“Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”.
* Thánh nhân sinh năm 1581 tại Gát-côn, nước Pháp. Người làm linh mục rồi đi Pa-ri phục vụ một giáo xứ. Người sáng lập Tu Hội Thừa Sai để giúp đào tạo các giáo sĩ và nâng đỡ những người nghèo. Được thánh nữ Lu-y Ma-ri-lắc cộng tác, người đã lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Người là gương mẫu hoàn hảo về việc sống đức bác ái như Chúa Kitô dạy, luôn sẵn sàng cứu giúp những người cùng khốn. Người nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi bất cứ ai đang gặp đau khổ. Người qua đời tại Pa-ri năm 1660.
Lời Chúa: Lc 9, 46-50
Khi ấy, các môn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, và bảo các ông rằng: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Đấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”.
Gioan lên tiếng thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con”. Chúa Giêsu bảo ông rằng: “Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con”.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Suy niệm 1: Người nhỏ nhất
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Phá kỷ lục là ước mơ của các vận động viên.
Làm sao phá kỷ lục của quốc gia, của vùng, của châu lục và thế giới?
Để phá kỷ lục cần có thành tích vượt hơn người đang giữ nó.
Chỉ cần chạy nhanh hơn một phần ngàn giây,
nhảy cao hơn hay xa hơn một centimét,
cũng đủ để làm một kỷ lục đứng vững nhiều năm bị phá đổ.
Nhưng không phải chỉ các vận động viên mới thích phá kỷ lục.
Các nước cũng tranh nhau xem ai là cường quốc về một lãnh vực nào đó.
Có vẻ cả nhân loại đều ở trong một cuộc đua tranh xem ai đứng đầu.
Có những cuộc đua tranh lành mạnh, thúc đẩy tiến bộ.
Nhưng cũng có những cuộc đua tranh dẫn đến chiến tranh và hủy diệt.
Các môn đệ vẫn loay hoay với một câu hỏi trong đầu:
“Trong các ông, ai là người lớn nhất ?”(c. 46).
Thầy Giêsu muốn dạy cho họ một bài học rất gợi hình,
nên đem một em nhỏ đến và trân trọng đặt em đứng bên cạnh (c. 47)
Thầy đồng hóa mình với em nhỏ yếu đuối và không có địa vị ấy:
ai tiếp đón em này là tiếp đón chính Thầy.
Thầy cũng cho biết, ai tiếp đón Thầy là tiếp đón chính Thiên Chúa (c. 48).
Như thế một em nhỏ bình thường là con đường dẫn ta gặp gỡ Đức Giêsu,
và gặp gỡ chính Thiên Chúa siêu việt.
Để tiếp đón Thiên Chúa và Đức Kitô trong đời,
ta phải sẵn sàng tiếp đón những người yếu kém và nhỏ bé nhất trong xã hội.
Khi các môn đệ bị ám ảnh bởi chuyện làm lớn
thì Thầy Giêsu đem lại cho họ một em nhỏ,
và cho thấy sự cao trọng lớn lao của em trong cái nhìn của Thiên Chúa.
Câu trả lời của Thầy đã rõ: kẻ nhỏ nhất chính là người lớn nhất trong anh em.
Vượt ra khỏi sự tranh chấp trong nhóm,
bây giờ các môn đệ lại phải đối diện với một người trừ quỷ ở ngoài nhóm.
“Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng chúng con đi theo Thầy.”
Tại sao một người ở ngoài nhóm lại dám lấy danh Thầy mà trừ quỷ?
Lẽ ra việc dùng danh Thầy phải là độc quyền của chúng con.
Người ấy không được chiếm lấy sự thành công và tăm tiếng
mà chỉ những ai theo Thầy như chúng con mới được hưởng.
Các môn đệ đã có thái độ cục bộ và bè phái.
Họ cần cởi mở và khoan dung hơn với những người ngoài.
Danh Thầy Giêsu là quà tặng cho cả thế giới, chứ không cho riêng môn đệ.
Ai cũng có thể đến múc lấy sức mạnh từ Danh ấy và sẻ chia.
Thầy Giêsu mời các môn đệ bước ra khỏi sự hẹp hòi khép kín,
để vui vẻ kính trọng một người tuy không thuộc nhóm mình,
nhưng làm được những việc mà có khi mình không làm nổi (Lc 9, 40).
Danh Giêsu được tôn vinh: đó là điều chúng ta nhắm tới.
Chúng ta chỉ mong sức mạnh của Danh này làm thế giới được trừ quỷ.
Chỉ mong ai đó đang ở ngoài nhóm và đang trừ quỷ nhờ Danh Giêsu,
sẽ có ngày trở thành người môn đệ trong nhóm.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng vào thiện chí của nhau.
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.
Suy niệm 2: Chúa là tất cả
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Thế giới đảo điên vì tranh chấp hơn thua. Con người khổ đau vì cái được cái mất. Vì thế châm ngôn Pháp nói: sống là đấu tranh. Đấu tranh để có địa vị hơn, giầu có hơn người. Não trạng thế tục len lỏi vào cả các môn đệ của Chúa. Nên các ông tranh giành địa vị cao thấp.
