Sống tình huynh đệ trong cộng đoàn để truyền giáo

Hồng Hoàng Cao Cát

Theo định nghĩa truyền thống, cộng đoàn là một tập hợp những con người, một tập thể được quy tụ để theo đuổi cùng một mục đích, do cùng một động cơ thúc đẩy.

Mục đích của đời sống cộng đoàn là để thăng tiến mọi thành viên, và để đạt được mục đích tối hậu chung. Động cơ thúc đẩy, có thể là động cơ qui ngã, qui xã hội hay qui siêu nhiên.

– Động cơ qui ngã: thứ động cơ qui ngã, tự nó có thể là không xấu, tu là để được vinh dự… dù chỉ trong vô thức chẳng hạn.

– Động cơ qui xã hội: đi tu vì ước muốn được xã hội trọng kính, người đời quý mến hay do gia đình thúc ép. Áp lực tinh thần bên ngoài này rất ảnh hưởng, nhiều khi ảnh hưởng rất mạnh đến quyết định của người tu, và vì thế, nó chỉ là tấm mặt nạ ta đeo vào để đánh lận, hoạc để cố gắng che đậy cái động cơ, cái mục đích không hoàn toàn hướng thiện, mục đích tầm thường hoặc tà tâm mà ta hướng tới.

– Động cơ qui siêu nhiên: Đây phải là động cơ đích thực va duy nhất của người tu. Các thứ động cơ qui ngã và qui xã hội đôi khi là khởi đầu cho đời tu, đôi khi Chúa dùng để đưa một người vào đường Chúa chọn. Thế nhưng, qua quá trình tu luyện, phải thanh luyện khỏi những động cơ ấy mới mong tu cho chân chính, tu cho trọn, tu cho thành quả phúc. Ơn gọi tu trì hoàn toàn do tình yêu Chúa, vì thế đi tu phải nhằm đáp trả tình thương Chúa dành cho.

Ơn gọi của các môn đệ đầu tiên từ lời giới thiệu của Gioan Tiền Hô. Chấp nhận không giữ lại cho mình những người mộ mến, đi theo, Gioan đã giới thiệu cho môn đệ:

– Đây là Chiên Thiên Chúa…

– ….

– Các anh tìm gì vậy?

– Lạy Thầy, Thầy ở đâu?

– Hãy đến mà xem…

Gioan và Anrê đi theo Đức Giêsu, ở lại với Người và từ đó đã nhận ra Người.

Cộng đoàn các Tông Đồ đầu tiên gồm những cá nhân, khác nhau về mọi mặt như đã được mô tả trong Phúc Âm, nhưng chung một điểm: ước muốn theo Chúa, để xây dựng và chia sẻ một tình yêu cứu thế, để được nên hoàn thiện như Cha trên trời.

Chấp nhận đi vào con đường đó, các môn đệ đã sống chung với nhau, đã được giáo huấn, đã chia sẻ sứ mệnh, đã sống đời làm chứng trong suốt cuộc đời còn lại, cả làm chứng bằng máu đào… để trung thành với Thầy, và để tiếp nối sứ mạng cứu thế của Thầy.

Mục đích của đời tu cũng vậy… Đi theo và ở lại với Đức Kitô

Ở lại với Đức Kitô là chấp nhận ở lại với những người trong tập thể trong cộng đoàn của Đức Kitô. Cộng đoàn dòng tu phải có sức hóa giải đặc tính khác biệt do những cá nhân làm thành cộng đoàn: khác biệt về hoàn cảnh sống, về tính tình, gia thế, địa vị xã hội, kiến thức cá nhân, hoàn cảnh giáo dục…

Như thế, hành trình của người tu, hành trình của một cộng đoàn người tu là: Nghe theo tiếng gọi, để được sống với Thầy, được chia sẻ đời huynh đệ với Thầy và với anh chị em. Chia sẻ những lời dạy và nếp sống, làm chứng bằng tình yêu huynh đệ, bằng lời chứng… bằng cả cuộc sống yêu thương, phục vụ.

NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

Giá trị cao quí của đời sống cộng đoàn là một điều hiển nhiên, vì thế, thách đố của đời sống đó cũng là một điều hiển nhiên và không phải là dễ dàng thắng vượt.

Khi những cá nhân với rất nhiều khác biệt quy tụ lại với nhau, họ cũng để mọi cái họ có làm của chung: cái tốt và cái xấu! Chấp nhận cái tôi như món quà qúy giá thì cái yếu kém cũng phải được chấp nhận như món quà Chúa trao.

