Thực trạng gia đình Việt Nam hôm nay

THỰC TRẠNG GIA ĐÌNH VIỆT NAM HÔM NAY

Linh mục Phanxicô Salêsiô Lê Văn La Vinh, OP
Dòng Đaminh Việt Nam

Mục lục

Dẫn nhập

1. Định nghĩa về gia đình

2. Thực trạng của các gia đình Việt Nam hôm nay:

3. Các thách đố Mục Vụ

Tạm kết

 

Dẫn nhập

Ngây ngất êm đềm khi tưởng nhớ
Ngôi nhà nếp sống kẻ thường dân
Giêsu cứu Chúa, Người thầm lặng,
Vui cảnh đơn sơ thú thanh bần
Thánh gia từng trải nỗi lầm than,
Xin dủ tình thương kẻ cơ hàn,
Đoái lại gian trần đầy đau khổ,
Cho người kêu khấn được ủi an.

Hai câu Thánh Thi này được đọc trong giờ kinh ngày lễ kính Thánh Gia Thất đã mô tả một chút về gia đình của Chúa Giêsu. Trong ngôi nhà này, có đủ thành phần là cha, mẹ và con cái. Cũng như bao gia đình khác ở trần gian, gia đình này cũng biểu hiện đầy đủ nếp sống của một gia đình: có mối tương quan gia đình gia tộc, có lao động, có gặp thử thách gian truân, và mỗi người cảm nếm được sự ngọt ngào của tình thương và hạnh phúc nơi mái ấm gia dinh... Và quan trọng hơn hết là gia đình này có Chúa ở cùng.

Trong bối cảnh của những ngày Ủy Ban Mục Vụ Gia đình - Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - tổ chức Hội Nghị Thường Niên năm 2020 bàn về những định hướng mục vụ và đưa ra những áp dụng thực hành cho gia đình tại Việt Nam. Thiết nghĩ điều trước tiên chúng ta cần phải làm là tìm hiểu về đời sống của các gia đình Công giáo, hay nói cách khác là chúng ta cùng tìm biết về “thực trạng của các gia đình Công giáo Việt Nam” trong bối cảnh xã hội hôm nay.

Đây chính là mục tiêu của bài viết này. Từ đó và nhờ đó, chúng ta có thể thấy được những khó khăn và thuận lợi mà các gia đình đang sống và thấy được những thách đố mà những người làm mục vụ phải đối diện để cùng nhau tìm phương hướng giải quyết và có những hướng dẫn cụ thể, những áp dụng thực hành cho các gia đình.

1. Định nghĩa về gia đình

Gia đình là gì? Chúng ta nhận thấy là có nhiều cách để trả lời cho câu hỏi này. Thật vậy, từ nhiều góc độ và xét trên nhiều phương diện, chúng ta có những câu định nghĩa về gia đình.

Điều đầu tiên cần xác định ở đây là - nhờ mặc khải và trong đức tin - Đức kitô là trung tâm, Đức Kitô là cùng đích, là nguồn sống của các Kitô hữu. Và như vậy, gia đình Kitô hữu và những thực tại của các gia đình cũng đều bắt nguồn từ Đức Kitô và luôn sống trong Ngài. Như thế, chúng ta thấy rằng trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô, các gia đình Công giáo đều mang nơi mình một chiều kích linh thánh và siêu việt.

- Theo thánh Phaolô, hình ảnh hôn phu, hôn thê nơi mỗi gia đình và các mối tương quan là hình ảnh sống động cho mối tương quan giữa gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa và cũng là hình ảnh sống động trong tương quan giữa Chúa Kitô và Giáo hội của Người. Sự hiệp thông này được hoàn tất vĩnh viễn nơi Đức Giêsu Kitô.

- Khởi đi từ những trang đầu của bộ Kinh Thánh cũng như lời dạy của Chúa Giêsu và giáo huấn của Giáo hội, chúng ta có thể thấy được một vài nét khái quát về gia đình: Gia đình là tập hợp những người cùng chung sống thành một đơn vị nhỏ nhất trong cộng đồng xã hội. Cha mẹ là một cặp bất khả phân ly, gắn bó với nhau trong bí tích Hôn phối. Một gia đình Công giáo thường có vài thế hệ chung sống như ông bà, cha mẹ, con cái. Họ bình đẳng về phẩm giá và cùng nhau sống đức tin, đức cậy, đức mến trong sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Gia đình là Hội thánh tại gia, là vườn ươm hạt giống và thông truyền đức tin, là nơi ươm mầm và bảo vệ sự sống, là viên đá để xây dựng tòa nhà Giáo hội.