Chúa nhân cơ hội dạy dỗ các ông. Tinh thần trong Nước Chúa phải ngược với tinh thần thế tục. Ai muốn làm lớn phải trở nên bé nhỏ. Ai muốn chỉ huy phải phục vụ. Chúa chẳng nói suông. Chính Chúa đã làm trước. Chính Chúa rất giầu sang đã trở nên khó nghèo. Rất cao sang đã trở nên thấp hèn. Chúa là Thầy là Chúa nhưng đã quì xuống rửa chân cho các tông đồ. Ai trở nên bé nhỏ là trở nên chính Chúa. Chúa đi ngược với trần gian. Ai theo đuổi trần gian sẽ mất Chúa. Ai từ bỏ trần gian sẽ được chính Chúa. Được Chúa là được tất cả: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ail à người nhỏ nhất trong tất cả an hem, thì kẻ ấy là người lớn nhất”.
Đó là điều thánh Gióp đã cảm nghiệm. Ma quỉ theo thói thế gian tưởng của cải, danh vọng, chức quyền là tất cả. Nên chiếm hết của thánh Gióp để lung lạc ông. Để ông bỏ Chúa mà đi theo ma quỉ. Không ngờ thánh Gióp có đức tin kiên vững. Là tôi tớ trung tín của Chúa. Càng đau khổ càng gắn bó với Chúa. Ông tuyên xưng đức tin: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa”. Ma quỉ chịu thua. Chúa trả lại cho ông tất cả. Con cái. Của cải. Danh vọng. Hạnh phúc. Còn hơn gấp bội những gì ngài có trước kia. Ngài càng xác tín: Chúa là tất cả. Có Chúa là có tất cả (năm chẵn).
Đó cũng chính là điều Da-ca-ri-a thay mặt Chúa khẳng định. Khi dân phản bội Chúa thì họ mất tất cả. Nhà tan cửa nát. Thân phận lưu đày nô lệ. Họ mơ một cuộc sống an bình nơi quê nhà. Họ mơ chiều chiều được ngồi trong quảng trường đền thánh. Ông già bà cả được thảnh thơi nghỉ ngơi. Lên đền thờ cầu nguyện. Sống lâu trăm tuổi. Đó là điều không thể được với tình hình lực lượng thua kém của họ. Nhưng Chúa quả quyết đó là điều có thể được đối với quyền năng của Chúa. Vì Chúa là tất cả. “Ta sẽ dẫn chúng về…Chúng sẽ là dân của Ta; Ta sẽ là Chúa của chúng” (năm lẻ).
Xin cho con biết từ bỏ thế gian. Chỉ chọn một mình Chúa thôi.
Suy niệm 3: Nhân Danh Chúa Giêsu
Một hôm, họa sĩ Picasso đến một xưởng mộc làm một cái tủ. Ông lấy bút phác họa hình thù và kích thước cái tủ rồi trao cho người thợ mộc và hỏi giá cả. Người thợ mộc cầm lấy tờ giấy một cách trân trọng và trả lời: "Ngài không phải trả gì cả, chúng tôi chỉ xin Ngài ký tên vào giấy này là đủ rồi".
Tên tuổi gắn liền với sự nghiệp của con người. Người ta nhắc nhớ và đề cao tên tuổi của những bậc anh hùng, những người tài ba, những ân nhân của dân tộc hay nhân loại. Nhưng người ta phỉ nhổ và nguyền rủa tên tuổi của những con người chỉ biết gây đau thương tang tóc cho đồng loại. Khi một người nào đó đã được nổi tiếng, thì tên tuổi người đó tạo được một sức mạnh lạ thường. Chúng ta thích xin chữ ký của những người nổi tiếng, chúng ta thích ăn mặc và sử dụng những sản phẩm có chữ ký hoặc tước hiệu của những người nổi tiếng. Một cách nào đó, chúng ta tôn thờ tên tuổi của những người nổi tiếng, chúng ta tự đặt mình dưới quyền lực của những người nổi tiếng.
Ðối với người Kitô hữu, như thánh Phêrô đã nói trước Công nghị Do thái: "Dưới bầu trời này không một danh hiệu nào đã được ban cho con người, để được cứu rỗi, ngoài danh Chúa Giêsu Kitô".
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cũng ghi lại sức mạnh của Danh Giêsu. Chính nhân danh Ngài mà một số người có thể xua trừ ma quỉ và chữa bệnh. Nhân Danh Chúa là một quyền hạn đã được trao ban cho các môn đệ Chúa Giêsu. Người ta chỉ có thể trừ quỉ và như vậy tiếp tục hoạt động cứu rỗi của Chúa Giêsu nhờ quyền năng Ngài và lòng tin vào Ngài mà thôi. Ðó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã không lo ngại với những kẻ lén lút nhân danh Ngài để trừ quỉ, bởi vì khi hành động như thế, họ chỉ hành động với lòng tin vào quyền năng Ngài mà thôi.
Danh Chúa Giêsu không những có sức mạnh chữa lành bệnh và xua trừ ma quỉ, mà còn tạo được mối tương quan giữa con người . Chính nhân danh Ngài mà con người mới có thể tập họp để cầu nguyện; chính nhân danh Ngài mà con người phải tiếp rước những kẻ Ngài sai đi; chính nhân danh Ngài mà con người phải đón rước tha nhân, nhất là những kẻ bé mọn, hèn kém như các trẻ em. Chúa Giêsu nói: "Ai nhân danh Thầy mà đón tiếp trẻ nhỏ này là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy". Câu nói của Chúa Giêsu cho thấy được bản chất của Giáo Hội: Chúa Giêsu tiếp tục sống trong Giáo Hội Ngài, không như một vĩ nhân sống trong sự nghiệp mình và trong ký ức của dân tộc; Giáo Hội chính là một nối dài của Chúa Giêsu, Giáo Hội sống bằng sức sống của Chúa Giêsu.
