Ung thư phổi được xếp vào nhóm bệnh ung thư khó sàng lọc phát hiện sớm. Bệnh gồm 2 nhóm khác nhau về điều trị bệnh: Ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm 15-20% và Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ chiếm 80-85%.
Theo thống kê, 3 khu vực có tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi cao nhất lần lượt là Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á, Việt Nam cũng là một trong những đất nước nằm trong các khu vực này. Nhiều nghiên cứu cho thấy 80% bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí.
Diễn tiến âm thầm và tiên lượng xấu là những đặc điểm quan trọng của loại bệnh này. Người bệnh có thể đến khám vì ho kéo dài, ho ra máu, khó thở, đau ngực, đau xương...
Những dấu hiệu sớm phát hiện ung thư phổi
Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng, không đặc hiệu như ho, tức ngực, khó thở. Bệnh nhân thường đến viện ở giai đoạn muộn.
Bệnh nhân cần được khám lâm sàng một cách tỉ mỉ, đối với các bệnh nhân đã biết rõ hoặc nghi ngờ ung thư phổi vì những biểu hiện đa dạng của diễn tiến tại chỗ - tại vùng và di căn xa.
Ung thư trong nhu mô phổi không gây đau đớn thế nên thường khi bệnh diễn tiến xa mới có các triệu chứng xuất hiện. Các triệu chứng xuất hiện vào lúc chẩn đoán ung thư phổi tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối bướu, của bất kỳ ổ di căn nào cũng như mức độ xâm lấn đến các cơ quan, sự xuất hiện ngẫu nhiên của dấu hiệu tiền ung thư.
Ho nhiều
Các triệu chứng thường gặp là ho, chiếm khoảng 70% các trường hợp, khó thở, ho ra máu, viêm phổi tái diễn, đau ngực, có thể kèm triệu chứng khàn tiếng. Với tất cả trường hợp ho kéo dài trên 2 tuần, đã điều trị nhưng không có hiệu quả.
Ho máu là một dấu hiệu nguy hiểm cần phải được phát hiện sớm và xử trí ngay. Thường được mô tả là ho ra đờm nhuốm ít máu đỏ tươi, trong vài ngày liên tiếp, thậm chí số lượng máu tăng dần theo thời gian.
Đau tay, vai và các ngón tay
Khi khối u ở tại đỉnh phổi, hiện tượng xâm lấn thành ngực và mạng thần kinh cánh tay gây đau cánh tay và đau vai kèm dị cảm da.
Sụt cân
Đôi khi những người mắc ung thư phổi thường không ho hay đau ngực, mà chỉ thấy xuất hiện cảm giác chán ăn, ăn không ngon kéo dài, gầy sút từ vài kg tới 5-6kg trong 1,2 tháng.
Thường xuyên bị nhiễm trùng
Ung thư phổi có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng ảnh hưởng đến đường hô hấp và dẫn đến các bệnh như viêm phế quản hoặc các bệnh nhiễm trùng mãn tính khác.
Phòng ung thư phổi
Ung thư phổi cũng được xếp vào nhóm khó phát hiện sớm. Vì thế, dự phòng bệnh được coi là chiến lược quan trọng nhất. Theo đó, người dân không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi, đi khám sức khỏe định kỳ.
Với những người ngoài 50, bác sĩ khuyến cáo cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng - 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.
Hà An
Nguồn: https://dantri.com.vn