Bài 103: NGƯỜI TU SĨ ĐỒNG TÍNH
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Hỏi: Người tu sĩ đồng tính thì có sao không?
Trả lời:
Chào bạn,
Trước khi đưa ra câu trả lời cho chuẩn xác, hãy cùng làm rõ câu hỏi của bạn.
Hạn từ “tu sĩ” được dùng để chỉ những người nam/nữ sống đời thánh hiến qua việc tuyên khấn công khai các lời khuyên phúc âm (gọi tắt là lời khấn) trong một hội dòng. “Người tu sĩ hiến dâng trọn vẹn thân mình như một hy lễ được dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó tất cả cuộc sống họ trở nên một việc liên lỉ thờ phượng Thiên Chúa trong đức ái” (GL 607). Đôi khi, chúng ta cũng hay nghe nói đến từ “đan sĩ”. Thuật ngữ “đan sĩ” không xuất hiện nhiều trong Giáo Luật cho bằng từ “tu sĩ”. Thực ra, dưới một khía cạnh nào đó, các đan sĩ cũng là tu sĩ, vì họ tuyên công khai và giữ các lời khấn. Nhưng thuật ngữ “đan sĩ” được dành riêng cho các tu sĩ sống trong một đan viện. Đây là một kiểu đời tu xuất hiện rất sớm trong Giáo hội. Các linh mục triều không được gọi là “tu sĩ” vì họ không tuyên giữ công khai các lời khấn. Họ được gọi là “giáo sĩ”.
Liên quan đến xu hướng tính dục, phải phân biệt: dị tính, đồng tính (nam hoặc nữ), song tính[1], ngoài ra, còn có người chuyển giới (transgender), người đang chưa rõ về giới tính của mình và đang tìm hiểu về bản thân (questioning).
- “Dị tính” là người bị hấp dẫn tính dục bởi những người khác giới và không có cảm giác về mặt cảm xúc hay tình dục với người cùng giới.
- “Đồng tính” là người bị hấp dẫn tính dục bởi những người cùng giới tính và không có cảm giác về cảm xúc hay tính dục với những người khác giới tính. Có loại đồng tính nữ (gọi là lesbian hay les), và đồng tính nam (gọi là gay).
- “Song tính” là người bị hấp dẫn tính dục bởi cả người cùng giới lẫn khác giới (bisexual).
Câu hỏi của bạn chỉ giới hạn trong phạm vi “đồng tính”, nhưng chúng tôi ngầm hiểu là bạn đang ám chỉ đến một kiểu xu hướng tính dục không-phải-là-dị-tính, nghĩa là xu hướng mà chúng ta tạm gọi là “khác với xu hướng tính dục tự nhiên thông thường của đại đa số người trên thế giới”. Vì thế, dưới đây, khi trả lời câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ dùng từ “đồng tính” theo nghĩa này.
“Có sao không?” là một câu hỏi rất mơ hồ. Chúng tôi không hiểu là bạn đang nói đến điều gì: người đồng tính có được chấp nhận để trở thành tu sĩ không, hay nếu đi tu mà đồng tính thì có phạm tội gì không, hay là một tu sĩ mà đồng tính thì có ảnh hưởng nguy hại gì đến đời tu không?... Chúng ta không thấy có một ngăn trở nào quy định trong cuốn Giáo Luật 1983 nói rằng người đồng tính thì phải bị loại trừ khỏi đời sống dâng hiến (hay thậm chí là trở thành linh mục). Vì thế, nếu có tu sĩ (hay linh mục) nào phát hiện ra mình có xu hướng đồng tính, người đó không hề lỗi luật, cũng không phạm tội luân lý gì. Vấn đề đặt ra ở đây mà chúng ta cần suy xét là “khi biết một ứng viên muốn sống đời tu mà có xu hướng đồng tính, người hữu trách có nên nhận họ không?” Luật thì không cấm nhưng thường người hữu trách sẽ rất e dè với những trường hợp này. Vì sao?