+ Gia đình là Hội Thánh tại gia: Đây là một thuật ngữ cổ mà Công đồng Vatican II dùng để gọi các gia đình: Hội thánh tại gia hay Hội thánh thu nhỏ. Gia đình là nơi thể hiện đặc biệt chức tư tế cộng đồng của người cha, người mẹ, con cái và mọi phần tử trong gia dinh... Gia đình là trường học đầu tiên về đời sống Kitô giáo và là một trường học phát triển nhân tính. “Ở đó, người ta học được sự kiên nhẫn và niềm vui của lao động, tình yêu thương huynh đệ, sự tha thứ quảng đại, thậm chí tha thứ nhiều lần, và nhất là việc phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và sự hiến dâng cuộc đời mình”

Gia đình là trường dạy cầu nguyện và sống đức tin: Trong Thư Chung gởi cộng đoàn Dân Chúa, các Giám mục Việt nam có viết: “Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội và Hôn Phối. Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động.

Hơn thế nữa, gia đình là nơi chốn, là môi trường tốt để đón nhận đức tin, gìn giữ và giúp nhau sống đức tin cho mỗi thành viên, và thông truyền đức tin cho người khác. Điều này được các Giám mục Thế giới khi họp tại Roma có viết: “. việc thông truyền đức tin từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã tìm được môi trường tự nhiên là gia đình. Trong gia đình, các dấu hiệu đức tin, sự thông truyền những chân lý đầu tiên, việc dạy cách cầu nguyện, chứng tá thành quả của tình yêu đã được ghi đậm vào cuộc sống của các thiếu nhi và thiếu niên, trong bối cảnh sự chăm sóc mà mỗi gia đình dành cho việc tăng trưởng của con cái”.

+ Gia đình là cộng đoàn hiệp thông các ngôi vị:

Theo “Tông huấn Gia Đình” thì một trong bốn bổn phận trọng yếu của Gia Đình Kitô hữu là đào tạo một cộng đồng hiệp thông giữa các ngôi vị, tức giữa các thành viên của Gia Đình với nhau, được coi là bình đẳng về phẩm giá và ơn gọi trước mặt Chúa và trước mặt nhau. Sự hiệp thông mẫu của gia đình cũng như của Hội Thánh là Mầu Nhiệm Thông Hiệp của Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng thượng trí, toàn năng, cực thánh và yêu thương tột cùng. Vì thế nét nổi bật của Gia Đình Kitô hữu là cuộc sống thuận hòa, yêu thương, đầm ấm, san sẻ, giúp đỡ, hy sinh, quên mình vì nhau và vì hạnh phúc của nhau.

+ Gia đình là chiếc nôi sự sống và tình yêu:

Gia đình là chiếc nôi đầu tiên đón tiếp, bảo vệ sự sống và cung cấp cho con người những điều cần thiết trong hành trình làm người. Yêu thương và tha thứ là quy luật trọng yếu trong mối quan hệ giữa vợ chồng với nhau, và giữa con cái với cha mẹ. Coi nhẹ quy luật này, thì sức sống và hạnh phúc của gia đình sẽ trở nên èo uột và mong manh.

Gia đình là cung thánh của sự sống, là nơi sự sống được khai sinh và chăm sóc. Gia đình bảo vệ sự sống con người trong mọi giai đoạn, kể cả giai đoạn cuối cùng.

Với một vài ý niệm và định nghĩa mà chúng ta vừa cùng nhau nhắc lại dựa trên mặc khải và thần học cũng như giáo huấn của Giáo hội về gia đình, chúng ta thấy rằng “người ta không thể hiểu trọn vẹn mầu nhiệm gia đình Kitô giáo nếu không nhìn trong ánh sáng tình yêu vô hạn của Chúa Cha, được biểu lộ nơi Đức Kitô, Đấng đã tự hiến mình cho đến cùng và vẫn sống giữa chúng ta”.

