Phòng ngừa chứng loét dạ dày

Loét dạ dày là tổn thương viêm loét ở niêm mạc dạ dày, xảy ra khi lớp chất nhầy bảo vệ dạ dày khỏi tổn thương do dịch tiêu hóa bị giảm.

 Điều này sẽ khiến các axit tiêu hóa bào mòn niêm mạc và các mô đệm dạ dày gây ra loét. Loét dạ dày có thể dễ dàng được chữa khỏi, nhưng cũng có thể trở nên nghiêm trọng nếu bệnh nhân không được điều trị đúng cách.

Nguyên nhân thường gặp

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh loét dạ dày, do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) hoặc sử dụng lâu dài các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen; ăn uống không điều độ, ăn quá no hoặc quá đói, uống quá nhiều rượu dẫn đến hoạt động co bóp của dạ dày bị ảnh hưởng, dịch vị dạ dày tăng tiết, lớp bảo vệ niêm mạc bị tổn thương dần sẽ dẫn đến viêm dạ dày và gây loét dạ dày; do căng thẳng, buồn phiền, tức giận, lo lắng, sợ hãi khiến mất cân bằng chức năng cho dạ dày làm dịch vị dạ dày tăng tiết, lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày bị tổn thương gây loét dạ dày.

 Triệu chứng

 Triệu chứng phổ biến nhất là cảm giác nóng rát hoặc đau âm ỉ ở thượng vị. Thông thường, cơn đau sẽ dữ dội hơn khi đói, có thể kéo dài trong vài phút đến vài giờ. Cơn đau có thể giảm khi ăn uống hoặc uống thuốc kháng axit. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến khác của loét dạ dày bao gồm: buồn nôn hoặc nôn, đầy hơi, ợ hơi hoặc ợ nóng, mệt mỏi, chán ăn. Bệnh nhân cũng có thể có biểu hiện của xuất huyết tiêu hóa như nôn ra máu tươi hoặc máu màu bã trầu, đại tiện phân đen như hắc ín. Nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng loét dạ dày hãy đi khám tại cơ sở y tế.

Phòng ngừa chứng loét dạ dày

Loét dạ dày có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách.

Khi nào nên đi khám?

Nếu nghi ngờ bị loét dạ dày, hãy tới bác sĩ khám ngay để cùng trao đổi về các triệu chứng và lựa chọn điều trị. Điều quan trọng là phải điều trị loét dạ dày vì nếu không điều trị, loét và H. pylori có thể gây ra các biến chứng: chảy máu từ vị trí loét có thể đe dọa tính mạng, thủng dạ dày, hẹp môn vị, ung thư dạ dày. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này: mệt mỏi nhiều, khó thở, nôn hoặc phân đỏ hoặc đen, cơn đau đột ngột, dữ dội ở bụng liên tục không đỡ... phải đi khám ngay.

Cần một chế độ ăn uống lành mạnh

Một chế độ ăn uống lành mạnh ngoài ngăn ngừa loét còn có lợi cho đường ruột và sức khỏe tổng thể. Nên ăn một chế độ ăn kiêng với nhiều trái cây, rau và chất xơ. Các loại thực phẩm có thể giúp chống lại H. pylori hoặc tăng cường vi khuẩn khỏe mạnh như: bông cải xanh, súp lơ, bắp cải, củ cải, cải xoăn, sữa chua (có chứa vi sinh lactobacillus và Sacharomyces), táo, việt quất, quả mâm xôi, dâu tây, dầu ôliu. Ngoài ra, vì những người bị loét dạ dày thường bị trào ngược thực quản đi kèm, nên tránh xa thực phẩm cay và chua trong khi ổ loét đang liền sẹo. Để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn có thể gây loét dạ dày, nên rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên. Ngoài ra, chắc chắn rửa sạch đúng cách tất cả các thực phẩm và nấu chín kỹ. Để ngăn ngừa loét do thuốc giảm đau chống viêm (NSAID) gây ra, hãy ngừng sử dụng các loại thuốc này (nếu có thể) hoặc hạn chế sử dụng chúng. Nếu bạn cần dùng NSAID, hãy chắc chắn tuân theo liều lượng khuyến cáo và tránh uống rượu trong khi dùng các loại thuốc này. Và hãy nhớ, luôn luôn uống các thuốc này sau ăn.

 

BS. Lê Đình Mạnh

Nguồn: Suckhoedoisong.vn