Đời tu và người đồng tính
Như đã nói ở trên, đời tu có liên quan đến việc sống các lời khuyên phúc âm và đời sống cộng đoàn. Cụ thể hơn, nó đòi buộc người ta phải sống tốt đời sống khiết tịnh, triển nở bản thân trong tình trạng “độc thân vì Nước Trời”. Sống khiết tịnh vốn dĩ không phải là điều dễ dàng. Bởi thế, nếu người ta chọn sống nó chính là vì họ có một mục đích cao cả. Ta vẫn hay nghe đến những câu chuyện một anh chàng hay cô nàng nào đó nguyện suốt đời không lấy ai khác để chứng tỏ lòng chung thuỷ dành cho người mình yêu. Một tình yêu cao cả đã thôi thúc người ta đến chỗ dành trọn cuộc sống và mọi sự của mình cho một người duy nhất mà thôi, chứ nhất quyết không chia sẻ nó với ai khác, dù biết rằng mình sẽ gặp nhiều khó khăn và thử thách với chọn lựa này.
Với người sống đời dâng hiến, động cơ thúc đẩy họ đến chọn lựa sống độc thân, chính là vì tình yêu dành cho Đức Giêsu, hay cụ thể hơn, họ “sống độc thân vì Nước Trời.” Như thế, tình trạng độc thân của người tu sĩ hay lời khấn khiết tịnh của họ đồng thời cũng mang tính sứ mạng. Và để có thể sống được điều này, đòi hỏi người tu sĩ phải có một sự trưởng thành tâm cảm. Đó là một khả năng hiểu biết về chính mình, biết làm chủ cảm xúc, giới tính của mình, biết cách giao tiếp lành mạnh trong các mối tương quan, có một sự quân bình trong chính con người mình.
Thật ra, để có thể trở thành một con người thành công, có ích cho xã hội, con người nào cũng phải có được sự trưởng thành tâm cảm này. Đây chính là mục tiêu của giáo dục và huấn luyện con người. Nhưng nó trở nên cấp thiết hơn trong môi trường đời tu. Bởi lẽ, một tu sĩ nào đó dù đã lớn tuổi, nhưng lại không có một tâm cảm trưởng thành thì cũng hệt như một đứa bé mới lớn. Người đó chẳng hiểu về lý tưởng của mình, không thể làm chủ những xung động nơi bản thân mình, luôn bị cảm xúc chi phối trong các quyết định, lại không có một tương quan đúng đắn và lành mạnh với người khác. Một người như thế, rất khó có thể trở thành “người thợ” trong vườn nho của Chúa, và sống sót “giữa bầy sói dữ”.
Đòi hỏi một người tu sĩ phải ngay lập tức hoàn hảo trong tất cả mọi mặt là điều không thể, nhưng một mức độ trưởng thành về mặt tâm lý sẽ là dấu chỉ cho thấy người đó hiểu về chọn lựa của mình, dám đảm nhận quyết định của mình và sống nó một cách thích đáng để đời mình được sinh hoa kết trái và người khác cũng được hưởng lây thành quả này.
Chúng ta cùng quay trở lại vấn đề: liệu người đồng tính luyến ái có được nhận vào dòng tu hay chủng viện không? Trong phạm vi nhỏ bé của bài viết này, chúng tôi không có tham vọng triển khai một nghiên cứu đầy đủ và chi tiết về nó, nhưng chỉ xin trình bày một cách ngắn gọn những hướng dẫn của Toà Thánh liên quan đến tính hợp pháp trong việc thu nhận những người có xu hướng này.
Toà Thánh đã ban hành rất nhiều tài liệu hay những chỉ dẫn nói về vấn đề này. Trong đó có một Hướng Dẫn được Bộ Giáo Dục Công giáo ban hành vào ngày 31.8.2005, nói rõ rằng sẽ không nhận những ứng viên vào chủng viện hay vào một dòng tu, nếu người đó có khuynh hướng đồng tính, được thể hiện qua ba tiêu chí sau:
- (1) người thực hành hành vi đồng tính;
- (2) người có khuynh hướng đồng tính cách sâu sắc;
- (3) người cổ võ cho một kiểu “văn hoá đồng tính”.
