Thứ Tư 22/09/2021 – Thứ Tư tuần 25 thường niên. – Sai 12 Tông Đồ đi rao giảng.

Thứ Tư 22/09/2021 – Thứ Tư tuần 25 thường niên. – Sai 12 Tông Đồ đi rao giảng.

"Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân".

 

Lời Chúa: Lc 9, 1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật.

Đoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: "Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ".

Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành bệnh tật khắp nơi.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy niệm 1: Đừng mang gì

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Sau một thời gian sống bên Thầy Giêsu,

thấy việc Thầy làm và nghe lời Thầy giảng,

giờ đây nhóm Mười Hai đã tương đối cứng cáp

để được chia sẻ chính công việc Thầy đã làm.

Đó là rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân (c. 2).

Nhưng trước khi được chia sẻ công việc,

họ được chia sẻ quyền trừ quỷ và chữa bệnh của Thầy (c. 1).

Sứ vụ họ sắp làm là một thực tập cho sứ vụ lớn sau này (Lc 24, 46-47).

Thầy Giêsu sai nhóm Mười Hai lên đường với những chỉ thị rõ rệt.

Không thấy Thầy bảo phải chuẩn bị hành trang.

Ngược lại, Thầy cấm không được mang theo gì cả.

“Đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, hai áo” (c. 3).

Ngay cả những người giảng rong theo phái Khắc Kỷ,

tuy rất khắc khổ, nhưng cũng được mang theo gậy và bị để ăn xin.

Thầy Giêsu muốn môn đệ của mình hoàn toàn cậy trông vào Thiên Chúa,

và hoàn toàn cậy trông vào lòng tốt của con người.

Họ phải tập chấp nhận sống bấp bênh và thiếu thốn trong bình an.

Không mang đồ dự trữ, không gậy để bảo vệ khi đi đường,

các môn đệ buộc phải mang theo lòng tín thác vô bờ nơi Thiên Chúa.

Thầy còn chỉ thị cho cả nhóm biết về chuyện ăn ở của họ.

Họ sẽ đến ở chung nhà với dân chúng, ăn uống những gì họ cho.

“Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó…” (c. 4).

Đừng đi từ nhà nọ sang nhà kia để tìm chỗ tiện nghi hơn.

Khi ăn ở nơi nhà dân, người tông đồ có cơ hội gần gũi với họ,

và chia sẻ cuộc sống thật của họ, để dễ loan báo Tin Mừng hơn.

Nhưng cũng phải bình an chấp nhận những từ khước (c. 5).

Có khi trong cả một thành, không tìm được một gia đình để trú chân.

Thái độ phủi bụi chân lại cho thấy một sự dứt khoát đoạn tuyệt,

không muốn dính dáng gì với những người ở đó nữa (x. Cv 13, 50).

Khuôn mặt của người được sai cách đây hai ngàn năm thật là đẹp.

Vừa quyền năng để trừ mọi thứ quỷ và bệnh tật,

vừa khiêm tốn cậy dựa vào lòng quảng đại của người khác.

Vừa có gì để cho, vừa có gì để nhận:

cho Tin Mừng cứu độ và sự chữa lành, nhận sự giúp đỡ vật chất.

Vừa gần gũi thân thiết với nỗi đau thân xác của con người,

với những lo âu rất đời thường trong một gia đình,

vừa thanh thoát với tiền bạc, không bị chi phối bởi nhu cầu vật chất.

Nhóm Mười Hai sẽ phải đối diện với sức mạnh của ác thần

đang tác oai tác quái trong đời nhiều người.

Họ sẽ phải dùng quyền Thầy trao để giải phóng con người khỏi nô lệ.

Nếu hôm nay Đức Giêsu sai chúng ta đi, Ngài sẽ bảo ta đừng đem gì?

Đâu là những nét đặc trưng của khuôn mặt người tông đồ thế kỷ 21?

Đâu là những bệnh tật và nô lệ của con người hôm nay?

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin sai chúng con lên đường

nhẹ nhàng và thanh thoát,

không chút cậy dựa vào khả năng bản thân

hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:

rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,

chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng

với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,

biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng

đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ

của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu,

thế giới thật bao la

mà vòng tay chúng con quá nhỏ.

Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau

mà tin tưởng lên đường,

nhẹ nhàng và thanh thoát.

 

Suy niệm 2: Chúa là tất cả

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Anh em đừng mang gì đi đường”. Nước Thiên Chúa không phải là nước trần gian. Nước trần gian cần nhiều phương tiện như lãnh thổ, tài nguyên, quân đội. Nước Thiên Chúa chỉ cần có Thiên Chúa. Thiên Chúa là tất cả.

Sống đơn sơ khó nghèo, người môn đệ làm sáng lên sự hiện diện của Thiên Chúa cao cả. Không bám víu vào phương tiện trần gian, người môn đệ làm sáng lên sức mạnh của Thiên Chúa toàn năng. Hai bàn tay trắng người môn đệ làm chứng về niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa và phó thác vận mệnh trong tay Người. Hành trang người môn đệ đơn sơ chỉ cần mang Thiên Chúa trong mình, đó là có tất cả.