Linh thánh là vậy, cao trọng là vậy nơi một gia đình. Và mỗi thành viên trong các gia đình cũng như mọi thành phần bên đạo bên đời đều ra sức xây đắp và bảo vệ các gia đình. Tuy nhiên, trong dòng lịch sử có nhiều đổi thay cũng như phải hứng chịu những tác động của xã hội hiện tại, nên các gia đình hôm nay đang có những đổi thay: đổi thay để thích ứng, đổi thay để tồn tại. Những đổi thay này đã mang lại nhiều điều tích cực cho các gia đình và mỗi thành viên. Và những đổi thay này cũng có những tác động xấu trên mỗi gia đình, đôi khi nó để lại một vết thương khó chữa cho mỗi thành viên, cho các gia đình trong thời đại hôm nay.

2. Thực trạng của các gia đình Việt Nam hôm nay:

Để có thể tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá về thực trạng của các gia đình, chúng ta thấy đã có nhiều nghiên cứu, khảo sát, thăm dò của các tổ chức xã hội, các tôn giáo, các cá nhân và những nhà nghiên cứu đã tiến hành thực hiện và đã thu lại được nhiều kết quả tương đối chính xác về thực trạng gia đình trong thời đại hôm nay.

Khi nói về thực trạng của các gia đình là lúc chúng ta cùng vạch ra và xem xét các điểm sáng và những khoảng tối mà các gia đình hôm nay đang sống và đang phải đối diện.

Điểm sáng tỏa lan:

Một cách tổng thể, Giáo hội Công giáo Việt Nam được đánh giá là một Giáo hội năng động, trẻ trung và có nhiều sức sống. Ở Việt Nam, người ta nhận thấy việc giữ đạo và sống đạo xem ra thật quy cũ và đều đặn. Trong một cuộc điều tra xã hội của Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc về tình trạng hôn nhân Công giáo tại Giáo phận Xuân Lộc (12/2014). Tác giả nhận thấy các gia đình có đạo qua các mẫu nghiên cứu thể hiện đời sống gia đình yên ấm so với mặt bằng chung của các gia đình trong xã hội Việt Nam hôm nay. Khảo sát cho thấy: 89,2% đang chung sống vợ chồng; 7,7% góa bụa, và một tỷ lệ khá nhỏ 0,9% bị vướng mắc hôn phối Công giáo (0,3% có trình báo cha xứ và 0,6% ly hôn theo tòa đời). Các gia đình đồng tâm, ổn định trong sinh hoạt, trong việc làm và trong đời sống đạo: Thánh lễ chúa nhật có đông người tham dự. Theo điều tra xã hội học tôn giáo của Nguyễn Hồng Dương khảo sát từ tháng 1/1990 - 10/1993 tại Tp Hồ Chí Minh cho thấy việc các tín hữu giữ ngày chúa nhật thường xuyên 96%, không thường xuyên 2% và không bao giờ là 2% (Khảo sát xã hội của Nguyễn Văn Nghĩa cũng cho kết quả tương tự). Các lớp giáo lý nơi các giáo xứ, các lớp tân tòng, và lớp giáo lý hôn nhân... được mở khóa đều đặn với nhiều người tham gia.

Và hơn nữa, vẫn có nhiều tấm gương sống đạo và sống đức tin từ nhiều cá nhân, từ các gia đình như việc trung thành trong hôn nhân , việc chấp nhận cảnh hiếm muộn son sẻ mặc dầu khoa học kỹ thuật can thiệp được điều này nhưng không hợp giáo lý; việc từ chối phá thai để đón nhận những người con tật nguyền. hay việc chấp nhận thua thiệt về kinh tế, về địa vị, về những mối phúc lợi xã hội trong cuộc sống hàng ngày vì đức tin.

