Đức Giê-su Ki-tô – Đường ân sủng

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG ÂN SỦNG

Gm. Phê-rô Nguyễn Văn Viên

Trong tiếng Do-thái, từ ‘חֵ֖ן/ hen’ có nhiều nghĩa và nghĩa phổ biến nhất là ‘ân sủng’. Chẳng hạn, Bản Bảy Mươi dịch חֵ֖ן/ hen sang tiếng Hy-lạp là χάρις/ charis (St 6,8). Từ tương đương với χάρις trong tiếng La-tinh là gratia (tiếng Anh là grace và tiếng Pháp là grâce). Khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, חֵ֖ן/ χάρις/ grace/ grâce thường được dịch là ân/ơn sủng, thánh sủng, ơn Chúa hay ơn thánh. Ngoài ra, từ này còn được dịch là ân/ơn huệ, ân/ơn nghĩa, ân/ơn phúc, ơn lành, phúc lành, đặc ân, thiện ý, đẹp lòng, quý mến, ưu ái.

Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa ban ân sủng cho con người cách tự do, vô điều kiện hầu giúp đỡ, biến đổi con người yếu đuối, tội lỗi, nghĩa là tha thứ, chữa lành con người khỏi những thương tích trong tâm hồn, đồng thời, cho con người sự sống con cái Thiên Chúa khi còn trong hành trình trần thế này và siêu thăng phẩm giá con người cho đến khi đạt tới sự viên mãn siêu nhiên là hạnh phúc vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa. Với ân sủng của Bí Tích Rửa Tội, con người được trở thành con cái Thiên Chúa và tham dự sự sống của Người. Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Ân sủng cho chúng ta tham dự vào sự sống Thiên Chúa, vào đời sống thâm sâu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, người Ki-tô hữu tham dự vào ân sủng của Đức Ki-tô, Đầu của Thân Thể” (GLGHCG 1997). Ân sủng giúp phát sinh, duy trì và hoàn thiện nơi con người đức tin, đức cậy và đức mến hầu con người có thể thực thi đời sống vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Do đó, sống trong thế giới tự nhiên, con người cần luôn ý thức và quan tâm đến ân sủng của Thiên Chúa.

Khi xem xét mối tương quan giữa ân sủng và tự nhiên, mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng những gì thuộc trật tự ân sủng hay siêu nhiên không mâu thuẫn với những gì thuộc tự nhiên. Thánh Tô-ma A-qui-nô (1225-1274) viết: “Như ân sủng không phá hủy tự nhiên nhưng hoàn thiện tự nhiên, lý trí tự nhiên phải phục vụ đức tin cũng như khuynh hướng tự nhiên của ý chí phải phục vụ đức ái” (St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae I, q.1, a.8.2). Cũng theo thánh nhân: “Ân sủng không phá hủy tự nhiên nhưng hoàn thiện tự nhiên theo cách thức tự nhiên” [Gratia perfecit naturam secundum modum naturae] (St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae I, q.62, a.5).

Điều này có nghĩa rằng ân sủng biến đổi tự nhiên mà không làm cho tự nhiên bị méo mó, biến dạng, mất đi bản chất vốn có nhưng được trở nên tốt đẹp, vượt quá sự hoàn hảo theo khả năng của tự nhiên. Ân sủng và tự nhiên không tách biệt nhau nhưng kết hợp mật thiết với nhau đến mức con người (trong nhiều trường hợp nơi hiệu quả của cả hai) khó phân biệt rạch ròi đâu là của ân sủng và đâu là của tự nhiên. Chương trình sáng tạo và cứu độ đều là công trình ân sủng của Thiên Chúa dù theo những lý lẽ khác nhau. Quả thực, đối với loài người, ân sủng kiện toàn tự nhiên, định hướng tự nhiên quy về Thiên Chúa và thúc đẩy, dẫn dắt tự nhiên hướng về Người là Nguồn hạnh phúc tuyệt đối. Điều này có nghĩa rằng, nếu không có ân sủng, con người sẽ không thể hoàn thiện mình xét theo bản tính tự nhiên, ít nữa đứng trước thực trạng sa ngã của Nguyên Tổ và đương nhiên con người lại càng không thể đạt được ơn cứu độ đời đời hay hạnh phúc vĩnh cửu.

Dưới nhãn quan Kinh Thánh, nhất là nơi các thư của thánh Phao-lô, ân sủng trước hết đến với con người để giải thoát con người khỏi tội lỗi và án phạt đời đời do tội lỗi gây nên. Ân sủng thanh tẩy con người khỏi những gì là của ‘xác thịt’, của ‘thế gian’ hư hoại. Nhờ ân sủng, con người có được sự sống mới và sức mạnh của Thánh Thần. Nhờ đó, tư tưởng, lời nói và hành động của con người ngày càng được hoàn thiện về mặt siêu nhiên và trở nên đồng hình, đồng dạng với Đức Giê-su, Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo (Cl 1,15).

Theo thánh Tô-ma A-qui-nô, ân sủng là nguồn gốc, là nền tảng, là động lực, là một thứ nguyên lý nội tại giúp con người ngày càng sống xứng đáng hơn với danh hiệu là con cái Thiên Chúa. Không có sự trợ giúp hay thúc đẩy của Thiên Chúa (auxilium Dei), con người không thể biết bất kỳ sự thật nào kể cả những sự thật thuộc khả năng hiểu biết của mình. Không có ánh sáng của ân sủng (lumen gratiae) thì con người không thể nhận biết những sự thật vượt quá khả năng tự nhiên của mình (St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae I-IIae, q.109, a.1). Không có ân sủng của Thiên Chúa, con người không thể có được niềm tin siêu nhiên vào Thiên Chúa (bao gồm cả việc nhận thức được chương trình của Người cho mình cũng như muôn vật muôn loài), lại càng không thể kiên vững trong niềm tin đó. Thánh nhân khẳng định rằng con người cũng không thể làm được việc gì tốt hay có giá trị siêu nhiên, nếu không nhờ ân sủng của Thiên Chúa (St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae I-IIae, q.109, a.2). Cũng theo thánh nhân, con người không thể yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, nếu không được ân sủng của Thiên Chúa nâng đỡ (St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae I-IIae, q.109, a.3).

Tùy theo ngữ cảnh, người ta đề cập đến các hình thức hay các loại ân sủng phân biệt nhau, chẳng hạn như ơn hiện sủng, ơn thường sủng, ân sủng công chính nguyên thủy, ân sủng công chính hóa, ân sủng cứu độ, ân sủng thánh hóa, ân sủng bí tích, ân sủng phục vụ, ân sủng tha thứ, ân sủng chữa lành, ân sủng hòa giải, ân sủng kiện toàn, ân sủng siêu thăng. Đặc biệt, ân sủng thánh hóa hay ơn thánh hóa hay thánh sủng (gratia sanctificans/ sanctifying grace) là ơn quan trọng nhất, cần thiết nhất và được đề cập phổ biến nhất.

Ơn thánh hóa thuộc loại ơn thường sủng (gratia habitualis/ habitual grace), phân biệt với một loại ơn khác là ơn hiện sủng (gratiae actuales/ actual graces). Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Ơn thánh hóa là một ân huệ thường tồn, một trạng thái siêu nhiên bền vững, hoàn thiện linh hồn để chúng ta có thể sống với Thiên Chúa và hành động nhờ tình yêu của Người. Chúng ta phân biệt ơn thường sủng và ơn hiện sủng. Ơn thường sủng là trạng thái thường xuyên để sống và hành động theo tiếng gọi của Thiên Chúa, và ơn hiện sủng là những can thiệp của Thiên Chúa lúc khởi đầu cuộc hoán cải hoặc trong quá trình thánh hóa” (GLGHCG 2000).

Lịch sử Do-thái bắt đầu với việc Thiên Chúa kêu gọi và ban ân sủng cho Áp-ra-ham. Người hứa làm cho tên tuổi ông được rạng rỡ, đồng thời, Người cũng cho biết rằng, qua ông, mọi người sẽ được chúc phúc (St 12,3). Hậu duệ của ông cũng luôn được Thiên Chúa thương yêu, phù trợ (St 50,20; Xh 34,6; Ds 6,24-27; Đnl 7,7-11). Quả thực, các sách Cựu Ước cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Đấng từ bi, nhân hậu, ban dồi dào ân sủng cho dân Do-thái, trong khi đó họ thường là những kẻ vô ơn: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6).

