“Cấp cứu gọi hỗ trợ, cấp cứu gọi hỗ trợ!”. Tiếng gọi gấp gáp từ bộ đàm liên tục phát ra cần hỗ trợ từ phòng cấp cứu. Rất nhanh, đội cấp cứu đã có mặt. Bác sĩ trưởng tua gọi: “Em ơi, lấy gấp Hydrocortisone tiêm tĩnh mạch, Adrenaline nữa nhé, cắm ngay dịch truyền cho chị, một viên Captopril ngậm dưới lưỡi cho bệnh nhân em ơi! Đo điện tim giúp chị, gắn máy theo dõi các chỉ số nhé em”.
Mỗi người mỗi việc làm cho phòng cấp cứu vốn đã bận rộn lại càng thêm khẩn trương. “Chuẩn bị máy sốc tim mọi người ơi, bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim rồi. Cố gắng lên các em! Cô ơi, không sao cô nhé, cô cứ bình tĩnh, hít sâu và thở đều cô nhé. Em ơi, gọi lên phòng kế hoạch tổng hợp xin chỉ thị chuyển viện ca này gấp đi em”.
Một loạt những tình huống cần phải xử trí rất nhanh của ca trực cùng nhóm cấp cứu chuyên nghiệp đã nhanh chóng giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Tạ ơn Chúa, sau những giờ phút cật lực cấp cứu, người bệnh đã tạm qua cơn nguy kịch, các chỉ số sinh tồn đang tiến triển tốt dần lên và sau đó bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên để được tiếp tục cấp cứu, chăm sóc. Công việc hằng ngày của những nhân viên y tế tuyến đầu là thế đó! Họ đã, đang và luôn hết mình vì người bệnh, dù có mệt mỏi hay nguy cơ lây nhiễm cao.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi trong ca trực đêm
Tua trực kéo dài đã khiến tôi đuối sức, nay hỗ trợ cấp cứu ca bệnh trở nặng lại khiến tôi không còn đủ sức để tiếp tục ở lại hỗ trợ thêm. Qua cung cách chăm sóc người bệnh của các y bác sĩ, tôi cảm nhận được sự hy sinh cao cả nhưng thầm lặng của họ. Sự nhiệt tình, tình thương mà họ dành cho người bệnh khiến tôi xúc động nhiều, nên tự hứa bản thân sẽ nỗ lực hết mình để hỗ trợ họ trong thời gian tình nguyện.
Cũng qua tua trực cấp cứu mới thấy, thân phận con người thật yếu đuối, mỏng manh như “cây sậy phất phơ trước gió” (Pascal). Xin Chúa ban cho các bệnh nhân được ơn chữa lành và bình an, cho các y bác sĩ thêm sức khỏe, bình an và lòng can đảm để tiếp tục dấn thân chăm sóc, điều trị cho người bệnh.
Antôn Nguyễn Ngọc Hoàng.OH