Người môn đệ cậy dựa vào các phương tiện trần gian sẽ thất bại. Chỉ khi có Chúa việc tông đồ mới thành công. Ta hãy so sánh thời đại chúng ta với thời các tông đồ. Thời đó các ngài không có gì hết. Không cơ sở. Không nhân sự. Không tiền của. Bị bắt bớ. Thế mà việc truyền giáo phát triển với tốc độ vũ bão. Còn ngày nay ta có nhiều cơ sở hơn. Nhiều nhân sự hơn. Nhiều tiền của hơn. Ít bị bắt bớ hơn. Nhưng việc truyền giáo ì ạch. Lại còn có nhiều người bỏ đạo nữa.

Ta thất bại vì không có Chúa. Không có Chúa vì ta phạm tội. Ét-ra đau đớn nhận biết tội lỗi của cha ông đã quên Thiên Chúa, chỉ trông cậy vào thế lực trần gian nên đã bị trừng phạt nặng nề, bị lưu đày, bị làm nô lệ, bị tan nát, xấu hổ. “Từ thời tổ tiên chúng con cho đến ngày nay, vì chúng con đã mắc lỗi nặng và phạm tội, nên các vua và các tư tế của chúng con đã bị nộp vào tay vua chúa các nước ngoại bang”. Nay được Thiên Chúa thương đưa về quê nhà, ông xin nhất tâm xây dựng Đền Thờ để khuyến khích toàn dân thờ phượng Thiên Chúa là nguồn mạch sức mạnh, bình an và thịnh vượng. Tái thiết đền thờ chính là tái thiết con người. Ăn năn sám hối. Sống thánh thiện. Có Chúa ở cùng, sẽ có tất cả (năm lẻ).

Tác giả sách Châm ngôn cũng giúp ta ý thức điều này. Ông chỉ tha thiết được có Chúa. Vì Chúa là tất cả: “Mọi lời Thiên Chúa phán đều được chứng nghiệm, Người là khiên thuẫn cho ai tìm ẩn náu nơi Người”. Vì thế ông không dám xin Chúa sự gì nơi trần gian. Chỉ xin Chúa ban cho sống một đời sống đừng xa lìa Chúa, đừng lỗi phạm đến Chúa. Vì thế ông không xin sang giầu vì sợ sang giầu làm cho tâm hồn xa Chúa. Ông cũng xin Chúa đừng để ông nghèo đói vì sợ đói ăn vụng túng làm liều sẽ làm ô danh Chúa. Đây là một thái độ khôn ngoan chúng ta phải học hỏi và thực hành trong đời sống. Chỉ cần có Chúa. Lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Tránh xa những gì ngăn cách ta với Chúa. Có Chúa ở cùng ta sẽ có tất cả (năm chẵn).

 

Suy niệm 3: Huấn Lệnh Truyền Giáo

Ðược Chúa Giêsu tuyển chọn và sống với Chúa, các Tông đồ cũng đã nghe Chúa giảng dạy và chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Trong bài Tin Mừng hôm nay, tác giả Luca thuật lại biến cố Chúa Giêsu sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, Ngài nhắc nhở các ông phải sống khó nghèo và hoàn toàn tin tưởng vào Chúa quan phòng.

So với lần Chúa sai các môn đệ thì lần này có điểm khác biệt là thay vì được sai đi từng hai người, các Tông đồ được sai đi từng người một và được ban cho sức mạnh và quyền năng để trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, các ông cũng chỉ được sai đi trước để loan báo Ngài sắp đến. Huấn lệnh cho các Tông đồ trước khi lên đường có thể gồm 3 phần: Thứ nhất, trên đường đi các ông không được mang theo gì cả, mặc dù sứ vụ của các ông kéo dài một thời gian, chứ không phải chỉ có một vài ngày; điều đó có nghĩa là các ông phải hoàn toàn từ bỏ chính mình và chỉ tin vào sức mạnh của Lời Chúa. Thứ hai: khi tới nhà nào thì phải kiên trì, không được lùi bước; nói khác đi, các ông phải tin vào sứ mệnh của mình, tin vào sự quan phòng và chờ đợi thời giờ của Chúa. Thứ ba: các ông phải có can đảm trước sự cứng đầu của những kẻ chống đối các ông.

Mỗi thời đại có những cám dỗ riêng. Ma quỉ đã cám dỗ Chúa Giêsu từ bỏ sứ mệnh cứu thế, cũng như cám dỗ Ngài làm những việc lạ lùng, như hóa đá thành bánh, gieo mình xuống từ nóc Ðền thờ để mọi người thấy và tin. Ngày nay, không thiếu những người chỉ muốn dùng tiền bạc để giảng dạy hoặc dùng quyền bính để làm cho người khác kinh sợ. Một cám dỗ khác mà người Tông đồ thời nay thường mắc phải, đó là sự thiếu kiên nhẫn, chờ đợi thời giờ của Chúa. Họ dễ thoái lui rời bỏ nhiệm sở, thay đổi công việc. Cũng có những người Tông đồ không dám nói rõ những sai lầm của người khác cũng như những gì trái ngược với giá trị Tin Mừng. Thái độ chung của con người thời nay là ích kỷ và hưởng thụ, số người sẵn sàng để Chúa sai đi thật hiếm hoi, số các tệ nạn do sự sai lầm thiêng liêng ngày càng gia tăng, trong khi đó cái tôi tự do được thổi phồng.

