Nhiều bạn trẻ nhắn tin cho tôi, kể về đời sống luân lí (đạo đức) của họ, cụ thể về những tội đã phạm, rồi hỏi tôi rằng: “Thưa cha, con như vậy có thể đi tu được không? Làm sao biết mình có ơn gọi?”
Quả thực, khó mà đưa ra câu trả lời qua tin nhắn. Vấn đề ơn gọi cần phải trực tiếp đối thoại để biết thêm nhiều thông tin, mới có thể nói được điều gì. Cho nên tôi thường yêu cầu họ nói cụ thể hơn và nhận định của bản thân họ, rồi tôi mới đưa ra vài gợi ý chung chung.
Trong bản hỏi thưa Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 358 nói về những dấu chỉ cho biết mình có ơn gọi sống đời thánh hiến như sau:
– Một là có ý ngay lành và ước muốn dân thân phục vụ Chúa và tha nhân;
– Hai là có đủ điều kiện Hội thánh qui định;
– Ba là được những người có trách nhiệm tuyển chọn.
Hội thánh qui định trong các khoản giáo luật sau đây:
Ðiều 641: Việc thu nhận các tuyển sinh thuộc thẩm quyền của các Bề Trên cao cấp, chiếu theo các quy tắc của luật riêng.
Ðiều 642: Các Bề Trên hãy cẩn thận ý tứ, chỉ nên thu nhận những ai đã đủ tuổi cần thiết, có sức khỏe, tính nết thích hợp, các đức tính đầy đủ của kẻ trưởng thành hầu có thể theo đuổi nếp sống tu trì riêng biệt của dòng. Nếu cần, việc chứng minh sức khỏa, tính nết và sự trưởng thành có thể nhờ đến các chuyên viên, miễn là giữ các quy tắc của điều 220.
Ðiều 643: (1) Việc thâu nhận những người sau đây sẽ vô hiệu:
ai chưa tới mười bảy tuổi trọn;
người đã lập gia đình, bao lâu giá thú còn hiệu lực;
kẻ hiện đang bị ràng buộc với một hội dòng tận hiến hay tu đoàn tông đồ, đừng kể trường hợp dự liệu ở điều 684;
kẻ vào dòng vì vũ lực, sợ hãi trầm trọng hay lường gạt; hoặc kẻ nào mà Bề Trên phải nhận cũng với tình trạng tương tự;
kẻ giấu diếm việc mình đã gia nhập một hội dòng tận hiến hay một tu đoàn tông đồ.
(2) Luật riêng có thể thiết lập các ngăn trở khác của việc thu nhận, kể cả chi phối sự hữu hiệu, hoặc đặt thêm các điều kiện khác.
Chúng ta thử xét trường hợp của anh bạn trẻ trong Tin mừng Mc 10 xem anh có hội đủ các điều kiện không. Anh ta là một người đạo đức, có ước muốn ngay lành là được sống đời đời. Ước muốn rất tha thiết, vì khi Chúa đang đi đường thì anh ta đã chạy theo rồi quì xuống giữa đường mà hỏi “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,18). Còn đối với các giới răn, thì anh ‘tuân giữ từ thuở nhỏ’: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ” (cc. 19-20).
Ngày nay, một bạn trẻ như vậy là quí hiếm. Một người như thế chắc chắn xứng đáng là ứng sinh vào chủng viện hay dòng tu. Nếu anh ta sống thời các tông đồ sau khi Chúa về trời, thì có thể đã được nhận làm môn đệ rồi.
Nhưng anh ta lại gặp trực tiếp Chúa Giê-su, nên Chúa đưa ra đòi hỏi cao hơn: “Anh chỉ thiếu có một điều là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.’ Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10,21-22).
Anh ta dính vào một vấn đề căn bản đó là ham mê của cải, khiến anh không thể thanh thoát để theo Chúa được.
Của cải là tất cả những gì bạn đang có hay ước ao có, bao gồm các phương diện vật chất và tinh thần. Bạn muốn theo Chúa, nhưng bạn còn ham mê lạc thú, điều mà bạn đã từng nếm trải trong đời sinh viên? Bạn còn nặng tình với người bạn trai hay bạn gái; thích chat với bạn bè; sợ cảm giác cô đơn; sợ không còn ai nhớ đến mình, không ai nhắn tin… Bạn sợ người ta chê cười nếu bạn không tiếp tục tu.
Tôi đề cập đến điều này, vì có bạn hỏi rằng “đi tu có cho dùng điện thoại không?” Câu trả lời là ‘không’.
Nếu muốn đi tu, bạn hãy gặp Chúa. Ngài ở trong Giáo hội, Ngài sẽ nói điều kiện dành riêng bạn. Những đề nghị của Chúa có thể bất ngờ, chẳng hạn: “Nếu con muốn theo ta, hãy về, bẻ sim, vất điện thoại của mình, con sẽ được thanh thoát. Rồi hãy đến theo Ta.”
Bạn sẽ vui mừng như người tìm ra viên ngọc quí hay tối sầm mặt lại như chàng thanh niên này?
Nguồn: https://phamquanglong.wordpress.com