Đức ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
Trong Thánh lễ Tiệc ly chiều thứ năm Tuần Thánh, có nghi lễ rửa chân, tùy hoàn cảnh có thể cử hành. Thường thì linh mục rửa chân cho 12 cụ chức sắc trong họ đạo, hay 12 thanh niên. Tại Nhà thờ Thánh Giaon Latêranô, Đức Giáo Hoàng rửa chân cho 12 Kinh sĩ của Vương Cung thánh đường này. Chúng ta sẽ tìm hiểu về một số điểm liên hệ tới nghi lễ này.
I. TRUYỀN THỐNG PHỤNG VỤ
Về lịch sử và truyền thống phụng vụ của nghi thức rửa chân, có những điểm sau đây cần được ghi nhận.
Trước tiên nghi lễ này được gợi hứng từ đoạn 13 Phúc âm theo thánh Gioan, câu 1 đến câu 18, tường thuật việc Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ tại nhà tiệc ly, trước khi Ngài chịu nạn. Gioan tường thuật sự việc này với ý hướng nhấn mạnh gương khiêm nhường và bác ái của Chúa Kitô, để mọi người noi theo.
Về sau việc rửa chân này đã được diễn lại tại một số nơi, nhưng theo những lối giải thích khác nhau.
Có người cho rằng vào thế kỷ đầu, vào khoảng giữa thế kỷ thứ II, tại các giáo đoàn theo truyền thống của thánh Gioan, và theo quan điểm Chúa Kitô chịu hiến tế trên thập giá vào đúng ngày 14 tháng Nisan, ngày cử hành lễ chiên vượt qua của người Do thái, thì đã có nghi thức rửa chân, được coi như là một nghi thức rửa tội. Truyền thống này dựa vào việc phân tích bản văn của Gioan và một vài chứng từ khác của các giáo phụ, như Irênê. Truyền thống này được nhận ra tại vùng Tiểu Á và Gallia, nhưng rồi biến mất cùng với nhóm người chủ trương mừng lễ Vượt qua vào ngày 14 tháng Nisan. Đó là truyền thống bên Đông phương về nghi thức rửa chân và lối giải thích theo chiều hướng rửa tội vào mấy thế kỷ đầu.
Bên Tây phương, về khía cạnh lịch sử, chúng ta có bài giảng thứ XV của giáo phụ Cromazio ở Aquileia, Italia (388-407) đã giải thích đoạn Phúc âm thánh Gioan 13, về việc Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ ở nhà tiệc ly. Giáo phụ chú giải sự kiện này như một bài học khiêm nhường, nhưng còn có một ý nghĩa khác, nằm trong công việc cứu rỗi của Thiên Chúa, đó là việc rửa sạch tội lỗi nhân loại.
Giáo phụ Cromazio gợi ý tới việc Abramo rửa chân cho khách, như là cử chỉ tiên báo cho hành vi của Chúa Kitô trong nhà tiệc ly rửa chân cho các tông đồ để thanh luyện và thánh hóa các ông, điều Ngài sẽ thực hiện trên thập giá. Nghi thức khai tâm kitô giáo ở vùng Aquileia gồm có việc rửa chân, việc dìm ứng viên xuống nước và việc đặt tay trên tân tòng. Việc rửa chân cho ứng viên dự tòng là để chuẩn bị họ lãnh nhận việc thánh luyện cứu rỗi bằng nước rửa tội.
Vào thế kỷ thứ tư, hai nguồn văn bản, tức là các bài giáo lý của thánh Cirillo thành Giêrusalem, vào thế kỷ thứ tư (khoảng năm 348), và cuốn nhậ ký hành hương của bà quý phái Egeria, cũng vào thế kỷ thứ tư (khoảng năm 384), tại Giêrusalem. Trong hai tài liệu này, chúng ta không thấy có dấu vết về nghi thức rửa chân.
Vào cuối thế kỷ thư tư, tại Tây Ban Nha, có nghi thức rửa chân cho các tân tòng trong nghi thức rửa tội. Nhưng sau đó bị Công đồng Elvira bên Tây Ban Nha, vào cuối thế kỷ thứ tư, cấm cử hành trong nghi thức khai tâm kitô giáo, có lẽ để hòa hợp với phụng vụ tại các nơi khác chăng (Concilio di Elveria, canon 48). Đây là văn bản thứ nhất bên Tây nói về việc rửa chân. Vào thế kỷ thứ 8 thì việc rửa chân trong nghi thức rửa tội hoàn toàn bị bãi bỏ trong phụng vụ, để hòa hợp với phụng vụ của Rôma.