Có lần nhà hiền triết Diogène đứng ở một góc đường và cười rã rượi như người điên loạn. Một khách bộ hành hỏi ông: "Có gì mà ông cười ngặt nghẽo như thế?" Ông đáp: "Anh có thấy tảng đá to ở giữa đường kia không? Từ khi tôi tới đây, đã có mười người vấp ngã vì nó và nguyền rủa nó, nhưng không ai quan tâm lấy nó đi để tránh cho người khác khỏi vấp ngã".

Có nhiều cách làm việc Tông đồ, nhưng hữu hiệu nhất là bằng chính đời sống tốt lành của mình. Xin Chúa giúp chúng ta đáp lại lời mời của Chúa và hăng say dấn thân phục vụ những người xung quanh vì Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 4: Trung Thành Với Lệnh Truyền Của Chúa

Chúng ta vừa đọc lại bài tường thuật của thánh sử Luca nói về việc Chúa sai nhóm Mười Hai Tông Ðồ ra đi rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Ðây là cuộc sai đi trước biến cố Phục Sinh để chuẩn bị cho cuộc sai đi quyết định sau Phục Sinh, khi đó Chúa sẽ nói với các ông một cách vĩnh viễn: "Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao ban cho Thầy. Vậy, các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con, và đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế".

Hai lần sai đi này, trước và sau Phục Sinh, trước và sau biến cố vượt qua của Chúa Giêsu, rất quan trọng và bổ túc cho nhau. Nếu lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh, sau biến cố vượt qua mà không có lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh thì người ta sẽ dễ dàng rơi vào cám dỗ quả quyết rằng, những đồ đệ của Chúa Giêsu tự bày vẽ công việc cho mình để thành lập cộng đoàn Giáo Hội do theo sáng kiến riêng chứ không phải do ý muốn của Chúa Giêsu. Ngược lại, nếu lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh mà không có lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh thì người ta cũng sẽ dễ dàng rơi vào cám dỗ khác nữa cho rằng, Chúa Giêsu đã thất bại trong dự án của Ngài sau khi bị giết chết trên thập giá. Nhưng các sách Phúc Âm đã ghi lại cho chúng ta hai lần sai đi trước và sau Phục Sinh, và điều này làm nổi bật ý định của Chúa Giêsu, một ý định vượt qua giới hạn thời gian, Chúa đã kêu gọi huấn luyện và sai các tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa cần được tiếp tục mãi trong thời gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ qua những con người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho.

Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo Hội qua các thời đại trong lịch sử nhân loại đều nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn, chứ không do sáng kiến của con người. Hơn nữa, chúng ta thấy tác giả Phúc Âm thánh Luca mô tả sứ mệnh của các tông đồ được Chúa sai đi bằng hai cụm từ rao giảng và chữa lành bệnh tật.

Nói theo ngôn ngữ ngày nay, chúng ta có thể nói rằng đây là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Rao giảng và chữa lành, công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau. Người đồ đệ của Chúa khi làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Khi làm công việc này không thể nào lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em chung quanh.

Nhà thờ để phụng thờ Thiên Chúa, nhà thương để chăm sóc bệnh nhân, nhà dưỡng lão để săn sóc người cao niên, nhà học tập dành cho người trẻ, nhà ở cho người nghèo, nhà cứu trợ cho anh chị em gặp nạn, đó là những nhà, những loại công tác nằm trong sứ mệnh của người đồ đệ của Chúa. Lịch sử hai ngàn năm qua của Giáo Hội cho thấy những đồ đệ của Chúa còn luôn trung thành với lệnh truyền của Chúa: rao giảng và chữa lành, mặc dù không thiếu những sơ sót lỗi lầm mà giờ đây những đồ đệ chân thật của Chúa không ngần ngại ăn năn xin tha thứ và dốc quyết thực hiện tốt đẹp hơn trong tương lai.

Lạy Chúa,

Xin thương ban cho chúng con quyền năng của Chúa để chúng con được canh tân và dấn thân nhiều hơn nữa, để chu toàn tốt hơn sứ mệnh Chúa đã trao phó cho trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Xin Chúa hãy thương hiện diện với chúng con và cùng hoạt động với chúng con luôn mãi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 5: Rao giảng và chữa bệnh

Đức Giêsu tập họp nhóm mười hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.” (Lc. 9, 1-2)

Mục đích và điều kiện truyền giáo là mang sứ điệp của Đức Giêsu đến cho mọi người vẫn không thay đổi từ thời Giáo Hội sơ khai của các tông đồ cho đến nay đều theo mệnh lệnh của Thầy Chí Thánh.

Đức Kitô đã ban cho nhóm muời hai quyền đuổi quỷ, chữa lành các bệnh nhân và rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa. Tận nền tảng, vị truyền giáo không thể bằng lòng với lời nói, ông cần phải hành động yểm trợ cho lời nói, và lời nói cần giải nghĩa và soi sáng cho hành động. Từ nhiều năm nay có thể chúng ta đã vịn lý do chỉ cần những hành động công khai nên đã bỏ phần hỗ trợ thiết yếu của lời giảng, có khi còn loại bỏ lời nói để thay bằng lối sống chứng nhân cho Đức Giêsu Kitô. Đến một mức nào đó, chúng ta phải cảm phục một số những nhà hùng biện ngày nay có sức thuyết phục thính giả chịu nghe các ông nói hằng giờ.