Đặc biệt, Thiên Chúa luôn là Đấng giàu lòng thương xót: “Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng từ bi nhân hậu, Người sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ, nếu anh em trở lại với người” (2 Sbn 30,9); “Đức Chúa phán thế này: Đám dân thoát cảnh gươm đao đã được ân nghĩa trong sa mạc, đó là Ít-ra-en trên đường về chốn nghỉ ngơi” (Gr 31,2). Ân sủng của Thiên Chúa ăn sâu vào tâm trí của con cháu Áp-ra-ham qua muôn thế hệ, chẳng hạn: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người. Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà, ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc, khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng” (Tv 103,2-5); ”Xưa bên Ai-cập, tổ tiên chúng con đã không hiểu những kỳ công của Chúa, đã chẳng nhớ ân huệ vô vàn, và phản loạn ở nơi Biển Đỏ” (Tv 106,7).

Sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng Nguyên Tổ của con người đã phạm tội, tức là tự mình quyết định ý nghĩa cuộc đời hay hạnh phúc cho mình, không muốn lệ thuộc và vâng phục đối với Thiên Chúa, do đó, từ khước tương quan nghĩa thiết với Người theo ân sủng. Tuy nhiên, vì lòng thương xót, Thiên Chúa đã hứa khôi phục ân sủng cho con người nhờ Đấng Cứu Thế tương lai cũng thuộc dòng giống con người (St 3,15). Quả thực, mặc khải ngay từ giai đoạn đầu đã cho thấy lờ mờ rằng nhờ cái chết của Đấng Cứu Thế tương lai mà Thiên Chúa trong chừng mực nào đó đã ban lại ân sủng cho Nguyên Tổ đã sa ngã nhưng biết nhận tội, khi kể rằng: “Đức Chúa là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ” (St 3,21).

Hình ảnh ‘những chiếc áo bằng da’ cho phép chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa mặc cho con người ân sủng, bao phủ con người với ân sủng hầu giúp con người sống xứng đáng hơn với phẩm giá của mình là được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26-27). Để con người có được áo da thì con vật phải chết, con vật phải hy sinh cho con người. Đây là hình ảnh ‘chết chóc thể lý’ được đề cập đầu tiên trong Kinh Thánh sau khi con người phạm tội. Cũng theo sách Sáng Thế, việc sát tế súc vật làm của lễ hiến tế là dấu chỉ con người tùng phục Thiên Chúa là Chủ Thể của vạn vật. Khi Áp-ra-ham định giết con trai duy nhất của mình hầu diễn tả sự trung tín đối với Thiên Chúa thì Người đã cho sứ thần ngăn cản.

Áp-ra-ham thấy con cừu đực mắc sừng trong bụi cây thì ông đã giết nó để dâng lễ toàn thiêu thay cho con mình (St 22,1-19). Đây là hình ảnh giúp chúng ta nhận ra cách thức mầu nhiệm Thiên Chúa trao ban ân sủng sau khi con người phạm tội: Để bao phủ con người bằng ân sủng, Đức Giê-su đã phải chết. ‘Con vật vô tội’ đã phải chết để bảo vệ phẩm giá con người là hình ảnh Đức Giê-su, Con Một Thiên Chúa, phải chết để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết đời đời, đồng thời, giúp con người trở thành con cái của Thiên Chúa trong Đức Giê-su (filii in Filio).

Trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca, sau phần ‘Lời Tựa’, thánh nhân kể lại biến cố sứ thần Thiên Chúa truyền tin cho Da-ca-ri-a và báo cho ông biết rằng vợ ông là bà Ê-li-sa-bét sẽ sinh hạ Gio-an (Gio-an Tẩy Giả). Chúng ta biết rằng, trong tiếng Do-thái, Gio-an (יוֹחָנָן‎/ yohhanan, Ἰωάννης/ Ioannes, John) vừa có nghĩa là ‘Gia-vê nhân từ’ hay ‘Thiên Chúa ân sủng’ (God is gracious), vừa có nghĩa là ‘quà tặng của Thiên Chúa’ (gift from God) hay ân sủng của Thiên Chúa (grace of God). Nhiều trình thuật Kinh Thánh cho chúng ta biết ân sủng được diễn tả như là ‘quà tặng’ của Thiên Chúa cho con người (Đnl 8,17-18; Is 55,1-3; Ga 1,16-17; Gc 4,6).

Quả thực, vợ chồng Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét đã già nua mà không có con nhưng Thiên Chúa trao ban cho ông bà ‘quà tặng’ cao quý là Gio-an. Quà tặng này nhằm báo trước (tiền hô) Quà Tặng lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho con người là Đức Giê-su, Con Một vĩnh cửu của Thiên Chúa. Trong tiếng Do-thái, Giê-su có nghĩa là Đấng Cứu Độ (יֵשׁוּעַ/ Yeshua, Ἰησοῦς/ Iēsous, Jesus). Như vậy, đây là Quà Tặng lớn lao nhất, là Ân Sủng kỳ diệu nhất mà Thiên Chúa trao ban cho mọi người. Dĩ nhiên, trong thân phận con người, xét theo nhân tính, Đức Giê-su đã đón nhận, sống và lớn lên trong ân sủng của Thiên Chúa. Trình thuật thời niên thiếu của Đức Giê-su theo thánh Lu-ca cho chúng ta biết: “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa [χάρις/ ân sủng] cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40) hay “Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa [ân sủng] đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52).

Chúng ta biết rằng, từ ‘present’ trong tiếng Anh vừa có nghĩa là hiện diện, vừa có nghĩa là quà tặng. Đức Giê-su hiện diện trong gia đình nhân loại là Quà Tặng mà con người không bao giờ nghĩ tới bởi vì quà tặng không phải là ‘cái gì đó’ (what) mà là ‘ai đó’ (who). Trong cuộc sống, ai cũng có kinh nghiệm về việc nhận quà hay tặng quà cho người khác. Giữa quà tặng và người tặng quà phân biệt nhau. Nơi Đức Giê-su thì không phải như vậy, Người vừa là Quà Tặng, vừa là Người Tặng Quà, bởi vì Người là Thiên Chúa thật và là con người thật đã hiện diện giữa trần gian vì con người và cho con người.

Quà Tặng của Đức Giê-su cũng là Hiến Tế giúp con người được hòa giải với Thiên Chúa, với nhau và nhờ đó mà muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo được giao hòa với Thiên Chúa. Với ngôn ngữ phụng tự, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái cho chúng ta biết Đức Giê-su vừa là Tư Tế (người tặng quà), vừa là Bàn Thờ (nơi để quà), vừa là Con Chiên (quà tặng) trong Hiến Tế duy nhất và vĩnh cửu dâng lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể gia đình nhân loại (Dt 7,27; Dt 9,11-10,18). Chúng ta biết rằng nói đến quà tặng là nói đến tình yêu của người tặng quà. Trong cuộc đối thoại với Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng tương quan thích hợp giữa Thiên Chúa và con người là tương quan ân sủng. Tuy nhiên, trong Cựu Ước, ân sủng của Thiên Chúa hoạt động cách vô hình, huyền nhiệm và mang tính chuẩn bị. Con người chỉ có thể nhận diện, phân định và hiểu biết ân sủng của Thiên Chúa cách đầy đủ hơn trong ánh sáng và sứ mệnh của Đức Giê-su khi ‘thời gian tới hồi viên mãn’. Trong Tân Ước, với Biến Cố Đức Giê-su, ân sủng của Thiên Chúa đã ‘trở nên hữu hình’ giữa gia đình nhân loại. Trong ‘Lời Tựa Tin Mừng’, thánh Gio-an viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14).

Với ngôn ngữ ân sủng, chúng ta có thể diễn tả lại lời của thánh Gio-an rằng Đức Giê-su là ‘Ân Sủng đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta’. Như vậy, khi thời gian tới thời viên mãn, Thiên Chúa diễn tả ân sủng của Người nơi Đức Giê-su là sự diễn tả huyền diệu và cao trọng nhất. Quả thật, Đức Giê-su hiện diện giữa nhân loại như là ‘Ân Sủng hữu hình’ của Thiên Chúa. Bởi vì, với Đức Giê-su, con người có thể nhìn thấy, lắng nghe, chiêm ngắm và đi vào mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa (1 Ga 1,1). Nói cách khác, Đức Giê-su là Ân Sủng của Thiên Chúa ‘được sinh ra từ trước muôn đời’, nhờ Đức Giê-su, muôn vật muôn loài được tạo thành và cũng nhờ Người, con người cũng như muôn vật muôn loài được cứu độ, giải thoát và quy tụ trong Vương Quốc Thiên Chúa.

