chất chứa trong lòng người” (Ga 2,25; x. 8,3-11), linh mục cần phải có khả năng hiểu biết sâu xa lòng trí con người, trực giác được những khó khăn và những vấn đề, tạo điều kiện dễ dàng cho sự gặp gỡ và đối thoại, đạt được lòng tin cậy và sự cộng tác, phát biểu được những phán đoán lành mạnh và khách quan”[12].

Hơn 25 năm kể từ khi được phát hành, Tông huấn này vẫn tiếp tục đòi hỏi các ứng sinh, linh mục và cả nhà đào tạo cần phát triển phẩm chất này nơi bản thân. Họ phải được chuẩn bị kỹ càng về các phương diện từ hiểu biết tâm lý, kinh nghiệm mục vụ và đời sống linh mục, để có thể trở thành những bậc thầy có khả năng “hiểu biết sâu xa lòng trí con người”, họ cần được chuẩn bị lâu dài và chắc chắn để trở thành “con người của những tương quan tốt” khi phục vụ giữa một môi trường “bá nhân bá tính”. Trong lĩnh vực này, ân sủng nâng đỡ tự nhiên theo đòi hỏi của nó.

3. Những tác nhân và phương tiện

Ratio trong chương VI liệt kê tất cả các tác nhân đào tạo (bắt đầu từ Chúa Ba Ngôi, đến Giám Mục và cuối cùng là giáo dân), nhưng vì mục đích của chủ đề này, chúng ta chỉ nói về những nhân vật quan trọng, đó là giám đốc, cha linh hướng và các nhà đào tạo trong chủng viện. Ratio phân biệt một cách rõ ràng các vai trò này cũng như xác định những bổn phận dành riêng cho họ (RFIS, số 43).

Tuy nhiên trong từng vai trò, Ratio nhấn mạnh đến việc cá vị hóa trong đồng hành. Vì thế, đồng hành được cá vị hóa khi biết xây dựng tương quan thân tình và gần gũi với mỗi người, hiểu biết tường tận lịch sử của từng người, vì tương quan được thiết lập khi có tính hỗ tương. Không thể chờ đợi sự cởi mở và tin tưởng từ phía người thụ huấn, nếu nhà đào tạo thiếu sự trong sáng, tin tưởng đối với thụ huấn sinh.

Trong cơ cấu ban đào tạo, dĩ nhiên mỗi vai trò có sự khác biệt riêng, nhưng một cách chính yếu, họ đều cố gắng chăm sóc ơn gọi của các thụ huấn sinh, tất cả đều có một mục đích: “Giúp nhận ra hành động của Thiên Chúa nơi bản thân và đáp trả lại hành động này bằng việc dần dần sống kết hợp với Thiên Chúa qua việc bắt chước Chúa Kitô”.

Để đồng hành hiệu quả, cần đưa việc đối thoại cá nhân (colloquio personale) vào trong chương trình đào tạo như là phương tiện chính yếu của huấn luyện (x. Vita consecrata, số 66), đây là đối thoại liên vị giữa nhà đào tạo với người thụ huấn, qua đó nhà đào tạo thấu hiểu người thụ huấn hơn nhờ sự trao đổi và chia sẻ lịch sử ơn gọi của họ, đồng thời nhà đào tạo có thể chia sẻ kinh nghiệm mình, hướng dẫn xây dựng nhân cách và căn tính linh mục của thụ huấn sinh. Nhà đào tạo hiện diện như một người biết lắng nghe cách chăm chú, thông minh, có khả năng phán đoán đúng đắn, ngài làm mọi sự với lòng yêu mến chân thành – đó là những phẩm chất thiết yếu của nhà đồng hành. Bản chất kinh nghiệm có thể khác nhau, nhưng sự khác biệt được thiết lập bởi người biết lắng nghe và đặt những câu hỏi đúng lúc. Điều đó sẽ giúp làm phát sinh một chân trời mới trong đó người thụ huấn được mời gọi tiến bước. Kinh nghiệm có thể thuộc mục vụ, tri thức, luân lý và tu đức… để chia sẻ.  Nhờ cuộc gặp gỡ đồng hành, người thụ huấn được lớn lên trong khả năng “học để học” như từ docibilitas diễn tả. Ratio nhấn mạnh rằng nhà đào tạo phải làm việc trong phạm vi khả năng mình, nhưng con người là một thực tại toàn thể: Mỗi người có một phạm vi bổ túc và phối hợp chặt chẽ với nhau trong toàn bộ chương trình huấn luyện. Đội ngũ các nhà đào tạo trước hết phải là một cộng đoàn huynh đệ và giúp đỡ lẫn nhau. Nếu các nhà đào tạo hiệp nhất với nhau trên bình diện huấn luyện, thì công việc huấn luyện đã đạt được 50% thành công rồi. Bởi thế, giữa họ cần tránh sự chia rẽ và mâu thuẫn nhau về chương trình huấn luyện. Nhưng tất cả cùng ở trên “một trang giấy” hay cùng ở trên một con đường huấn luyện.

