Người tu sĩ sống lời khấn vâng phục trở nên của lễ hiến tế

NGƯỜI TU SĨ SỐNG LỜI KHẤN VÂNG PHỤC TRỞ NÊN CỦA LỄ HIẾN TẾ
Việc theo sát Chúa Kitô của các tu sĩ chưa bộc lộ hết căn tính của đời tu, vì tất cả mọi Kitô hữu đều được mời gọi theo sát Đức Kitô trong đời sống của mình để nên chứng nhân cho Thiên Chúa giữa thế giới. việc theo sát Chúa Kitô, các tu sĩ được cụ thể hoá qua việc tuyên giữ các lời khuyên Tin Mừng. Vì vậy, nét đẹp của đời sống tu trì được dệt nên bằng việc tuyên giữ ba lời khuyên Tin Mừng và chính việc thực hành ba lời khuyên này giúp người tu sĩ theo sát Đức Kitô một cách mạnh mẽ, cũng như kết hợp với Thiên Chúa một cách sâu xa hơn trong đời sống dâng hiến.[1]

Để sống sung mãn và hoàn trọn các lời khuyên Tin Mừng như đã tuyên khấn, các tu sĩ phải năng lãnh nhận thánh thể, để múc lấy nguồn mạch mọi ân sủng đang tuôn trào. Vì: “Thánh Thể là tâm điểm của đời sống Hội Thánh và cũng là tâm điểm của đời sống thánh hiến. Nhờ được mọi ơn lành từ nơi Thánh Thể bổ dưỡng, các tu sĩ có thể hoàn trọn các lời khuyên Tin Mừng cũng như trở thành chứng nhân cho Thiên Chúa trong thế giới hôm nay.

Chúa Giêsu đã vâng phục Chúa Cha thế nào, người tu sĩ cũng được mời gọi sống sự vâng phục một thể như Chúa Giêsu vậy. Chính vì vậy, sự vâng phục của Chúa Giêsu là nguồn gốc và là mẫu gương của đức vâng phục. Hơn nữa, Lời khuyên Tin Mừng về đức vâng phục là lời mời gọi rút ra từ sự vâng phục “cho đến chết” của Đức Kitô. Những người đón nhận lời mời gọi này được diễn tả qua câu “hãy theo Ta”, thì quyết định theo Đức Kitô, Đấng do sự vâng phục của mình cho đến chết và chết trên thập giá, đã cứu chuộc loài người và thánh hóa họ. Vì vậy, khi chọn đời sống vâng phục theo gương Chúa Giêsu, người tu sĩ không phải chối bỏ tự do, nhưng tin rằng mình tham dự vào cuộc sống của Thiên Chúa.[2]

Cuộc đời Chúa Giêsu từ khi vào trần gian, Ngài nói: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5-7), cho đến khi chết trên thập giá (x. Pl 2,8) là một cuộc đời hoàn toàn vâng phục thánh ý của Cha.

Trong Sắc Lệnh Về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Dòng Tu, khi trình bày giáo lý của người tu sĩ là theo sát Đức Kitô, Công Đồng Vaticanô II đã chọn kiểu nói: các tu sĩ theo Chúa Kitô, Đấng vì vâng lời cho đến chết chết trên thập giá (x. Pl 2,8) nên đã cứu chuộc  và thánh hoá nhân loại.[3] Đức Giêsu hằng vâng phục Chúa Cha (x. Ga 5,17-47), và Ngài đã không làm gì khác hơn ngoài thánh ý Chúa Cha, nhờ vậy, Ngài đã nên nguyên nhân cứu độ đời đời cho những ai tin: “ Ai tin vào con của Người, thì không bị lên án, nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,18). Sự vâng phục của Chúa Con đạt tới tột đỉnh trong cuộc thương khó và cái chết trên thập giá: “ Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22,42).[4]

Các tu sĩ luôn được mời gọi sống vâng phục như Chúa Giêsu đã vâng phục Chúa Cha bằng cách yêu mến và tuân giữ lời Ngài (x. Ga 15, -10). Qua lời khấn vâng phục, các tu sĩ được gia nhập vào hàng ngũ những người hiến dâng mạng sống để cứu chuộc muôn người (x. Mt 2,28). Hơn nữa, “ khi tuyên giữ lời khuyên vâng phục, họ muốn tìm thấy vai trò đặc biệt của họ trong công cuộc cứu chuộc của Đức Kitô và trong con đường nên thánh của họ.[5] Qua sự vâng phục theo gương Chúa Giêsu, các tu sĩ thông phần cách đặc biệt vào trong công trình cứu chuộc thế giới, vì các tu sĩ được kéo vào trong sự gần gũi với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha.[6]