Người Kitô hữu không chỉ mang danh hiệu Chúa Giêsu, họ còn sống bằng chính sức sống của Ngài. Ngài tự đồng hóa mình với mỗi tín hữu. Người Kitô hữu nhân danh Ngài để hành động, đến độ họ có thể nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
Chúng ta thường nói đến tội kêu tên Chúa vô cớ, chúng ta nói đến tội xúc phạm Danh Chúa. Thực ra, khi cuộc sống chúng ta chưa là thể hiện của sức sống Chúa Kitô trong chúng ta; khi nhìn vào chúng ta, người ta chưa nhận ra Chúa Kitô đang sống trong chúng ta, phải chăng đó không là một kiểu chúng ta kêu tên Chúa một cách vô cớ và làm ô Danh Ngài?
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 4: Nhân Danh Chúa Giêsu
Tên tuổi có một ý nghĩa và sức mạnh đặc biệt trong cuộc sống con người. Người ta thường kể về tên tuổi Alexandre Ðại Ðế của Hy Lạp giai thoại như sau:
Trong quân đội của ông có một binh sĩ rất nhát đảm, cứ mỗi lần nguy ngập anh đều tìm cách thoái lui. Alexandre cảm thấy bị xúc phạm về hành vi của người binh sĩ này vì anh ta cũng mang tên Alexandre như ông. Một hôm, ông gọi anh ta lại và bảo: "Ta cho nhà ngươi một chọn lựa: hoặc là chấm dứt thái độ nhát đảm hoặc là đổi tên đi".
Tên tuổi là một sức mạnh. Ðược nổi danh vốn là một trong những khát khao tự nhiên của con người. Trong Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta Suy niệm về ý nghĩa, sức mạnh và quyền năng của Danh Chúa trong cuộc sống người Kitô hữu chúng ta.
Tin Mừng được ghi lại những sự kiện được liên kết với nhau bằng Danh Chúa. Chỉ nhân danh Chúa mà đón tiếp những người bé nhỏ nhất, cụ thể là các em nhỏ và cũng chỉ nhân Danh Chúa, con người mới có thể khu trừ ma quỉ, chữa lành bệnh tật và làm phép lạ.
Ngày nay, Giáo Hội cũng nhân Danh Chúa để tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Ngài. Giáo Hội nhân Danh Chúa để cử hành các bí tích, để thực thi công tác bác ái, tranh đấu cho công lý. Nhưng phải chăng Danh Chúa Giêsu là một thứ bùa chú, một công thức ma thuật?
Chúng ta biết rằng nội dung niềm tin Kitô chính là tin rằng Thiên Chúa đã phục sinh Chúa Giêsu từ cõi chết, tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa và kêu cầu Danh Ngài. Cả ba kiểu nói này đều tương tự như nhau. Các Kitô hữu tiên khởi thường tự gọi mình là những kẻ kêu cầu Danh Chúa. Ðiều này được thể hiện một cách rõ rệt trong nghi thức rửa tội. Kêu cầu Danh Chúa có nghĩa là tin nhận rằng Ngài là Chúa và đặt mình dưới sự thống trị của Ngài. Duy chỉ mình Ngài mới có thể đem lại ơn cứu rỗi và sự sống, duy chỉ có mình Ngài mới có thể là lý tưởng của đời sống Kitô hữu.
Xét cho cùng, niềm tin của chúng ta không phải là một giáo điều để tuyên xưng, một số kinh kệ phải đọc làu làu, một số biểu dương tôn giáo cần bày tỏ ra bên ngoài. Niềm tin thiết yếu của chúng ta là Chúa Giêsu, Ðấng đang hiện diện cách sống động trong mỗi người chúng ta. Sống niềm tin ấy chính là luôn ý thức về sự hiện diện ấy của Ngài và không ngừng đi vào tương quan mật thiết với Ngài. Sống niềm tin ấy chính là để Ngài thấm nhập vào từng suy nghĩ, tâm tư và hành động đến độ có thể thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 5: Nghĩa mới về giá trị
Người liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” (Lc. 9, 47b-48)
Các môn đệ đã không hiểu ý nghĩa quan trọng về sự đau khổ mà Đức Giêsu sắp phải chịu. Người vừa loan báo về cái chết của Người là đỉnh cao của sứ vụ giữa loài người. Chính ra các ông phải xúc động và đổi đời, phải lo Suy niệm những lời giảng bi thảm của Thầy, để rút ra những điều bổ ích và chuẩn bị những hậu quả của những ngày đau khổ sắp tới.