Đới với thụ huấn sinh, nhà đào tạo phải biết trong sâu thẳm người thụ huấn cũng như cả lịch sử cá nhân của họ (x. RFIS 94), cả những cảm xúc bên trong họ. Trong việc đồng hành, mỗi người cố gắng hiểu biết chính mình, chấp nhận chính mình để được biến đổi theo ý định của Chúa Cha trong Chúa Con. Điều này không thể thực hiện nếu những cuộc gặp gỡ cá nhân không phải một yếu tố thường xuyên, liên tục, phải có mục đích và phương pháp rõ ràng (x. VC, 66). Để được như thế, chúng ta phải dành nhiều thời gian, kiên nhẫn và điều độ. Cần có lịch cụ thể và chủ đề huấn luyện cho cuộc gặp gỡ cá vị như thế. Đặc biệt, cần học hỏi sư phạm đồng hành.

Điều quan trọng mà mỗi người cần ý thức rằng gặp gỡ đồng hành là việc làm hữu ích, sống động và quan trọng cho tiến trình huấn luyện, chứ không phải việc phải làm cho có. Nên chúng ta cần chấm dứt kiểu hình thức huấn luyện của ngày xưa, đó là giám đốc chỉ gặp chủng sinh một lần vào những dịp lễ rất long trọng, hay cha linh hướng chỉ giới hạn việc gặp gỡ vài lần mỗi năm. Nên họ biết rất ít về người thụ huấn. Là nhà đồng hành có nghĩa là người hiện diện rất thân tình và huynh đệ với nhau thường xuyên ở chính bàn ăn, trên lớp học, trong nhà nguyện và cả trên sân chơi…, họ sống cởi mở với nhau một cách thân thiện và trong sáng. Các chủng sinh cũng cần tránh thái độ sợ hãi, trốn tránh và khép nép khi gặp nhà đào tạo. Đó là thái độ thiếu trưởng thành. Tương quan lành mạnh, thân thiện và trong sáng thật cần thiết đối với nhà đào tạo cũng như người thụ huấn. Mỗi người được mời gọi tạo cho mình có “khả năng gần gũi với người khác và cả khả năng để cho người khác gần gũi mình”.

III. PHÂN ĐỊNH

Tôi muốn bắt đầu phần cuối cùng của bài viết này với sự quy chiếu của Ratio từ cuốn Linh Thao của thánh Ignatio (RFIS, số 43). Ratio trích dẫn số I của Linh Thao thiết lập một chỉ dẫn đơn sơ nhưng ý nghĩa cả cho hành trình tu đức và phân định.

Chúng ta được mời gọi tham dự những cuộc linh thao với nhiều hình thức khác nhau để “chuẩn bị tâm hồn cho việc giải phóng mình khỏi mọi tình trạng dính bén lệch lạc và sau khi đã tránh được chúng, sẽ tìm kiếm và thấy được ý Chúa trong cách xếp đặt cuộc đời nhằm mưu ích cho linh hồn mình”[13].