Đức Kitô đã làm khác với chúng ta và những nhà hùng biện, Người không chỉ dùng lời nói,mà vừa rao giảng vừa hành động. Bằng lời nói và chữa bệnh, Đức Kitô qui tụ chung quanh mình hàng ngàn, hàng ngàn người dân. Ngày nay, Người vẫn còn nói bằng rất nhiều hành động từ thiện và nhiều cách khác nữa để nâng đỡ lời giảng dạy. Như vậy việc truyền giáo đòi có cả hai điều: Lời giảng và việc làm: “Lời nói đi đôi với việc làm”.

Thử nhìn chung quanh mình, sẽ thấy khá rõ có giáo phái dù nhỏ bé, họ biết khôn khéo lợi dụng mọi cách để truyền giáo.

Phải chăng, chúng ta kém khôn khéo khi rao truyền đức tin Kitô giáo?

Nghèo khó và từ bỏ vẫn còn hữu ích và hơn bao giờ hết là điều kiện cho việc truyền giáo thật sự tiến triển. Chúng ta dễ bị cám dỗ dùng những phương tiện to tát và hấp dẫn đầy ấn tượng để truyền giáo. Sự từ bỏ là một vẻ đẹp, ngày nay cần thiết phải thực hiện để giúp chúng ta không quên điều Đức Kitô đã dạy muời hai người đánh cá làm nền tảng xây lên Giáo Hội, và nhờ đó mà chinh phục được thế giới, nhất là sự từ bỏ trên thập giá. Lời Chúa sẽ mãi mãi là hạt cải nhỏ bé đã lớn lên thành cây vĩ đại cho muôn chim trời đến trú ngụ.

GF

 

Suy niệm 6: Giaỉ thoát con người cách toàn diện

Xem lại CN 15 TN B, thứ Năm tuần 4 TN và thứ Tư và thứ Năm tuần 14 TN

Thiên Chúa hằng chăm lo cho dân của Người. Vì thế, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã ban cho dân các Tổ phụ, rồi sai các Tiên tri, và thời sau cùng, Người trao ban chính Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã kiện toàn tất cả những gì đã loan báo trước đó, đồng thời, Ngài không ngừng mời gọi những môn sinh của mình tiếp bước để cùng Ngài ra đi và tiếp nối sứ mạng cao quý là loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất.

Để củng cố lời rao giảng, Đức Giêsu còn trao ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên ma quỷ và chữa lành các bệnh tật. Mặt khác, Đức Giêsu muốn các môn đệ thanh thoát, nhẹ nhàng, để chỉ chú tâm cho công cuộc loan báo Tin Mừng là việc chính yếu, Ngài đã truyền cho các ông: “Đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo”. Bên cạnh đó, Ngài còn hướng dẫn các ông về cung cách ứng xử khi thi hành sứ vụ: “Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ".

Như vậy, nếu nhìn cách tổng thể, chúng ta thấy chính Đức Giêsu và sau đó là lệnh truyền của Ngài cho các môn đệ, làm toát lên sự thao thức và ý định muốn giải phóng con người toàn diện cả xác lẫn hồn.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy hân hoan đón nhận sứ vụ như là một hồng ân, dẫu rằng chúng ta không xứng đáng! Mặt khác, luôn sống trong sự phó thác nơi Chúa và đừng quá lo lắng về cơm áo gạo tiền trong khi thi hành sứ vụ. Bởi vì chính Đấng sai ta cũng đã sống cảnh: “Con cáo có hang, con chồn có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. Sự thanh thoát này giúp chúng ta không bị vướng bận vào những chuyện phụ thuộc nơi của cải vật chất, sự an tâm trần thế. Ngược lại, nhờ lối sống đơn giản, chúng ta được nâng đỡ tinh thần từ bỏ mình và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa cách tốt đẹp hơn. Đức Giêsu cũng không quên nhắc các môn sinh của mình là không được dùng những hình thức khống chế, quyền lực để phụ trợ cho sứ mạng, ngược lại hãy dùng tình thương và gương sáng, tôn trọng tự do và ước muốn của người thụ huấn.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được thanh thoát và can đảm, tin tưởng và phó thác, vui mừng và hy vọng trong khi loan báo Tin Mừng tình yêu của Chúa cho anh chị em chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Sai tông đồ rao giảng Nước Thiên Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu ban ơn để sai các tông đồ rao giảng Nước Thiên Chúa. Chúa căn dặn phải thực hiện sứ vụ của mình bằng một cuộc sống thanh thoát và bình dị.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trở nên người Kitô hữu là lãnh nhận ơn gọi sống cho Chúa và sống cho kẻ khác. Chúa ban cho con ơn thánh Chúa và sai con vào môi trường sống hằng ngày. Cuộc sống hằng ngày là môi trường để con tỏ bày ơn Chúa cho kẻ khác. Con muốn xác tín một lần nữa trước mặt Chúa để con thực sự là người Kitô hữu, là người môn đệ của Chúa giữa xã hội.

Mỗi người có thể có nhiều vai trò, nhiều địa vị trong tương giao với kẻ khác. Có thể là giám đốc, là công nhân, là thầy, là thợ, là cha mẹ, là vợ chồng, là con, là anh, chị, em… Những vai trò này xác định cách sống. Cũng vậy, con là người Kitô hữu, là môn đệ của Chúa, đặc tính căn bản này sẽ xác định cách sống của con, sẽ hướng dẫn con trong những tương giao đối với mọi người. Xin Chúa giúp con sống đúng phẩm giá và danh hiệu Kitô hữu của con.