Lời Tựa Tin Mừng theo thánh Gio-an cũng cho chúng ta biết: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn [ân sủng] này đến ơn [ân sủng] khác” [ὅτι ἐκ τοῦ πληρώματος αὐτοῦ ἡμεῖς πάντες ἐλάβομεν, καὶ χάριν ἀντὶ χάριτος] (Ga 1,16). Trong thư của ngài, thánh Gio-an viết: “Thiên Chúa là Cha và Đức Giê-su Ki-tô là Con Chúa Cha sẽ cho chúng ta được hưởng ân sủng, lòng thương xót và bình an, trong sự thật và tình thương” (2 Ga 1,3). Tương tự như thánh Gio-an, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết về nguồn ân sủng trong tương quan giữa Chúa Cha và Đức Giê-su như sau: 

“Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4,15-16). Đặc biệt, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo tóm lược tương quan giữa Đức Giê-su và A-đam, giữa nguồn gốc ân sủng và căn nguyên tội lỗi cách mạch lạc như sau: “Phải biết Đức Ki-tô là nguồn ân sủng mới nhận ra A-đam là căn nguyên của tội lỗi” (GLGHCG 388) hay “ân sủng cao quý nhất nơi Đức Ma-ri-a chính là sự hiện diện của Đấng là nguồn mạch mọi ân sủng” (GLGHCG 2676).

Thấm nhuần căn tính, đời sống và sứ mệnh của Thầy mình, thánh Gio-an viết: “Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có” (Ga 1,17). Quả thực, con người được Thiên Chúa sáng tạo để sống trong ân sủng và nhờ sức mạnh của ân sủng mà theo sự thật hầu đạt được hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa, là sự viên mãn của ân sủng và sự thật. Thánh Gio-an cho chúng ta biết Đức Giê-su là Ân Sủng, Ân Sủng Bất Thụ Tạo (Gratia Increata/ Uncreated Grace/ Grâce Incrée) của mọi ân sủng; Đức Giê-su là Sự Thật vô cùng trọn hảo, Sự Thật nguyên ủy của mọi sự thật. Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su cho mọi người biết như vậy (Ga 5,19-28; Ga 14,6). Quả thực, Cựu Ước cho chúng ta biết rằng Mô-sê đón nhận lời của Thiên Chúa và truyền lại cho dân Do-thái, còn Đức Giê-su là Lời Ân Sủng của Thiên Chúa cho mọi người trong gia đình nhân loại. Mô-sê là hình bóng, Đức Giê-su là Thực Tại.

Nói cách khác, Đức Giê-su cao trọng hơn các thiên thần (Dt 1,5); Đức Giê-su cao trọng hơn Mô-sê (Dt 3,1-6); Đức Giê-su cao trọng hơn các thượng tế Do-thái (Dt 7,1-8); giao ước ân sủng được Đức Giê-su thiết lập là giao ước vĩnh cửu (Dt 8,1-13); hiến tế của Đức Giê-su huyền diệu hơn các hình thức hiến tế trong Cựu Ước (Dt 9,11-28). Đó là lý do tại sao tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời. Đừng để cho đủ thứ học thuyết xa lạ mê hoặc anh em. Điều tốt là củng cố tâm hồn bằng ân sủng, chứ không phải bằng đồ ăn thức uống, là những thứ chẳng sinh ích gì cho những người giữ luật Mô-sê về chuyện ăn uống” (Dt 13,8-9).

Với tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, ưu tiên cần thiết cho con người là chức tư tế và hy tế ban ân sủng tha tội của Đức Giê-su hơn là chức tư tế và hy tế theo lề luật của Mô-sê, chỉ là dấu chỉ và tự chúng không có sức tẩy xóa tội lỗi (Dt 7,15-19; Dt 10,1-18). Quả thực, ân sủng và lề luật là hai chủ đề quan trọng trong Kinh Thánh và lắm lúc con người nhầm lẫn nội hàm cũng như ý nghĩa của chúng. Trong hành trình trần thế, ưu tiên của Đức Giê-su là sự hoán cải nhờ ân sủng và đời sống theo ân sủng, còn những người lãnh đạo Do-thái là việc tuân giữ lề luật.

Mặc khải của Thiên Chúa qua các thư của thánh Phao-lô khẳng định rằng lề luật tự nó không có khả năng cứu độ hay công chính hóa nhân loại tội lỗi. Theo thánh nhân, ân sủng của Đức Giê-su kiện toàn lề luật của Thiên Chúa trong Cựu Ước theo nghĩa là cung cấp cho con người những cái mà lề luật tự nó không thể có hay có không đầy đủ. Nếu không nhờ ân sủng, lề luật được ban ra chỉ để kết án con người vì họ biết lề luật mà không thực hành dù đáng phải thực hành (nhưng trong thực tế lại không có sức thực hành). Hơn nữa, giả như nếu có giới luật nào mà con người có thể tự mình tuân giữ được thì sự tuân giữ đó cũng không có giá trị gì cho sự cứu độ con người. Thật vậy, vì Tội Nguyên Tổ, mọi người (ngoại trừ Đức Ma-ri-a) đã phạm tội, ở ngoài tình trạng ân sủng và bị án phạt đời đời.

Nếu không được Thiên Chúa ban ân sủng tha thứ cách hoàn toàn nhưng không nhờ Đức Giê-su, mọi việc tuân giữ lề luật về phía con người đều không có khả năng giao hòa với Thiên Chúa, nghĩa là được công chính hóa. Không có ân sủng, việc tuân giữ lề luật vừa không có sức công chính hóa, vừa trở thành cớ vấp phạm cho nhiều người, nhất là giới Pha-ri-sêu, khi họ cậy dựa vào việc tuân giữ lề luật để tự phụ rằng họ được công chính hóa. Thánh Phao-lô kết án thái độ ‘tự công chính hóa’ dựa vào việc tuân giữ lề luật này là cậy dựa vào ‘xác thịt’, là nô lệ cho ‘xác thịt’ (Rm 8,1-13). Quả thực, sự sống ân sủng được ban cho con người nhờ niềm tin vào Đức Giê-su bởi vì Người không chỉ ban sức mạnh siêu nhiên để con người tuân giữ mọi lề luật của Thiên Chúa mà còn làm cho con người thành nghĩa tử của Người, sống trong tương quan tin, cậy, mến cách phù hợp với Người.

Nhờ vậy, động lực tuân giữ lề luật của con người không gì khác hơn là tình yêu mến của con cái đối với Cha mình theo gương Trưởng Tử là Đức Giê-su, vì mục đích hướng đến là sự kết hiệp với Thiên Chúa theo đức mến khi diện kiến Người trong Nước Thiên Chúa, hơn là vì sợ hình phạt hay hướng đến phần thưởng ngoại tại nào khác như những người Pha-ri-sêu. Thánh Phao-lô viết: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10). Đặc biệt, để nhấn mạnh vai trò ưu việt của ân sủng nhờ Đức Giê-su so với lề luật, thánh Phao-lô viết những dòng này: “Anh em mà tìm sự công chính trong lề luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Ki-tô và mất hết ân sủng” (Gl 5,4) hay “Anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa. Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em nữa, vì anh em không còn lệ thuộc vào lề luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng” (Rm 6,13-14).

Đức Giê-su là Ngôi Lời và là Ân Sủng vĩnh cửu của Thiên Chúa hiện diện trong gia đình nhân loại. Do đó, mọi lời từ miệng Người đều là ‘lời ân sủng’, được hiểu là lời ban Thánh Thần, lời sự thật, lời có sức mạnh diệu kỳ, tự động phát sinh mọi hiệu quả siêu nhiên như trừ quỷ, giúp con người thống hối, hoán cải, tái sinh trong sự sống mới, sự sống siêu nhiên, chứ không chỉ là lời đem đến hiệu quả tự nhiên, chẳng hạn như chữa lành bệnh tật. Nhiều trích đoạn Tân Ước cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về điều này, chẳng hạn: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng [τοῖς λόγοις τῆς χάριτος] thốt ra từ miệng Người” (Lc 4,22); “Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền” (Mc 1,27) hay “Các vệ binh trả lời: Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” (Ga 7,26). Hai môn đệ trên đường Em-mau cũng khẳng định về ‘những lời ân sủng của Đức Giê-su’: “Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.

Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” (Lc 24,19-20). Ngay từ thời sơ khai, các môn đệ Đức Giê-su đã ý thức rõ về sự cần thiết trong việc loan báo Đức Giê-su và lời ân sủng của Người. Chẳng hạn, tác giả sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết Phao-lô và Ba-na-ba loan báo Tin Mừng tại I-cô-ni-ô như sau: “Hai ông ở lại một thời gian khá lâu, mạnh dạn vì dựa vào Chúa, là Đấng chứng nhận lời giảng về ân sủng của Người, khi cho tay các ông thực hiện những dấu lạ điềm thiêng” (Cv 14,3).