Những điều này được phản ánh thật đúng trong Thư Chung 2017 của các Giám Mục Việt Nam gởi Cộng đoàn Dân Chúa: “Mặc dù có nhiều thách đố và khó khăn trong đời sống gia đình, vẫn có những chứng từ tốt đẹp nơi nhiều cặp vợ chồng trẻ Công giáo. Họ chấp nhận những hy sinh lớn lao, vượt qua mọi khó khăn thử thách để sống trung thành với giao ước hôn nhân. Nhiều cặp vợ chồng đã can đảm giữ mầm sống trong mọi hoàn cảnh. Có những đôi bạn chấp nhận tình trạng son sẻ suốt đời, vượt qua cám dỗ muốn sử dụng những phương pháp trợ giúp Giáo Hội không cho phép, đồng thời đón nhận và thực thi tình phụ mẫu thiêng liêng qua việc đảm nhận những hoạt động tông đồ, bác ái xã hội với lòng nhiệt thành hân hoan. Nhiều bậc cha mẹ dù nghèo về kinh tế, vẫn cố gắng chu toàn bổn phận chăm lo cho con cái được giáo dục toàn diện về thể dục, trí dục, cũng như đức dục và tâm linh”.

Với cái nhìn tương tự, trong Tông Huấn “Niềm vui Tình yêu” Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng có nhận xét thật tích cực về các gia đình: “Chúng ta phải biết ơn vì phần lớn người ta vẫn còn quý trọng giá trị các mối tương quan gia đình với ước mong những giá trị này sẽ kéo dài mãi và được ghi dấu bằng sự kính trọng lẫn nhau. Nhiều người quý trọng sức mạnh của ân sủng mà họ đã cảm nhận nơi Bí tích Giao Hòa và Thánh Thể, ân sủng này giúp họ vượt qua được những thách đố trong đời sống hôn nhân và gia đình”.

Và còn nhiều điểm sáng nữa nơi các gia đình mà chúng ta vẫn “gặp thấy quanh đây” trong các xứ đạo, trong các khu phố, thôn xóm... mà ở đó, nhiều gia đình và mỗi thành viên - mà vì giới hạn của sự hiểu biết và thông tin, bài viết này không thể trình bày hết được - đều cố gắng vun xới, bồi đắp để có một gia đình hạnh phúc, ấm êm; để mỗi người biết sống đức tin và làm chứng cho đức tin trong chính vị thế, vai trò và bổn phận của mình.

- Những đám mây u tối:

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy có những mảng tối đang bao phủ và đe dọa hạnh phúc, bình an và sự tồn vong của các gia đình. mà bài viết này cố gắng tìm ra những thực trạng đó để mọi người cùng nhận diện và cùng nhau tìm ra những giải pháp để hạn chế, ngăn chặn và loại trừ những mảng tối này trong đời sống hôn nhân và gia đình hôm nay.

- Tự do cá nhân và sự ích kỷ của con người:

Trước hết là nguy cơ ngày càng tăng về một thứ khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa cực đoan làm biến chất các mối liên kết gia đình và kết cục coi mỗi thành viên gia đình như một ốc đảo cô lập.

- Những căng thẳng xâm nhập từ một thứ văn hóa mang đậm tính cá nhân chủ nghĩa coi trọng chiếm hữu và hưởng thụ, làm nảy sinh trong lòng các gia đình những hành xử thiếu kiên nhẫn và hung hăng. Sự tự do chọn lựa giúp ta tự hoạch định đời sống của mình và phát triển bản thân mình tốt nhất, nhưng nếu không có những mục tiêu cao thượng và kỉ luật cá nhân, tự do đó sẽ khiến người ta ngày càng mất dần đi khả năng quảng đại tự hiến chính mình cho tha nhân: người ta không muốn kết hôn, thích sống độc thân, hay chỉ chung chạ như vợ chồng mà không sống chung. Trong một bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 12/11/2020 (Trg 14) với tựa đề “Người giàu không chịu. đẻ”. Tác giả cho thấy là hiện nay trong nhiều tỉnh thành tại Việt Nam xuất hiện một xu hướng mới là ngại đẻ. Bài báo còn cho biết thêm: “Bên cạnh đó, đã có những xu hướng cho thấy tuổi kết hôn lần đầu trung bình ở Việt Nam có xu hướng tăng hơn, tuổi có quan hệ tình dục lần đầu lại trẻ hơn, nguy cơ có thai ngoài ý muốn (100 phụ nữ có 42 người từng phá thai, một tỷ lệ rất cao) kéo theo vô sinh thứ phát. Ngoài ra nhiều phụ nữ không lập gia đình và quyết định làm mẹ đơn thân..