Theo cái nhìn này liên quan đến đời sống tu đức, chúng ta có thể lưu ý hai thời điểm phù hợp với cái nhìn rất kinh điển: trước hết là giai đoạn tiêu cực và khổ chế (con đường thanh tẩy hay tôi luyện) và thứ đến là giai đoạn tích cực và huyền bí (con đường ánh sáng và nhiệm hiệp). Tất cả hành trình ơn gọi có thể tóm tắt trong hai giai đoạn này, nhưng trước khi bàn về một vài điểm đặc biệt, chúng ta cần trình bày chân dung mới mẻ của nhà đào tạo trước hết phải là “bậc thầy của phân định”.

1. Thầy của phân định

Phương tiện đầu tiên và dĩ nhiên “tiêu chuẩn” phân định chính là con người của nhà đào tạo. Nhân cách của họ càng mạnh khỏe và thánh thiện, càng tự do thoát khỏi sự thiếu trưởng thành của bản thân, càng phù hợp với mục tiêu phân định. Ở đây, chúng ta có thể nhắc lại câu nói nổi tiếng của Lonergan: “Tính khách quan là kết quả của tính chủ quan đích thực”[14], nghĩa là tính chủ quan liên tục được biến đổi theo lý tính, luân lý và đạo đức; hay chủ thể quan sát, hiểu, đánh giá và hành động một cách mới mẻ theo mức độ luôn mới, học hỏi từ những sai lầm của mình nhằm có những quan sát mới, hiểu biết mới, phán đoán mới, hành vi có trách nhiệm hơn, học hỏi từ những điều logic và phi logic, cũng như điều thuộc lý tính và thực tế. Như thế, tâm điểm của phân định chính là con người, chứ không phải là quy tắc, lề luật hay tiêu chuẩn. Phụng vụ lễ truyền chức làm sáng tỏ điều này, khi giám mục hỏi giám đốc về tiến chức liên quan đến tính phù hợp của ứng viên cho chức linh mục. Ở đây, Giáo Hội đòi hỏi sự phù hợp hay sự xứng đáng của tiến chức, nghĩa là nơi con người tiến chức, chứ không hỏi về bằng cấp hay những thành quả khác.

Làm sao chúng ta đạt tới tính chủ quan đích thực? Không có con đường nào khác ngoài việc thám hiểm một cách chú ý, lý tính, phê bình và say mê về kinh nghiệm bản thân. Ratio trong nhiều nơi nhấn mạnh đến sự cần thiết của sự hiểu biết lịch sử cá nhân của người thụ huấn. Nếu điều này là quan trọng đối với người thụ huấn thì còn quan trọng hơn đối với nhà đào tạo. Nhà đào tạo trước hết phải là một người biết rõ về đời sống của mình và chỉ có thể trở thành như thế nếu ngài đón nhận từ chính lịch sử cá nhân và sống lịch sử đó theo ánh sáng của Chúa Thánh Thần để được biến đổi.

Để làm sáng tỏ mục tiêu của tiến trình này, tôi mạn phép dùng một dẫn chứng hơi sốc. Trong một cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y Stella đã đi đến kết luận rất thú vị về cuộc nghiên cứu nội bộ do Bộ Giáo Sĩ thực hiện về những áp dụng liên quan đến việc tháo gỡ những đòi buộc khỏi bí tích truyền chức. Một trong những kết quả mà nghiên cứu này mang lại là: “Có khá nhiều trường hợp trong đó hành trình huấn luyện không được thực hiện một cách nghiêm túc, hoặc có những dấu chỉ tiềm ẩn cho những khủng hoảng tương lai; không dễ dàng một người bỗng nhiên trở nên ‘mát mát’, hoặc trở thành thối nát một cách bất ngờ mà chưa bao giờ tồn tại trước đó”[15]. Những lời này là sự thật. Nó cũng đúng khi hiểu một cách ngược lại đối với những ai sống tốt ơn gọi của mình, họ sẽ mang lại những hoa quả tốt. Vì người ta không bỗng nhiên trở thành quỷ dữ, cũng không bỗng nhiên trở thành thánh nhân, tất cả là kết quả của một quá trình.