Thánh Phao-lô cũng nhắn nhủ các tín hữu rằng: “Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến” (Cv 20,32). Khi trả lời câu hỏi của Đức Giê-su, thánh Phê-rô tuyên xưng rằng chỉ ‘Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời’ nghĩa là chỉ Thầy mới có lời ân sủng (Ga 6,68). Quả thực, chính lời ân sủng của Đức Giê-su đã biến đổi đời sống tất cả những ai khiêm tốn lắng nghe, tin tưởng và đặt trọn niềm hy vọng nơi Người.

Trong cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp, Đức Giê-su nói với chị: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống" (Ga 4,10); “Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14). Lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a vang vọng trong cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri: “Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ” (Is 12,3) hay “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây!” (Is 55,11).

Như vậy, để lãnh nhận ân sủng của Đức Giê-su cũng như để được duy trì và tăng trưởng trong ân sủng đó, con người cần có nhận thức sống động, mạnh mẽ theo đức tin về giá trị vô song của ân sủng, hết lòng quý trọng và cộng tác với ân sủng để ân sủng thâm nhập mọi khía cạnh của đời sống mình, biến đổi và sinh hoa kết trái (hoa trái của Thánh Thần) cho bản thân cũng như cho anh chị em đồng loại. Quả thực, việc nhận ra ân sủng mà Thiên Chúa ban cho con người và vai trò của ân sủng trong đời sống mình thật là điều quan trọng, bởi vì con người thường đóng cửa lòng mình đối với ân sủng.

Sau khi phục sinh, Đức Giê-su sai phái các môn đệ của Người loan báo Tin Mừng ân sủng cho mọi người. Vâng theo lệnh truyền của Người, các môn đệ đã trung tín thực thi điều đó. Chẳng hạn, khi rao giảng cho những người quy tụ tại nhà ông Co-nê-li-ô là viên đại đội trưởng người Rô-ma ở Xê-da-rê, thánh Phê-rô nói: “Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường” (Cv 10,37-40).

Là môn đệ theo Thầy Giê-su ngay từ đầu, thánh Phê-rô đã tóm lược sứ mệnh chính yếu của Thầy mình: ‘Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó’. Quả thực, trong ba năm của hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su đã ban phát ân sủng cho biết bao người, đặc biệt những người bị tầng lớp ‘đạo đức’ hay ‘giữ luật’ trong xã hội Do-thái khinh thường và cho là nhơ uế, tội lỗi, thiếu thốn hay vắng bóng ân sủng, điển hình là những người xứ Sa-ma-ri, những người thu thuế và gái điếm.

Dưới nhãn quan của thánh Phê-rô, Thiên Chúa là Đấng khoan dung và giàu ân sủng, đã ban tặng cho gia đình nhân loại Đức Giê-su là Ân Sủng của mọi ân sủng, để nhờ Người mà mọi người được thông phần bản tính Thiên Chúa. Thánh Phê-rô viết: “Đức Ki-tô đã lấy thần lực của Người mà ban tặng chúng ta tất cả những gì giúp chúng ta được sống và sống đạo đức, khi Người cho chúng ta biết Đấng đã dùng vinh quang và sức mạnh của mình mà kêu gọi chúng ta. Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian” (2 Pr 1,3-4).

Nói cách khác, nhờ Đức Giê-su là Ân Sủng của mọi ân sủng đã mang lấy bản tính con người mà con người được thông phần bản tính Thiên Chúa. Tư tưởng này của thánh Phê-rô cũng được tìm thấy trong các thư của thánh Phao-lô (Rm 8,29; 2 Cr 3,18; Cl 3,10). Quả thực, khi con người được thông phần bản tính Thiên Chúa cũng là khi con người lập tức nhận được dồi dào ân sủng của Người trong hành trình hướng về sự sống đời đời trong Nước Thiên Chúa như lời của thánh Phao-lô: “Lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 6,23).

Việc Thiên Chúa trao ban Đức Giê-su là Ân Sủng của mọi ân sủng cho nhân loại được thực hiện cách cụ thể và nhiệm mầu, nhất là nơi sự đau khổ và cái chết của Người. Quả thực, nhờ sự đau khổ và cái chết của Người vì vâng phục hoàn hảo đối với ý muốn của Chúa Cha, Đức Giê-su đã lập công phúc đem lại ơn cứu độ cho mọi người, kể cả những người công chính trước Người còn bị cầm giữ trong cõi chết, kể cả những linh hồn đang ở trong luyện ngục cho đến lúc đó. Thật là kỳ diệu, với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su, Ân Sủng của mọi ân sủng từ Thiên Chúa đã xuống tận vực thẳm ghê rợn nhất của thân phận con người là vực thẳm sự chết. Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng vì vô ơn, bất tuân, kiêu ngạo, Nguyên Tổ đã từ chối ân sủng của Thiên Chúa và phải gánh chịu cái chết và cái chết đó lan tràn đến mọi người (Rm 5,12). Trái lại, với tinh thần khiêm hạ, vâng phục và tạ ơn, Đức Giê-su đã đi ngược lại con đường Nguyên Tổ đã đi và Người đã đến vực thẳm sự chết, vực thẳm ‘vắng bóng ân sủng’, để thông phần trọn vẹn đau khổ của con người hầu giải thoát con người khỏi vực thẳm này.

Nhờ Đức Giê-su là Ân Sủng của mọi ân sủng, là căn nguyên của mọi ân sủng, không chỉ phẩm giá tự nhiên của con người theo hình ảnh Thiên Chúa được khôi phục mà phẩm giá siêu nhiên là con cái Thiên Chúa cũng được ban tặng cho con người. Thánh Phao-lô diễn tả kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa được thực hiện nhờ Đức Giê-su như sau: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người [Thiên Chúa], Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1,5-6). Cũng theo thánh nhân: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5).

Đức Giê-su là Ân Sủng cứu độ bởi vì nhờ máu Người đổ ra trên thập giá mà ơn cứu độ cho nhân loại được thiết lập. Trong diễn từ tại Giê-ru-sa-lem, thánh Phê-rô viết: “Chính nhờ ân sủng Chúa Giê-su mà chúng ta tin mình được cứu độ” (Cv 15,11). Tương tự như thánh Phê-rô, thánh Phao-lô viết: “Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người. Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu” (Ep 1,7-8). Cũng theo thánh Phao-lô: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ!” (Ep 2,4-5). 

Quả thực, con người phải lệ thuộc vào ân sủng của Thiên Chúa ban qua Đức Giê-su, phải hoàn toàn cậy dựa vào sức mạnh của ân sủng Người thì mới được ơn cứu độ đời đời, nghĩa là được thừa hưởng ‘gia tài vĩnh cửu’ trong Nước Thiên Chúa. Nói cách khác, con người được tha thứ tội lỗi, được giải thoát khỏi vực thẳm sự chết, được chung hưởng sự sống đời đời của Thiên Chúa không phải nhờ nỗ lực hay công đức mình mà là nhờ ân sủng và hiệu quả của ân sủng. Thánh Phao-lô viết cho Ti-mô-thê: “Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Ki-tô Giê-su, nhưng giờ đây mới được biểu lộ” (2 Tm 1,9-10).

Trong thư gửi Ti-tô, thánh Phao-lô biện luận rằng Đức Giê-su là Ân Sủng của Thiên Chúa tỏ mình trên trần gian để đem ơn cứu độ. Đồng thời, ngài mời gọi con người hoán cải để sống xứng đáng hơn với ân sủng của Thiên Chúa mà Đức Giê-su trao ban: “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2,11-12). Khi diễn giải những dòng này của thánh Phao-lô, chúng ta có thể nói rằng ai lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa mà Đức Giê-su trao ban thì được mời gọi sống theo ân sủng, tức là theo sự thúc đẩy bên trong được khơi dậy bởi giáo huấn và đời sống của Đức Giê-su hầu làm cho ân sủng của Người dần dần thẩm thấu mọi chiều kích của cuộc sống mình.

Hơn nữa, người lãnh nhận ân sủng cũng là người luôn sống trong hy vọng cánh chung. Thánh Phao-lô giải thích: “Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt 2,13). Quả thực, với thánh Phao-lô, Đức Giê-su là Cội Nguồn của mọi ân sủng giúp con người có sự sống và sức mạnh của con cái Thiên Chúa để có thể đi theo Người trên con đường cứu độ mà cao điểm là diện đối diện với Người trong Nước Thiên Chúa.