Điều này cũng trùng hợp với những nhận định của các Giám mục Việt Nam khi các ngài viết: “Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng”.

- Việc sống và thực hành đức tin:

Trong phần đúc kết những “điểm sáng” nơi các gia đình Công giáo đã nói ở phần trên - nhìn cách tổng thể - thì đời sống đạo của người giáo dân hôm nay đa phần là vững vàng và kiên định. Tuy nhiên, cũng có một số trong các gia đình tín hữu lại đang sống trong tình trạng thờ ơ, nguội lạnh với việc thờ phượng, việc sống đức tin trong cuộc sống hàng ngày. Điều này còn biểu hiện rõ hơn trong thực hành khi chúng ta thấy nhiều cha mẹ không quan tâm đến việc sống đạo, không nhắc nhở các con trong gia đình sống đạo giữ đạo, gia đình không có giờ kinh chung, giờ cơm gia đình cũng thiếu vắng cảnh sum họp Điều này được Tông Huấn “Niềm Vui Tình Yêu” nói rõ: “Tình trạng đức tin và thực hành tôn giáo suy yếu trong một số xã hội đã ảnh hưởng đến các gia đình rất nhiều và càng đẩy các gia đình lâm vào tình trạng phải chơ vơ chống chọi với những khó khăn của mình. Các Nghị phụ đã khẳng định rằng “cái nghèo lớn nhất trong số những cái nghèo của nền văn hóa hiện nay là sự cô đơn, kết quả của tình trạng vắng bóng Thiên Chúa trong đời sống con người và tình trạng mong manh của những mối quan hệ”.

- Việc Mục vụ Hôn nhân và gia đình

- Việc dạy giáo lý, việc chuẩn bị hôn nhân - chăm sóc cho các gia đình

Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận thấy rằng những điều tiêu cực trong đời sống hôn nhân - gia đình hôm nay đang diễn ra một phần là do thiếu sót trong việc dạy giáo lý, việc chăm sóc mục vụ cho các đôi hôn phối, cho các gia đình: “Chúng ta thường trình bày hôn nhân theo cách nào đó khiến cho mục đích kết hợp của hôn nhân, lời mời gọi triển nở trong tình yêu và lý tưởng tương trợ lẫn nhau bị lu mờ đi, trong khi quá nhấn mạnh về bổn phận sinh sản như thể đó là mục đích duy nhất. Chúng ta cũng đã không đồng hành tốt với các cặp vợ chồng mới cưới trong những năm đầu hôn nhân của họ, không có những đề xuất thích hợp với giờ giấc của họ, với ngôn ngữ của họ, với những ưu tư cụ thể nhất của họ. Nhiều khi chúng ta cũng đã trình bày một thứ lí tưởng thần học hôn nhân quá trừu tượng, được xây dựng hầu như nhân tạo, xa rời hoàn cảnh cụ thể và các khả năng thực tiễn của các gia đình”.

Với thực trạng vừa nêu ra từ Tông huấn “Niềm vui Tình yêu”, chúng ta thấy - có thể chăng - là do việc đầu tư chưa đúng mức trong việc chuẩn bị, chăm sóc cho các đôi hôn phối, việc đồng hành với các gia đình - nói rõ hơn là công tác Mục vụ gia đình - nơi những người có trách nhiệm. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong “Tông Huấn Gia Đình” đã làm sáng tỏ hơn điều này khi viết : “Nhiều hiện tượng tiêu cực trong đời sống gia đình ngày nay người ta than phiền đã xuất phát từ sự kiện, đó là trong những hoàn cảnh mới, các bạn trẻ không còn nhận ra được phẩm trật đúng đắn của các giá trị và vì không còn những tiêu chuẩn chắc chắn để xử thế, họ còn không biết làm sao để đương đầu và giải quyết các khó khăn mới. Kinh nghiệm cho thấy rằng, các bạn trẻ được chuẩn bị chu đáo cho đời sống gia đình, cách chung sẽ thành công hơn các bạn khác... và đức Giáo hoàng nói tiếp: “Việc chuẩn bị hôn nhân phải được xem xét và thực hiện theo một tiến trình tuần tự và liên tục. Nó gồm ba giai đoạn chính: chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị liền trước bí tích”. Với người giáo dân thì sự giới hạn của việc hiểu biết giáo lý là nguyên cớ dẫn tới những cách nghĩ, cách sống và cách hành xử không đúng Tin Mừng trong việc sống đức tin hàng ngày.

