BỐN LỜI KHUYÊN CỦA ĐỨC PHANXICO

BỐN LỜI KHUYÊN CỦA ĐỨC PHANXICO

ĐỂ CHỐNG LẠI GIẬN DỮ 

Phải cân bằng trong những đam mê, phải điều khiển để những đam mê này hướng về điều tốt đẹp, đó là cách chế ngự thói giận dữ.  

 

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày 31 tháng 1-2024 tại Hội trường Phaolô VI. 

Trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 31 tháng 1-2024, Đức Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về tính tốt tính xấu, tuần này ngài nói về thói giận dữ, đó là tính xấu làm hủy hoại các mối quan hệ của con người.

 

 “Cuộc sống không phải là một dòng sông êm đềm nhưng là một ngọn núi để leo lên”. Ai cũng đều từng trải cảm giác đau đớn khi để bản thân mình bị cơn giận làm mất lý trí. Đức Phanxicô nói, tức giận làm mờ tâm trí và cuối cùng làm chúng ta mất ngủ. Đối diện với những thất vọng của thói xấu này, ngài đưa ra bốn lời khuyên nhỏ để chống lại các cơn giận dữ.

 

Thứ nhất là trau dồi “lòng tốt”. Lòng tốt không phải là dễ thương hay tin tưởng. Lòng tốt là chúng ta cho người khác thấy chúng ta tìm kiếm điều tốt cho họ, qua lời nói và hành động để họ cảm nhận được lòng biết ơn. Mỗi người đều phải cố gắng trở nên tốt, công bằng và hiểu biết.

 

Thứ hai là “mở lòng” với những người xung quanh bằng cách chấp nhận con người của họ, lắng nghe họ và chia sẻ thì giờ với nhau trong tình anh em.

 

Thứ ba là “dịu dàng”. Dịu dàng là yêu thương người khác trước mặt mình. Giống như Chúa Kitô đã thương xót người thanh niên giàu có đến với Ngài: “Chúa Giêsu đưa mắt nhìn và đem lòng yêu mến.” (Mc 10:21).

 

Cuối cùng là “kiên nhẫn”. Như Thánh Phaolô nhắc chúng ta, chúng ta phải chịu đựng lẫn nhau, đôi khi chịu đựng những điều không thể vượt qua nhưng vẫn bám chặt vào những gì chân thật và tốt lành. Kiên nhẫn là đức tính được duy trì như một cánh đồng.

 

Giận dữ, tệ nạn dai dẳng trong xã hội

Đức Phanxicô nhắc, sự tức giận bộc lộ cho thấy những phần đen tối nhất của con người, có người có thể kìm nén cơn giận ở nơi làm việc, nhưng khi về nhà, họ hết kiên nhẫn, họ trở nên không thể chịu đựng được dưới mắt vợ con. Giận dữ là điều trỗi dậy bên trong bạn và không thể bị kìm nén mãi mãi. Khi nó tràn ra, chính những người xung quanh chúng ta trở thành mục tiêu để chúng ta giải tỏa.

 

Vấn đề của tức giận là không nhất thiết nó giảm theo thời gian, có khi nó càng mãnh liệt và dẫn con người đến ước muốn trả thù cay độc. Ngài cảnh báo, “tức giận thường là nguồn gốc của chiến tranh và bạo lực”. Ngài kêu gọi chúng ta đừng để “những hiểu lầm và sai sót” khơi dậy sự tức giận của mình, nhưng phải giữ sáng suốt và giải quyết ngay lập tức những gì đang làm phiền chúng ta. Sau đó chúng ta phải bắt đầu đối thoại và thảo luận để có được thanh thản. Vì vậy, chúng ta phải lựa chọn và “học cách tha thứ”, dù rất khó để có được sự khiêm nhường này.

 

Sự tức giận lành mạnh

Như thế tức giận có nên bị cấm khỏi cuộc sống chúng ta không? Còn tức giận chính đáng khi đối diện với bất công thì sao? Về điều này, Thánh Augutinô đã viết trong Tổng luận Thần học, “tức giận không phải lúc nào cũng là một chuyện xấu”. Đức Phanxicô cũng đưa ra quan điểm về việc phân biệt giữa quan trọng và thiết yếu, giữa “phẫn nộ thánh thiện” và “tức giận xấu xa”. Ngài nhấn mạnh: “Nếu một người không bao giờ tức giận, không cảm thấy xúc phạm vì bất công, không rùng mình khi thấy người yếu đuối bị áp bức, như thế họ không phải là con người, lại càng không phải là một tín hữu kitô.”

 

Ngài kết luận, phải cân bằng trong những đam mê, phải điều khiển để những đam mê này hướng về điều tốt đẹp, đó là cách chế ngự thói giận dữ. Một tiến trình đôi khi khó khăn và đau đớn nhưng cần thiết để tiến tới sự thánh thiện.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)