Khi tìm hiểu Kinh Thánh, chúng ta biết rằng từ ‘ân sủng’ được sử dụng nhiều hơn và với nghĩa cụ thể hơn trong Tân Ước so với Cựu Ước. Đặc biệt, thánh Phao-lô là người dùng từ ‘ân sủng’ nhiều nhất (hơn 100 lần nơi các thư của ngài). Thánh nhân dùng từ ‘ân sủng’ trong tương quan với các chủ đề trọng tâm thuộc nội dung đức tin Ki-tô Giáo, chẳng hạn như ân sủng và sự thật, ân sủng và tội lỗi, ân sủng và đức tin, ân sủng và lề luật, ân sủng và sự công chính hóa, ân sủng và sự cứu độ, ân sủng và tự do, ân sủng và phục vụ, ân sủng và đời sống cá nhân, ân sủng và đời sống cộng đoàn, ân sủng và sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Với thánh nhân, ân sủng của Thiên Chúa được trao ban và đem lại hiệu quả nhờ Đức Giê-su là nền tảng của đời sống người Ki-tô hữu. Câu hỏi đặt ra là tại sao thánh nhân lại dùng từ này nhiều lần với ý nghĩa sâu sắc như vậy? Thưa, tại vì ngài được Đức Giê-su trực tiếp mặc khải và hoán cải, nghĩa là được giải thoát khỏi ách nô lệ của lề luật và biến đổi, siêu thăng thành thụ tạo mới trong ân sủng. Nói cách khác, chính ngài đã cảm nghiệm đầy đủ hoa trái phong phú và sâu xa của ân sủng nơi bản thân mình và đã trình bày cảm nghiệm của ngài cho mọi người được biết. Đó là lý do tại sao người ta thường gọi ngài là ‘vị tông đồ của ân sủng’.

Thánh Phao-lô nhận thức rằng mặc khải và ân sủng mà ngài nhận được từ Đức Giê-su thật phi thường và điều đó làm cho ngài nhiều lúc băn khoăn, trăn trở vì thấy sự bất tương xứng quá lớn giữa con người tự nhiên của ngài và hồng ân siêu nhiên của Thiên Chúa (Rm 7,14-25). Trong hành trình loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng ân sủng của Người, thánh nhân phải chịu nhiều cám dỗ cũng như đối diện với biết bao hình thức đau khổ về tinh thần cũng như thể xác. Ngài chia sẻ kinh nghiệm của ngài với các tín hữu ở Cô-rin-tô như sau: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: Ơn [ân sủng/ χάρις] của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi” (2 Cr 12,7-9).

Quả quyết này của Đức Giê-su phục sinh đem lại cho thánh nhân xác tín đầy an ủi về tính cách nghịch thường, vượt quá lô-gích của con người mà qua đó ân sủng Thiên Chúa được thể hiện: Đối với những gì mà thế gian xem thường, khinh rẻ thì Thiên Chúa lại dùng để phục vụ cho hoạt động của ân sủng Người, vì nhờ vậy mà quyền năng thật diệu kỳ, thật mạnh mẽ của ân sủng mới được biểu lộ cách rõ ràng, nguyên tuyền, không pha tạp, lẫn lộn với sức lực của người phàm hay các thế lực bóng tối. Trong thư thứ nhất gửi các tín hữu Cô-rin-tô, ngài viết: “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1 Cr 1,27-29).

“Lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6,45). Vì lòng trí thánh Phao-lô luôn đầy tràn ân sủng, trong các thư gửi cho các cộng đoàn, thánh nhân thường bắt đầu với lời nguyện xin ân sủng của Đức Giê-su đổ vào lòng trí các tín hữu, chẳng hạn: “Kính gửi tất cả anh em ở Rô-ma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an” (Rm 1,7). Chúng ta cũng gặp những khởi đầu tương tự như vậy ở các thư khác của thánh nhân (1 Cr 1,3; 2 Cr 1,2; Gl 1,3; Plm 1,3).

Không chỉ ở phần mở đầu, ‘điệp khúc ân sủng’ như vậy cũng xuất hiện thường xuyên ở phần kết của các thư thánh nhân viết, chẳng hạn: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men” (2 Cr 13,13). Trong một số thư khác, thánh nhân cũng viết như vậy (1 Cr 16,23; 1 Tx 5,28). Tương tự như thánh Phao-lô, thánh Phê-rô cũng kết thúc thư của ngài với lời cầu chúc ân sủng: “Nhờ tay anh Xin-va-nô mà tôi coi là một người anh em trung tín, tôi viết ít lời để khuyên nhủ anh em và làm chứng rằng đó thật là ân sủng của Thiên Chúa: Anh em hãy sống vững vàng trong ân sủng đó” (1 Pr 5,12) hay “Anh em hãy lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Đức Giê-su Ki-tô là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Xin kính dâng Người vinh quang, bây giờ và cho đến muôn đời. A-men” (2 Pr 3,18). Chung nhịp với thánh Phao-lô và thánh Phê-rô, lời cuối cùng của tác giả thư gửi tín hữu Do-thái là lời cầu chúc ân sủng: “Chúc tất cả anh em được đầy tràn ân sủng của Thiên Chúa” (Dt 13,25).

Viết thư cho Ti-mô-thê, thánh Phao-lô diễn tả và khẳng định sự trở lại và hoán cải của ngài thuần túy đến từ ân sủng của Đức Giê-su do lòng thương xót hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa: “Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người” (1 Tm 1,13-14). Cũng theo thánh nhân: “Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời” (1 Tm 1,16).

Sức mạnh của ân sủng Đức Giê-su đã biến đổi hoàn toàn não trạng của Sao-lô [Phao-lô] vốn xác tín sâu sắc, mạnh mẽ về sự tự công chính hóa nhờ tuân giữ lề luật, xác tín cuồng nhiệt đến nỗi tra tay bách hại các Ki-tô hữu (Cv 9,1-2). Hiệu quả của sự hoán cải là một Phao-lô mà từ nay chỉ Đức Giê-su và việc thuộc trọn vẹn về Người nhờ ân sủng mới là quan trọng, là giá trị đích thực, vô song, trường cửu. Thánh nhân viết: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3,7-9).

Hơn ai hết, thánh tông đồ dân ngoại là người trình bày cách rõ ràng và khúc chiết mầu nhiệm ân sủng của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giê-su cách phong phú và hoàn hảo nhất. Chẳng hạn, khi so sánh tương quan giữa A-đam và Đức Giê-su, thánh nhân viết: “Sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5,15). Đồng thời, thánh nhân cũng viết: “Lề luật đã xen vào, để cho sự sa ngã lan tràn; nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội. Như vậy, nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (Rm 5,20-21).

Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định việc Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Người nơi Đức Giê-su cũng chính là việc Người biểu lộ quyền năng vĩ đại của ân sủng trên sự dữ: “Tình yêu của Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Ki-tô đã biểu lộ một trật cả trương độ của sự dữ và sự vĩ đại của ân sủng” (GLGHCG 385). Còn thánh Tô-ma A-qui-nô thì quả quyết rằng nhờ sự hiện diện và hoạt động của ân sủng mà chiến thắng sau cùng và toàn diện trên sự dữ là con người đạt được hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu, nghĩa là được diện kiến và chiêm ngưỡng Thiên Chúa (St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae I-IIae, q.3, a.8).

Với thánh Phao-lô, quyền năng ân sủng của Thiên Chúa được Đức Giê-su thể hiện hay biểu lộ lớn hơn tội lỗi của con người rất nhiều, bởi vì ‘ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội’ (Rm 5,20). Dĩ nhiên, thánh Phao-lô nói như vậy không có nghĩa rằng con người cứ đắm mình trong tội để nhận được nhiều ân sủng hơn. Chính ngài giải thích: “Chúng ta cứ ở mãi trong tội lỗi, để ân sủng càng lan tràn ư? Không phải thế! Chúng ta là những kẻ đã chết đối với tội lỗi, thì làm sao còn sống mãi trong tội được” (Rm 6,1-2). Ngài tiếp tục biện luận: “Chúng ta cứ phạm tội ư, vì chúng ta không còn lệ thuộc vào lề luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng? Không đời nào! Anh em không biết sao? Khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của người mà anh em vâng phục: hoặc làm nô lệ tội lỗi, thì sẽ phải chết; hoặc làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa, thì sẽ được nên công chính” (Rm 6,15-16). Ngài cũng khẳng định: “Con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (Rm 6,6).

Như được đề cập ở trên, một trong những chủ đề trọng yếu và xuyên suốt các thư của thánh Phao-lô là biện giải cho tầm quan trọng trổi vượt của ân sủng và đức tin đối với lề luật và công việc. Tuy nhiên, đạo lý của thánh nhân không có gì chung chạ với chủ trương của những người cho rằng chỉ một mình ân sủng (sola gratia), chỉ một mình đức tin (sola fides) hay chỉ một mình Kinh Thánh (sola Scriptura) là cần thiết cho đời sống Ki-tô hữu, cho sự cứu độ của họ, cho chính Ki-tô giáo. Sống trong ân sủng, sống bởi đức tin chính là sống theo Thần Khí của Thiên Chúa, là mặc lấy Đức Ki-tô, là sống cho Người, với Người, vì Người và do đó tất yếu phát sinh hoa trái của Thần Khí trong mọi mặt của đời sống tức là các nhân đức và các việc làm trong sạch, công chính, thánh thiện.