Những “đúc kết” vừa được nêu ra từ hai Đức Giáo hoàng trong hai Tông Huấn có lẽ không phải là điều phổ quát; nhưng thực trạng này (việc không chu đáo trong cách dạy giáo lý, việc chuẩn bị hôn nhân và chăm sóc cho các gia đình bị xem nhẹ) không phải là không có ở Việt Nam. Trong một bài viết được đăng trên “Bản Tin Hiệp Thông” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, khi nói về việc chuẩn bị và chăm sóc cho các đôi hôn nhân, các gia đình, một tác giả có viết:

Cũng có vài nơi, người ta nhận thấy - có thể - là do các vị chủ chăn quá bận rộn  với các công việc mục vụ khác nên chương trình đào luyện các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân được khoán trắng cho một nữ tu già đạo đức thánh thiện hay giao cho một thầy phó tế trẻ măng mới ra trường. Và với lòng yêu mến thế hệ trẻ cũng như trách nhiệm của mình, các vị sẵn sàng “bao trọn gói” chương trình từ “Sản” - “Nhi”, rồi vấn đề hạn chế sinh sản cho tới các bệnh nhi khoa thường gặp... các vị cứ vô tư mà giảng dạy; cứ vui vẻ mà truyền đạt??!!”

Một số thực trạng khác, tuy không phải là phổ biến nơi các gia đình, nhưng cũng là một hiện tượng dễ được nhìn thấy trong xã hội hôm nay mà chúng ta cũng cần nhận diện:

Trước hết là các gia đình di dân : ngày nay vì hoàn cảnh kinh tế, rất nhiều gia đình phải rời bỏ làng quê để tìm kế sinh nhai trong những thành phố lớn. Chỉ một số ít thành công, còn đa số gặp nhiều khó khăn trong việc làm ăn, sinh hoạt gia đình, giáo dục con cái. Về mặt đức tin, họ cũng gặp khó khăn trong việc hội nhập cộng đoàn giáo xứ mới.

Kế đến là những cặp hôn nhân khác đạo : trong những gia đình này, có những khó khăn riêng do việc vợ chồng không cùng niềm tin tôn giáo, ảnh hưởng đến việc giữ đạo của người Công giáo cũng như việc giáo dục con cái trong gia đình.

Cuối cùng là những gia đình bị đổ vỡ: dựa vào giáo huấn của Chúa, Hội Thánh luôn mong muốn các đôi vợ chồng chung thủy với nhau đến trọn đời. Tuy vậy, trong thực tế, nhiều cặp hôn nhân rơi vào tình trạng mâu thuẫn không thể hòa giải và dẫn tới đổ vỡ. Một số người Công giáo rơi vào tình trạng này vì hoàn cảnh chứ không hoàn toàn do lỗi riêng của họ.

Thiết nghĩ với những điều được trình bày trên đây cũng đủ cho chúng ta có được cái nhìn tương đối về một bức tranh mà trong đó thực trạng của các gia đình Công giáo được nhận diện cách tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, khi nhìn lại để so sánh với những định nghĩa và những khái niệm về gia đình được trình bày ở phần đầu bài viết, chúng ta thấy một số gia đình kitô hữu có điều gì đó khiếm khuyết, không tương hợp theo đúng nghĩa của một gia đình. Đây là những thực trạng mà một số gia đình Công giáo đang phải sống và phải đối diện.

Và đây cũng là thách đố được đặt ra cho những người có trách nhiệm mục vụ gia đình. Những thách đố này đòi hỏi chúng ta phải bận tâm suy xét để tìm ra giải pháp: giải pháp để giữ gìn và phát huy, giải pháp để ngăn ngừa và khắc phục; giải pháp để hàn gắn và cứu chữa cho các gia đình mà mỗi người chúng ta đang có trách nhiệm phải chăm sóc và giữ gìn.

3. Các thách đố Mục Vụ

Theo thứ tự lược đồ trình bày ở phần trên, chúng ta nhận thấy có những thách đố mà những người làm mục vụ gia đình đang phải đối diện.