Trái lại, các ông cứ tiếp tục nuôi dưỡng những ảo vọng danh lợi mong Đức Kitô sắp tới giờ vinh quang phục hưng vương quốc thế gian. Các ông hằng mơ thấy như thế. Đức Kitô đã không thành công trong khi thuyết phục các ông, Người không đến để làm như thế. Vì thế các ông đang nghĩ xem ai là người lớn nhất trong các ông, ai có chức vị cao nhất trong Nước Đức Kitô. Thánh Marcô cho thấy tính cách thô lỗ, thô bạo khi ông kể lại cuộc tranh giành giữa các tông đồ để biết ai được địa vị cao nhất. Đức Giêsu sắp hoàn toàn lật đổ quan niệm của các ông về giá trị mới trong nước trời. Người liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình mà nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy, và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Đó là địa vị danh dự bên Đức Giêsu. Địa vị này không dành cho kẻ sáng giá nhất, thông minh nhất, tài năng nhất, có huy chương nhiều nhất! Nó chỉ dành cho ai đặt mình phục vụ những kẻ hèn mọn nhất, trơ trụi nhất, bị kinh bỉ nhất. Vì ai là người nhỏ nhất trong mọi người, chính là người lớn nhất.
Còn lời nào ngược đời đối với kẻ luôn luôn đòi cai trị người khác, nghịch lý đối với hạng chủ trương dùng quyền lực thống trị người khác. Đức Kitô quả quyết, cai trị là làm tôi tớ như chính Người đã làm gương, cai trị là hy sinh hủy mình đi vì người khác, chứ không phải là bắt họ làm nô lệ mình. Hủy mình đi vì thực thi bác ái của Đức Kitô để yêu người đến độ có thể hiến mạng sống mình vì họ.
Nhỏ bé là như thế, mới đạt tới sự cao cả duy nhất, như Đức Kitô kêu gọi chúng ta.
GF
Suy niệm 6: Muốn làm lớn … phải trở nên bé nhỏ
Xem lại CN 25 TN B, thứ Ba tuần 7 TN và tuần 19 TN, lễ Thánh Têrêxa và lễ Các Thiên Thần Bản Mệnh
Khi Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn đầu tiên, các môn đệ can ngăn. Lần thứ hai thì không ai dám nói gì. Tuy nhiên, vì biết Thầy sắp ra đi, vị trí lãnh đạo sẽ khuyết, nên các ông bắt đầu nẩy sinh chuyện tranh dành xem ai là người lớn nhất trong anh em. Biết được tâm tưởng của các môn đệ, nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã ban nhiều huấn dụ cho các ông để các ông hiểu và đi theo đúng con đường mà Ngài mong muốn nơi môn sinh của mình.
Huấn giáo của Đức Giêsu đã gây nên một ấn tượng mạnh nơi các môn đệ khi Ngài dẫn một em nhỏ đến bên cạnh và nói: "Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất". Qua đó, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ phải từ bỏ tính tham quyền cố vị. Tránh đi thái cực muốn được người khác ca tụng, hay thích ăn trên ngồi trước. Cần loại bỏ sự mong muốn được người khác phục vụ, rồi thích thống trị thiên hạ bằng quyền lực.
Ngày nay, hình ảnh và lối suy nghĩ của các môn đệ khi xưa vẫn thường diễn ra trong cuộc sống của chúng ta!
Thật vậy, vẫn còn đó những người Kitô hữu có suy nghĩ và hành xử bè phái, cục bộ, không phục vụ vì Chúa và các linh hồn, nhưng là vì mình. Không quy về Đức Giêsu mà lôi kéo để mình có ảnh hưởng. Tính háo danh và ham địa vị, cũng như tính hay ghen tỵ cũng diễn ra thường xuyên.
Tất cả những thứ đó làm nguy hại đến tinh thần hiệp nhất và sứ mạng loan báo Tin Mừng rất lớn.
Vì thế, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:
Luôn sống kết hiệp với Thiên Chúa qua việc lắng nghe Lời Ngài dạy dỗ, bảo ban. Cần trở nên như trẻ nhỏ trong thái độ đơn sơ, chân thành và phục vụ cách vô vị lợi. Khiêm tốn và từ bỏ ham quyền, cố vị. Sẵn sàng cộng tác với hết mọi người để ra đi loan báo Tin Mừng cách trung thành.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống tinh thần của Chúa là trở nên như hạt lúa, chấp nhận chôn vùi đi để sinh nhiều bông hạt khác. Xin cho chúng con có được tinh thần của trẻ thơ, để không màng chi đến danh vọng, nhưng chỉ một lòng yêu mến Chúa và yêu người tha thiết. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 6: Kẻ nhỏ nhất là kẻ lớn nhất
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Các môn đệ tự hỏi xem ai là người lớn nhất, và Chúa Giêsu đã trả lời: kẻ nhỏ nhất lại là kẻ lớn nhất. Chúa muốn dạy ta rằng: người khiêm nhường phục vụ như Chúa là người lớn nhất trong Nước Trời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, như các môn đệ ngày xưa, con cũng thích địa vị và đi tìm chỗ nhất cho mình. Con muốn hơn người khác và trở nên cao trọng bằng cách tự tôn mình lên hơn là sống theo đường lối của Chúa. Sở dĩ con không áp dụng phương thế của Chúa là vì con chưa hiểu được hình ảnh trẻ thơ bé nhỏ đối với Chúa lại cao đẹp và vĩ đại biết bao. Chính thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu, hơn ai hết, đã chọn cho mình con đường thơ ấu thiêng liêng, một con đường ngắn nhất để nên trọn lành.
Lạy Chúa, suốt cả cuộc đời, Chúa đã phục vụ con người như một tôi tớ. Cuộc đời Chúa cho con hiểu rằng để trở nên cao trọng, con phải sống khiêm nhường phục vụ như Chúa. Xin cho con luôn trở nên nhỏ bé trước tình yêu Chúa, để con luôn đơn sơ phó thác vào Chúa.