Một tài liệu khác được ban hành vào 4.11.2005 cũng nhắc đến 3 ngăn trở này trong việc thu nhận một người vào một chủng viện hay dòng tu. Tài liệu nói rõ rằng mặc dù không phân biệt kỳ thị và vẫn tôn trọng những người có xu hướng đồng tính, Giáo hội không thể nhận những anh chị em này vào bậc sống tu trì và chức thánh bởi vì xu hướng ấy là một ngăn cản nghiêm trọng, khiến người đó không thể có một sự quân bình trong tâm lý và không thể có một tương quan đúng đắn và cân bằng với những người nam, cũng như người nữ khác. Một người đồng tính nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi sống trong một cộng đoàn chỉ toàn nam giới; cũng tương tự như vậy đối với người nữ. Do có sự lệch lạc trong xu hướng tính dục, môi trường dòng tu bao gồm những người cùng giới tính với mình có thể sẽ không còn là nơi giúp họ từ bỏ mọi sự và toàn tâm toàn ý phục vụ Chúa cũng như tha nhân, mà chỉ là nơi “trú thân” (vì họ không thể lập gia đình). Tệ hơn, môi trường này có thể trở thành nơi đầy những cám dỗ đối với họ.
Tài liệu không giải thích rõ “người có khuynh hướng đồng tính cách sâu sắc” nghĩa là gì, nhưng trên tinh thần của tài liệu, ta có thể suy đoán rằng đó có thể là:
(1) Người ấy cho thấy một sự lệch lạc trong xu hướng tính dục của mình;
(2) người đó tham gia vào những diễn đàn, tổ chức dành cho người đồng tính để tìm thoả mãn cho nhu cầu tính dục của mình;
(3) người đó có những biểu diện bên ngoài thái quá như cách ăn mặc hay sử dụng nữ trang, trang điểm...
(4) người đó có nhu cầu thường xuyên đến những tụ điểm đồng tính...
Những người trên không thể là hiện thân cách thích đáng hình ảnh Đức Kitô, vị mục tử nhân lành và là hiền phu của Giáo hội, không thể trở thành một người cha/mẹ thiêng liêng và như thế, họ không có được sự trưởng thành cần có để đảm nhận các thừa tác vụ thánh. Liên quan đến đời sống khiết tịnh, họ không thể sống sự độc thân như một của lễ, không thể ra khỏi chính mình để thiết lập những tương quan đúng đắn với người khác, cả nam lẫn nữ.
Vì vấn đề đồng tính luyến ái là một vấn đề phức tạp, Giáo hội cũng nói đến việc các nhà huấn luyện, các vị linh hướng để thận trọng, khôn ngoan trong việc lắng nghe các ứng viên, đồng thời giúp đỡ họ nhận ra ơn gọi của mình, đặc biệt đối với trường hợp thứ ba (chưa xác định rõ về giới tính của mình do có vấn đề về tâm lý). Phải suy xét cho kỹ để không vội vàng quy chụp hay loại trừ một người có thể có ơn gọi, chỉ là đang có chút rắc rối liên quan đến tính dục của mình. Để tiến tới chức thánh, Giáo hội đòi hỏi ứng viên phải vượt qua được “sự không rõ ràng này” ít là 3 năm trước khi nhận chức phó tế.
Như thế, một sự trưởng thành tâm cảm là rất cần thiết để có thể sống đời tu một cách triển nở. Không chỉ người đồng tính mà cả người dị tính nếu không có được điều này thì cũng khó sống sự dâng hiến trong đời tu, đặc biệt là trong thiên chức linh mục. Để tránh những hiểu lầm hay chỉ trích dành cho Giáo hội, chúng ta cần phải hiểu rõ vì sao Giáo hội lại có những quy định như vậy.