Với tư cách là người Kitô hữu, nhiều lúc con cũng sẽ phải chấp nhận những hy sinh, thiệt thòi cho chính mình. Nhưng con biết rằng Chúa đã muốn điều đó. Chúa dạy con vui lòng chấp nhận những tiện ích vật chất vừa đủ cho cuộc sống. Chúa dạy con phải biết cho đi chứ không chỉ thu góp cho mình.

Lạy Chúa, một cuộc sống như vậy không phải chỉ dành riêng cho các nhà tu nhiệm nhặt sao? Không, Lời Chúa hôm nay nói với chính con trong tư cách là một Kitô hữu. Đó phải là cuộc sống của con. Xin Chúa giúp con. Amen.

Ghi nhớ: “Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân”.

 

Suy niệm 8: Rao giảng Tin Mừng

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện 

Tuy là một nữ tu Dòng Kín, nhưng Têrêsa vẫn ao ước được làm linh mục để đi truyền giáo khắp nơi, làm cho dân ngoại trở lại. Và chị ao ước làm linh mục truyền giáo như thế cho đến tận thế. Chị luôn sống đời cầu nguyện và hy sinh cho các linh hồn được trở lại.

Cuộc đời cầu nguyện và hy sinh của chị Têrêsa, tuy rất ngắn ngủi vì qua đời lúc 24 tuổi (1873 - 1897), nhưng đã làm cho vô số người trở lại. Giáo hội phong tặng chị là Bổn Mạng các vị truyền giáo và các xứ truyền giáo.

Suy niệm

Chúa Giêsu sai mười hai tông đồ đi rao giảng nước Thiên Chúa. Tin Mừng Nhất Lãm ghi nhận gọi và chọn mười hai vị với tên tuổi rõ ràng (x. Mt 10,1-6; Mc 3,13-19; 6,7-13; Lc 6,12-16; 9,1-6).

Sau này, các Giám mục kế vị các tông đồ, với sự nối dài cộng tác là các linh mục, phó tế. Các tín hữu Chúa tham dự bởi bí tích Rửa Tội, mang sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Người môn đệ được Chúa sai đi, hành trang duy nhất là sự nhiệt thành và lòng tin thác cậy trông, mang tâm tình của Đức Kitô truyền cho các môn đệ: “Đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó...”

Trên bước đường rao giảng, người môn đệ cũng như Thầy chí thánh luôn quan tâm đến người đau khổ, chữa lành bệnh tật, mang hạnh phúc cho mọi người. Thật thế, người môn đệ của Chúa luôn quan tâm đến những nhu cầu được chữa lành, chia sẻ cho anh em đồng loại như sau này Phaolô đã cảm nghiệm và chia sẻ: “Vui với người vui, khóc với người khóc…” (Rm 12,15), và ở  Cửa Đẹp đền thờ thánh Phêrô thực hành lời dạy của Chúa và đã nói với người hành khất: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!… anh trở nên cứng cáp” (Cv 3,6-7).

Lời mời gọi các môn đệ ra đi làm việc trên cánh đồng truyền giáo của Chúa Giêsu ngày xưa cũng là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta trong cộng đoàn tín hữu và nếu tôi, bạn là người môn đệ đích thực của Chúa Kitô không có quyền từ chối lời mời gọi ấy nhưng đáp trả như Phaolô đã cảm nghiệm và sống sứ mạng: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Với ý thức đó, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II quả quyết: “Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc”. Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo”.

Ý lực sống:

“Các ngọn hải đăng không thổi còi ầm ĩ, chúng chỉ chiếu sáng” (Moody).

 

Suy niệm 9: Đức Giêsu sai các Tông đồ đi giảng

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1.  Đức Giêsu sai mười hai Tông đồ đi rao giảng Tin mừng để các ông được tham gia vào sứ mạng của Ngài. Đức Giêsu đã ban cho các ông năng lực làm phép lạ, chữa bệnh và quyền phép để xua trừ ma quỉ. Ngài cũng căn dặn các ông nhiều điều trước khi lên đường.

Lời căn dặn của Đức Giêsu phải chăng muốn nói: khi rao giảng phải bỏ hết những đồ dùng, kể cả lương thực? Thưa không, Ngài chỉ muốn nhấn mạnh rằng, với sứ mệnh loan báo Tin mừng, đừng để vật chất, danh vọng, tình cảm làm chủ mình. Nhưng, phải cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa và của Tin mừng thôi.

2.  Thiên Chúa hằng chăm lo cho dân của Người. Vì thế, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã ban cho dân các Tổ phụ, rồi sai các Tiên tri, và thời sau cùng, Người trao ban chính Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã kiện toàn tất cả những gì đã loan báo trước đó, đồng thời, Ngài không ngừng mời gọi những môn sinh của mình tiến bước để cùng Ngài ra đi và tiếp nối sứ mạng cao quý là loan báo Tin mừng đến tận cùng trái đất. Để củng cố lời rao giảng, Đức Giêsu còn trao ban cho các ông năng lực của chính Ngài, để thực hiện các phép là và ban quyền phép để xua trừ ma quỷ.

