Đức Thánh Cha và một tù nhân (Vatican Media)
ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC NGUYÊN THỦ QUỐC GIA
“ĐẶC XÁ” CHO CÁC TÙ NHÂN DỊP GIÁNG SINH
Ngọc Yến - Vatican News
Vatican News (13.12.2022) – Đức Thánh Cha viết thư cho các nguyên thủ quốc gia mời gọi “đặc xá” cho các tù nhân dịp lễ Giáng Sinh, để “thời gian hiện được đánh dấu bằng những bất công và xung đột, có thể là thời điểm mở ra cho ân sủng đến từ Thiên Chúa”.
Trong tuyên bố được đưa ra hôm thứ Hai, 12/12/2022, Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết, nhân dịp lễ Giáng Sinh, Đức Thánh Cha đã gửi thư cho các nguyên thủ quốc gia mời gọi họ thực hiện cử chỉ biểu tượng dành cho các tù nhân, những người bị mất tự do. Cụ thể “đặc xá” cho các tù nhân, những người xét là có thể được hưởng sự khoan hồng này. Đức Thánh Cha giải thích tại sao ngài lại đưa ra lời mời gọi này: “Để thời gian được đánh dấu bằng những bất công và xung đột hiện nay có thể mở ra cho ân sủng đến từ Thiên Chúa.”
Cử chỉ này có nguồn gốc từ Đại Năm Thánh 2000. Vào năm đó, thánh Gioan Phaolô II đã mời gọi các nhà cầm quyền trên thế giới thực hiện một cử chỉ đặc xá trong một tài liệu dài 11 trang về Năm Thánh trong các nhà tù. Ngài đưa ra lời mời gọi này sau một tuần đến thăm nhà tù Regina Coeli ở Roma để mừng Năm Thánh với các tù nhân, nhân danh Chúa Giêsu “bị cầm tù, nhạo báng, xét xử và kết án”. Dịp đó, Thánh Giáo hoàng cũng đã yêu cầu những người có thẩm quyền giảm án hình sự cho các tù nhân để họ có thể tìm được cuộc sống mới. Lời yêu cầu của ngài được lặp lại một lần nữa vào ngày 14/12/2002 với các thượng nghị sĩ và nghị sĩ trong cuộc viếng thăm Quốc hội Ý.
Từ khi được bầu chọn làm Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô luôn quan tâm đến các tù nhân, đặc biệt ngài thường xuyên cử hành Thánh lễ và thực hiện nghi thức rửa chân vào thứ Năm Tuần Thánh tại các nhà tù.
Trong năm Thánh Lòng Thương Xót 2016, ngày 06/11, trong Thánh lễ dành cho các tù nhân, Đức Thánh Cha cũng đã kêu gọi các chính phủ “đặc xá” cho những người bị mất tự do. Ngài còn đưa ra lời kêu gọi ủng hộ việc cải thiện điều kiện sống trong các nhà tù trên khắp thế giới, “để nhân phẩm của các tù nhân được tôn trọng” và tái khẳng định “tầm quan trọng của việc phản ánh sự cần thiết về một công lý hình phạt không chỉ mang tính trừng phạt, nhưng còn mở ra với hy vọng và triển vọng tái hòa nhập xã hội cho người phạm tội”.
Nguồn: vaticannews.va/vi