Xin cho con biết noi gương Chúa, như khi Chúa hạ mình cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, để con cũng biết yêu thương phục vụ anh em, nhất là những anh em hèn mọn, nhỏ bé. Xin cho con xác tín rằng: khi con ích kỷ yêu chính mạng sống mình, con sẽ mất nó, nhưng khi con quên đi bản thân mình trong cuộc đời phục vụ tha nhân, con lại gặp chính mình.
Và lạy Chúa, xin cho con được lớn nên trong Chúa Thánh Thần, để trở nên cao trọng trong cung lòng Thiên Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”.
Suy niệm 7: Nước Trời thuộc về trẻ em
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Nhà kỹ nghệ công giáo danh tiếng, Léon Harmel, thuật lại câu chuyện sau:
Một bà mẹ đánh thức con dậy. Bà thấy dưới gối con có một cục gỗ.
- Con làm gì thế?
- Thưa mẹ, khi đi học giáo lý, con nghe dạy rằng mình phải hãm mình để cho kẻ có tội được trở lại. Con chọn cách hãm mình này. Con trông cậy Chúa nhận lời con.
Đó là gương một em bé trong sạch, biết đền tội thay cho những kẻ có tội mà không chịu đền tội.
Suy niệm
Các môn đệ đang suy nghĩ là ai sẽ là người lớn nhất. Chúa Giêsu đặt một em nhỏ vào giữa nhóm môn đệ và nói: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy, mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy”. Cử chỉ này đi ngược lại phong tục Do Thái thời đó vì xã hội cổ đại không quan tâm tới trẻ em. Hơn nữa, chúng không hiểu biết Lề Luật nên người ta loại bỏ, khai trừ chúng ra khỏi cộng đoàn tôn giáo.
Đứa trẻ còn tiêu biểu cho những người đau khổ, cô thế cô thân, gặp thiếu thốn, có nhu cầu ủi an nơi chúng ta nhưng lại bị chính cộng đồng đã loại trừ. Qua việc đón tiếp các trẻ em, Đức Giêsu đề cao sự khiêm nhường phục vụ những người nghèo, có giá trị thiêng liêng cao quý như hành động phục vụ của Người và phục vụ chính Chúa Cha Đấng đã sai Người (x. Mt 10,40). Trong nước của Thiên Chúa, người lớn thì phải phục vụ, còn người bé nhỏ thì được đón tiếp nhân danh Thiên Chúa.
Chúa Giêsu còn nhấn mạnh: “Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”. Người bé mọn, cô thế cô thân được sống bên Chúa:
“Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2).
Chúa làm cho thân phận bé mọn được tràn đầy ân sủng như chính Ngài dùng lời Kinh Thánh khẳng định: “Ta sẽ cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen?” (Mt 21,16; Tv 8,2). Tông đồ Phaolô nhìn nhận các đặc ân, các ơn huệ nhưng không Chúa đã trao ban cho những con trẻ: “Những gì yếu đuối trong thế gian thì Thiên Chúa đã chọn lựa” (1Cr 1,27).
Giáo hội mời gọi chúng ta mặc lấy tâm tình của trẻ thơ. Trẻ thơ luôn biết ngạc nhiên và ngây ngất trước những điều kỳ diệu của cuộc sống. Trẻ thơ tuy đơn sơ mà cao vời vợi, vì các em luôn bước trên đời không chỉ bằng đôi chân của mình, nhưng biết buông mình trong tay Cha từ ái.
Ý lực sống:
“Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, đừng ngăn cấm chúng vì nước Trời thuộc về chúng” (Mt 19,14).
Suy niệm 8: Ai là người lớn nhất?
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Sau khi nghe Đức Giêsu loan báo lần thứ hai về cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của Người, trong tâm tưởng của các Tông đồ đã nảy ra một ý tưởng rất tự nhiên: Thầy chết rồi, ai sẽ đứng đầu các anh em ? Ý tưởng đó làm các ông thắc mắc và đem ra bàn cãi lúc đi đường. Thừa dịp này, Đức Giêsu đã ban nhiều lời huấn dụ các ông. Trước những suy nghĩ của các ông, Đức Giêsu nhẹ nhàng dạy các ông chân lý của Người: “Muốn làm lớn, hãy trở nên bé nhỏ”. Người làm lớn trong Nước Trời phải là người biết phục vụ anh chị em mình.
2. Sống với Đức Giêsu gần ba năm, các ông đã nghe lời Ngài giảng, đã chứng kiến việc Ngài làm, nhất là gương khiêm hạ, phục vụ của Ngài, thế mà các ông tranh luận nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm. Thấy vậy, Đức Giêsu đã nói với các ông:”Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” Để minh họa cho lời nói ấy, Đức Giêsu đưa một em nhỏ ra cho họ thấy gương mẫu điển hình và Ngài nói:”Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này, tức là đón nhận Thầy, mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Đấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong các con, đó là người cao trọng nhất”.
Qua đó, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ từ bỏ tính tham quyền cố vị. Tránh đi thái cực muốn được người khác ca tụng, hay thích ăn trên ngồi trốc. Cần loại bỏ sự mong muốn được người khác phục vụ, rồi thích thống trị thiên hạ bằng quyền lực.
3. Chúng ta thấy cái nghịch lý của Nước Trời là “càng bé thì càng lớn, càng cao thì càng sâu”. Bởi vì:
Ai muốn làm đầu thì phải hầu thiên hạ,
Ai muốn làm lãnh tụ thì phải phục vụ tha nhân.
Cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng... để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền... Trong khi giữ chức quyền là để phục vụ chứ không phải để cai trị, Làm to ai cũng muốn, nhưng lại ngại phải hy sinh. Vì thế, Đức Giêsu không trả lời trực tiếp là ai to ai nhỏ trong Nước Trời, mà chỉ đưa ra một “mẫu người” sẽ trở thành lớn nhất trong Nước Trời đó là nên như trẻ nhỏ, và Ngài nhấn mạnh rằng:”Ai muốn làm lớn thì phải cố tự hạ nên như trẻ nhỏ”.
4. Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta phải trở nên giống trẻ nhỏ thì mới được vào Nước Trời, vì trẻ nhỏ có những đức tính sau đây:
Hình ảnh nên như trẻ nhỏ, nghĩa là biết sống tự hạ, khiêm tốn, vì ai biết hạ mình xuống sẽ được tôn lên, còn ai kiêu ngạo thì tự đánh mất chính mình trong mắt mọi người.
Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên tính đơn sơ chân thực, trẻ nhỏ không tính toán so đo hay những tính toán nham hiểm. Chúa cũng muốn mọi người chúng ta sống chân thành và ngay thẳng, không toan tính mưu lợi thấp hèn.
Hình ảnh trẻ nhỏ còn nói lên tinh thần sống phó thác và tin tưởng nơi cha mẹ. Chúa mời gọi chúng ta biết sống đơn sơ phó thác nơi tay Chúa quan phòng.
Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên sự trong sạch. Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, không có những đam mê xấu. Chúa cũng muốn chúng ta sống trong sạch trước mặt Người.
Khi nói kẻ lớn nhất trong Nước Trời phải trở nên như trẻ nhỏ nơi nước trần thế, không có nghĩa là bây giờ làm Giáo hoàng rồi sau này trở nên kể rốt hết, nhưng Chúa nhắm đến tinh thần khiêm tốn và phục vụ, sự phục vụ đó tùy theo bậc sống của chúng ta nơi thế gian này.
5. Đức Giêsu đã nêu gương khiêm nhường cho chúng ta qua hành vi rửa chân cho các môn đệ. Vì thế, người môn đệ Chúa cũng được mời gọi trở nên những người phục vụ, và khiêm nhường. Thế nhưng, trong cuộc sống, có mấy ai nghĩ tới điều đó, ai cũng nghĩ người khác phải phục vụ mình, tranh giành quyền lợi, địa vị, loại trừ người khác... Đối với Đức Giêsu thì khác, những người làm lớn phải là người phục vụ kẻ khác. Muốn được như thế, mọi người phải có lòng yêu thương nhau, vì có tình yêu thì những cạnh tranh không còn nữa. Là người lãnh đạo, Đức Giêsu đã sẵn sàng hiến mạng sống mình cho nhân loại. Là Thầy, Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.
6. Truyện: Phục vụ trong khiêm tốn.
Sau đệ nhị thế chiến, những người dân ly tán khắp nơi còn sống sót đều trở về làng quê cũ, họ gạt nước mắt và sẵn sàng đổ mồ hôi để nỗ lực hàn gắn lại những vết thương chiến tranh và xây dựng lại cuộc sống trong hòa bình.
Tại một thị trấn nọ, tất cả nhà cửa, phố xá, ruộng vườn đều đã tan hoang đổ nát. Một nhóm bạn trẻ bước vào ngôi nhà thờ thân yêu ngày xưa, nay chỉ còn lại bốn vách tường và mái ngói tương đối là đứng vững, còn bên trong là những gạch vữa, gỗ đá vỡ vụn. Họ tìm thấy pho tượng Chúa Giêsu nằm sõng suợt dưới đất, chỉ còn có thân mình là nguyên vẹn.
Tuy thế, họ vẫn dọn dẹp sạch sẽ gian cung thánh, rồi họ đặt bức tượng trên một chiếc bàn con, ở ngay trung tâm của những buổi cử hành phụng vụ và cầu nguyện của giáo xứ. Và người ta đã ghi lại được một lời cầu nguyện bộc phát rất cảm động của một chị thiếu nữ như sau:
“Lạy Chúa, xin cho chúng con trở thành đôi mắt của Chúa, để chúng con diễn tả được tình yêu thương của Chúa. Xin biến chúng con trở thành đôi tay của Chúa, để chúng con nâng đỡ phục vụ anh chị em. Xin cho chúng con trở thành đôi chân của Chúa, để chúng con sẵn sàng đến với tha nhân. Xin biến chúng con trở thành con tim của Chúa, để chúng con biết thực sự yêu thương hết thảy mọi người”.
Suy niệm 9: Phục vụ và kết bạn
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
Chúa Giêsu dạy các môn đệ ba điều. Ba điều này ngược hẳn suy nghĩ của các ông:
1. Lớn và nhỏ: mọi người, trong đó có các môn đệ và có cả chúng ta nữa, đều muốn làm người lớn, người cao trọng nhất, nghĩa là có địa vị, có uy thế, có quyền lợi. Các môn đệ của Chúa Giêsu ngày xưa cũng như thế. Chúa Giêsu biết ý nghĩ của các ông, nên Ngài bảo các ông đừng nghĩ tới vấn đề đó nữa, mà hãy nghĩ ngược lại: hãy trở thành kẻ bé nhỏ nhất, nghĩa là đừng nhắm địa vị, uy thế và quyền lợi mà hãy sống khiêm tốn phục vụ mọi người.
