Phương pháp dạy kỹ năng sống cho trẻ của người Nhật

Nhật Bản là một trong những quốc gia rất chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời. Ở các trường học, Nhật Bản không có môn học kỹ năng sống riêng lẻ mà việc dạy kỹ năng sống được thông qua các môn học, đặc biệt là môn đạo đức ở trong trường học. Người Nhật Bản cũng quan niệm rằng, gia đình mới chính là nơi đầu tiên ươm mầm sống cho những kỹ năng của trẻ. Dưới đây là một số kỹ năng được người Nhật chú trọng giáo dục cho con ngay từ khi còn nhỏ: 

1. Kỹ năng sinh tồn. 

Ở Nhật Bản, việc tạo điều kiện cho trẻ thích nghi với môi trường sống là điều hết sức quan trọng. Chúng ta sẽ bắt gặp những bà mẹ cùng những cô bé, cậu bé hai tháng tuổi tại các công viên của Nhật Bản. Chúng ta cũng sẽ bắt gặp những cậu bé 4-5 tháng tuổi đầu đội trần đi dưới trời nắng hiu. Và chúng ta cũng sẽ bắt gặp những em học sinh lớp một tập thể dục dưới trời nắng hay mưa mà không có thứ gì che chắn. Với người Nhật, đó là để tôi luyện bản năng sinh tồn. Khi trẻ lớn hơn một chút, người Nhật sẽ dạy trẻ cách để ứng phó khi có động đất, sóng thần. Họ dạy trẻ cách kiềm chế sợ hãi, bình tĩnh để xử lý tình huống. Người Nhật cho rằng: để có thể làm tốt những việc sau này, việc đầu tiên con cần làm được là tự biết cách bảo vệ bản thân mình trước những biến đổi của cuộc sống. Đó cũng là cơ hội để người Nhật dạy con tính kiên cường, tự lực cánh sinh. 

kỹ năng tự bảo vệ bản thân 

2. Kỹ năng tự nhận thức bản thân. 

Không chỉ trong gia đình, trẻ được tự do thể hiện bản thân mình mà ở trường học, trẻ em cũng được giáo dục về sự tự nhận thức bản thân. Điều này ta thấy rất rõ ở trong môn đạo đức của học sinh Nhật Bản. Những cuốn sách luôn được mở đầu bằng những câu hỏi như: Bạn thích ăn món gì? Bạn thích đi đâu? Bạn muốn làm điều gì nhất? Ở mỗi năm học, chính trẻ sẽ nhận ra sự thay đổi trong sở thích của chính mình. Qua những câu hỏi này, trẻ sẽ dần hình thành khả năng tự nhận thức bản thân, hiểu về người khác và tự tin thể hiện những điểm mạnh của mình. Trong gia đình, trẻ luôn được tôn trọng trong những quyết định liên quan đến bản thân: ăn uống, sở thích,… Điều này, cũng góp phần giúp trẻ thêm tự tin khi đưa ra những quyết định và có trách nhiệm với chính quyết định của bản thân. 

3. Kỹ năng giao tiếp – ứng xử.

Người Nhật coi trọng kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là những ứng xử trong các mối quan hệ gia đình. Bài học đầu tiên mà trẻ em Nhật Bản học về ứng xử là “mỉm cười” và nói lời cảm ơn. Trong suốt cấp tiểu học và trung học cơ sở, học sinh Nhật Bản đều được học về cách để ứng xử nhã nhặn và đúng mực. Những giờ học của học sinh Nhật Bản trong môn học đạo đức thường có những thời gian thảo luận để các bạn bày tỏ ý kiến, quan điểm về cách ứng xử tốt và chưa tốt. Tại gia đình, trẻ được dạy cách ứng xử lễ phép với những người thân trong gia đình, học cách nói lời cảm ơn và thành thật nhận lỗi khi mắc lỗi. 

4. Kỹ năng tự lập cho trẻ. 

Trẻ em ở Nhật Bản 1 tuổi rưỡi đã bắt đầu học làm những việc cá nhân như học xúc cơm, đi dép, kéo khóa áo, cất dọn đồ dùng cá nhân. Khi trẻ được 3 tuổi, trẻ gần như hoàn toàn tự làm những công việc liên quan đến phục vụ bản thân. Trẻ em lớp 4-5 ở Nhật Bản thường tự dọn bàn ghế, lấy bát và tự xúc và chia thức ăn.
Cha mẹ Nhật luôn khuyến khích con thử làm mọi việc. Họ kiên nhẫn chờ đợi những thành quả nhưng đôi khi là kiên nhẫn để giải thích và cùng con làm lại những việc mà con chưa làm được. Ngoài ra, việc ngủ riêng cũng được cha mẹ coi là một trong những yếu tố giúp cho con trẻ sớm tự lập hơn.
Trên đây là một số kỹ năng cơ bản mà người Nhật rất chú trọng giáo dục con ngay từ khi còn nhỏ. Đây cũng là những nền tảng cơ bản để tạo nên những tính cách đáng ngưỡng mộ của người Nhật Bản. Chúng ta đồng ý rằng, việc bồi dưỡng kiến thức cho con trẻ là điều rất quan trọng nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò của việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Và đâu đó chúng ta đã nghe: Đứa trẻ có kỹ năng sống tốt sẽ dễ dàng tìm thấy hạnh phúc và thành công hơn trong cuộc sống.

Tài Liệu Phụ Huynh :

Nguồn:http://ismartkids.vn/giao-duc-ky-nang-song/phuong-phap-day-ky-nang-song-cho-tre-cua-nguoi-nhat