Có nhiều trường hợp mà trong suốt hành trình huấn luyện không xuất hiện những khó khăn và khủng hoảng. Tuy nhiên, đến lúc nào đó, chúng lại xuất hiện trong đời. Khủng hoảng là một phần của mỗi lịch sử ơn gọi và trong mỗi lịch sử ơn gọi có những lúc phải đối diện với nguy hiểm và cả cơ hội. Điều quyết định sự khác biệt là khả năng biến đổi những giây phút đó thành cơ hội để lớn lên. Đó là khả năng mà chúng ta gọi là phân định, hay khả năng nhận ra hành động của Thiên Chúa và đáp trả lại hành động ấy. Điều này thường cần đến sự giúp đỡ của người khác. Không ít khi chúng ta nhận ra nghịch lý kép này: nhờ những khủng hoảng mà lịch sử ơn gọi trở thành lịch sử cứu độ và trở thành một trang mới của Tin Mừng. Nhiều chứng tá như thế mà chúng ta có thể gặp trong các phong trào đặc sủng. Nhưng với tư cách là nhà đào tạo, chắc chắn chúng ta đã gặp và giúp đỡ nhiều người thụ huấn có vấn đề, nhưng nhờ ơn Chúa và cố gắng, họ đã trở thành linh mục tốt và hữu ích cho Giáo Hội.

Cuộc đời mỗi người được đánh dấu bởi chính sự năng động mà họ kinh nghiệm không chỉ từ những lúc bình yên vô sự mà cả những lúc gặp sóng gió thử thách. Tất cả có thể là cơ hội giúp chúng ta lớn lên. Cả những nhân vật trong Tin Mừng cũng cho thấy khiếm khuyết nơi họ, chẳng hạn như thánh Phêrô. Nhưng họ đã được ơn Chúa biến đổi và nhờ thiện chí của bản thân. Con đường đầu tiên mà Giáo Hội phải đi đó là chính con người. Con người “là con đường đầu tiên và nền tảng của Giáo Hội, con đường ấy được đánh dấu bởi Chúa Kitô, con đường ấy phải qua mà không thể thay đổi nhờ mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc”[16]. Việc lớn lên luôn qua hai giai đoạn này của đời sống tu đức: giai đoạn khổ chế, là giải thoát mình khỏi tội lỗi hay những dính bén lệch lạc, đón nhận những giới hạn v.v… và giai đoạn thần bí là khám phá ý Chúa trong một hoàn cảnh mới và bước theo Người.

2. Tự do khỏi những dính bén lệch lạc

Đối với những ai hiểu biết về Linh Thao của thánh Ignatio rõ ràng người được mời gọi tới thiên chức linh mục là người “của tuần thứ hai,” nghĩa là một người đang tìm kiếm điều thiện hảo, người đã cảm nhận lời mời gọi của Vua hằng hữu và người đã khám phá ơn gọi linh mục của mình rồi. Điều này giả thiết rằng họ đã vượt qua khỏi những tội nặng, nghĩa là có một đời sống trật tự, tự do, không vướng mắc tội trọng. Nếu điều này có giá trị với người thụ huấn, thì đồng thời cũng có giá trị đối với nhà đào tạo. Để không xảy ra nơi họ một đời sống vô trật tự và bất ổn một cách sâu xa.