- Trước hết đó là việc chuẩn bị cho chính đương sự (mỗi thành viên) trong các gia đình: người cha (chồng), người mẹ (vợ), các con. Có thể nói thách đố lúc này chính là việc giáo dục: giáo dục nhân bản, giáo dục đức tin cho mỗi người, cho mỗi thành phần trong gia đình. Phải chăng điều này trùng hợp với lời gợi ý của “Tông Huấn Gia đình” khi nói đến 3 giai đoạn chuẩn bị cho một cuộc hôn nhân mà phần trên đã đề cập.

- Điều kế tiếp cũng cần nêu lên là việc Giáo hội (các vị hữu trách) đồng hành với các gia đình (tiếp đón, lắng nghe, thăm viếng...). Chương trình giáo lý các cấp cho các tín hữu phù hợp với lứa tuổi, điều kiện sống của mỗi đối tượng. Chương trình mục vụ hậu hôn nhân; việc đồng hành với những gia đình trẻ, gia đình gặp khó khăn.

- Thách đố thứ hai mà chúng ta phải đối diện là các gia đình di dân; hay các gia đình đang có người di dân. “HIện tượng” này xem ra khá phổ biến tại Việt Nam mà trong số đó có nhiều người là Kitô hữu. Khi làn sóng di dân trở nên phổ biến thì nơi địa phương này có người ra đi thì địa phương khác là nơi tiếp nhận. Thật cần thiết và cấp bách để Giáo hội có những chương trình, có cung cách thích hợp cho việc đồng hành, giúp đỡ và chia sẻ với những đối tượng này.

- Kế tiếp là những thách đố với các gia đình hôn nhân khác đạo: chúng ta phải có chương trình nào, có giải pháp nào cho những gia đình có hoàn cảnh này.

- Và thách đố cuối cùng mà chúng ta có thể nhận diện nơi đây là các gia đình đổ vỡ, ly thân, ly dị. Đây là điều bất ưng, là sự việc chẳng đặng đừng cho mỗi đương sự khi đang phải đối diện với một gia đình chia lìa, tan vỡ. Chúng ta phải làm gì đây để ngăn chặn điều bất ưng này? Và chúng ta có giải pháp nào, có chương trình nào cho những nạn nhân của những vụ việc đổ vỡ này.

Trong một cuộc điều tra xã hội về đời sống đạo của các gia đình Công giáo tại Giáo phận Xuân Lộc (có nói ở phần trên). Sau khi trình bày về các số liệu hôn nhân, cuộc sống, cách sống cũng như những sự chuyển biến của đời sống đạo trong cuộc sống mới, tác giả có ghi lại kết luận cũng đáng làm chúng ta quan tâm: “Giáo dân ngày nay đối diện với những thách thức và các quan điểm liên quan đến việc áp dụng giáo luật vào cuộc sống. Đó là những xu hướng cá nhân hóa trong nhìn nhận các quan điểm về đạo trong đời sống xã hội cũng như thể hiện tinh thần người Công giáo trong đời sống hàng ngày. Đối với những người quen với khung cảnh đạo đức cổ truyền thì những nhóm giáo dân “thiểu số” này có thể bị xem là lệch lạc, đôi khi bị xem là “nhạt đạo”. Nhưng đứng trước một bối cảnh chuyển biến của xã hội hiện đại, cá nhân con người phải đối diện với tình cảnh sống phức tạp, đôi khi là bế tắc, thì những ứng xử của bản thân để giải quyết những vấn đề nan giải trong cuộc sống không phải là bài thực hành luân lý đơn thuần. Đôi khi sự chọn lựa của giáo dân hôm nay là chọn lựa không đơn thuần là lý tính, hay thế tục hóa mà còn đan dệt trong đó những ràng buộc về tiêu chí đạo đức, lề luật Giáo hội dạy. Các giá trị đạo đức nhằm giúp thăng tiến con người nhưng cũng có thể là những gánh nặng, thánh giá của cuộc đời mà cá nhân phải mang vác, phải vượt qua. Bởi trong bối cảnh xã hội hiện đại hóa, hay thế tục hóa, chúng ta không nên vội vã “xếp hạng” những chỉ bảo của xu hướng hiện đại hóa, lý tính hóa, thậm chí thế tục hóa là “kém đạo đức”. Chính vì vậy, trong tinh thần này, chúng ta cần một thái độ cảm thông và cư xử bao dung với tha nhân để mở ra những chân trời mới trong viễn cảnh tương lai”.