Thật ra, sống đời dâng hiến, cách riêng là chức thánh, là một ân huệ mà Thiên Chúa dành cho Giáo hội, trước khi trở thành tiếng gọi cá nhân. Mỗi cá nhân được mời gọi để sống đời dâng hiến hay để trở thành linh mục là để cộng tác với Giáo hội, hoạt động trong lòng Giáo hội, phục vụ cho Giáo hội. Việc Giáo hội từ chối hay nhận ai đó vào bậc sống tu trì hay giáo sĩ tuỳ thuộc vào việc Giáo hội nhận thấy người đó có thích hợp với lối sống này không và có giúp ích cho người đó cũng như cho các linh hồn không. Sự thích hợp này chính là cái mà ta vẫn đặt tên “ơn gọi”, và được thể hiện ngang qua những dấu chỉ nơi bản thân người đó. Giáo hội xác nhận rằng “không trưởng thành về tâm cảm” là một dấu chỉ cho thấy sự không phù hợp của đương sự với đời tu.
Chúa kêu gọi một người dâng hiến cho Ngài ngang qua Giáo hội. Người ta có thể khăng khăng rằng mình có ơn gọi dâng hiến, nhưng nếu không được Giáo hội xác chuẩn và công nhận thì đó cũng chỉ là suy nghĩ đơn phương của người đó mà thôi. Sự từ chối chấp nhận ai đó vào đời tu của Giáo hội dành cho ai đó cũng muốn nói lên một điều rằng: đời tu không phải là cùng đích của con người, đó cũng chỉ là một trong số các phương tiện khác. Bất cứ con người nào, dù dị tính hay đồng tính, đều có thể trở thành thánh trong một môi trường ngoài đời tu, nếu họ sống tinh thần đức ái theo Tin Mừng và hằng luôn kết hiệp với Chúa.
Việc suy xét có nhận một người vào chủng viện hay vào dòng tu hay không hệ ở người hữu trách tại nơi đương sự xin vào. Đương sự có đủ sự trưởng thành tâm cảm để hiểu và đảm nhận đời tu hay không cũng do các vị có thẩm quyền nơi đó quyết định. Đối với cả người đồng tính hay dị tính, các nhà huấn luyện có trách nhiệm giúp họ khám phá ra ơn gọi mà Chúa dành cho họ, và giúp họ bình an với ơn gọi đó, làm sao để đời tu có được nét đẹp tinh tuyền của nó là một cuộc đời dâng hiến tự nguyện cho Thiên Chúa để sống cho Thiên Chúa và phục vụ con người, chứ không phải là nơi “tìm bạn tình”, hay “trốn đời”, “che đậy bản thân”. Nếu không, nó sẽ dẫn đến những tình trạng không hay vốn đang đục khoét lý tưởng đời dâng hiến - một sáng kiến tuyệt vời mà Thánh Thần đã thổi vào trong Giáo hội.
Tham khảo:
Clark, Keith, Being Sexual and Celibate, Notre Dame: Ave Maria Press, 1986
Sperry, Len, Sexo, Sacerdocio e Iglesia, Santander, Sal Terrae, 2004
Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)
WHĐ (09.10.2023)
Đọc thêm những câu hỏi đã được trả lời:
[1] Đôi khi người ta còn nói đến hiện tượng “tò mò song tính”, tức là người tò mò về cả hai giới tính và/hoặc không có đủ trải nghiệm để xác định tính dục của bạn. “Toàn tính” là người bị hấp dẫn bởi mọi giới (có thể là đàn ông, phụ nữ hoặc những giới nằm ngoài hai giới này). “Mù giới tính” bị hấp dẫn bởi mọi giới mà không phân biệt gì (trong khi một số khác cũng bị hấp dẫn mọi giới nhưng thiên về một số giới nhất định, chẳng hạn, có thể thiên về nam giới nhưng vẫn bị hấp dẫn bởi những người khác). “Vô tính” là người không bị hấp dẫn tình dục bởi bất kỳ giới tính nào. (Xem tại: https://www.wikihow.vn/Nh%E1%BA%ADn-bi%E1%BA%BFt-n%E1%BA%BFu-B%E1%BA%A1n-L%C3%A0-%C4%90%E1%BB%93ng-t%C3%ADnh)
Nguồn: https://hdgmvietnam.com/