Sự thanh tẩy của giai đoạn này hệ tại ở việc giải thoát mình khỏi những dính bén lệch lạc. Đây là một đề tài rất tế nhị, bởi vì những dính bén lệch lạc này thường không được nhận biết từ chính đương sự. Chúng ta đã thấy trong trường hợp người giàu có: dính bén lệch lạc của anh xuất hiện không chỉ ở trên bình diện anh ta gắn bó với của cải thế gian, đây chỉ là bên ngoài của vấn đề. Nhờ những can thiệp của Chúa Giêsu, anh ta khám phá ra mình đang có một sự gắn bó rất tinh vi: đó là gắn bó với chính tiến trình và cái nhìn về sự trọn lành. Anh ta tỏ ra buồn bã bởi lẽ, anh đã khám phá ra sự quy ngã của mình – anh chỉ muốn mình là tác giả của sự nên trọn lành cho mình (“Tôi phải làm gì?” x. Mt 19,26). Nên anh đã không thể bước theo Chúa. Đó là cám dỗ của tất cả chúng ta và đó cũng là kẻ thù nguy hiểm của sự nên trọn lành. Tất cả những dính bén lệch lạc có cùng một đặc điểm này: chúng ta muốn mình là ông chủ đời mình và khi chúng ta khám phá sự đòi hỏi quyết liệt bước theo Chúa Kitô, chúng ta cảm thấy sửng sốt và buồn phiền. Những dính bén lệch lạc này mà các nhà tâm lý gọi đó là sự bất nhất vô thức nền tảng (inconsistenze inconsce centrali) – đó là những hình thức dối trá của những ai bước theo Chúa Kitô. Đó là người loan báo những giá trị của Chúa Giêsu một cách ý thức, nhưng một cách vô thức họ tìm kiếm và thỏa mãn những nhu cầu quyền lực, danh vọng và sở hữu. Chủ nghĩa duy hình thức này thường là không phải tội lỗi, bởi vì thuộc vô thức, nhưng nó không ngừng ảnh hưởng trên ý nghĩa phục vụ của chúng ta cho Nước Trời. Hơn thế nữa, nó tạo nên một vùng mà việc huấn luyện thường quên lãng, nơi đó, những lối huấn luyện cổ điển không mang lại kết quả cho đương sự ở phạm vi này. Đó là “con quỷ” nấp mình dưới những hình thức và động lực thánh thiện. Vì thế, cần phải làm sáng tỏ và được biến đổi trên hành trình theo Chúa.

3. Thần bí trong hành động

Ai dám cho rằng mình được tự do khỏi những dính bén lệch lạc như thế để được tự do khám phá và thực thi ý Chúa. Chúng ta có thể nói về sự thần bí của ý muốn, nghĩa là muốn điều Thiên Chúa muốn. Đó là ý nghĩa của khái niệm “thần bí trong hành động”.

“Nếu chúng ta thực sự kết hợp với Thiên Chúa chỉ bằng ý muốn. Ý muốn chung quy lại là sự tự do và sự tự do là nền tảng của hiện hữu. Điều này không có nghĩa là chúng ta thỉnh thoảng suy nghĩ về Thiên Chúa, khi chúng ta chuẩn bị nấu ăn. Nhưng mỗi hành động của chúng ta là ý Chúa. Và khi đó tất cả là ý Chúa, Thiên Chúa ở trong đó, chúng ta làm điều Thiên Chúa muốn”[17].

Ai là người tự do với chính mình để có thể gắn bó hoàn toàn với Chúa Giêsu: hành động của họ sẽ là tình yêu đích thực, họ sẽ quên mình, không có ghen tỵ với người khác, việc hiến dâng của họ không để được ca ngợi, họ không còn yêu cầu sự nhận biết và ưu tiên, hay khích lệ từ người khác. Trái tim họ - như Ratio nói – sẽ được biến đổi theo hình ảnh của trái tim Chúa Kitô (số Ratio, số 89).

Được biến đổi bởi Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần theo hình ảnh Chúa Kitô (con đường ánh sáng và nhiệm hiệp) có nghĩa là bước theo Người trong đời sống ẩn dật và công khai (tuần thứ hai của Linh Thao), tử nạn và chết (tuần ba) và cuối cùng là phục sinh (tuần bốn). Không có con đường nào khác ngoài con đường được Tin Mừng diễn tả: “Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất, mà không thối đi, nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,14). Sự biến đổi hay biến hình (Ratio thích dùng từ: đồng hình đồng dạng) có nghĩa là chết và phục sinh, vì chết là một dạng và sự phục sinh là dạng khác. Hành trình này là cuộc vượt qua của chúng ta.

