Phương pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thời dịch

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường gặp ở người cao tuổi, nguy cơ bị nặng khi mắc Covid-19 nên bệnh nhân cần học cách thở, dùng thuốc, tiêm vaccine, tuân thủ 5K.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm chức năng thông khí ở phổi. COPD thường gặp ở nhóm người cao tuổi có một hoặc nhiều bệnh nền.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Mai Mạnh Tam, Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, người mắc COPD cần lưu ý kiểm soát bệnh bằng thuốc, tốt nhất nên chuẩn bị thuốc điều trị trong 2 tháng; có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vận động hợp lý; thực hiện các bài tập thở hàng ngày. Nếu cơ thể có bất kỳ thay đổi nào cần báo cho bác sĩ. Mỗi người cần trang bị kiến thức về Covid-19, biện pháp phòng tránh dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Các biện pháp điều trị chung

Ngừng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ:

- Ngừng tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào, bụi, khói bếp rơm, củi, than, khí độc...

- Cai thuốc lá, thuốc lào: rất quan trọng ngăn chặn COPD tiến triển nặng. Người bệnh cần chủ động cai thuốc. Bác sĩ có thể kê thuốc hỗ trợ người bệnh cai thuốc lá/thuốc lào trong trường hợp cần thiết.

Tiêm vaccine phòng nhiễm trùng đường hô hấp:

- Nhiễm trùng đường hô hấp (cúm và viêm phổi...) là yếu tố nguy cơ gây khởi phát đợt cấp COPD khiến bệnh nặng lên, chức năng hô hấp giảm sút, thời gian sống bị rút ngắn lại. Tiêm phòng vaccine có thể làm giảm các đợt cấp nặng và giảm tỷ lệ tử vong. Tiêm phòng vaccine cúm vào đầu mùa thu và tiêm nhắc lại hàng năm, tiêm phòng vaccine phế cầu một lần.

- Tiêm vaccine phòng Covid-19: theo bác sĩ Mai Mạnh Tam, bệnh nhân mắc COPD có thể tiêm vaccine phòng Covid-19. Bệnh nhân phải ở giai đoạn ổn định (ngoài đợt cấp) và không dùng corticosteroid toàn thân (đường uống hoặc đường tiêm) trong vòng ít nhất 14 ngày. Trước khi tiêm, người bệnh cần đi khám bệnh để được tư vấn, kiểm soát bệnh ổn định và nên tiêm ở bệnh viện hoặc cơ sở y tế nơi có đủ khả năng cấp cứu.

Phục hồi chức năng hô hấp: Bệnh nhân COPD nên kết hợp vận động, phục hồi chức năng để cải thiện tình hình sức khỏe bên cạnh điều trị với thuốc. Bác sĩ Mai Mạnh Tam gợi ý bài tập phục hồi chức năng cơ hô hấp giúp làm giảm khó thở:

- Thở chúm môi: động tác này giúp đường thở không bị xẹp lại khi thở ra, do đó khí thoát ra ngoài được dễ dàng hơn, giảm tình trạng ứ khí và tình trạng khó thở.

- Cách thực hiện: người bệnh hít vào từ từ bằng mũi cho đến khi phổi căng đầy không khí, sau đó chúm môi chậm rãi thở ra từ từ qua miệng, bụng từ từ thóp lại. Chú ý thời gian thở ra ít nhất gấp 2 lần thời gian hít vào. Lặp lại như vậy 20-30 nhịp thở cho mỗi lần tập.

- Tập thở hoành (thở bụng): cơ hoành là cơ hô hấp chính của cơ thể nằm bên dưới phổi, tập luyện thở bằng cơ hoành giúp người bệnh tăng cường hiệu quả của hoạt động hô hấp và tiết kiệm năng lượng.

Cách thực hiện: người bệnh có thể ngồi hoặc nằm, đặt một bàn tay lên bụng và đặt bàn tay còn lại lên ngực. Người bệnh hít vào chậm qua mũi sao cho bàn tay trên bụng có cảm giác bụng phình lên, lồng ngực không di chuyển. Sau đó, hóp bụng lại và thở ra chậm qua miệng với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào, bàn tay trên bụng có cảm giác bụng lõm xuống.