Sống trong ân sủng, sống bởi đức tin là tất yếu đối nghịch với thần khí của thế gian, tất yếu chết đi đối với xác thịt, tất yếu loại trừ và triệt tiêu mọi việc làm tội lỗi. Hơn ai hết, thánh nhân mời gọi mọi người thực thi đức mến (ἀγάπη/ agapē) như Đức Giê-su đã truyền dạy khi ban cho các môn đệ Người giới răn yêu thương (Ga 13,34). Giới răn này không loại trừ mà bao hàm và kiện toàn mọi lề luật khác của Thiên Chúa. Chỉ khi nhờ ân sủng được đón nhận trong đức tin vào mầu nhiệm cứu độ được Đức Giê-su thực hiện mà người Ki-tô hữu mới có thể trung tín thực thi và hoàn thiện đức mến nhờ sự kết hiệp mật thiết cũng như ở lại với Người trong mọi hoàn cảnh (Gl 2,20; Pl 1,21).

Thông thường, chúng ta nói nhiều về ân sủng nhưng lại ít đề cập đến thái độ hay phản ứng của con người đối với ân sủng. Một khi ân sủng đã được ban thì đâu là tương quan của người lãnh nhận đối với ân sủng? Đây thật là câu hỏi rất quan trọng được thánh Phao-lô trả lời: “Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: Anh em đã lãnh nhận ân huệ [τὴν χάριν] của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu” (2 Cr 6,1) hay "Chúng tôi không cư xử theo lẽ khôn ngoan người đời, nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa" (2 Cr 1,12). Để được cứu độ, con người cần thiết phải cộng tác với ân sủng như nhận xét sau của Thánh Au-gút-ti-nô (354-430): Thiên Chúa sáng tạo con người mà không cần sự cộng tác của con người nhưng Thiên Chúa cứu độ con người thì cần sự cộng tác của con người (St. Augustine, Sermon 169,13).

Công Đồng Vatican II mời gọi mọi người đáp lại ân sủng của Thiên Chúa bằng cả đời sống của mình (LG 12). Chính vì ân sủng tuyệt đối cần thiết cho việc phục hồi và hoàn thiện hình ảnh Thiên Chúa trong chúng ta nên việc đáp trả tích cực đối với ân sủng là bổn phận của chúng ta như Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Dù được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng phải nhờ ân sủng chúng ta mới được phục hồi nét giống Thiên Chúa hơn, nên chúng ta có bổn phận đáp lại ân sủng này” (GLGHCG 2784) hay “Chúng ta phải đáp lại ‘ân sủng và sự thật’ mà Người ban tặng ‘nhờ Đức Giê-su Ki-tô’ bằng lòng yêu mến và trung thành” (GLGHCG 2787).

Dưới nhãn quan của thánh Phao-lô, Thiên Chúa là Đấng khởi sự những điều tốt lành nơi con người và cũng là Đấng hướng dẫn con người tới chỗ hoàn thành. Thấm nhuần sứ điệp Tin Mừng của Đức Giê-su về tình yêu và quyền năng ân sủng của Thiên Chúa, thánh Phao-lô viết: “Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người” (Rm 11,35-36). Trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê, thánh Phao-lô viết: “Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm” (Pl 1,6).

Theo thánh Au-gút-ti-nô, ân sủng của Thiên Chúa luôn đi bước trước. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, con người mới thực sự là chính mình. Đồng thời, những gì tốt lành con người có thể làm được cũng là nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Nói cách khác, ân sủng luôn đi bước trước để trợ giúp và hướng dẫn con người trong hành trình trần thế (St. Augustine, Sermon 298,4). Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Chuẩn bị cho con người đón nhận ân sủng cũng đã là một công trình của ân sủng” (GLGHCG 2001). Cũng theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Trên bình diện ân sủng, không ai lập được công trạng để đáng lãnh nhận ân sủng tiên khởi mở đầu cho các ơn hoán cải, tha thứ và công chính hóa, vì sáng kiến là do Thiên Chúa” (GLGHCG 2010). Nhờ gắn bó mật thiết với Đức Giê-su và suy niệm Kinh Thánh, nhất là các thư của thánh Phao-lô, thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã ghi trong nhật ký câu: ‘Tout est grâce’/ everything is a grace/ tất cả là ân sủng (hồng ân), tất cả đều phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa.

Kinh nghiệm của thánh Phao-lô và thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su giúp người Ki-tô hữu ý thức rằng mình cần kết hợp mật thiết với Đức Giê-su để có được cảm thức đúng đắn và phù hợp hơn về ân sủng mà Người ban tặng. Nhờ đó, người Ki-tô hữu càng ngày càng ý thức hơn về thân phận tội lỗi của mình trong hành trình trần thế này và càng khiêm nhường, càng tín thác mà trung thành cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa trong việc định dạng bản thân sao cho ngày càng xứng đáng hơn với tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được Đức Giê-su thể hiện và biểu lộ trong hành trình trần thế của Người.

Quả thực, ân sủng và tội lỗi được đề cập ngay từ những trang đầu của sách Sáng Thế. Câu chuyện ân sủng và tội lỗi vẫn tiếp tục trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại cho đến tận thế. Do đó, ai không ý thức mình là tội nhân thì cũng không màng quan tâm đến ân sủng của Thiên Chúa. Các trình thuật Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng con người từ chối ân sủng của Thiên Chúa, không chỉ trong buổi ban đầu, mà còn tiếp tục xuyên dòng lịch sử vì đời sống đời bất tín (St 3,1-7; Ga 1,10-11; Lc 18,8).

Kinh Thánh cũng cho chúng ta nhận thức rằng khi con người bất tuân thánh ý Thiên Chúa cũng là khi con người không có khả năng nhận ra ân sủng của Người và ý thức sự cần thiết của ân sủng cho đời sống mình. Trái lại, khi con người tuân phục Thiên Chúa cũng là khi con người ‘mở cửa’ cho ân sủng của Thiên Chúa phát huy tác dụng trong đời sống mình. A-đam và E-và từ chối ân sủng của Thiên Chúa và tội lỗi xâm nhập trần gian; vì tội lỗi, mọi người phải chết. Tội của A-đam và E-và có thể được gọi là ‘tội từ chối ân sủng’, từ chối sự giúp đỡ của Thiên Chúa, bằng việc từ chối lệ thuộc vào Người, từ chối theo kế hoạch, chương trình của Người để chạy theo ngẫu tượng và muốn tự thân mưu cầu hạnh phúc mà không quan tâm đến ân sủng của Thiên Chúa. Hôm nay cũng vậy, biết bao người đang lãnh đạm trước sự hiện diện và hoạt động của ân sủng Thiên Chúa nơi mình, nơi tha nhân, nơi các thụ tạo khác và nhất là nơi Giáo Hội của Người.

Tương quan giữa con người và Thiên Chúa trong nhiệm cục cứu độ cũng chính là tương quan giữa tự do của con người và ân sủng được Thiên Chúa trao ban. Như đề cập ở trên, Thiên Chúa trao ban ân sủng cho con người cách nhưng không. Tuy nhiên, con người luôn có tự do đón nhận hay không đón nhận, vâng theo thánh ý Thiên Chúa hay bàng quan lãnh đạm. Đức Giê-su giúp chúng ta hiểu thêm điều này: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Như vậy, tâm thức của người đón nhận ân sủng rất quan trọng trong việc làm cho ân sủng của Thiên Chúa được bén rễ và trổ sinh hoa trái nơi bản thân mình. Trong bối cảnh Kinh Thánh, tự do của con người bao gồm khả năng từ chối ân sủng của Thiên Chúa, nghĩa là tự do nói ‘không’ trước lời đề nghị hay mời gọi lãnh nhận ân sủng, đóng mình trước tình thương và lòng nhân hậu của Người. Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: ”Trong công trình của ân sủng, Thiên Chúa có sáng kiến khởi xướng, chuẩn bị và gợi lên lời đáp trả tự do của con người. Ân sủng đáp ứng những khát vọng sâu xa của con người tự do. Ân sủng kêu gọi con người tự do cộng tác và kiện toàn sự tự do của họ” (GLGHCG 2022). Do đó, khi con người không biết dùng khả năng tự do của mình mà cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa cũng là khi con người không chỉ xa rời Thiên Chúa, mà còn xa rời chính mình, nghĩa là phản bội lại chính căn tính sâu thẳm nhất của mình.

Trong tương quan giữa ân sủng (χάρις/ grace) và sự công chính (δικαιοσύνη/ righteousness), thánh Phao-lô viết: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ [ân sủng/ χάρις] Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su” (Rm 3,23-24). Cũng theo thánh nhân: “Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta. Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Ki-tô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời, như chúng ta vẫn hy vọng” (Tt 3,6-7). Theo Công Đồng Tren-tô (1545-1563), chính ân sủng của Thiên Chúa giúp con người trở nên công chính (DS 1525).

