Chỉ còn hai tháng nữa sẽ diễn ra Thượng hội đồng về gia đình ở Vatican. Trước sự kiện này, lần đầu tiên CELAM (Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh) đã tổ chức một hội nghị của Châu Mỹ Latinh về mục vụ gia đình. Nó được khai mạc vào ngày 4/8 ở Panama và kéo dài suốt tuần này.
Chủ đề của hội nghị “Gia đình và sự phát triển xã hội vì một cuộc sống trọn vẹn và sự hiệp thông truyền giáo”. Trong sứ điệp gởi cho các tham dự viên hội nghị, Đức Phanxicô đã chúc mừng sáng kiến này về một giá trị rất thân thiết và quan trọng hôm nay cho các dân tộc của chúng ta”.
Gia đình là gì? Đối với Đức Phanxicô “vượt lên những vấn đề cấp thiết hơn của nó và những nhu cầu cấp bách nhất của nó, gia đình là ‘một trung tâm tình yêu’, nơi ngự trị luật tôn trọng và hiệp thông, có khả năng kháng cự lại những cuộc tấn công thao túng và thống trị của ‘các trung tâm quyền lực’ trần tục”.
Trong mái ấm gia đình, “nhân vị được tháp nhập cách tự nhiên và hài hòa vào một nhóm người, vượt quá những đối lập giả tạo giữa cá nhân và xã hội”. “Giữa lòng gia đình, không bai bị gạt ra ngoài: cả người già lẫn trẻ em đều được đón nhận. Nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại, việc mở ra cho tình liên đới và sự siêu việt” đều có cội nguồn nơi đó.
Gia đình mang lại sự an toàn vốn cho phép mở ra
Vì lý do này, gia đình làm nên một “sự phong phú xã hội” lớn lao, Đức Thánh Cha khẳng định bằng việc lấy lại thông điệp Caritas in Veritate của Đức Bênêđíctô XVI. Đức Phanxicô nhấn mạnh hai cống hiến sơ khởi của gia đình: tính ổn định và tính phong nhiêu. “Các mối tương quan đặt cơ sở trên tình yêu chung thủy, cho đến chết, như hôn nhân, tình phụ tử, lòng hiếu thảo hay tình huynh đệ, đều được học biết và được sống giữa lòng gia đình”.
“Khi các mối tương quan tạo nên cơ sở cho một xã hội nhân loại, thì nó mang lại cho xã hội này sự liên kết chặt chẽ và sự vững chắc. Vì không thể thuộc về một dân tộc, cảm thấy gần gũi nhau, hay quan tâm đến những người xa xôi nhất và những người bất hạnh nhất, nếu trong tâm hồn con người bị gãy vỡ những tương quan căn bản này vốn mang lại cho con người sự an toàn khi nó mở ra cho người khác”.
Vả lại, tình yêu gia đình là “phong nhiêu”, không chỉ bởi vì nó sinh ra sự sống mới, nhưng còn bởi vì nó “mở ra chân trời cuộc sống”, sinh ra một thế giới mới; “điều đó làm cho chúng ta tin, đối lại mọi thất vọng và mọi thất bại, rằng một sự cùng tồn tại đặt cơ sở trên lòng tôn trọng và tin tưởng là khả thi. Đối diện với một cái nhìn vật chất về thế giới, gia đình không giảm thiểu con người thành một thứ chủ nghĩa duy lợi cằn cỗi, nhưng định hướng các ước muốn sâu xa nhất của nó”.
Tình yêu con người như là dấu chỉ và là sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa
Sau cùng, “tôi muốn nói quý vị rằng nhờ kinh nghiệm nền tảng của tình yêu gia đình, con người cũng lớn lên trong việc mở ra cho Thiên Chúa là Cha”. Theo nghĩa này, văn kiện Aparecida đã chỉ ra rằng gia đình không đượ coi như chỉ là đối tượng của Phúc Âm hóa, nhưng còn như là những tác nhân loan báo Tin Mừng (x. Các số 432,435).
Trong gia đình “phản ảnh hình ảnh của Thiên Chúa mà, trong thừa tác vụ sâu xa nhất của nó, là một gia đình và theo cách này, cho phép thấy tình yêu con người như là dấu chỉ và là sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa” (Lumen Fidei, 52). “Trong gia đình, đức tin được hòa trộn với sữa mẹ”. Chẳng hạn, Đức Thánh Cha cho thấy, cử chỉ đơn giản và tự nhiên xin chúc lành _ “những gì được thực hiện nơi nhiều dân tộc của chúng ta”_ hoàn toàn chứa đựng xác tin của Thánh Kinh rằng phúc lành của Thiên Chúa được truyền từ cha sang con.
“Điều quan trọng là khuyến khích các gia đình vun trồng những mối quan hệ lành mạnh giữa các thành viên của mình, họ biết nói với nhau “xin lỗi”, “cám ơn”, “xin phép” và hướng đến Thiên Chúa với danh xưng “Cha” đẹp đẽ này”.
Kết thúc sứ điệp này, Đức Phanxicô đã xin sự cầu bàu của Đức Bà Guadalupe để Thiên Chúa tuôn tràn “những phúc lành phong phú” của Ngài trên các gia đình của Châu Mỹ, làm cho họ thành “những hạt giống sự sống, hòa hợp” và ban cho họ “một đức tin vững vàng được Tin Mừng và các việc lành nuôi dưỡng”. Đức Thánh Cha cũng xin các tham dự viên cầu nguyện cho ngài.
Tý Linh
theo Radio Vatican