Kết luận

Chúng ta đang đối diện với một sứ vụ rất quan trọng và khó khăn. Như các môn đệ của Chúa Giêsu (Mt 13,52), chúng ta được mời gọi lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng nói với chúng ta qua những dấu chỉ mới mẻ của thời đại, vừa qua Kinh Thánh, Truyền Thống và Huấn Quyền. Một nhà đạo tạo đích thực là người luôn quan tâm và canh tân kinh nghiệm sống của mình: Kinh nghiệm về Thiên Chúa, về con người và về thế giới. Kinh nghiệm đó mang lại cho ta sự hiểu biết mới mẻ và lòng mến nồng nàn hơn để dấn thân phục vụ. Ratio mời gọi chúng ta sống kinh nghiệm huấn luyện và để cho mình được biến đổi nhờ kinh nghiệm này. Đã đến lúc chúng ta phải loại bỏ những “bầu da cũ,” tức là lối huấn luyện cũ, để tiếp nhận những “bầu da mới,” là những phương pháp huấn luyện mới, ngõ hầu mỗi người chúng ta trở thành những khí cụ vừa tay hay thợ gốm lành nghề trong sứ vụ đào tạo, để có thể giúp đỡ và hướng dẫn người khác đến với Chúa, dẫu biết rằng chúng ta chỉ là những tôi tớ vô dụng bất tài. Khi đã cố gắng hết mình, cuối cùng chúng ta có thể bình thản nói rằng: “Chúng ta đã làm những gì phải làm” (Lc 17,10).

Đọc thêm các bài trong loạt bài "Đồng hành ơn gọi linh mục: sứ vụ và nghệ thuật” của tác giả Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương:

Bài 4: Đồng hành và phân định ơn gọi linh mục

Bài 3: Đào tạo linh mục: Đào tạo toàn vẹn chiều sâu

Bài 2: Đào tạo linh mục, một tiến trình năng động

Bài 1: Hướng tới một chủng viện hiệp hành: Hiệp thông, tham gia và sứ vụ

 

 

[1] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Novo Millennio Ineunte (96/01/2001), 43: AAS 93 (2001),297.

[2] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, Hồng ân – Ơn gọi linh mục, Nxb. Tôn Giáo, 2017, 47. Viết tắt là RFIS.

[3] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, op. cit., số 49, 48-49.

[4] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, op. cit., 45.

[5] A. Cencini, “Se il Padre è il formatore, tutta la vita è formazione per la potenza dello Spirito Santo,” Sequela Christi 2 (2015) 66-67.

[6] Đức Phanxicô, Discorso agli studenti delle scuole gesuiti in Italia e Albania, 7 tháng 6 năm 2013.

[7] A. Manenti, Comprendere e accompagnare la persona umana, EDB, 2016, 205.

[8] x. A. Cencini, I sentimenti del Figlio. Il cammino formativo della vita consacrata, Bologna 1998, 48-49.

[9] Bộ Giáo Sĩ, Đào tạo Linh mục, op. cit., số 28.

[10] Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 10.

[11] F. Imoda, Sviluppo Umano. Psicologia e Mistero, Bologna 2005, 158.

[12] PDV, số 43.

[13] Ignatio Loyola, Linh thao, 1.

[14] Cf. B. Lonergen, Metodo in Teologia, Roma, Città Nuova 2001, 296-297: “L’oggettività è il risultato della soggettività autentica.”

[15] Interview with the Prefect of the Congregation for the Clergy His Eminence, Beniamino Cardinal Stella, https://www.clerus.va/content/clerus/en/notizie/new3.htmlOsservatore Romano, 7 December, 2016.

[16] Đức Gioan Phaolô II, Redemptor Hominis, 14.

[17] E. Varillon, Traversate di un credente, Milano 2008, 270. 

Nguồn: https://tgpsaigon.net/