Tiếp tục với tư tưởng của thánh Phao-lô và truyền thống của Giáo Hội liên quan đến vai trò của ân sủng đối với việc công chính hóa, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Chúng ta được công chính hóa nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Ân sủng là một ân huệ, một trợ giúp nhưng không mà Thiên Chúa ban để chúng ta đáp lại tiếng gọi của Người” (GLGHCG 1996). Cũng theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Ơn công chính hóa mở đầu cho sự cộng tác giữa ân sủng Thiên Chúa và sự tự do của con người” (GLGHCG 1993). Như vậy, Thiên Chúa là Đấng Công Chính làm con người vốn là tội lỗi trở nên công chính nhờ ân sủng được Đức Giê-su mặc khải và đem lại cho con người trong mầu nhiệm nhập thể và cứu độ. Kho tàng ân sủng đó được Người ủy thác cho Giáo Hội mà Người thiết lập như Thân Thể  Người, được Người thanh tẩy và hiến thánh như Hiền Thê của Người (Ga 17,17-19; Rm 5,17; Mt 28,18-20; Ep 1,21-23; Cl 1,18).

Giáo Hội trên đường lữ hành là thực tại tiếp tục sự hiện diện lịch sử của Đức Giê-su. Do đó, các thành phần trong Giáo Hội cần ý thức rằng, nhờ ân sủng mà Giáo Hội được hiện diện, tiếp tục tăng trưởng và vươn tới tầm vóc viên mãn là Đức Ki-tô (Ep 4,13). Qua Bí Tích Rửa Tội, con người được tháp nhập vào Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô, con người được sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Trong đời sống hằng ngày, con người được mời gọi đón nhận ân sủng, cộng tác với Đức Giê-su trong việc duy trì ân sủng và làm cho ân sủng sinh hoa kết trái dồi dào trong đời sống mình cũng như anh chị em đồng loại.

Để nên một với Đức Giê-su là Ân Sủng của Thiên Chúa, con người cần ý thức sự hiện diện và hoạt động của Người, gắn bó với Người trong đời sống cầu nguyện, hoán cải, thực thi bác ái, tham dự các bí tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Quả thực, ân sủng Đức Giê-su vừa cho phép con người được gắn bó với Người cũng như với anh chị em đồng loại, vừa thánh hóa con người để con người ngày càng xứng hợp hơn với căn tính, đời sống và sứ vụ Ki-tô hữu của mình (LG 8).

Trong cộng đoàn của những người tin tưởng và gắn bó với Đức Giê-su, mỗi người được mời gọi sử dụng ân sủng cách xứng hợp nhất. Thánh Phê-rô viết: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô” (1 Pr 4,10-11). Là thành phần của Giáo Hội, Nhiệm Thể Đức Giê-su, người Ki-tô hữu không thể tôn vinh Thiên Chúa ở ngoài tương quan gắn bó với Giáo Hội, với Đức Giê-su, bởi vì ân sủng nơi mỗi người được ban theo mức độ mà Người là Đầu xếp đặt. Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô viết: “Mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tùy theo mức độ Đức Ki-tô ban cho. Vì thế, có lời Kinh Thánh nói: Người đã lên cao, dẫn theo một đám tù; Người đã ban ân huệ cho loài người” (Ep 4,7-8). Tương tự như vậy, trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh nhân viết: “Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin” (Rm 12,6).

Phân tích sâu hơn, việc sử dụng ân sủng xứng hợp không thể không nhằm đến việc tôn vinh Thiên Chúa bởi vì ân sủng dù thuộc loại nào, được thể hiện và thực thi qua thừa tác vụ hay hoạt động nào thì cũng đều phát xuất từ một Cội Nguồn duy nhất và quy về Cội Nguồn này là Thiên Chúa Ba Ngôi như thánh Phao-lô viết: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1 Cr 12,4-6). Quả thực, Thiên Chúa Ba Ngôi là Cội Nguồn và Cùng Đích của sự hợp nhất Giáo Hội. Do đó, để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi Ki-tô hữu phải sử dụng ân sủng không phải vì hư danh hay tư lợi nhưng để thật sự giúp ích cho Giáo Hội, cho việc duy trì và kiện toàn sự hợp nhất đích thực của Giáo Hội trên bình diện các Giáo Hội địa phương (particular churches) cũng như trên bình diện Giáo Hội phổ quát (universal Church).

Sức mạnh của ân sủng là sức mạnh vĩ đại nhất bởi vì đây là sức mạnh siêu nhiên, tạo ra những hiệu quả vượt quá mọi khả năng của thụ tạo (kể cả các thiên thần). Chỉ có Thiên Chúa mới là nguyên nhân duy nhất của ân sủng; không một thụ tạo nào theo nghĩa thích hợp có thể là nguyên nhân, dù là nguyên nhân đệ nhị; cùng lắm chỉ là nguyên nhân dụng cụ mà vai trò chỉ cần thiết xét về phía thụ tạo chứ không phải về phía Thiên Chúa (vì Người có thể ban ân sủng mà không cần có sự tham dự nào của thụ tạo).

Như đề cập ở trên, không phải đợi đến khi Đức Giê-su nhập thể làm người để cứu độ nhân loại thì ân sủng mới hiện diện. Thực ra, ân sủng đã hiện diện ngay từ giây phút đầu tiên của chương trình Thiên Chúa sáng tạo, đặc biệt, Nguyên Tổ của loài người được sáng tạo trong tình trạng ân sủng. Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta nhận thức rằng, khi con người biết cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa thì con người có thể làm được những điều tốt lành vượt khả năng tự nhiên của mình. Nói cách khác, chỉ nhờ ân sủng mà Thiên Chúa ban thì con người mới thực thi những điều kỳ diệu mà với sức riêng của mình hay sự trợ giúp của thụ tạo nào đó vẫn không thể làm được. Thánh Phao-lô viết: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi” (1 Cr 15,10). Còn thánh Phê-rô thì viết: “Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Ki-tô. Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường” (1 Pr 5,10). Quả thực, nhờ ân sủng của Thiên Chúa được Đức Giê-su thể hiện và thiết lập mà các môn đệ của Người nguyên là những người bất toàn, tài hèn, sức mọn cùng với muôn khiếm khuyết về luân lý đã trở thành những vị tông đồ thánh thiện, mạnh mẽ, can trường tiếp tục công việc của Đức Giê-su cho đến hơi thở cuối cùng, bất chấp mọi thứ cản trở, tấn công của ma quỷ, thế gian, xác thịt. Lịch sử Giáo Hội cũng cho chúng ta biết rằng những ai mở lòng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa và sống theo ân sủng của Người thì sức mạnh của ân sủng sẽ điều khiển và biến đổi mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của người đó để họ không chỉ vượt thắng những yếu hèn của bản thân mà còn thể hiện ngày càng hoàn hảo hơn hình ảnh của Đức Giê-su trong đời sống mình trên mọi phương diện. Nói cách khác, sự cộng tác với ân sủng không nhằm đem lại cho con người một thứ an nhàn thiêng liêng, loại trừ mọi gian nan, vất vả, trái lại, ân sủng mà con người lãnh nhận qua các bí tích, khởi sự là Bí Tích Rửa Tội, giúp con người đương đầu với các kẻ thù thiêng liêng, nhất là ‘xác thịt’ và kiên cường giữa muôn vàn khó khăn cho đến khi toàn thắng như khẳng định sau của Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Khi ban cho con người đời sống ân sủng của Đức Ki-tô, Bí Tích Thánh Tẩy cũng xóa bỏ nguyên tội và quy hướng con người về Thiên Chúa; nhưng hậu quả của nguyên tội trên bản tính bị suy yếu và nghiêng chiều về sự dữ, vẫn tồn tại nơi con người và đòi buộc con người phải chiến đấu luôn mãi” (GLGHCG 405).

Chủ đề ân sủng được nhiều thần học gia từ cổ chí kim quan tâm. Dưới nhãn quan của thần học gia Karl Rahner (1904-1984), ân sủng không gì khác hơn là Thiên Chúa tự thông truyền chính mình (God's self-communication) nhờ Đức Giê-su và trong Chúa Thánh Thần cho con người hầu biến đổi và định hướng con người về với Thiên Chúa (Karl Rahner, Foundations of Christian Faith: An Introduction to the Idea of Christianity (New YorkCrossroad Publishing Company, 1984), 116-126). Con người được dựng nên để quy hướng về hạnh phúc siêu nhiên và tuyệt đối. Do đó, con người không bao giờ thỏa mãn với những gì thuộc về thế giới thụ tạo. Con người không ngừng hướng về những thực tại siêu việt, không lệ thuộc vào thế giới vật chất. Nói cách khác, con người là thụ tạo bị giới hạn trong không gian, thời gian và không bao giờ thỏa mãn với những gì trong không gian, thời gian. Với ân sủng của Thiên Chúa được Đức Giê-su thực hiện và trao ban, con người có thể vượt qua những giới hạn của bản thân mình để được chung hưởng bình an và hạnh phúc vĩnh cửu.