Năm thành viên của một gia đình nọ đang nghỉ ngơi và vui đùa ở một bãi biển. Các đứa bé tắm và nghịch ngợm xây những lâu đài bằng cát, khi cách đó không xa, xuất hiện một bà già gầy còm, đầu tóc rối bung trong gió và áo quần thì rách rưới, bẩn thỉu. Bà vừa đi vừa lảm nhảm điều gì đó trong miệng và cúi xuống nhặt các vật trên bãi cát, bỏ vào một cái bị.
Bố mẹ vội kêu các con lại bên họ và bảo chúng đứng tránh xa bà già kia ra. Khi đi ngang qua họ, bà cúi xuống nhặt bên trái, bên phải các vật trên cát, rồi bà nhìn và cùng mỉm cười với cả gia đình họ. Song thái độ thân thiện của bà ta không được đáp trả.
Nhiều tuần sau, họ biết được rằng, người đàn bà già yếu rách rưới đó đã bỏ những tháng ngày ròng rã để nhặt những mảnh vụn chai, sắt, thiếc trên bãi biển hầu các em nhỏ có thể nô đùa mà không bị thương tổn.
2. Vấn đề đón nhận người khác: Thường thì chúng ta thấy người ta dễ dàng niềm nở với những ai có lợi cho mình, chẳng hạn người có thế giá, có địa vị, có quyền hành, có của cải v.v….
Chúa Giêsu lại dạy khác: hãy có thái độ rộng mở đón tiếp mọi người, dù đó là một đứa trẻ chẳng có địa vị quyền hành gì cả.
Nhạc sĩ Howard Kelly cũng là nhà vật lí, bác sĩ, sinh vật học nổi tiếng và cũng là một Kitô- hữu. Lần kia, sau một cuộc nghiên cứu, ông dừng lại nhà một nông dân xin nước uống. Một cô bé xuất hiện và khi biết ông muốn xin bát nước, em chạy vào nhà rồi đưa ra cho ông một ly sữa tươi mát. Ông ân cần cám ơn và nói, nếu người nhà có ai bị đau cứ việc đến bệnh viện của bác sĩ Kelly. Cô bé cũng cảm kích trước lòng tốt của ông. Ít lâu sau, mẹ cô đau và cô đưa đi bệnh viện của bác sĩ Kelly. Một sự đón tiếp đặc biệt dành cho hai mẹ con. Và khi mẹ cô khỏi bệnh ra về, bác sĩ còn gửi cho cô một số tiền lớn để bồi dưỡng cho mẹ cùng với lời ghi chú: “Để trả ơn một ly sữa.”
Giá mỗi người chúng ta biết đối xử với nhau như thế thì cuộc đời sẽ đẹp hơn biết bao.
3. Vấn đề thuận và nghịch: Trong cuộc sống, người ta thường dùng cái khung phe nhóm để định hướng thái độ của mình. Ai thuộc phe nhóm mình thì là bạn mình và mình hợp tác. Ngược lại, ai không thuộc phe nhóm mình thì là kẻ thù của mình và mình phải chống lại. Chúa Giêsu lại dạy ngược lại: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!” (Lc 9,50)
Tổng thống Abraham Lincoln của Hoa Kỳ có thói quen áp dụng một phương pháp bất thường để kết bạn. Một lần kia, ông đã dùng những lời hay ý đẹp để nói về những chính trị gia đối lập với mình. Nghe thế một phụ nữ thắc mắc:
- Tại sao ông lại ca ngợi những địch thủ của mình mà không phê bình, chỉ trích và tiêu diệt họ ?
Tổng thống Abraham Lincoln đã trả lời bằng một câu hỏi:
- Biến kẻ thù thành bạn hữu, không phải là tôi đã tiêu diệt kẻ thù hay sao ?
Một hoàng đế Trung Hoa nói:
- Một khi chinh phục quốc gia ấy rồi, ta sẽ tiêu diệt tất cả các địch thù của ta!
Ông đã chinh phục các nước ấy và cả đình thần của ông đều chờ đợi một cuộc thảm sát địch quân. Họ mong những địch thù đó sau khi bị hành hình thì đem chém đầu. Nhưng họ rất bỡ ngỡ khi thấy tất cả bọn địch thù cùng ngồi ăn với vua và lại nói cười vui vẻ nữa. Họ tâu vua:
- Muôn tâu Hoàng Thượng, ngài đã nói sau khi thắng trận sẽ tiêu diệt tất cả địch thù kia mà!
Hoàng đế trả lời:
- Ta đã tiêu diệt tất cả bọn họ rồi đó, tiêu diệt bằng cách tha thứ cho họ và biến họ thành những người bạn của ta!
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa không gọi chúng con là tôi tớ,
Chúa cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Chúa còn coi chúng con như bạn hữu của Chúa,
Hơn nữa, sau Phục Sinh,
Chúa đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên, Chúa đã tự nhận mình là Anh Trưởng đứng đầu một đoàn em đông đúc.
Xin cho chúng con luôn thi hành ý muốn của Cha để trở nên những người em cùng huyết nhục với Chúa. Amen.