3.  Trước khi đi rao giảng, Đức Giêsu dặn bảo các ông cần có tinh thần siêu thoát: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”. Theo đó, Đức Giêsu không bảo các ông phải vô sản, không chủ trương tìm sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giàu có tinh thần. Đức Giêsu muốn nhấn mạnh rằng, đừng để cho vật chất, danh vọng, tình cảm làm chủ và chi phối mình.

Chúa muốn nhà truyền giáo phải dựa vào ơn Chúa trước khi dựa vào tiền bạc, hãy dựa vào sự trợ giúp của Chúa hơn là sự trợ giúp của phương tiện vật chất. Chính ơn Chúa mới đem lại sự bình an thanh thoát trong tâm hồn. Sự từ bỏ, quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ rao giảng. Đi truyền giáo mà với đầy rẫy những thứ cồng kềnh vướng bận, thì khó mà toàn tâm toàn ý lo cho sứ vụ, bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa (Hiền Lâm).

4.  Lý do của việc truyền giáo. Hội thánh luôn nhận lấy bổn phận và nhiệt tình truyền giáo từ chính tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả mọi người: “Vì tình yêu Đức Kitô thôi thúc tôi” (2Cr 5,14). Quả thế, “Thiên Chúa luôn cho mọi người được ơn cứu độ và đạt tới sự nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được ơn cứu độ nhờ nhận biết chân lý. Trong chân lý có ơn cứu độ. Những ai để cho Thần Chân Lý thúc đẩy thì đã ở trên đường cứu độ. Vì đã được uỷ thác chân lý, Hội thánh phải nắm bắt khát vọng của con người để mang chân lý đến cho họ. Vì tin vào ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, nên Hội thánh phải truyền giáo.

5.  Loan báo Tin mừng Nước trời là sứ mệnh hàng đầu của Đức Giêsu và của cả Giáo hội, Ngài đã đến trần gian và ở lại 33 năm là để thi hành sứ mệnh này. Kế tiếp Ngài, các người được Ngài mời gọi, đi theo, ở với và rồi được sai đi cũng mang trọng trách ấy cho đến “khi Chúa đến”. Trước tiên, loan báo Tin mừng hệ tại việc “đi”: đi vào giữa lòng đời và đi ra vùng ngoại biên. Loan báo còn là làm chứng, thực hiện những dấu chỉ, trong đó có dấu chỉ chữa trị những vết thương tinh thần và cả thể lý của những kẻ môn đệ Chúa Kitô được sai đến. Lời loan báo, giới thiệu Tin mừng được đón nhận dễ dàng hơn khi có các dấu chỉ yêu thương, hy sinh, quảng đại... kèm theo. Điều này đòi hỏi các môn đệ phải nỗ lực thích nghi, sáng kiến trong sứ vụ. Nói cách khác, để chu toàn sứ mệnh, người môn đệ không thể ở yên một chỗ, nhưng phải di chuyển và đưa ra những kế hoạch cụ thể, thích hợp (5 phút Lời Chúa).

6.  Chúng ta có thể rao giảng Lời Chúa bằng lời nói, chữ viết, cử chỉ hay bất cứ phương tiện nào, nhưng phương tiện có tính thuyết phục nhất là đời sống thực tế của chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên Chúa, để người ta trông thấy chúng ta thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa.

Trong việc phong thánh cho linh mục Gioan Vianney, cha sở xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ về đời sống của Ngài, thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ: “Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người”.

7.  Truyện: Chúa sai tôi đi

Sau thế chiến thứ nhất, một linh mục trẻ người Pháp được bài sai đi coi xứ. Tay xách vali, cha mạnh dạn ra đi truyền giáo. Đến nơi chỉ thấy hầm với hố, tường thì đổ. Nhà thờ, nhà xứ, chỉ còn duy nhất một bức tường xiêu vẹo.

Không một chút sờn lòng, cha cùng với các tín hữu tích cực kiến thiết lại ngôi thánh đường đổ nát. Chẳng bao lâu sau, đền thờ vật chất đã hoàn thành khang trang đẹp đẽ. Giờ đây, cha lại tiếp tục xây dựng đền thờ tâm hồn. Nhờ đời sống gương mẫu, cha đã tu sửa lại lòng đạo đức của cả đoàn chiên.

Tuổi cha chưa cao nhưng đã kiệt sức, giữa lúc tình cha con đang mặn nồng, gắn bó. Dầu vậy, nằm trên giường bệnh, cha vẫn thản nhiên vui vẻ. Giờ hấp hối đến, cha nhỏ nhẹ nói với những người chung quanh cha rằng:

- Giờ đây tôi vui mừng vì đã trung thành giữ lời nhủ bảo của thân phụ tôi ngày tôi chịu chức linh mục: “Nay con đã là linh mục của Chúa, cha chỉ cầu mong con ba điều: Thứ nhất, lúc con chết đừng nợ ai xu nào. Thứ hai, khi qua đời con cũng chẳng còn xu nào. Thứ ba, lúc lâm chung con đừng vướng một chút tội nào với Chúa”.

Và thế rồi ngài an bình ra đi về với Đấng mình đã trọn đời dâng hiến.