II. NGHI LỄ RỬA CHÂN ĐƯỢC THÀNH HÌNH
Nghi lễ rửa chân trong phụng vụ thứ năm tuần thánh được thành hình như thế nào? Chúng ta sẽ bàn tới sau đây.
Về việc rửa chân vào nghi thức phụng vụ Thứ năm Tuần thánh, văn bản đầu tiên nói về nghi lễ rửa chân trong phụng vụ Thứ năm Tuần thánh là Sách Kanonarion vùng Giorgia, vào khoảng thế kỷ thứ VII hoặc thứ VIII. Nhưng người ta có thể nói là nghi lễ rửa chân trong phụng vu thứ năm tuần thánh đã có từ cuối thế kỷ thứ V. Nghi lễ tiếp theo viêc đọc đoạn phúc âm theo thánh Gioan 13,3-30, với việc hát các thánh ca và đọc các kinh.
Người ta có thể hiểu dễ dàng lý do tại sao có việc rửa chân trong phụng vụ ngày thứ năm tuần thánh. Đó là việc mừng lại theo diễn tiến lịch sử các biến cố trong cuộc đời Chúa Kitô, nhất là trong những ngày cuối cùng của Ngài ở trần gian, để rồi từ việc cử hành phụng vụ, những bài học tu đức được nêu ra cho đời sống tín hữu. Điều này chúng ta nhận ra rõ ràng trong các tập tục của các đan viện tại Giêrusalem.
Từ Giêrusalem, nghi lễ rửa chân này lan tới phụng vụ tại Bisanzio và đi vào phụng vụ Bizantina, vào những năm cuối của thế kỷ thứ VIII.
Còn Bên tây, chứng cớ đầu tiên về sự hiện diện của việc rửa chân trong phụng vụ thứ năm tuần thánh, được nhận ra trong khoản luật thứ 3 của công đồng họp tại Toledo, vào năm 694, truyền cho các giám mục phải rửa chân cho các linh mục của mình vào thứ năm tuần thánh. Vị nào không tuân lệnh sẽ bị rút phép thông công hai tháng.
Sở dĩ có hình phạt rút phép thông công, vì Công đồng biết trước phản ứng của nhiều nơi không muốn đem việc rửa chân này vào trong phụng vụ thứ năm tuần thánh. Nghi thức diễn ra như sau : dân chúng ra khỏi nhà thờ, rồi giám mục rửa chân cho hàng giáo sĩ, vị linh mục niên trưởng đi lau chân cho các ngài.
Cũng vào thời đó, thánh Isidoro thành Seviglia đã đem vào trong luật của ngài, tục rửa chân cho khách đến nhà dòng, nhất là khách đó là các đan sĩ.
Tại Rôma, nghi lễ rửa chân do Đức Giáo hoàng vào thứ năm tuần thánh, có lẽ được đưa vào Rôma từ thế kỷ thứ VII hoặc thứ VIII, do Đức Giáo Hoàng Sergio thứ I. Trong nghi lễ này, Đức Giáo hoàng rửa chân cho 12 thày phụ phó tế, trong khi đó hát bài thánh ca : Mandatum novum, và phân phát quà tặng cho các giáo sĩ. Các linh mục cũng lặp lại việc rửa chân với tín hữu tại các nhà thờ ở ngoại ô Rôma.
III. NỘI DUNG THẦN HỌC TU ĐỨC CỦA NGHI LỄ RỬA CHÂN
Về ý nghĩa của nghi lễ rửa chân, chúng ta đã nhận ra qua phần trình bày trên đây, đi từ Phúc âm thánh Gioan, với bài học khiêm nhường và bác ái ; rồi về sau, với lối giải thích cử chỉ này như là hành vi thanh luyện và tha tội. Nhưng dần ý nghĩa nguyên thủy của Phúc âm Gioan đã được chấp nhận từ thế kỷ thứ V trở đi, ở bên Đông cũng như bên Tây.