Phải xác tín rằng Thiên Chúa dựng nên mỗi người đều có mặt mạnh và mặt hạn chế. Phải cảm tạ Chúa về những gì Chúa đã phú trao, phải chấp nhận chính mình trong hiện thực về mìnnh, từ thân xác, tài năng, cả những nết xấu, yếu kém, thiếu thốn để biết tin tưởng cậy dựa vào Chúa. Chấp nhận chính mình để cảm tạ: Con xin cảm tạ Chúa vì điều con đang có. Con cũng cảm tạ Chúa về điều con không có.

Khả năng Chúa trao cho người này là món quà Chúa dành co người kia, cho cộng đoàn! Cái hạn chế của người này là cơ hội thanh luyện cho người kia, cho chính họ và cho người sống chung, để cả hai cùng được lớn lên. Cần nhìn ra giá trị, tầm quan trọng của chính mình và của từng người trong cộng đoàn. Nén bạc nào cũng là nén bạc, số lượng nhiều hay ít tùy bàn tay, tùy kế hoạch của Ông Chủ, chối từ và cất dấu là lỗi của người nhận. Ông Chủ không đòi thành quả bằng nhau, nưng đòi hỏi thái độ thành tín như nhau.

Không xác tín như thế, sẽ mãi luẩn quẩn trong nhữn gmặc cảm tự tôn và tự ti. Mặc cảm tự tôn và tự ti đưa tới kiêu căng, tự mãn, ghen ghét, đố kỵ.

SỐNG VUI TRONG CỘNG ĐOÀN

Có sống vui được không trong đời sống cộng đoàn hay sầu khổ, héo hắt tùy thuộc ở cái nhìn, ở thái độ của chính mình với người trong cộng đoàn. Ít là hãy lặp lại bài tập hằng ngày cách kiên nhẫn, trung kiên. Nếu người khác không biến đổi thì cũng đã có sự biến đổi từ thâm sâu cõi lòng: thâm tâm của tôi cũng đã biến đổi rồi.

Nhìn mọi sự bằng con mắt đức tin

Tất cả và từng chị em là Gift (quà tặng) Chúa ban cho tôi và cộng đoàn. Đón nhận người chị em như món quà Chúa trao tặng. Nhận quà tặng mà không mở ra xem thì không phải là thái độ trân quý người tặng quà. Những món quà chị em tôi, nhiều khi còn đóng kín, không thể lộ ra được nét đẹp nếu tôi không khai mở, không bóc nó ra. Tôi phải dành giờ mở gói quà còn phong kín đó, để hiểu được, để cảm thông được và để yêu thương được. Chắc hẳn một nhắn gừi nào đó của Chúa tình thương, của Đấng Tạo Thành còn gói trong chị, trong em đang chờ được mở cho tôi.

Tập quan tâm tới người khác

Có con mắt tế nhị để có thể nhìn ra nhu cầu của người khác, những nhu cầu không dám ngỏ, những nhu cầu còn ngại ngần khép kín… những nhu cầu thể chất và tinh thần. Một cái nhìn quan tâm sẽ nhận ra ngay một nét buồn thoáng qua, hay một nét thất vọng, chán nản, một nét chua cay cần được nâng đỡ… Hay một nụ cười hàm tiếu bên khóe miệng, cần một cái nhìn khích lệ, sẵn sàng chia sẻ của tôi để được òa vỡ thành tiếng cười vui, thành niềm hạnh phúc chan hòa. Những quan tâm không phải là tò mò, xét nét! Nghệ thuật đó nằm trong con mắt tình yêu!

Tập thành thạo nghệ thuật biết lắng nghe người khác

Lắng nghe với cả tâm hồn rộng mở. Lắng nghe mà không hề phê phán, lắng nghe như người đối diện tỏ lộ. Lắng nghe không một chút phán đoán, phê bình vì mình không phải là quan tòa, cộng đoàn cũng không phải là tòa án để phê phán đúng sai, hạch hỏi, tra khảo… ẩn ý! Làm sao để khi gặp một nỗi niềm, khi cần có một người cảm thông, cần một lời khích lệ, thì người chị em luôn nhớ đến và quẳng vào tai tôi, mà không phải so đo, đề phòng bị bật mí, phản bội.