 

Suy niệm 10: Chúa Giêsu sai nhóm 12 đi loan Tin Mừng

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Chúa Giêsu sai nhóm 12 đi loan Tin Mừng. Nói một cách cụ thể, Chúa sai các môn đệ đi truyền giáo. Và từ đó trở đi, việc truyền giáo đã trở thành sứ mạng của mọi người trong Giáo Hội.

Đây là lời của Công Đồng chung Vaticanô II trong Hiến Chế Truyền Giáo: “Như Chúa Cha sai Người thế nào, Chúa Con cũng sai các Tông Đồ như vậy (Ga 20, 21) khi Người phán: “Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, thanh tẩy họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, hãy dạy dỗ họ vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây, Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Lệnh ấy, Chúa Kitô long trọng truyền lại, Giáo Hội đã nhận lãnh từ các Tông Đồ để chu toàn khắp cõi đất (Cv 1,8). Vì thế, Giáo Hội xem lời sau đây của Thánh Tông đồ như lời của mình: “Khốn thân tôi nếu tôi không giao giảng Tin Mừng” (1Cor 9,16), và vì thế, Giáo Hội không ngừng gửi sứ giả Tin Mừng cho đến khi các Giáo Hội trẻ được trưởng thành hoàn toàn và tự mình tiếp tục việc rao giảng Tin Mừng. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội cộng tác với Ngài để hoàn tất trọn vẹn ý định của Thiên Chúa là Đấng đã đặt Chúa Kitô làm nguyên lý cứu độ cho tất cả thế giới. Bằng việc rao giảng Tin Mừng, Giáo Hội sửa soạn cho người nghe đón nhận và tuyên xưng đức tin, và chuẩn bị cho họ lãnh phép Rửa, đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của sự lầm lạc, tháp nhập họ vào thân.

2. Lý do của việc truyền giáo. Hội Thánh luôn nhận lấy bổn phận và nhiệt tình truyền giáo từ chính tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả mọi người: “Vì tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2Cr 5,l4). Quả thế, “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và đạt tới sự nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ nhờ nhận biết chân lý. Trong chân lý có ơn cứu độ. Những ai để cho Thần Chân Lý thúc đẩy thì đã ở trên đường cứu độ. Vì đã được ủy thác chân lý, Hội Thánh phải nắm bắt khát vọng của con người để mang chân lý đến cho họ. Vì tin vào ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, nên Hội Thánh phải truyền giáo.

3. Những con đường truyền giáo. “Chúa Thánh Thần là người chủ xướng mọi công cuộc truyền giáo của Hội Thánh” (RM.2l), chính Người dìu dắt Hội Thánh trên các nẻo đường truyền giáo. “Hội Thánh tiếp tục và triển khai qua dòng lịch sử sứ mạng của chính Chúa Kitô, Đấng được cử đến rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. Được Thánh Thần Chúa Kitô thúc đẩy, Hội Thánh cũng phải tiến bước trên chính con đường Chúa Kitô đã đi là nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến cho đến chết, để rồi toàn thắng nhờ sự sống lại của Người” (AG 5). Chính như thế mà “máu các thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh Kitô hữu” (Hộ Giáo 50).

Vào năm 1965, dư luận tại Italia ngỡ ngàng trước tin dược sư Marcello Candia, 59 tuổi, là giám đốc và là chủ nhân hai viện bào chế có tiếng ở Bắc Italia đã bán hết hai viện, nhà cửa, đất đai và tất cả sản nghiệp của mình rồi sau đó mang tiền sang miền Amazone Brazil, với sự đồng ý của Đức Tổng Giám mục Aristide Pirovano, giáo phận Maccapa thuộc Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Milano. Ông Candia đã xây cất một nhà thương gồm 120 giường để tiếp đón và chữa trị cho các người nghèo trong vùng. Nhiều người cho rằng ý định của vị mục sư là một việc làm điên rồ. Nhưng ông đã nói:

“Ngay từ thời gian còn ở trung học, tôi vẫn thường tiếp xúc với dân nghèo ở khu vực ngoại ô Milano dưới sự hướng dẫn của một vị linh mục dòng thánh Phanxicô Capuciano. Lòng yêu mến công tác truyền giáo đã nảy sinh trong tôi từ dạo đó. Một lần kia, thày Kecillio, người giữ cửa tu viện đã nhờ tôi giúp phân phát cháo cho người nghèo, tôi đã vui lòng nhận lời. Tại phòng khách nơi nhiều người đang chờ tới phiên mình, tôi nhìn thấy tấm hình của cha Damiane de Samarate, người đã chết vì bệnh cùi năm 1924 tại thành phố Belem bên Brazil, sau khi đã tận tụy chăm sóc các người bệnh tại đây và chính người cuối cùng đã lây bệnh, rồi chết. Mỗi lần nhìn lên tấm hình vị linh mục, tôi lại cảm thấy một lời mời gọi văng vẳng bên tai: “Tại sao mình lại không bán hết tài sản để phục vụ người nghèo?

Sau khi đã đến thăm miền Amazone, tôi đã quyết định bán tất cả sản nghiệp và đến làm việc tại đây để phục vụ và giúp đỡ những người nghèo.”

Lạy Chúa Giêsu,

xin sai chúng con lên đường

thật nhẹ nhàng và thanh thoát,

không chút cậy dựa vào khả năng bản thân

hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng

với niềm vui của một người tìm được viên ngọc quý.