Như vậy nghi lễ và cử chỉ này có một ý nghĩa rõ ràng ngay trong phúc âm và trong truyền thống phụng vụ. Và để nhận ra ý nghĩa này, người ta cần cử hành đúng nghi lễ như trong phúc âm và trong phụng vụ. Những thay đổi khác, sẽ làm mất, hay giảm ý nghĩa thần học và tu đức đã đi liền với cử chỉ, nghi lễ tư xa xưa.
Đi từ việc tìm hiểu nghi lễ rửa chân trong phụng vụ thứ năm tuần thánh, chúng ta nhận thấy rằng những thay đổi tự do trong phụng vụ, không do quyền bính của Giáo hội, sẽ chỉ là những hành vi theo trí tưởng tượng, thiếu hiểu biết sâu xa về lịch sử và nội dung thần học.
IV. MỘT CÁCH THỨC MỚI VỀ NGHI LỄ “RỬA TAY” THAY VÌ “RỬA CHÂN”
Tại một số nơi bên Âu Châu một cách thức mới về ễ nghi này được thành hình như sau : cha sở của một cộng đoàn người địa phương, cùng với các cha đồng tế chia nhau đi xuống dọc theo hai hàng đầu ghế, rửa tay cho giáo hữu, bất luận đàn ông hay đàn bà, trẻ con hay người lớn. Làm như vậy, cha có ý tránh sự phân biệt người đàn ông được chọn rửa, và rồi không chỉ mười hai người được rửa, nhưng làm như vậy thì nhiều người được rửa tay hơn và bất kỳ ai.
Để trả lời cho câu hỏi, là làm như vừa ghi lại trên đây có được không, chúng ta ghi lại điểm chữ đỏ trong Sách lễ Rôma như sau : “Bài giảng sẽ đề cập tới các mầu nhiệm được tưởng niệm trong thánh lễ : tức là việc lập Bí tích Thánh Thể, chức tư tế và điều răn của Chúa về tình bác ái huynh đệ. Sau bài giảng, sẽ cử hành nghi thức rửa chân, nếu lý do mục vụ khuyên nên làm.
“Các người giúp lễ sẽ hướng dẫn các người đàn ông đã được tuyển chọn đến ghế dọn sẵn. Sau đó linh mục (cởi áo lễ nếu cần), với các người giúp lễ, đi đến từng người, đổ nước trên chân họ và lau”.
Đó là luật phụng vụ liên hệ tới nghi lễ rửa chân. Luật này áp dụng cho tất cả các nơi và không ai được quyền thay đổi vì lý do gì, như Công đồng chung Vaticanô đã xác định trong Hiến chế về phụng vụ, số 22, 3 như sau : “1. Việc điều hành phụng vụ thánh chỉ tùy thuộc thẩm quyền của Giáo Hội : nghĩa là thuộc quyền Tông Tòa và chiếu theo qui tắc luật pháp, cũng thuộc quyền giám mục… 2 Vì vậy tuyệt đối không một ai khác, dầu là linh mục, được tự quyền thêm hay bớt hay thay đổi một điều gì trong Phụng vụ”.
Đàng khác, trong luật chữ đỏ của Sách lễ Rôma vừa ghi trên đây, nếu vì lý do nào đó, mà linh mục thấy không cần cử hành nghi lễ rửa chân, thì có thể bỏ nghi lễ này, và tiếp tục cử hành thánh lễ. Như vậy nghi lễ này không có tính cách bắt buộc. Nhưng khi đã cử hành thì phải cử hành trọn vẹn, theo đúng như được ghi trong Sách Lễ Rôma.
Sau cùng, khi cử hành nghi lễ rửa chân, thì linh mục, cũng như mọi người phải nhận ra lịch sử của nó, cũng như ý nghĩa thần học tư đức của nó trong truyền thống phụng vụ, cũng như trong truyền thống giáo phụ. Trong công cuộc canh tân Nghi thức Tuần thánh do Đức Giáo hoàng Piô XII thực hiện vào năm 1954, cũng đã lấy lại nghi lễ này và làm theo truyền thống phụng vụ của Giáo hội latinh. Làm khác đi là đi ngược lại truyền thống đã có sẵn về nghi lễ này.
Nguồn: http://www.simonhoadalat.com