ĐỪNG YÊU THƯƠNG MUỘN MÀNG

Phút Cầu Nguyện, Thứ Năm 24/11/2022

ĐỪNG YÊU THƯƠNG MUỘN MÀNG

Quý vị và các bạn thân mến,

Bộ phim Hàn Quốc có tựa đề: “Mình ơi, xin đừng qua sông” ra mắt khán giả năm 2014, là một phim tài liệu dài 86 phút ghi lại những sinh hoạt hằng ngày hết sức trìu mến, chân thành và đầy ắp yêu thương của đôi vợ chồng già, là cụ ông Jo Byeong-man 98 tuổi và cụ bà Kang Kye-yeol 89 tuổi. Họ cưới nhau khi bà Kye Yeol lên 14 tuổi và đã gắn bó với nhau như hình với bóng suốt gần 75 năm qua, tại một ngôi nhà ở miền núi tỉnh Gangwon (Hàn Quốc). Cả hai có với nhau 12 người con nhưng 6 người trong số đó đã mất vì bệnh tật. Những người con còn lại đều có gia đình riêng. Những lần về họp mặt, họ thường than vãn về áp lực cuộc sống và còn cãi nhau kịch liệt về chuyện chăm sóc bố mẹ. Do vậy, đôi vợ chồng già đã chọn cùng sống với nhau trong căn nhà nhỏ và nuôi thêm một chú chó nhỏ.

Cứ như vậy, ngày ngày, đôi vợ chồng già ở bên nhau và chăm sóc nhau. Họ nắm tay nhau đi dọc bờ sông, mùa xuân thì hái hoa, mùa hè dạo chơi bên hồ, và mùa đông thì vai kề vai nặn những người tuyết bằng đôi tay đã nhăn nheo và hơi thở khó nhọc. Cho đến khi sức khỏe cụ ông Jo Byeong Man yếu đi và có biểu hiện sắp ra đi, các con của cụ mới gọi nhau trở về bên bố mẹ trong niềm ân hận tiếc nuối. Họ hứa sẽ sống tốt hơn và muốn sống bên cạnh bố để chăm sóc cho bố. Thế nhưng mọi yêu thương lúc ấy đã quá muộn màng.

Những thước phim khép lại với hình ảnh người vợ già ngồi than khóc bên nấm mồ của chồng trong giai điệu của lời ca da diết: “Người yêu của em, đừng bỏ lại em một mình. Đừng băng qua con sông mà không có em theo cùng”. Bộ phim mang đến cho người xem một thông điệp rất ý nghĩa đó là dù yêu nhau đến mấy, sống hạnh phúc với nhau đến mấy thì theo thời gian ai cũng sẽ phải già đi, sẽ phải ra đi, để bạn đời và những người mình yêu thương ở lại. Do vậy, hãy nhìn lại bản thân mình và tự hỏi lòng rằng mình đã dành đủ tình yêu thương cho bố mẹ hay người vợ, người chồng của mình hay chưa!

Quý vị và các bạn thân mến,

Có ai đó đã nói rằng thời thanh xuân, người ta đến với nhau vì tình, đến tuổi xế chiều, người ta ở với nhau vì nghĩa. Nếu dừng lại để suy nghĩ về ý tưởng này, rồi nhìn xem những câu chuyện đã và đang xảy ra trong cuộc sống hoặc đúc kết lại từ chính kinh nghiệm của mình, chúng ta sẽ thấy rằng đây là một nhận định rất chí lý. Khi còn trẻ, người ta có sức khỏe, có vóc dáng xinh đẹp, tráng kiện và nhiệt huyết nồng nàn nên việc tìm kiếm người bạn đời thường dựa trên “chữ tình” với những vẻ đẹp và tiêu chuẩn tương ứng với bản thân họ. Thế nhưng khi về sống với nhau, theo thời gian, sắc đẹp dần phôi phai, sức khỏe dần sa sút, thân hình mất đi sức hấp dẫn và “chữ tình” bắt đầu nhạt nhòa, hư hao, người ta dễ rơi vào trạng thái chán nản, không còn mặn nồng với người bạn đời của mình nữa. Chỉ có “cái nghĩa” – được nảy sinh từ sự chân thành gắn bó, chia ngọt sẻ bùi với nhau trong những tháng ngày của tuổi trẻ mới là chất keo ngọt ngào giữ cho tình yêu và vòng tay của những người bạn đời được gắn kết không rời xa.

Đôi vợ chồng già trong bộ phim bên trên là một trong nhiều đôi vợ chồng đã cùng nhau đi qua những ngày tháng êm đềm và giông bão của cuộc đời, và họ vẫn còn trung thành đi tiếp với nhau cho đến cuối cuộc đời. Họ là ông bà, cha mẹ của chúng ta và cũng là những người đang sống xung quanh, truyền cho chúng ta cảm hứng yêu và sống vì người mình yêu cho đến hơi thở cuối cùng. Cảm giác nhìn thấy người mình yêu thương dần dần buông tay mình mà ra đi khỏi cõi đời này thật đau lòng biết bao! Vậy mà chúng ta thường xem sự hiện diện của cha mẹ, chồng, vợ hay con cái của mình hằng ngày là chuyện hiển nhiên và bình thường nên rất nhiều lúc cứ mải mê để tâm trí vào công việc, dành thời giờ cho bạn bè và những niềm vui của riêng mình mà chẳng mấy quan tâm gì đến họ. Để rồi khi cha mẹ mất đi, người bạn đời của mình đột ngột lìa bỏ cõi thế hay con cái không còn bên cạnh nữa, chúng ta mới tiếc nuối và ân hận thì đã quá muộn màng. Ước gì khi sống tâm tình tưởng nhớ và cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, trong đó có những người thân yêu của mình, chúng ta biết trân quý những người thân của mình hơn, và biết dành thời gian và tình yêu thương cho họ trước khi quá muộn màng.

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì đã cho chúng con còn có cơ hội để yêu thương, quan tâm và chăm sóc những người thân yêu đang còn sống bên cạnh chúng con. Xin Chúa thương đưa linh hồn những người đã lìa cõi thế này về đến bến bờ yêu thương của Chúa và được hưởng nhan Chúa muôn đời. Amen.

Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