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su cho các môn đệ biết Người là Đường (Ga 14,6). Với những gì được trình bày ở trên, chúng ta có thể khẳng định rằng Đường của Đức Giê-su là Đường Ân Sủng. Hơn ai hết, thánh Phao-lô là người được Đức Giê-su phục sinh mặc khải và hoán cải để thể hiện và diễn tả Đường Ân Sủng cách đầy đủ, sâu sắc và hùng hồn nhất. Đời sống và lời giảng dạy của thánh nhân giúp mọi người nhận ra rằng chính ân sủng của Đức Giê-su đã biến đổi ngài từ người bắt bớ các Ki-tô hữu trở thành chứng nhân vĩ đại, bất khuất của Đức Giê-su, thành sứ giả hữu hiệu nhất trong việc loan báo Tin Mừng ân sủng của Người. Nhờ trọn vẹn và trung thành đi Đường Ân Sủng của Đức Giê-su, thánh Phao-lô đã để lại cho hậu thế tấm gương sống động và hoàn hảo trong việc đón nhận ân sủng, cộng tác với ân sủng và để cho ân sủng thấm đượm mọi chiều kích của đời sống mình. Đặc biệt, thánh nhân đã minh chứng cho Đường Ân Sủng của Đức Giê-su bằng cái chết tử vì Đạo (Đường). Quả thực, thánh nhân sống theo Đường Ân Sủng thế nào thì cũng chết cho Đường Ân Sủng như vậy.

Thánh Phao-lô tuyên bố trong sách Tông Đồ Công Vụ: “Mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giê-su, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20,24). Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, ngài viết: “Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài” (Ep 3,8-9). Trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê, thánh nhân viết: “Tin Mừng này đang sinh hoa trái và lớn lên trên toàn thế giới như thế nào, thì nơi anh em cũng vậy, từ ngày anh em được nghe nói và nhận biết ân sủng của Thiên Chúa thực sự là gì” (Cl 1,6). Còn trong thư gửi Ti-mô-thê, thánh nhân khuyên dạy: “Hỡi anh, người con của tôi, anh hãy nên mạnh mẽ trong ân sủng của Đức Ki-tô Giê-su. Những gì anh đã nghe tôi nói trước mặt nhiều nhân chứng, thì hãy trao lại cho những người tin cẩn, những người sẽ có khả năng dạy cho người khác” (2 Tm 2,1-2). Như thế, thánh tông đồ dân ngoại không chỉ trung thành và trọn vẹn thể hiện sức mạnh và sự phong phú của Đường Ân Sủng bằng cuộc đời ngài, bằng cả lời rao giảng và hành động phù hợp với lời rao giảng mà còn cố gắng giúp các Ki-tô hữu khác cũng diễn tả Đường Ân Sủng giống như ngài. Không chỉ những vị tông đồ tiêu biểu như thánh Phao-lô và thánh Phê-rô, các môn đệ khác của Đức Giê-su thời Giáo Hội sơ khai cũng là những tấm gương minh chứng cho hoa trái phong phú và mạnh mẽ mà ân sủng của Đức Giê-su đã tác động và phát sinh trong đời sống của các ngài, khiến các ngài thực hiện được những gì mà tự thân các ngài không thể làm được. Chẳng hạn, về thánh Tê-pha-nô, phó tế tiên khởi, sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết: “Ông Tê-pha-nô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân” (Cv 6,8). Noi gương các thánh tông đồ và các Ki-tô hữu can trường trong thời sơ khai của Giáo Hội, những ai theo Đức Giê-su thì được mời gọi làm chứng cho Đường Ân Sủng của Người giữa lòng thế giới.

Như đề cập ở trên, ân sủng của Đức Giê-su không chỉ đến với mỗi cá nhân Ki-tô hữu mà còn hiện diện và hoạt động nơi các cộng đoàn Giáo Hội địa phương. Quả thực, ân sủng được ban cho từng Ki-tô hữu nhờ các cộng đoàn cụ thể của Giáo Hội hoàn vũ và cũng chính trong tương quan không thể tách rời khỏi các cộng đoàn đó mà ân sủng được duy trì, phát sinh hoa trái và tăng trưởng nơi các Ki-tô hữu cho đến khi đạt đến Cùng Đích là Nước Thiên Chúa. Sở dĩ như vậy là vì, xét như là Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Ki-tô và là Hiền Thê trung tín của Người, Giáo Hội là thực tại đón nhận kho tàng ân sủng của Người; Giáo Hội sống, hoạt động và tăng trưởng không ngừng nhờ ân sủng của Người. Giáo Hội vừa rao giảng Tin Mừng ân sủng, vừa thông truyền ân sủng của Đức Giê-su hầu giúp mọi người trở nên chi thể trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Người. Theo Công Đồng Vatican II: “Dựa vào sứ mệnh Chúa ủy thác, Giáo Hội rao giảng Phúc Âm cho mọi người và phân phát các kho tàng ân sủng” (GS 89). Cũng theo Công Đồng Vatican II: “Sứ mệnh của Giáo Hội nhằm cứu độ con người, sự cứu độ thành đạt được nhờ đức tin vào Chúa Kitô và nhờ ân sủng Người. Vậy việc tông đồ của Giáo Hội và của tất cả các chi thể trong Giáo Hội trước hết nhằm loan báo sứ điệp của Chúa Kitô bằng lời nói, việc làm và nhằm chuyển thông ân sủng của Người cho trần gian” (AA 6). Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI khẳng định: “Rao giảng Tin Mừng là ơn huệ và ơn gọi riêng của Giáo Hội, là chân tính sâu xa nhất của Giáo Hội” (Evangelii Nuntiandi 14). Cũng theo ngài: “Việc Phúc Âm hóa luôn luôn hàm chứa một công bố rõ ràng rằng nơi Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, Đấng đã chết và đã sống lại, ơn cứu độ đã được ban cho mọi người như ân sủng và lòng nhân lành của Thiên Chúa. Sự công bố này là nền tảng, trung tâm và chóp đỉnh của việc Phúc Âm hóa” (Evangelii Nuntiandi 27).

Chúng ta có thể kết luận rằng tương quan giữa Thiên Chúa và con người cũng như muôn vật muôn loài là tương quan ân sủng, nghĩa là nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà con người và muôn vật muôn loài được hiện hữu, tiến triển và thành toàn. Tuy nhiên, Nguyên Tổ của gia đình nhân loại đã phạm tội và tự đoạn tuyệt với ân sủng của Thiên Chúa. Dầu vậy, chương trình ân sủng của Người vẫn tiếp tục trong lịch sử nhân loại cũng như lịch sử thế giới thụ tạo. Đặc biệt, khi thời gian tới hồi viên mãn, Đức Giê-su là Con vĩnh cửu và là Ân Sủng vĩnh cửu của Thiên Chúa đã đến trần gian. Với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su, Thiên Chúa vốn là vô hình đã trở nên hữu hình và cho phép con người tiếp cận, hầu thiết lập mối tương quan liên vị với Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính Đức Giê-su đã diễn tả Người là Nguồn ân sủng, là Ân Sủng và là Đấng trao ban ân sủng. Quả thực, trong hành trình loan báo Tin Mừng, Người đã đến với mọi người và ban phát ân sủng cho tất cả, nhất là những người tội lỗi, đau khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi, bị loại trừ hay bị ma quỷ hành hạ. Đường của Người trong hành trình trần thế là Đường Ân Sủng, Đường nối kết con người với Thiên Chúa, với nhau và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Nhờ Đức Giê-su là Đường Ân Sủng, con người được khôi phục phẩm giá là hình ảnh Thiên Chúa, đặc biệt, được thông phần bản tính Thiên Chúa và trở nên con cái của Người. Mọi người trong gia đình nhân loại được mời gọi đến với Đức Giê-su và đi trên Đường Ân Sủng của Người để đến với Quê Hương vĩnh cửu là Nước Thiên Chúa. Ước gì lời cuối cùng trong cuốn sách cuối cùng của bộ Kinh Thánh (sách Khải Huyền) trở nên hiện thực nơi các thành phần của gia đình nhân loại: “Chúc mọi người được đầy ân sủng của Chúa Giê-su” (Kh 22,21). 

Nguồn: WHĐ (25.02.2022)