Lắng nghe là bí quyết đầu tiên của nghệ thuật “Đắc Nhân Tâm”. Có lắng nghe mới nghe được tiếng nói loài người. Có lắng nghe mới nghe được tiếng thỏ thẻ của tình yêu vốn sâu lắng, vọng về từ cõi xa xăm…. Những giai điệu ân tình chỉ có người đồng cảm mới thưởng thức được. Nếu không thì chỉ là “đàn gảy tai trâu.”

Một thái độ dễ thương

Cũng cần một thái độ dễ thương để người khác có thể thương được mình. Đứng để mình trở thành một thách đố cho tình thương của người khác. Xét nét, cái nhìn chằm chằm như rình mò bắt lỗi khiến không ai dám đến gần mình. Không phải mình cứ đúng phép, đúng liều lượng, đúng lẽ là đòi buộc chị em phải yêu thương mình. Đừng vì những công việc những hy sinh vì việc chung mình phải làm mà tỏ ra lạnh lùng băng giá, cứng cỏi với chị em. Coi chừng mình trở thành tảng băng luôn làm tắt ngấm những nụ cười, những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống chung. Cuộc sống chung đòi mình dù ở chức vụ nào cũng cần phải mềm mỏng, nhẹ nhàng: càng cao thì càng phải ở thấp… Phải sống sao cho mình trở thành món quà tốt, món quà dễ thương mà ai cũng muốn đón nhận và luôn muốn mở ra xem.

Với cái nhìn đức tin, tôi nhận ra mọi người là những món quà quý giá, những bức thông điệp Chúa gửi cho tôi:

Hãy trân trọn mở ra, tế nhị đọc rõ ý nghĩa tiềm ẩn qua những dấu chỉ hữu hình đôi khi thô thiển, mộc mạc.

Hãy có đôi tai thính, mở rộng, lắng nghe người khác với thai độ chăm chú, cảm thông, không phê phán.

Hãy là món quà quý Chúa gửi cho mọi người. Hãy là món quà quý Chúa gửi và hãy để người chị, người em tôi mở ra và thưởng thức được bức thông điệp tình yêu Chúa nhắn gửi họ qua tôi.

Hãy cất bỏ thái độ cao ngạo, để người khác có cơ hội bày tỏ tình thương của Chúa cho mình. Hãy dễ thương để người khác có thể thương được mình.

Hãy chấp nhận người khác như họ hiện là, đừng đòi hỏi người khác phải trở nên như mình muốn thì mới chấp nhận họ: sai lầm và độc đoán, cướp quyền Thiên Chúa.

Xin hãy nhớ, lương tâm mỗi người là cung thánh, chỉ có một mình Thiên Chúa mới có quyền vào cung thánh đó. Con người dù là cấp bậc nào cũng không có quyền xâm phạm, dò xét lương tâm người khác.

III. CAO ĐIỂN CỦA TÌNH YÊU CỘNG ĐOÀN

Cộng đoàn tự nhiên như gia đình là do những tương quan về máu huyết, người ta không thể chọn lựa, không thể thay đổi được, vì dù muốn hay không muốn, người ta vẫn không cắt bỏ được liên hệ máu thịt. Ngược lại, cộng đoàn dòng tu là cộng đoàn mà ta chọn để đặt tương giao. Nếu người ta không thay đổi được cộng đoàn tự nhiên, gia đình, thì trái lại, người tu có thể thay đổi mối tương giao với cộng đoàn tự chọn ấy mà không thương tổn cơn cứu rỗi của họ.

Phúc Âm Gioan trong các chương 1, 3, 15, 16 mô tả những mối liên hệ giữa Thiên Chúa với vũ trụ, giữa Chúa Giêsu với Thiên Chúa, giữa Chúa Giêsu với các môn đệ, giữa các môn đệ với nhau, và giữa các môn đệ với thế gian.

Mối liên hệ Chúa Giêsu và môn đệ được thánh Gioan mô tả qua 3 giai đoạn sự sống mà Chúa Giêsu thông ban cho môn đệ: 

Làm con

Ai đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể thì Ngài ban cho họ quyền làm Con Thiên Chúa, là người được sinh ra tự trên (do Thánh Thần). Như vậy Ngài thông ban cho họ quyền là con của chính Ngài, họ chia phần bản thể với Ngài. Cây nho và ngành nho không khác nhau về nature, về bản chất, về nhựa sống. Điểm khác nhau là ở nguồn gốc. Cây nho tự mình có sự sống, còn cành nho thì không. Cây là nguồn gốc, là sự sống của cành, cành hút nhựa sống tự cây.