Kỹ thuật ho có kiểm soát: loại bỏ đờm, dịch tiết phế quản làm cho đường thở thông thoáng. Khi ho thì ngồi tư thế thoải mái. Tiếp theo là hít chậm, từ từ qua mũi, rồi nín thở vài giây. Mỗi lúc thở ra thì ho mạnh 2 lần, lần một để long đờm, lần 2 để tống đờm ra ngoài.

Thở oxy dài hạn tại nhà (theo chỉ định của bác sĩ): thở oxy liều thấp 1-3 lần/phút cho bệnh nhân suy hô hấp mạn tính ít nhất 16-18 giờ mỗi ngày được chứng minh làm gia tăng tỷ lệ sống ở những bệnh nhân giảm oxy máu nặng khi nghỉ ngơi, theo bác sĩ Mai Mạnh Tam.

Thở máy không xâm nhập: là một trong những biện pháp hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân trong đợt cấp.

Tập thở là một trong những giải pháp phục hồi chức năng hô hấp. Ảnh: Shutterstock.

Tập thở là một trong những giải pháp phục hồi chức năng hô hấp. Ảnh: Shutterstock.

Điều trị bệnh đồng mắc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa

Sử dụng tế bào gốc: là phương pháp điều trị bằng cách truyền tế bào gốc lấy từ mô mỡ, tủy xương của chính người bệnh hoặc từ máu cuống rốn.

Phẫu thuật giảm thể tích phổi (cắt kén khí hoặc thùy phổi) hoặc ghép phổi.

Điều trị bằng thuốc

Có rất nhiều loại thuốc có sẵn để điều trị COPD. Các dạng thuốc phun xịt hít là lựa chọn ưu tiên do có tác dụng tại chỗ, hiệu quả hơn và hàm lượng thấp tránh được tác dụng phụ. Mỗi loại thuốc được đựng trong các dụng cụ đặc trưng gọi là dụng cụ phun hít. Dụng cụ phun hít phải sử đúng kỹ thuật để có được hiệu quả tốt nhất từ thuốc.

- Thuốc giãn phế quản

Thuốc giãn phế quản là thuốc chủ lực trong điều trị COPD. Bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc thích hợp cho từng người bệnh tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh, đáp ứng, sự dung nạp và tác dụng phụ của thuốc.

Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn được dùng trong đợt cấp giúp giảm các triệu chứng khó thở (được gọi là thuốc cắt cơn).

Thuốc giãn phế quản dạng phun hít tác dụng kéo dài dùng thường xuyên hằng ngày (được gọi là thuốc duy trì hay phòng ngừa) giúp giảm nguy cơ đợt cấp, nguy cơ nhập viện, cải thiện triệu chứng và tăng chất lượng cuộc sống.

- Thuốc corticoid dạng hít (ICS)

Thuốc corticoid dạng hít (ICS) giúp cải thiện chức năng hô hấp, giảm tỷ lệ đợt cấp, cải thiện triệu chứng. Thuốc có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ viêm phổi nên sẽ được bác sĩ lựa chọn trong một số trường hợp cụ thể.

Corticoid toàn thân: thường dùng ngắn ngày trong đợt cấp giúp kiểm soát tốt nền viêm và cải thiện triệu chứng trong đợt cấp. Tuyệt đối không sử dụng thường xuyên do thuốc này có nhiều tác dụng phụ như teo cơ, tiểu đường, tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, nhiễm trùng...

Nhóm Roflumilast: thường được bác sĩ chỉ định trong một số trường hợp cụ thể.

Điều trị bệnh nhân COPD bằng thuốc dạng hít.

Điều trị bệnh nhân COPD bằng thuốc dạng hít. Ảnh: Shutterstock.

Để phòng nhiễm Covid-19, những bệnh nhân COPD cần phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt:

- Hạn chế đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người.

- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác hơn 2 m.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

- Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn.

- Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau chùi các bề mặt tiếp xúc.

- Khai báo y tế, cập nhập sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế gần nhất, trong trường hợp có dấu hiệu nhiễm Covid-19 phải khai báo tình trạng nhiễm bệnh để cơ sở y tế có biện pháp điều trị, cách ly thích hợp.

Ngọc An

Nguồn: https://vnexpress.net