Khi thực hành lời khuyên Tin Mừng về đức vâng phục, các tu sĩ nắm được bản chất thẳm sâu của tất cả nhiệm cuộc cứu độ. Khi chu toàn lời khuyên này, họ muốn được tham dự đặc biệt vào sự vâng phục “của một người”, sự vâng phục nhờ đó mà “nhiều người sẽ được liệt vào hàng công chính”. Khi tuyên giữ lời khấn vâng phục, các tu sĩ đã tận hiến ý riêng của mình như của lễ bản thân dâng cho Thiên Chúa, nhờ họ được kết hợp với ý muốn cứu rỗi của Người cách kiên trì và chắc chắn hơn.[7] Các tu sĩ không muốn dùng tự do của mình để thực hiện những ý riêng, nhưng họ muốn hoàn toàn thuộc về và vâng phục Thiên Chúa cách trọn vẹn như Đức Giêsu, Đấng được sai đến để thi hành thánh ý của Ngài, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ngài (x. Ga 6, 38). Qua lời khấn vâng phục, các tu sĩ không sống theo tự do của mình, nhưng luôn đi tìm thánh ý của Thiên Chúa và tự do thi hành thánh ý ấy.[8]

Khi tuyên giữ sống vâng phục, người tu sĩ không chỉ tìm kiếm và thi hành thánh ý của Thiên Chúa theo gương Chúa Giêsu nhưng còn là thái độ đức tin được thể hiện qua hành động trong đời sống thường nhật và trong việc thi hành sứ vụ của mình. Nghĩa là các tu sĩ không chỉ vâng phục Thiên Chúa nhưng còn vâng phục các bề trên, là những người được Thiên Chúa chọn để lãnh đạo cộng đoàn thi hành ý định của Người. Vì vậy, “Lời khuyên Phúc Âm về đức vâng phục, được đảm nhận trong tinh thần đức tin và đức ái để theo bước Đức Kitô là Đấng đã vâng phục cho đến chết, đòi buộc ý chí một sự tùng phục các bề trên hợp pháp, khi các nài đại diên Chúa ban lệnh hợp pháp theo hiến pháp riêng”.[9]

Việc tuân phục bề trên hay những người lãnh đạo mà Thiên Chúa đã đặt để nhằm coi sóc cộng đoàn, đã được thư gửi tín hữu Do Thái đề cập: “Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa” ( Dt 13, 17). Với đức tin, các tu sĩ, theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã giãi dầu mà học vâng phục cho đến chết (x. Dt 5, 8), “Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, lấy đức tin phục tùng các vị bề trên, đại diện Thiên Chúa, sẵn sàng để các Ngài hướng dẫn, họ phục vụ mọi anh em trong Chúa Kitô (x. Mt 20, 28; Ga 10, 14. 18).

Trong tinh thần ấy, đức vâng phục không những không hạ thấp phẩm giá nhưng giúp các tu sĩ phát huy tự do của con cái Thiên Chúa. Góp phần vào sự thăng tiến nhân vị của người được hiến dâng cho Đức Kitô, và được hưởng mối phúc mà Chúa Giêsu đã hứa cho những “Ai lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 28). Nhờ đó,  các tu sĩ biết mình được Thánh Thần Thiên Chúa dẫn đưa và được bàn tay dũng mạnh của người nâng đỡ, ngay giữa lúc gặp khó khăn gian khổ.[10] 

Sự vâng phục trở thành lễ tận hiến vĩnh viễn qua mọi cảnh ngộ, mọi biến cố, mọi đổi thay bên ngoài để, “Làm chứng trước mặt thế gian về sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa, về sự hiệp thông của họ trong Đức Kitô.” Vâng phục là đem lòng đơn sơ con thảo ưng nhận mọi thánh ý Cha trên trời, và kí thác hoàn toàn cho Cha an bài mọi hoàn cảnh.[11] Nơi bí tích Thánh Thể, người tu sĩ tìm thấy mẫu gương sống đời vâng phục tuyệt hảo là chính Đức Giêsu. Đồng thời, khi hiệp thông Thánh Thể, người tu sĩ kín múc được nguồn trợ lực để có sức mạnh sống đời vâng phục như Đức Giêsu đã nêu gương. Nơi bàn tiệc Thánh Thể người tu sĩ được thánh hiến qua lời khấn vâng phục, trở nên hiến lễ tình yêu dâng lên Thiên Chúa.

Giê-rô-ni-mô Nguyễn Đức Tiến, SSS


[1] Công Đồng Vat. II, Sắc Lệnh Về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Dòng Tu, số 2; x. Giáo Luật, điều 573.
[2] Lê Phú Hải, Lịch Sử Linh Đạo Đời Sống Tu Trì, tr 580.
[3] Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Dòng Tu, số1.
[4] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hồng Ân Cứu Độ, số 13.
[5] Ibid., số 14.
[6] Evelyn Ann Schumacher, Một Trái Tim Không Phân Chia, Nguyễn Thị Kim Phúc chuyển ngữ, tr 93.
[7] Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Dòng Tu, số 14.
[8] Evelyn Ann Schumacher, Một Trái Tim Không Phân Chia, Nguyễn Thị Kim Phúc chuyển ngữ, tr 82.
[9] Giáo Luật, điều 601
[10] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 92.
[11] Schrivers, Đời Tận Hiến, Hồng Chung Dịch: Nxb Tôn Giáo, 2010, tr 8.

Nguồn:http://www.hocvienthanhthe.com/index.php/thanh-the/bai-viet-sinh-vien/item/590-ng-aaai-tu-s-saaang-laaai-khaaan-vaang