Suy niệm 10: Tiếp đón chính Thầy
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu dạy các môn đệ ba điều ngược hẳn suy nghĩ của các ông:
1. Lớn và nhỏ: mọi người, trong đó có các môn đệ và có cả chúng ta nữa, đều muốn làm người cao trọng nhất, nghĩa là có địa vị, có quyền hành, có quyền lợi. Nhưng khi các môn đệ đang suy nghĩ trong lòng về ước mong đó thì Chúa Giêsu biết ý nghĩ của các ông, Ngài bảo các ông đừng nghĩ tới vấn đề đó nữa, mà hãy nghĩ ngược lại: hãy trở thành kẻ bé nhỏ nhất, nghĩa là đùng nhắm địa vị và quyền hành, quyền lợi mà hãy sống khiêm tốn như trẻ nhỏ
2. Đón tiếp ai: Thói thường, người ta niềm nở với những ai có lợi cho mình, chẳng hạn người có địa vị, có quyền hành, có của cải. Chúa Giêsu thì dạy: hãy có thái độ rộng mở đón tiếp mọi người, dù đó là một đứa trẻ chẳng có địa vị quyền hành gì cả.
3. Thuận và nghịch: người ta thường dùng cái khung phe nhóm để định hướng thái độ của mình. Ai thuộc phe nhóm mình thì là bạn mình và mình hợp tác; ngược lại ai không thuộc phe nhóm mình thì là kẻ thù của mình và mình chống lại. Chúa Giêsu dạy ngược lại: “Ai không chống lại các con tức là thuộc với các con”, và “Chớ ngăn cản họ”.
B.... nẩy mầm.
1. Cái ý muốn “làm lớn” đã là nguồn gốc sinh ra biết bao đố kỵ, tranh dành và gây ra biết bao xào xáo khổ sở trong cuộc sống chung. Bởi thế Chúa dạy ta đừng ham làm lớn nhưng hãy ham làm nhỏ. Kiêu căng là đầu của 7 mối tội đầu, khiêm tốn là đứng số một trong 7 nhân đức hàng đầu.
Nếu con đang “làm nhỏ”, xin cho con biết cám ơn Chúa vì con được giống như những đứa bé trong gia đình. Nếu nhiệm vụ đang đặt con làm lớn, xin cho con biết “làm lớn” một cách khiêm tốn, làm lớn để phục vụ chứ không phải để bắt người ta phục vụ.
2. Vấn đề quan trọng không phải là tôi được địa vị cao hay thấp mà là tôi được đặt vào đúng chỗ hợp với khả năng của mình. Kẻ ít khả năng mà ở địa vị cao thì không chu toàn được những nhiệm vụ được giao, và như thế càng cho người khác thấy rõ những yếu kém của mình.
3. “Cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào”. Chưa có địa vị thì ham có, đang có rồi thì cảm thấy nặng nề và mong được trút bỏ. Điều này càng đúng trong Giáo Hội.
4. Về thái độ đón tiếp: lẽ ra là môn đệ của Chúa, tôi phải đón tiếp mọi người, đặc biệt ưu tiên đón tiếp những kẻ bé mọn. Thế nhưng khuynh hướng tự nhiên vẫn còn sống mạnh trong tôi, nên đôi khi tôi vẫn thờ ơ, thậm chí xua đuổi những kẻ bé mọn ấy, và niềm nở vồn vả với những người có lợi cho tôi.
5. Thuận và nghịch: nhân danh Chúa Giêsu để trừ quỷ, đó là một việc làm tốt. Nhưng vì Gioan đã đánh giá việc làm đó theo một tiêu chuẩn sai (người đó không thuộc phe nhóm của mình), nên dẫn tới một thái độ sai là chống đối và ngăn cản. Để “chữa trị” Gioan, Chúa Giêsu bảo ông hãy suy nghĩ theo một tiêu chuẩn mới “Ai không nghịch với các con tức là thuận với các con”. Nghĩa là hãy suy nghĩ theo chiều “thuận”: hãy coi mọi người đều là “thuận” với mình, chỉ trừ khi rõ ràng người ta chống mình.
6. “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Lc 9,48)
Tôi đang loay hoay tìm kiếm mấy con ốc bị thất lạc khi sửa cái máy cassette thì thằng cháu mon men lại gần:
- Cậu ơi, cậu làm gì thế ? Cho cháu làm với.
- Con nít chỉ biết nghịch phá chứ biết làm cái gì. Đi chỗ khác chơi ! Tôi quát lớn.
- Nhưng cháu muốn ở lại nói chuyện với cậu, cho cậu đỡ buồn.
Câu nói ngây thơ của đứa trẻ lên bốn chứa đựng cả một tấm lòng nhân hậu làm tôi phải xét lại thái độ của mình. Những người lớn hay coi thường trẻ thơ bởi chúng là những trẻ nhỏ chưa có địa vị hay chỗ đứng trong xã hội. Thế nhưng những suy nghĩ tưởng chừng là bé nhỏ của chúng lại chất chứa cả một tâm hồn vĩ đại.
Lạy Chúa, xin cho những người lớn chúng con biết khiêm tốn lắng nghe và khám phá ra thế giới trẻ thơ; để qua trẻ thơ, mỗi người chúng con sẽ hoàn thiện chính mình (Hosanna)
nguon:http://gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-hai-27092021-thu-hai-tuan-26-thuong-nien-thanh-vinh-son-phaolo-linh-muc-le-nho-nguoi-cao-trong-nhat.html