Là huynh đệ

Hãy đi báo tin cho Anh Em Ta (Jn 20:17)

Trước khi phục sinh, Chúa Giêsu chưa bao giờ gọi các môn đệ là anh em, nhưng khi phục sinh, Chúa Giêsu bảo Madaleina đi báo tin cho Các Anh EM của Ngài. Liên hệ huynh đệ là liên hệ của phục sinh, của cuộc sống vĩnh hằng sau cái chết! Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em. Chúa Cha thương Chúa Giêsu như chính mình (cùng bản thể) và Chúa Cha cũng thương môn đệ Đức Kitô như vậy.

Người tin Chúa, thực sự là con Thiên Chúa và là anh em của Đức Kitô trong gia đình Thiên Chúa, gia đình đức tin. Tự do tin Đức Kitô là tự do chọn Đức Kitô, chia sẻ tình Phụ Tử với Chúa, chia sẻ tình huynh đệ với Chúa và với mọi con cái Chúa trong gia đình Thiên Chúa.

Trong gia đình Đức Tin, sự liên hệ giữa ta với Chúa Cha, giữa ta với Chúa Kitô dù thân mật đến đâu cũng không phải là liên hệ hoàn toàn cá nhân. Chúa cứu tôi không hoàn toàn như một cá nhân riêng rẽ, nhưng như là một phần tử trong Giáo Hội. Người Kitô hữu, là con Thiên Chúa, là anh em với Đức Kitô, nghĩa là có liên hệ với mọi người tham dự vào Máu Con Chiên. Tất cả những ai có thông dự vào Giao Ước Máu của Chúa Kitô thì đều là họ hàng, là anh chị em của nhau.

Là bằng hữu sự khôn ngoan của Thiên Chúa mặc xác phàm, ở giữa họ và gọi họ là bạn hữu.

Muốn tình yêu huynh đệ thắm thiết, bền lâu phải đặt trên căn bản tình bạn. Một tình bạn, tình bằng hữu không dựa trên máu thịt nhưng là tình bằng hữu Phúc Âm.

Tình bằng hữu Phúc Âm như Chúa Giêsu mô tả: đây là điều răn mới của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em. Yêu đến độ hy sinh mạng sống trên đồi Calve. Tình bằng hữu Phúc Âm đó có 3 nét đặc trưng sau:

– Vừa hỗ tương vừa bình đẳng: Tình bạn san bằng mọi cách biệt, một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa, dù là tuổi tác, hoàn cảnh sống. Chúa đã quỳ xuống rửa chân cho con người. Với bạn hữu, người ta phục vụ bạn mình cách nào cũng không lấy đó làm xỉ nhục, lép vế… nhưng là dấu chỉ của yêu thương phục vụ. Phục vụ bạn mình là phục vụ bạn mình là phục vụ chính mình. Tình bạn thất có thể kêu gọi sự thí mạng vì bạn hữu.

– Tình bạn trải qua một tiến trình: 

Tình bằng hữu không hình thành hay định hình trong một ngày một đêm, nhưng là kết quả của một tiến trình dài lâu và kiên trì. Liên hệ tình bằng hữu trong dòng tu cũng phải trải qua một quá trình hình thành tiệm tiến. Mối liên hệ trong dòng tu không do máu thịt, nhưng do tình yêu tự ngyện, vì thế nó phải được đào sâu, kết chặt. Tình bằng hữu trong dòng tu phải được bồi đắp từng ngày, nếu không nó sẽ mai một đi (người chung sống không là gì đối với tôi…)

Thí mạng vì bạn không còn phải là hy sinh cho người khác nữa, nhưng là chia sẻ một phần con người tôi, một phần sự sống của tôi. Người tu chia sẻ sự sống này bằng nhiều cách, đặc biệt qua 3 lời khấn. Chia sẻ cho người khác những gì trong đời sống của tôi: tài năng, của cải, thời giờ… mọi sự của tôi trao vào cộng đoàn để cộng đoàn sử dụng. Phần tôi hoàn toàn lệ thuộc cộng đoàn. Chia sẻ chính sự sống của tôi (share my life).

– Tình bằng hữu vừa đặc biệt vừa cá biệt: 

Tình yêu không thể là yêu một khuôn mặt chung chung, vô định hình, tình bạn cũng không thể chung chung. Bạn là người bằng xương bằng thịt mà tôi có những liên hệ với những cung bậc khác nhau: sâu xa, gần gũi, thân mật, thân thiết hay hời hợt… Một tình bạn rất mạnh mẽ, đầy uy lực và trung thành.