Lạy Chúa Giêsu,

thế giới thật bao la

mà vòng tay chúng con quá nhỏ.

Xin dạy chúng con biết nắm chặt lấy tay nhau

mà tin tưởng lên đường. Amen (Rabboni)

 

Suy niệm 11: Loan báo Tin Mừng bằng chính cuộc sống

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Chúa Giêsu sai Nhóm 12 đi loan Tin Mừng và chỉ dẫn họ những điều cần thiết khi thi hành sứ mạng:

1. Sứ mạng:

- Họ sẽ được tham dự vào chính sứ mạng của Thầy mình, cho nên Chúa Giêsu ban cho họ năng lực, năng lực của chính Ngài, năng lực mà Ngài đã dùng để thực hiện các phép lạ mà chúng ta đã thấy ở các đoạn trước; Ngài cũng ban cho họ quyền phép, cũng là quyền phép của chính Ngài, quyền phép mà Ngài đã dùng để xua trừ ma quỷ mà chúng ta cũng đã thấy ở những đoạn trước.

- “Trừ mọi thứ quỷ và chữa các thứ bệnh”: người do thái quan niệm bệnh tật là dấu hiệu thống trị của Satan và tội lỗi. Vậy trừ quỷ và chữa lành bệnh đều có cùng một ý nghĩa là quyền lực Thiên Chúa  đã chiến thắng Satan.

2. Những chỉ dẫn cần thiết:

- Chỉ dẫn thứ nhất là về lúc đi đường: đừng để mình bị quá vướng víu với những nhu cầu và phương tiện vật chất, nhờ thế mà sẽ biết phó thác vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa hơn. Muốn thế người tông đồ phải: a/ “Đừng mang gì đi đường” để được thảnh thơi khỏi cồng kềnh; b/ “Đừng mang gậy”: gậy nhằm tự vệ khi bị kẻ ác tấn công dọc đường. Người tông đồ khỏi lo việc này vì chính Chúa Quan Phòng sẽ bảo vệ họ; c/ “Bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”: đó là những món có tính cách dự trữ, phòng xa cho những nhu cầu vật chất. Việc phòng xa này cũng không cần thiết vì Chúa Quan Phòng đã lo sẵn có những người dọc đường cung cấp các thứ cần thiết ấy cho người tông đồ.

- Chỉ dẫn thứ hai là về chỗ ở: Tông đồ không nên so đo chọn nơi ở sao cho vừa ý nhất, do so đo như vậy mà cứ đổi từ chỗ này sang chỗ khác cho dễ chịu hơn. Chúa Giêsu dặn phải chọn người xứng đáng ở trọ nhà họ rồi trọ luôn một chỗ đó. Cv 16,15 là một thí dụ minh họa cho điểm này.

- Chúa Giêsu cũng dự trù một trường hợp đặc biệt: có thể có nơi sẽ không chịu đón tiếp người tông đồ. Gặp trường hợp đó người tông đồ hãy "Ra khỏi thành và giũ sạch bụi chân để tỏ dấu phản đối họ": theo tục lệ do thái, cử chỉ này có nghĩa là đoạn tuyệt. Xứ nào không đón nhận Lời Chúa thì bị kể không phải là Đất Thánh, bụi của xứ đó đều là bụi dơ, phải phủi lại kẻo mang bụi dơ ấy sang những xứ biết đón nhận Lời Chúa. Cử chỉ phủi bụi chân và ra đi cũng có ý tuyên bố rằng từ nay người tông đồ không còn trách nhiệm với nơi đó nửa, trách nhiệm thuộc về chính nơi đó. Cv 13,51 cũng là một minh họa cho điểm này.

B.... nẩy mầm.

1. Đã lãnh nhận đức tin cách nhưng không thì chúng ta cũng có bổn phận truyền bá đức tin ấy cách nhưng không. Truyền giáo không phải là một việc “nhiệm ý làm thêm”, mà là một trách nhiệm của công bằng.

2. Dù không có sẵn bao bị, gậy, bánh, tiền… tức là những khả năng phương tiện, ta cũng đừng ngại thi hành bổn phận truyền giáo, bởi vì dù chúng ta có những thứ đó Chúa Giêsu cũng bảo chúng ta đừng mang theo. Chúng ta có được sự hỗ trợ đắc lực nhất là chính Chúa.

3. Truyền giáo trước tiên không phải là nhằm dạy cho người ta biết một số kiến thức về giáo lý mà là nhằm “xua trừ ma quỷ và chữa lành các bệnh tật”, nghĩa là đẩy lùi những sự dữ và sự xấu ra khỏi con người.

Có lẽ từ trước tới nay tôi chưa ý thức mục tiêu này.

4. “Ngài sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc, loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi”.

Các môn đệ xưa là những người dân lương thiện, chất phát. Họ xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau: trí thức có, bình dân có… tất cả đều được sai đi để loan báo Tin Mừng. Với cả sự nỗ lực và lòng nhiệt thành, họ đã ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ.

Những người trẻ chúng ta cũng được mời gọi rao giảng Lời Chúa. Có thể chúng ta không phải đến những nơi xa xôi, mà ở đây, bằng chính cuộc sống của mỗi người nơi môi trường học đường, gia đình, làng xóm…

Lạy Chúa, xin ở bên con và bước đi cùng con (Hosanna)

nguon:http://gplongxuyen.org/