Đâu là hướng mở và phương cách giải quyết? Chắc hẳn những thách đố này cũng gây nên nơi mỗi người chúng ta ít nhiều bận tâm và suy nghĩ. Đọc lại chương 2 trong Tông Huấn “Niềm Vui Tình Yêu”, chúng ta nhận được từ Đức Giáo hoàng lời hướng dẫn như để góp thêm một hướng giải tỏa cho những vấn đề này: “Các suy nghĩ của Thượng Hội Đồng cho ta thấy: không hề có tiên mẫu (stereotype) gia đình lý tưởng, mà đúng hơn là bức tranh ghép đầy thách thức gồm rất nhiều thực tại khác nhau, với đủ niềm vui, hy vọng lẫn nan đề. Các hoàn cảnh được chúng ta quan tâm thảy đều là thách đố. Chúng ta đừng để mình bị vây cứng vào vòng phí phạm năng lực cho những than vãn ai oán, mà đúng hơn, nên tìm những hình thức truyền giáo sáng tạo mới mẻ. Trong mọi hoàn cảnh tự chúng xuất hiện, “Giáo Hội đều ý thức được việc cần phải đem lại lời sự thật và hy vọng...

Các giá trị lớn lao của hôn nhân và gia đình Kitô Giáo đều tương hợp với khát vọng vốn là thành phần trong hiện sinh con người”.

Tạm kết

Từ lâu nay, chúng ta đã từng khẳng định rằng: gia đình là nền tảng, là viên gạch để làm nên xã hội và để xây dựng nên Giáo hội. Và trong kỳ đại hội này, chúng ta vừa cùng nhau khảo sát về thực trạng của các gia đình Công giáo Việt Nam. Việc làm này giúp chúng ta thấy được điều hay điều đẹp để giữ gìn và phát huy. Thấy được những khiếm khuyết và những mối nguy hại mà các gia đình đang vướng mắc hay đang bị tác động để giải gỡ, và có những hướng dẫn kịp thời, hầu giúp các gia đình có những cách thực hành thích hợp, giúp mỗi thành viên được hạnh phúc và thăng tiến trong chính gia đình của mình.

Đây là một việc làm vừa cần thiết vừa cấp bách và cũng lắm nhiêu khê. Điều này đòi hỏi mỗi người chúng ta - từ những vị chủ chăn có trách nhiệm cho đến từng thành viên trong mỗi gia đình - phải cố gắng, nỗ lực để xây dựng hạnh phúc và bảo vệ cho sự bền vững, an vui nơi các gia đình.

Trong buổi nói chuyện với các gia đình tại Mall of Asia Arena - sân vận động chính của thủ đô Manila - Phi Luật Tân 2015. Sau khi đã nêu lên những thực trạng và những thách đố mà các gia đình của người Phi Luật Tân hôm nay phải đối diện, Đức Giáo hoàng Phanxicô có nói: “Thế giới của chúng ta cần những gia đình mạnh mẽ và tốt lành để thắng vượt những mối đe dọa này! Người dân Phi Luật Tân cần những gia đình thánh thiện và yêu thương để bảo vệ vẻ đẹp và lẽ phải của gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa, và nâng đỡ cũng như làm gương cho những gia đình khác. Mọi mối đe dọa với gia đình đều là đe dọa với xã hội. Tương lai của nhân loại - Theo lời thánh Gioan Phaolô II thường nói - đều qua cửa gia đình. Vậy nên, hãy bảo vệ gia đình các bạn!”

Thiết nghĩ, lời nhắn gởi của Đức Thánh cha cho các gia đình tại Manila, cũng là lời nhắn gởi cho các gia đình Công giáo Việt Nam chúng ta và những người đang có trách nhiệm chăm lo cho các gia đình.

Chúng ta cùng nhau ghi nhớ và hãy bắt đầu hành động cho một sứ vụ vừa cấp thiết vừa quan trọng này.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 123 (Tháng 3 & 4 năm 2021)

WHĐ (07.7.2021)

Nguồn: https://hdgmvietnam.com