Trong cộng đoàn dòng tu, những con người muốn liên hệ bằng hữu với nhau bằng xương bằng thịt, vừa cá biệt vừa đặc biệt và không loại trừ bất cứ ai. Yêu thương cả những người tôi không ưa thích, hay thách đố khả năng yêu thương của tôi. Tình bằng hữu Phúc Âm không chỉ đặt trên những cảm xúc, tình cảm tự nhiên, nhưng dựa trên một ý chí mạnh mẽ, không loại trừ, không xa cách, cũng không đặt một ai ở mực độ thấp nhất của tình bằng hữu.

Nếu cơ cấu tổ chức quyền bính trong Giáo Hội trước Vatican II là một cơ cấu hình tháp mà quyền bính nằm trên đỉnh tháp, thì với cái nhìn mới của Vatican II, Giáo Hội là một cơ cấu có tính quy tâm, tất cả trên cùng một mặt phẳng, tất cả là bình đẳng, quyền bính không đứng trên, nhưng ngang tầm và liên kết để cùng nhau hướng về một mục đích. Dù ở vị trí nào, các thành viên trong Giáo Hội ấy cũng nhắm tới mục đích là cùng phục vụ Thiên Chúa, Chúa Kitô và Nhiệm Thể Người.

Trong cái nhìn đó, cơ cấu tổ chức cộng đoàn dòng tu cũn gmang tính bình đẳng, qui tâm: dù ở chức vụ nào, địa vị nào, các thành viên liên kết với nhau và mỗi thành viên đều nhắm tới mục đích chung của cộng đoàn, đặc sủng của dòng.

Khái niệm liên hệ cơ cấu trong Giáo Hội, trong dòng tu có thay đổi theo Vatican II, nhưng thay đổi được não trạng và hành động, tức là đưa khái niệm vào hiện thực của cuộc sống là cả một đoạn đường dài đòi hỏi quyết tâm và cố gắng, tỉnh thức liên tục từ khắp phía.

SỐNG TÌNH HUYNH ĐỆ CỘNG ĐOÀN ĐỂ TRUYỀN GIÁO

Phúc Âm thánh Gioan đưa ra một cung cách truyền giáo khác với cái nhìn Nhất Lãm: Như Cha đã sai Thầy, Thấy cũng sai anh em… Ngài thở hơi trên các ông và phán: các con hãy nhận lấy Thánh Thần.

Nền tảng của việc sai đi không phải là quyền năng được trao cho các môn đệ, nhưng là lời chào, chúc bình an. Công tác truyền giáo không là thay Chúa thu thập các môn đồ, nhưng là tiếp nối sứ mệnh của Đức Kitô, Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian, tha tội và qui tụ hết mọi người.

Ngày nay, người ta không cần những thầy dạy nhưng cần những người chứng: Con không chỉ cầu xin cho những người này, nhưng còn cho những người nhờ lời họ mà tin vào Con.

Làm sao truyền giáo? Rửa chân. Như vậy truyền giáo theo Gioan tiên quyết không phải là đi Rửa Tội nhưng là sống và làm chứng cho Tin Mừng. Chính qua nếp sống phục vụ (rửa chân), chính qua sự hiện diện, yêu thương, phục vụ mà họ nhận ra tình bằng hữu, tình yêu thương thí mạng của những môn đệ Chúa. Một cộng đoàn, một người tu chan chứa tình yêu sẽ chỉ thể hiện ra bên ngoài nét thiêng thánh, hạnh phúc và bình an, có sức thu hút mọi người. Chính tình yêu thương cộng đoàn giới thiệu khuôn mặt rạng ngời của Đấng Cứu Thế cho người chưa biết Tin Mừng và từ đó họ muốn được chia sẻ tình yêu bằng hữu, tình yêu huynh đệ ấy ở nơi những ngừơi môn đệ Chúa Kitô: hãy xem họ yêu thương nhau thế nào!

Một nếp sống cộng đoàn yêu thương, bằng hữu, là lời truyền Chúa Kitô và sứ điệp của Người cách mạnh mẽ, thuyết phục và hiệu lực sâu xa nhất cho người thời nay không muốn nghe về Chúa.

Trích đăng từ nguồn: http://mancoichihoa.com