NGƯỜI ĂN XIN VÀ Ổ BÁNH MÌ
Có ông lão ăn xin đến gõ cửa một tiệm bán bánh mì và nói: “Vì tình yêu Chúa, xin hãy bố thí cho kẻ nghèo này”. Bà chủ tiệm nói: “Hãy cho ông ta một ổ bánh mì. Một ổ thôi nhé. Đưa ổ bánh ngày hôm qua ấy”. Ông lão ngồi xuống vỉa hè mở ra ăn và phát hiện ra trong ổ bánh đó có chiếc nhẫn vàng nạm kim cương. Ông nghĩ thầm. “Mình thật may mắn! Mình sẽ bán chiếc nhẫn này đi và có đủ tiền sài trong một thời gian dài”. Thế nhưng, lòng trung thực đã thôi thúc ông đem trả lại cho bà chủ tiệm bánh mì. Bà chủ vui mừng nói: “May quá, tôi đã tìm được chiếc nhẫn bị mất. Hôm trước tôi đã vô tình làm rơi nó khi coi thợ nhào bột làm bánh”. Cảm kích trước lòng trung thực của người ăn xin, bà chủ liền hậu thưởng một số tiền lớn và còn mời ông về làm quản gia cho bà.
Quý vị và các bạn thân mến,
Trung thực là thái độ sống ngay thẳng, không gian dối trong lời nói cũng như hành động. Người trung thực luôn tôn trọng và sống đúng sự thật, không che giấu và sẵn sàng bảo vệ sự thật dù có phải chịu thiệt thòi, chống đối.
Ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được giáo dục phải sống trung thực trong lời nói, trong suy nghĩ và hành động. Ở bất cứ nơi đâu mọi người đều phải giữ tính trung thực. Trong gia đình, con cái giữ trung thực sẽ biết tôn trọng và vâng lời cha mẹ, người lớn. Nơi trường học, học sinh cần phải chăm chỉ học hỏi điều hay lẽ phải. Nơi công sở, xã hội, trong việc buôn bán, mọi người càng cần giữ tính trung thực. Hàng hóa sản phẩm phải đạt chất lượng, khối lượng đúng và đủ. Nếu ở đâu, người ta cũng ý thức giữ tính trung thực thì xã hội sẽ bớt đi những tệ nạn, dối trá lừa đảo, trục lợi…
Dối trá là hậu quả của thói tham lam ích kỷ, khoe khoang kiêu hãnh. Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta phải sống trung thực trong lời nói và hành vi. Thiên Chúa là Đấng Thánh, nơi Người không có điều gì dối trá. Để thực hành đức trung thực, chúng ta phải soi mình vào Chúa, sống theo sự thánh thiện và thực hành lời Chúa dạy. Bước đầu tập luyện tính trung thực là từ bỏ chính mình với thói kiêu ngạo khoe khoang. “Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào. Thà sống tự hạ với kẻ khiêm nhu hơn chia chiến lợi phẩm với phường kiêu hãnh. Kẻ chú tâm vào lời Chúa dạy sẽ gặp chuyện tốt lành, người đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA thật hạnh phúc dường bao” (Cn 16,18-20).
Thiên Chúa ban cho ta có lý trí, ơn khôn ngoan để phân biệt điều hay lẽ phải; có ý chí để học hỏi thấu đạt chân lý, biết phân biệt giữa thần lành với thần dữ. Và trên hết, chúng ta còn có linh hồn được ánh sáng đức tin soi rọi để quy hướng về Chúa như cùng đích của cuộc đời. Tác giả sách Châm Ngôn đã xác tín người sống trung thực công chính sẽ được chúc lành “ĐỨC CHÚA không để kẻ công chính phải đói bao giờ; Người gạt bỏ tham vọng phường gian ác. Người công chính được tưởng nhớ và ngợi khen, còn tên tuổi kẻ gian tà sẽ mai một. Chính phúc lành của ĐỨC CHÚA cho ta được giàu sang, vất vả nhọc nhằn chẳng thêm cho vào đó”(Cn 10,3.7.22).
Trong một xã hội còn nhiều điều gian dối, thực hành tính trung thực là một thách đố và là một trận chiến lâu dài. Để thực hành tính trung thực, mọi người phải biết tôn trọng sự thật, nhất là lắng nghe theo tiếng nói của lương tâm ngay thẳng. Mỗi ngày chúng ta cần thanh luyện con tim bằng việc cầu nguyện, sống gắn bó với Chúa để học biết sự khôn ngoan và chân thật. Đừng để tâm trí mình bị điều xấu và dục vọng lôi kéo điều khiển. Hãy gia tăng thực hành đức bác ái, tôn trọng quyền lợi và phẩm giá của mọi người. Tập thực hành tính trung thực từ những điều nhỏ nhất, từ đó mới hình thành nhân cách của người trưởng thành, đạo đức. Thực hành tính trung thực là chúng ta góp phần xây dựng xã hội công bằng, mọi người tin tưởng lẫn nhau, cùng nhau xây dựng mối hiệp nhất yêu thương.
Lạy Chúa, biết bao lần chúng con sống bất trung với Chúa mà chạy theo những thói đời gian dối, xin cho chúng con can đảm sửa lỗi, biết sống trung thực với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Amen.
Nt. Anh Thư